Từ ngày 5 đến ngày 8-12-2015, hơn 1.200 đại biểu là chư tôn đức Tăng Ni thuộc Ban Hoằng pháp các tỉnh, thành cả nước và 700 hoằng pháp viên, 20.000 Phật tử, 2.000 thanh thiếu niên sẽ có mặt tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tham dự Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc 2015 do Ban Hoằng pháp T.Ư GHPGVN kết hợp với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh BR-VT tổ chức với chủ đề “Sứ mạng hoằng pháp – Hội nhập và phát triển”.
Đây được xem là hoạt động quan trọng của của ngành trong năm 2015. Trao đổi với PV Giác Ngộ về Hội thảo, HT.Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo cho biết:
– Đức Phật sau khi thành đạo đã nghĩ ngay đến việc thành lập Tăng đoàn cũng không ngoài chủ đích là hoằng pháp. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, sự nghiệp hoằng pháp luôn được các bậc tiền nhân theo đuổi và đề cao dưới hình thức này hay hình thức khác, khéo vận dụng phương tiện để đem đạo vào đời, nhân rộng các sinh hoạt tốt đẹp vốn có của Phật giáo.
Xã hội ngày nay có nhiều thay đổi đến chóng mặt và cụm từ mà người ta nhắc đến nhiều nhất là “Hội nhập – Phát triển”. Hai hiện tượng này được hình thành song song trên hai mặt của một vấn đề, cơ hội và thách thức, tích cực và tiêu cực, nói theo quan điểm Phật giáo đó là thuận duyên và nghịch duyên. Cơ hội ở đây là chúng ta đang được sống trong một đất nước thái bình, yên ổn và đang phát triển, được quần chúng tin tưởng, được nhà nước hỗ trợ tối đa trên mọi phương diện để chúng ta tu học và hoằng pháp. Còn thách thức là nói về những rào cản, những trở ngại khách quan do tác động xã hội như sự du nhập các nền văn hóa ngoại lai, sự bùng nổ thông tin đa chiều và nhiều vấn nạn phát sinh từ nền kinh tế thị trường, sự chủ quan của chính chúng ta khi chúng ta đang đối mặt trước sự cám dỗ của thế giới vật chất, xu hướng thời đại mà khả năng khống chế dục vọng nơi bản thân lại bị giới hạn.
Trên cơ sở đó và tiếp nối những hoạt động Phật sự quan trọng của Giáo hội, Ban Hoằng pháp T.Ư đã kết hợp với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc 2015 với chủ đề: “Sứ mạng hoằng pháp – Hội nhập và phát triển” với nhiều nội dung riêng biệt không chỉ dành cho chư Tăng Ni và còn hướng đến đối tượng quan trọng là hàng Phật tử hộ đạo. Bởi lẽ, vấn đề hoằng pháp ngày nay không chỉ dành riêng cho hàng tu sĩ xuất gia, mà là cho tất cả người con Phật trong hàng ngũ tứ chúng. Đây là trách nhiệm chung, là việc làm cao cả để duy trì mạng mạch của Phật pháp.
* Thời gian gần đây Ban Hoằng pháp T.Ư đã nhiều lần tổ chức các hội thảo liên tiếp nhau với khoảng cách thời gian ngắn, Hòa thượng nhận định thế nào về hiệu quả các hội thảo vừa qua?
– Để đánh giá lại những gì được thực hiện, chúng ta cần phân định 2 giai đoạn phát triển của ngành hoằng pháp kể từ ngày thành lập Giáo hội và các ban, ngành đi vào hoạt động. Qua đó, từ nhiệm kỳ VI của Giáo hội về trước, dưới sự lãnh đạo của HT.Thích Trí Quảng, ngành hoằng pháp tập trung vào công tác đào tạo nhân sự với nhiều khóa học ngắn hạn, hoặc dài ngày nhằm tạo ra một lực lượng kế thừa cho sự phát triển vững bền. Nhờ nền tảng vững chắc này mà chúng ta có thể chủ động tiến hành nhiều Phật sự quan trọng với nội lực tự thân là chư tôn đức trẻ về tuổi đời, vững về kiến thức và được đào tạo bài bản.
Khi chúng tôi được đề cử đảm nhiệm phụ trách ngành hoằng pháp đã thừa hưởng những thành quả của việc đào tạo ấy và tiếp bước thứ hai là triển khai các hoạt động sâu rộng mà trong đó các hội thảo khu vực, hội thảo toàn quốc, hội thảo chuyên đề nội dung cụ thể để tìm giải pháp trong công cuộc truyền bá Chánh pháp. Qua đó, chúng ta đã tổ chức nhiều hội thảo hoằng pháp cấp quốc gia quy tụ hàng ngàn chư tôn giáo phẩm cũng như những hội thảo nhỏ cấp vùng miền và tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong sinh hoạt của ngành. Trước hết cần khẳng định đây là dịp hoạch định những bước đi mang tính thời đại trong sự nghiệp xiển dương Chánh pháp. Ngoài ra, các hội thảo đã nêu ra nhiều phương thức mới, cách làm mới trong việc đưa đạo vào đời và tạo ra không khí hân hoan, cổ động nhiều người tiếp cận giáo lý đạo Phật.
