(Kính tặng nhạc sĩ Đỗ Lập và Phan Thị Kim Diệu!)
Ông bạn vong niên làm những việc không ai ngờ tới. Lúc đầu là đi 63 tỉnh thành để lấy dúm đất quê hương làm nên sa bàn Đất Việt. Chất liệu để ông làm sa bàn là từ đất, từ cây mít sau vườn nhà cháy bỏng tình yêu nước non quê nhà, dâng tặng thủ đô nhân đại lễ ngàn năm Thăng Long – Hà Nội vào dịp 2010. Vừa rồi lại chuyến xuyên Việt lần hai, giờ vẫn đang đi giai đoạn hai của hành trình 63 tỉnh thành. Chuyến đi này là tuyên truyền về tình yêu biển đảo, lấy bút tích, chữ kí của đồng bào gửi ra các chiến sĩ hải quân. Đã hơn 10 quyển sổ lớn chi chít chữ và bút tích của đồng bào cả nước. Những quyển sổ ấy và cả chiếc xe đi dặm dài hành trình ấy ông cũng hiến tặng Bảo tàng và chiến sĩ hải quân. Ông bạn vong niên ấy tuyệt nhiên không nhận ai một đồng nào, chỉ nhận tấm lòng truyền lửa đến đảo khơi một tình yêu nước trước sự xăm xoi, lăm le bành trước của giặc.
Lại nữa, hôm rồi ông có dịp tới chỗ ở của chúng tôi trà nước xong xuôi, ông nhả khói từ điếu thuốc không rời tay và nói một câu, một thiện nguyện mà tôi nghe thêm lần bất ngờ từ lão bạn 71 tuổi này! Ông nói: “Tau muốn hiến xác cho khoa học sau khi tau chết, tấm thân này có gì để tiếc, để giữ cho nhọc mệt. Mày chỉ tau cách thức liên hệ với ai, chỗ nào nhé!”. Tôi nghe xong, im lặnghồi lâu và tán thán vô cùng công hạnh ấy. Lão cười như không có chuyện gì xảy đến.
Tôi lục trong trí nhớ mình coi ai đã có từng làm hạnh nguyện hiến xác này, thì ra có cô bạn chung cơ quan. Xung quanh tôi toàn là những người tốt, những người làm thiện nguyện trong âm thầm mà cao cả, tôi không chịu thấy để học ở họ mà chỉ nghĩ và tìm những cái xa xăm, không thật, tự mình vẽ bóng. Tôi thấy mình bời rời.
Được biết, chị bạn làm chung cơ quan từng hiến máu nhân đạo 33 lần, vậy mà sức khỏe vẫn tốt lắm! Chị nghe tôi hỏi cách thức liên hệ để đăng kí hiến xác cho khoa học thì vui vẻ đưa tờ giấy xác nhận có ghi địa chỉ, điện thoại liên hệ. Chị bạn ấy hiến xác sau khi chết cho khoa học từ năm 2012. Tôi hỏi chị ta: “Vì sao bạn có ý nguyện hiến xác cho khoa học vậy?”. “Vì trước đây mẹ tôi từng có ý nguyện này nhưng cả nhà không ai thuận tình. Tôi thấy ý nguyện của mẹ hay và tìm hiểu sâu thì thấy đó là việc nên làm. Túi da này có gì mà phải gìn giữ, chắt chiu vì nó mãi!”. “Vậy bạn có gặp trở ngại từ phía chồng con, anh chị em trong nhà?”. “Tôi đã thuyết phục. Hiện giờtrong nhà tôi, ngoài tôi còn có một người nữa cũng đã hoàn thành thủ tục xin được hiến xác cho khoa học sau khi chết”. Tôi lại cố tình hỏi thêm một câu rất vô duyên: “Hiến xác như vậy rồi có được ưu tiên gì không?!”. “Đã hiến xác lại còn mong cầu, đã làm điều tốt lại còn nghĩ chuyện ơn huệ thì thiệt là phi lí và không còn là lẽ đạo nữa rồi!”. Tôi nghe giật mình và thẹn cho mình xiết bao!
Chính vì ôm giữ, nuối tiếc, cho là trân quý, tìm cầu, tô vẽ cho thân này đẹp, muốn là trường cửunên mãi khổ lụy vì nó. Có thân mà không sử dụng thân đúng mục đích hóa ra uổng phí một đờingười.
Ông bạn già đi xuyên Việt hai chuyến vì người khác, rồi tâm nguyện xả thân này cho khoa học sau khi qua đời cũng là vì mọi người. Người bạn nữ trong cơ quan hiến máu nhân đạo rồi hiến xác cho y tế cũng nhẹ như không. Họ có khác nhau về tuổi tác, vóc hình, giới tính nhưng sao lúc này tôi thấy họ hiện thân của vẻ đẹp tinh khiết, vẻ đẹp của sự cho đi, cho chân thật, không bận tâm, không ngẫm ngợi. Họ an nhiên xiết bao. Cũng như nhưng nhánh huệ cứ thầm hiến hương và tâm trong veo ấy mỗi ngày bên bàn thờ Phật vậy! Nó tan chảy đến hết đời thì ra đi nhẹ nhàng…
(Trần Huy Minh Phương)