Lão Phú là một nghệ nhân tài hoa, nhưng tính tình hơi kỳ quái nên dân xóm này hay gọi lão một cách vui đùa là Phú Mát. Vợ lão giận lão lắm, giận đã lâu nhưng chị ta không nói ra, chờ một cơ hội nào đó thật đắt giá.
Vợ chồng lão Phú không phải người gốc xóm này. Quê lão ở tận xứ Phan Rang đầy nắng gió. Vì lỡ một chuyến đò mà cả nhà lão phải nhận mảnh đất này làm quê hương thứ hai.
Ngoài cõi quê xa tít, lão Phú cũng có mảnh đất của gia đình mấy đời để lại. Hai vợ chồng lão mở một quán tạp hóa bán cho bà con trong làng. Tiệm tạp hóa của vợ chồng lão hầu như không thiếu thứ gì, từ thực phẩm cho đến cây kim sợi chỉ. Ban đầu cửa tiệm hàng hóa phong phú lắm, nhưng buôn bán sao không biết mà hàng họ ngày càng teo tóp lại. Nói cho cùng, không phải vợ chồng lão không biết tính toán mà vì dân trong làng hầu như ai ai cũng khó khăn. Có tiền họ cũng ghé tiệm lão mà không tiền họ cũng ghé. Trong khi tỷ lệ mua thiếu thì ngày một tăng… Riết rồi tiệm tạp hóa của vợ chồng lão từ khá giả không đầy mấy năm mà trở nên ọp ẹp. Vợ lão rầu lo, còn lão thì căng thẳng bởi nhiều suy nghĩ. Cuối cùng lão nói với vợ:
– Em đem cuốn sổ nợ ra đây tui coi.
Vợ lão ra vẻ mừng, nói với chồng:
– Anh coi đi đòi được đồng nào thì hay đồng nấy!
Có ai dè lão Phú cầm cuốn sổ nợ không coi không rằng, bật hộp quẹt đốt cháy sạch rụi. Vợ lão thấy vậy khóc như mưa bão. Lão trầm tĩnh nói:
– Tui sẽ đưa cả nhà mình đi nơi khác làm ăn. Sau này mình cũng sẽ trở về và còn nhìn mặt bà con nữa mà em!
Bán hết nhà cửa đất đai, gom thành cục vốn vào Sài Thành làm ăn. Vợ chồng lão mua thổ cẩm Mỹ Nghiệp đem bán khắp các tỉnh miền Tây. Ban đầu cũng kiếm được chút lãi, coi như sống được. Đầu tiên là hàng đổi tiền, tiền sinh tiền, sau là hàng đổi hàng, mà cụ thể là thổ cẩm đổi heo con. Heo con đem về bán ra không được, heo chết. Thế là sạch túi thêm một lần nữa… Cả nhà lão lại trôi từ đất Sài Thành về đây. Nhưng ông trời dù có chơi lão te tua chứ không nỡ triệt lão. Hết tiền vốn, lão lại lấy cái chất tài hoa vốn có của mình để nuôi vợ nuôi con. Lão làm gốm mỹ nghệ, cái nghề mà mẹ của lão đã làm nuôi lão thuở thiếu thời, lão không được chân truyền từ mẹ mà chỉ học lóm. Nhưng vì bản tính thông minh và có dòng máu tài hoa nên tay nghề của lão không thua bất cứ một nghệ nhân nào của xứ Bàu Trúc cả.
Lão Phú nhồi xong cục đất sét trên cái bàn gỗ, lão dừng tay châm điếu thuốc. Hít một hơi dài, nhìn đứa con trai út, lão nói:
– Ngày xưa ăn Tết mới có thịt kho tàu, mới có nem chả và bánh tét bánh chưng, mới được bộ quần áo mới… giờ thì tụi bay ngày nào cũng ăn Tết cả!
Chị Trà vợ lão đang ngồi lặt rau muống hứ một tiếng và xen vào:
– Xưa nay Tết là bắt đầu bằng ngày mùng một tháng Giêng… Một năm chỉ có một ngày này, làm gì có chuyện ngày nào cũng Tết được?
Lão Phú ra vẻ từ tốn chỉnh lời vợ:
– Tui nói ngày nào cũng Tết là tui nói ví von so sánh ấy! Ý là đời sống bây giờ đã nâng cao. Chứ nói kiểu của mẹ sắp nhỏ thì thằng điên cũng biết thế mà!