* Các hội thảo gần đây ngoài việc dành cho chư Tăng Ni thảo luận, Ban Hoằng pháp T.Ư còn triển khai các khóa tập huấn hoằng pháp viên. Ban đã có một đánh giá sơ bộ nào về sức lan tỏa của lực lượng này chưa, thưa Hòa thượng?
– Như chúng tôi đã nói, hoằng pháp không phải là việc làm của chư Tăng Ni mà là sứ vụ của tứ chúng. Do vậy, quần chúng Phật tử được xác định có vị trí vô cùng quan trọng đối với sự thịnh suy của đạo pháp và Giáo hội. Với đặc thù của ngành, quần chúng Phật tử được chắt chiu và tổ chức thành các khóa đào tạo hoằng pháp viên mỗi lần hội thảo được tổ chức.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều được tập huấn hoằng pháp viên mà phải có sự chọn lựa từ các tỉnh thành để đào tạo trở thành một lực lượng hoằng pháp viên ưu tú, am hiểu kiến thức Phật pháp và có tư cách đạo đức tốt. Từ đó chính họ sẽ trở thành những nhà hoằng pháp không chỉ thông qua thuyết giảng mà bằng những hành động, lời nói cụ thể trong đời thường mỗi cá nhân. Người cư sĩ Phật tử nếu là tấm gương sáng mẫu mực trong cuộc sống gia đình, định hướng cho con em một đời sống đạo đức, tâm linh hướng thượng và một lối sống lành mạnh, phạm hạnh; tránh những tệ nạn xã hội và cám dỗ từ điều xấu ác thì có ý nghĩa hoằng pháp rất lớn.
Trở lại câu chuyện đào tạo, chúng tôi chưa có một thống kê chính xác về kết quả tập huấn hoằng pháp viên sau khi họ trở lại địa phương, nhưng có một điều chắc chắn rằng đa số lượng nhân sự được tham dự đã và đang dấn thân không mệt mỏi cho lý tưởng và sự an lạc của chính mình cũng như những người thân yêu xung quanh họ. Riêng cá nhân, tôi rất hoan hỷ khi được nghe kể nhiều câu chuyện cảm động về việc làm cũng như tâm nguyện của các hoằng pháp viên trong thời gian qua.
* Nhưng như vậy liệu có rơi vào tính hình thức hay lãng phí không khi mà hội thảo ngày càng tổ chức quy mô, tốn kém và mất khá nhiều thời gian?
– Tôi cũng có nghe một số dư luận cho rằng công tác tổ chức các hội thảo của ngành ngày càng mang tính hình thức và khá tốn kém. Về điều này, cá nhân tôi có quan điểm rằng mọi sự đầu tư về tài lực, vật lực và nhân lực cho một sứ mệnh nào đó nếu để suy xét ở khía cạnh được mất ban đầu thì không toàn diện mà phải có những đánh giá tổng thể.
Mỗi Phật sự đều có những hoạt động đặc thù và chắc chắn sẽ phải tốn kém nên cần sự đóng góp, hỗ trợ từ nhiều phía. Riêng với hội thảo, những gì bỏ ra với kết quả mang lại là tương xứng khi làm cho các cơ quan, ban ngành liên quan hiểu thêm về Phật giáo mà có những chính sách hỗ trợ theo khuôn khổ của pháp luật. Với nhân dân địa phương một số nơi tổ chức thì họ cũng có dịp tiếp cận được Phật giáo, để rồi gắn bó với đạo Phật khi nhận thức được những giá trị, hạnh phúc mà Phật giáo mang lạị. Những điều này không thể lấy giá trị vật chất ra để so sánh và đánh giá.
* Trong Hội thảo Hoằng pháp tại Đắk Lắk vừa được tổ chức giữa năm 2015, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu đối với công cuộc hoằng pháp dành cho đồng bào dân tộc. Hội thảo sắp được tổ chức có đề cập về chuyện này?
– Hoằng pháp với đồng bào các dân tộc là mối ưu tư lớn của chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội và Ban Hoằng pháp T.Ư nên chắc chắn sẽ được nhắc lại nhiều lần như một nhiệm vụ trọng tâm. Vừa qua, chúng ta đã tổ chức lễ hội hoằng pháp khá thành công đối với đồng bào các dân tộc vùng núi phía Bắc và làm cho họ hiểu thêm về Phật giáo.
Riêng khu vực Tây Nguyên, để làm được việc này chúng tôi cần sự dấn thân của chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội các địa phương và những cá nhân nhiệt tâm. Chúng ta cần những chính sách hữu hiệu hơn nữa để có những kết quả khả quan và không chỉ trong hội thảo này mà cuối năm nay sẽ có một bàn tròn giữa lãnh đạo Ban Hoằng pháp T.Ư với chư tôn đức phụ trách các tỉnh Tây Nguyên để thống nhất các nội dung hành động cho khu vực này.
* Chân thành cảm ơn Hòa thượng!
Bảo Thiên thực hiện