Ba bỏ đi khi tôi vừa tròn sáu tuổi. Mẹ mím môi thật chặt, nắm tay tôi đứng ngay bậc cửa, không trả lời ba, cũng không rơi nước mắt khi ba chào rồi bước thẳng. Nắng chiều nghiêng hết cả khoảng sân có cụm bông mào gà đỏ bầm như ụ máu khô cong. Chuyện người lớn nên mẹ chỉ nói ngắn gọn: “Ba có công việc nên đi, xa mẹ con mình một thời gian”.
 
Tôi im lặng nhưng lờ mờ hiểu, từ nay tôi sẽ chẳng còn dịp được ép mặt vào tấm lưng nóng ấm mỗi khi được ba cõng; không còn cảnh tôi nhõng nhẽo với ba và những đêm ba thức trắng canh chừng khi tôi bệnh. Giờ, chỉ có tiếng thạch sùng vọng suốt canh thâu.

Còn lại một mình, mẹ phải gò lưng trên máy may nhiều giờ hơn để kịp hẹn giao đồ cho khách, cho tôi đóng học phí, cho tôi chiếc áo dài, cho tôi ngày mai đàng hoàng bước vào cổng trường đại học. Có những khuya tỉnh giấc, tôi thấy mẹ còn cặm cụi ngồi may, tiếng đạp máy rè rè; ngoài kia, tiếng vạc sành kêu hiu hắt, buồn như muốn vỡ lồng ngực…

Ba đi theo người đàn bà ấy vì bà đang mang trong bụng đứa con trai mà ba hằng mong mỏi, bởi mẹ đã không còn khả năng sinh nở sau căn bệnh tai biến bất ngờ. Lúc đó ba mất việc, hàng ngày thường ra quán cà-phê đầu ngõ ngồi buồn. Cô chủ quán ngỏ lời hỏi han, an ủi khiến ba ngã lòng và dần xa cách gia đình khi cô chủ báo tin về cái bào thai ba tháng. Đến khi biết đó là con trai, ba mừng vui phấn khởi, về chia tay mẹ êm ái rồi ra đi không một lần ngoái lại. Mẹ giận hờn, tủi thân nhưng đành gạt nước mắt mà đau. Đứa con gái ngoan ngoãn là tôi không thể giữ được chân cha.

Sau này, tôi biết thêm nhiều đêm chờ con ngủ say, mẹ một mình khóc thương cho phận mình bạc phước. Nhưng nén chặt trong lòng bao uất ức, mẹ không muốn con buồn lòng mà sa sút việc học hành. Nỗi hờn ghen đàn bà gặm nhấm thanh xuân, nên trông mẹ già hơn tuổi. Vết chân chim trên khóe mắt mẹ như hằn sâu thêm nỗi giận ba trong lòng tôi, tôi quyết tâm học thật giỏi để có thể chăm sóc mẹ sau này và chứng tỏ cho ba thấy “con gái không hề vô dụng, con gái cũng làm được những chuyện mà con trai có thể làm”.

Mẹ hy sinh tuổi xuân cho con gái, dồn hết tình thương vào tôi. Cũng có vài người đàn ông muốn gá nghĩa, nhưng mẹ từ chối hết.

Tôi quyết tâm thi vào Đại học Y, vì thấy sức khỏe của mẹ sau bao năm lao lực đã giảm sút rất nhiều, mỗi khi trái gió trở trời là mẹ than đau lưng, nhức mỏi vai gáy. Ngồi may lâu ngày, cột sống của mẹ bị thoái hóa, lại vò võ canh thâu nên mẹ gầy ốm hẳn. Mẹ là thợ may nhưng lại không dám may áo mới cho mình. Mẹ hay nói dối “ăn rồi” khi mâm cơm dọn lên chỉ có khúc cá hay miếng thịt nhỏ, bởi mẹ xót con đang dần thành thiếu nữ mà cơ thể không phổng phao bằng chúng bạn, làn da xanh xao vì tàn dư của sự suy dinh dưỡng dạng thấp còi khi còn bé.

Những khi ấy, ba còn mải mê nâng niu, bồng bế con trai cưng của ba. Ba làm ngựa nhong nhong cho con trai leo lên cưỡi cười khanh khách. Ba lo từng ly sữa, từng chén cơm cho con trai để con cao lớn, thông minh.

Lâu lâu ba cũng có ghé qua nhà nhìn tôi một chút rồi đi. Tôi không biết ba nói với mẹ những gì, vì tôi ghét ba nên hay tìm cớ lảng tránh qua chơi nhà bạn. Những lần đó, tôi thấy mẹ có thêm chút sinh khí sau bao ngày lặng lẽ.

Mẹ vẫn mòn mỏi chờ đợi ba hồi tâm quay về. Ngày tháng vô tình trút lên tóc mẹ màu mây trắng mông lung. Ba như lãng khách phiêu du theo những chuyến đi vô định, theo nỗi lo cơm áo gạo tiền oằn trên vai áo sờn phai.

Nghe đâu, người đàn bà ấy đã bỏ ba khi em trai lên năm tuổi vì một người đàn ông khác giàu hơn. Ba ngậm ngùi gửi em về bên ngoại. Em lớn lên không có sự dạy dỗ của ba và tình thương của mẹ nên thành một đứa con trai ngổ ngáo, bất cần đời. Ba vì mải mê cuộc sống mưu sinh và những cuộc tình phù phiếm nên cũng dần xao lãng em, nhất là khi em đến tuổi dậy thì với biết bao khó khăn tâm sinh lý, trong khi bà ngoại đã già không thể hiểu hết tâm tư của đứa cháu trai mới lớn, cậu dì thì ai cũng có gia đình với những nỗi lo riêng.

