Nhiều nghiên cứu về lịch sử Đức Phật và ý nghĩa của Lễ Phật Đản. Ở đây, chúng tôi muốn tìm hiểu ý nghĩa ngày Đức Phật đản sanh theo một hướng đi khác. Đó là từ sự kiện lịch sử về Hoàng hậu Maya hạ sanh Thái Tử, chúng tôi muốn nói về việc sinh con và nuôi con theo quan điểm Phật giáo.

Tương truyền, “Vua Suddhodana GOTAMA và hoàng-hậu Maha-Maya là người giàu lòng nhân ái, kính trọng thánh hiền. Ðã gần bốn mươi tuổi mà chưa có con. Vua và hoàng hậu thường lập đàn cúng vái, và mở hội bố thí cho người nghèo khổ để cầu sanh được một hoàng nam hầu sau này nối ngôi vua.

Năm 624 trước tây lịch, tại khu lâm-viên xinh đẹp Lumbini (Lâm-tỳ-ni, hiện nay thuộc lãnh thổ Nepal), thái-tử Siddhattha GOTAMA, thuộc dòng-dõi bộ tộc Sakya, con vua Suddhodana GOTAMA, 42 tuổi, và hoàng-hậu Maha-Maya, 44 tuổi, sanh  vào ngày trăng tròn tháng Vesak (còn gọi là Visakha hay Vaisakha, tương ứng với tháng tư hay tháng 5 dl).

Hình ảnh Đức Phật Đản sanh có ý nghĩa lớn đối với những người làm mẹ

Trước đó mười tháng, trong khi được vua cho phép giữ tám giới thanh tịnh,  vào đêm trăng tròn tháng Asatha (tháng 6 hay tháng 7 dl), tại thành Kapilavastu (Ca-tỳ-la-vệ), hoàng-hậu Maya nằm mộng thấy một con voi trắng sáu ngà, trong bụng có một hoa sen lớn màu trắng, từ trên trời bay xuống chun vào hông phải của bà, lúc đó bà cảm thấy thân tâm khoái lạc, nhẹ nhàng, sáng chói như ánh trăng rằm.  Sáng hôm sau, bà thuật lại giấc chiêm bao kỳ diệu ấy cho vua nghe. Nhà vua cho mời 64 nhà tiên tri Bà-la-môn đến giải mộng; các vị nầy đoán là hoàng-hậu đã mang thai và thái-tử sắp được sanh ra sẽ là một đại đế hoặc một thánh nhân tiếng tăm lừng-lẫy. Từ lúc thọ thai thân tâm hoàng hậu luôn luôn được an lạc, thanh tịnh,  trí huệ sáng suốt.

Theo phong tục, gần đến ngày sanh, hoàng-hậu Maha-Maya đi từ thành Kapilavastu về nhà cha mẹ ruột là quốc vương Suppabuddha và hoàng hậu Amita ở thành Devadaha còn gọi là Ramagama thuộc xứ Koliya (Câu-lợi, hiện nay thuộc lãnh thổ Nepal). Giữa đường phái đoàn tạm nghỉ chân trong khu lâm viên Lumbini, cách Kapilavastu khoảng 30 km về hướng đông-nam, đang mùa hoa cỏ xinh tươi. Hoàng-hậu đến một hồ nước tắm rửa, thay đổi y-phục, rồi đi ngắm cảnh đẹp xung quanh hồ. Thấy đóa hoa Vô-ưu (asoka) vô cùng xinh đẹp trên cây, bà vói tay phải định hái thì chuyển bụng. Bà vội đứng vịn cành cây. Các thế nữ vội chạy đến đứng chăng màn bốn phía. Bỗng cõi đất rung động, hào quang chiếu khắp nơi, rồi thái tử xuất hiện ra đời, thân ngài thanh tịnh không bị nhơ nhớp, vẽ mặt an lành không khóc la. Chư thiên biết đấng cứu thế ra đời liền hiện đến tung hoa, tấu nhạc, ca hát chúc mừng. Hoàng hậu và các cung nữ hân hoan chào đón thái-tử”[1]

Hình ảnh Đức Phật Đản sanh có ý nghĩa lớn đối với những người làm mẹ

Qua lịch sử Đức Phật, chúng tôi không muốn chú trọng đến những khía cạnh huyền thoại như con voi trắng chun vào hông bên phải của hoàng Hậu Maya, Đức Phật vừa thị hiện đã đi được bảy bước chân sen và nói một tuyên ngôn đã đi vào trái tim hàng tỷ tỷ người con Phật – “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” (đọc thêm bài viết Ý nghĩa huyền thoại Đức Phật đản sanh). Ở đây, chúng tôi muốn nói về những điều kiện thuận lợi khi hoàng hậu Maya thụ thai Thái tử Siddhattha. Hiện thực Đản sanh ấy mang một ý nghĩa rất sâu sắc đối với việc mang thai và sanh con.

 Trong lịch sử về Đức Phật, phụ vương và mẫu hậu của Thái tử Siddhattha là những người giàu lòng nhân ái và thường bố thí cho người nghèo khổ. Nhân duyên tốt đẹp mà cha mẹ Ngài gieo tạo đã góp phần tạo phước đức cho chính Thái tử. Đây cũng là kinh nghiệm đối với những người phụ nữ sắp làm mẹ. Trước hết, nếu những người mong chờ có con thì hãy năng làm những việc thiện như bố thí, cúng dường, giúp đỡ người nghèo khó, phóng sanh. Đó là những nhân tố tốt để có được một đứa nhiều phước đức, ngoan hiền.

Hình ảnh Đức Phật Đản sanh có ý nghĩa lớn đối với những người làm mẹ

Trong truyện về quá trình thụ thai của Đức Phật còn có chi tiết “Từ lúc thọ thai thân tâm hoàng hậu luôn luôn được an lạc, thanh tịnh,  trí huệ sáng suốt”. Hoàng hậu Maya thọ thai một con người mà sau này trở thành một vĩ nhân với tâm từ bi tỏa rộng và trí tuệ siêu phàm đã có những tác động kỳ diệu đến thân tâm của bà. Từ đó, chúng ta có thể thấy được mối tương quan đặc biệt giữa người mẹ và thai nhi trong bụng. Nếu đứa con sau này là người có đạo đức thì người mẹ khi mang thai thường thích đi chùa, làm phước. Nhưng nếu đứa con sanh ra là một tội ác thì tâm tính của người mẹ thay đổi, rất kỳ đặc, nóng nảy.

Bên cạnh đó, khi người mẹ mang thai có những việc làm thiện hay ác cũng ảnh hưởng đến thai nhi. Trong khi đang mang thai, muốn đứa con sau này xinh đẹp và tăng trưởng trí tuệ, người mẹ nên tránh xem những phim bạo động, chết chóc, huân tập những từ ngữ xấu mà nên xem hình những em bé dễ thương hoặc chiêm ngưỡng hình ảnh của các vị Phật, Bồ tát. Người mẹ còn nên đi chùa, tụng kinh niệm Phật để tăng trưởng phước đức và trí tuệ cho bào thai trong bụng.

Khi sanh một đứa bé ra đời, việc giáo dục con trẻ cũng rất quan trọng. Nhiều bậc làm cha làm mẹ cho rằng, con trẻ còn nhỏ, chưa có ý thức nên hay có những hành động sai lầm hay dùng những lời nói thô lỗ, vô hình chung gieo vào tiềm thức của đứa trẻ những ý niệm xấu ác. Thay vì vậy, ngay từ khi con còn nằm nôi, những người mẹ hay huân tập cho chúng chủng tử Phật bằng những câu Phật ngôn hay nhạc niệm Phật, niệm Quan Thế Âm.

Khi đứa trẻ lớn lên, người mẹ nên thường xuyên dẫn con đi chùa, niệm Phật, học hỏi những lời dạy của Quy Chư Tăng, gần bậc thiện tri thức. Cứ như vậy, đứa trẻ sẽ lớn lên với trái tim của yêu thương và vị tha.

Hình ảnh Đức Phật Đản sanh có ý nghĩa lớn đối với những người làm mẹ

Nên thường xuyên dẫn con trẻ đến chùa tụng kinh, lễ Phật

Qua những chi tiết hiện thực trong huyền thoại về Đức Phật đản sanh, những người phụ nữ sẽ thấy được những ý nghĩa vô cùng sâu sắc khi mang thai và nuôi dạy con cái. Cả cuộc đời của Đức Thích Ca Mâu Ni ngay từ khi thị hiện, hành đạo rồi nhập Niết bàn đã là một tấm gương sáng cho khắp chúng sinh trong ba cõi sáu đường này. Hình ảnh của Ngài và những giáo lý của Ngài gần 3000 năm đến nay vẫn còn vẹn nguyên.

Nhuận Đoan

Theo Phật Pháp Ứng Dụng

[1] Soạn giả Minh-Thiện Trần-Hữu-Danh, Sự tích Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni, nguồn: quangduc.com