May sao tôi còn có mẹ nên không mấy ngỡ ngàng, hoảng hốt khi thấy cơ thể mình thay đổi vào cái ngày tôi trở thành thiếu nữ. Trên mỗi bước đường đời, tôi luôn có một “người bạn lớn” là mẹ thấu hiểu, cận kề và chỉ dạy mọi điều. “Mẹ ơi! Con yêu mẹ” – dẫu tôi có thốt lên vạn lời cảm ơn hay ngàn câu yêu thương như thế cũng không thể diễn tả hết nỗi lòng tôi dành cho mẹ. Yêu thương như thanh âm lặng lẽ lan tỏa vào tận từng tế bào, như mạch nước ngầm cuộn chảy vào những ngóc ngách vi tế, sâu thẳm nhất tâm hồn – hạnh phúc mỗi ngày đang lớn dần lên trong con.

Sau khi ra trường, tôi được nhận vào làm tại một bệnh viện lớn của thành phố nhờ kết quả tốt nghiệp loại giỏi và nhờ có sự nâng đỡ của anh – người bác sĩ tận tâm dìu dắt tôi khi tôi xin vào thực tập trong bệnh viện. Anh là một bác sĩ rất giỏi về chuyên môn và hết lòng vì bệnh nhân, mải học tập và làm việc nên dù đã hơn ba mươi tuổi vẫn chưa lập gia đình. Nhưng không phải vì thế mà tôi yêu anh, nếu không có lần chứng kiến cảnh anh đưa người bệnh vào cấp cứu. Trong cơn mưa chiều, anh vừa từ bệnh viện ra về, vậy mà khoảng ba mươi phút sau lại thấy anh bế xốc đứa bé còm cõi trên tay lao nhanh vào phòng, thăm khám và hô hấp cho em mau lấy lại nhịp tim, tiếc là số phận không may do vết thương quá nặng nên em đã qua đời. Anh bất lực vò đầu trong im lặng.

Sau đó tôi nghe anh kể lại: trên đường về nhà, trời bỗng đổ mưa to nên anh trú tạm ở một mái hiên, vô tình chứng kiến em bé bán vé số bị tai nạn khi băng qua đường nên chạy ra tiếp cứu. Hai cha con người bán vé số từ Quảng Bình lặn lội vào Sài Gòn mưu sinh, khi gặp nạn không có nổi một trăm ngàn về quê nên anh đã bỏ tiền thuê xe chở cả thi hài em bé và người cha khốn khổ về tận nhà. “Xót xa lắm em, khi mình bất lực chứng kiến cảnh khổ của người khác. Ba thằng bé cứ cố quỳ xuống lạy tạ ơn. Anh càng thấy mình phải cố hơn nữa trong chuyên môn vì những mảnh đời nhỏ nhoi cần giúp đỡ”.

Cảm phục anh, tôi dần yêu anh lúc nào không hay, yêu trong sự ngưỡng mộ và tôn thờ, yêu một tấm lòng nhân hậu. Khi đã thành vợ chồng rồi, tôi hỏi: “Sao anh lại chọn em khi em nhỏ bé và không có gì nổi bật?”. Anh búng mũi tôi, nhẹ nhàng trả lời: “Vì cô thực tập sinh nhỏ nhắn đã không ngần ngại máu thấm ướt hết cả áo khi cùng anh cấp cứu cho cậu nhỏ bán vé số ngày xưa”. Tôi dụi đầu vào anh hạnh phúc, vòng tay ấm áp này sẽ mãi mãi che chở cho tôi trước phong ba bão táp cuộc đời.

Mẹ tôi đã không còn là thợ may mấy năm rồi. Mắt mẹ mờ và tay không còn khéo léo như trước nữa. Mẹ vui tuổi già bên hai đứa cháu trai ngày ngày quấn quýt đòi bà kể chuyện, pha sữa và gãi lưng cho cháu ngủ.

Còn ba tôi, một lần lên cơn tai biến và bị té ngoài đường, người ta đưa ba vào viện cấp cứu. Lục trong túi thấy địa chỉ và số điện thoại của mẹ nên bệnh viện gọi về, mẹ tức tốc vào viện chăm sóc. Sau cả tháng dài điều trị, ba xuất viện về với ngôi nhà cũ của mình. Mẹ vốn bận rộn vì hai đứa cháu, nay lại phải chăm thêm ba nên công việc cứ xoay tít cả ngày.

Mẹ nói: “Thôi con ạ, hết tình thì còn nghĩa. Giờ ba trở về rồi, con đừng giận ba nữa, tội nghiệp cho ổng. Tha thứ cho người cũng chính là tha thứ cho chính mình đó con. Dù sao cũng là ba của con, dòng máu trong con là nhờ ba truyền cho, dù không dưỡng nhưng công sinh cũng cao như trời bể. Mẹ đã không giận thì con cũng nên cởi bỏ cho nhẹ lòng nghen con”.

Mẹ tôi đó, vẫn bao dung như lòng mẹ thủy chung dù bao nhiêu bạc bẽo mà đời dành cho mẹ. Tôi đã có tình mẹ vô bờ bến và tình yêu chân thành của chồng, sự ngoan ngoãn của các con, nên sự giận hờn nông nổi ngày xưa cũng dần tan biến. Ba ơi, ba vẫn là người cha ngày nào thức hát ru con trong đêm dài thinh vắng!

Tôi thấy mình thật hạnh phúc khi mùa Vu lan này được trân trọng cài lên ngực mình bông hồng đỏ thắm – tình thương vô bờ bến của mẹ cha phủ kín tâm hồn.

Nguyễn Hồng Vân