Chị Trà sẵn dịp trả thù cái uất ức năm xưa, liền bẻ ông chồng cho hả giận:
– Đời sống, mức sống có cao bằng trời đi nữa thì cũng không thể nói là ngày nào cũng ăn Tết được! Ngày nào cũng ăn Tết thì ai phải đi làm? Mà không đi làm thì lấy cái gì để ăn Tết? Ngày nào cũng Tết thì ngày nào cấp dưới cũng phải dâng biếu quà cáp cho quan trên, thành thử chỉ cần làm quan một năm thôi là xây biệt phủ hết à? Ngày nào cũng ăn Tết thì ngày nào cũng đi chơi, thế thì giao thông kẹt cứng hết? Thế thì tai nạn giao thông lại tăng cấp số nhân? Thế thì bệnh viện phải mọc lên như nấm sau mưa à? Ngày nào cũng Tết thì loài người ai cũng sống đến mấy ngàn tuổi hết hay sao? Thành quỷ thành tinh hết cả đám à? Mà ngày nào cũng là Tết thì làm gì có cái gọi là Tết để cho ông so sánh?
Lão Phú háy yêu vợ một cái và tự thán phục trong đầu: “Sao mà con người này nay lại thông minh đến thế nhỉ? Thật là đáng yêu quá?”. Vẩn vơ một chút, lão lại trầm ngâm nhìn cục đất sét. Lão như đắn đo rất nhiều cho việc tạo tác. Trong tai lão lại văng vẳng lời dặn của thằng Tri, đứa con trai lớn của lão: “Lúc này đài truyền hình đang chiếu bộ phim Thủy hử, con đi bán đến đâu cũng nghe người ta bàn luận về các anh hùng Lương Sơn Bạc, cha coi có ý tưởng gì mới thì làm dịp này…”. Hai mắt lão chợt bừng sáng lên, lão vỗ mạnh tay vào bắp đùi một cái như đắc ý chuyện gì dữ lắm. Thế là lão bắt đầu dồn hết tâm lực vào cục đất sét.
Thực ra sản phẩm của lão Phú bán ra đã không ít, người thích chơi gốm mỹ thuật đều rất chuộng hàng của lão. Bởi cái hồn gốm của lão bao giờ cũng được tinh luyện từ vốn văn hóa cổ truyền vào nguyên liệu là đất sét mịn, có độ dẻo cao được làm sạch, nếu chỉ cần lẫn một chút cát thô hoặc ít sạn bẩn thì sản phẩm sau khi nung sẽ bị nứt và bị hỏng hoàn toàn. Đất sét và cát lão Phú phải đặt mua từ quê đem vào, chứ ở đây hoàn toàn không có thứ nguyên liệu này. Cho nên mỗi khi làm lão phải suy tính thật kỹ, nhất định không để hư, không để phí phạm đất cát hay làm mất hồn của gốm… Lão cầm con dao bằng tre, làm đủ mọi thao tác, lúc cạo, lúc khoét, chẳng bao lâu đã thành một một tác phẩm tuyệt đẹp. Đó là bức tượng Võ Tòng đả hổ gò Cảnh Dương. Võ Tòng trong tư thế ở trần, râu tóc dựng ngược dáng vẻ đầy oai lực, đầu gối chàng đè trên cổ con hổ bị lật ngửa, tay phải cầm lu rượu chặn khóa hàm hổ, tay trái giơ cao quả đấm như trái chùy nặng ngàn cân…
Bức tượng vừa tạo dáng xong thì thằng con trai lớn của lão đi bán hàng cũng vừa về tới. Nó dựng xe, bước vào nhà, móc túi đưa tiền cho mẹ rồi rót ly nước uống cạn một hơi. Xong, nó leo lên võng thở dài một tiếng và nói:
– Làm ăn ngày một khó khăn. Hàng của mình thì bán được lắm, ai cũng thích… nhưng càng bán được thì quản lý chợ càng làm khó… Cha và mẹ biết đó, mình không có sạp, mình không thuộc thành phần quản lý của họ… bán rìa chợ, vui thì họ cho bán thu tiền chỗ, buồn thì họ đuổi hoặc đòi tiền chỗ giá gấp bao nhiêu lần…
Nghe con nói vậy, lão Phú xen vào:
– Thì thôi mất thêm vài chục bạc mà có chỗ buôn bán cho êm con!
Thằng Tri thở dài thêm tiếng nữa rồi tiếp lời cha:
– Cha à! Đâu phải chỉ có tiền vậy là êm. Lão Trưởng ban quản lý chợ ngày nào cũng đến chỗ con bán tò vè đủ chuyện. Lão khen món này đẹp, món kia sắc sảo, món nọ kỳ công… Rồi lão buông ra những câu hăm dọa như nói đùa… Con phải cúng cho lão một món gốm nào đó lão ưng ý thì lão mới chịu đi để con buôn bán…
Lão Phú nghe con tâm sự ra vẻ ngạc nhiên:
– Ồ, thì ra lão Trưởng ban gì đó cũng là người yêu nghệ thuật à? Đáng quý nhỉ!
Thằng Tri bĩu môi ra vẻ bất mãn:
– Yêu nghệ thuật gì cha ơi! Con nghe người ta nói, trên đầu của lão này còn có một quan thầy. Quan thầy này mới xây xong một ngôi biệt thự. Mà không biết thầy bói bói sao sao ấy, nói gia chủ muốn ăn nên làm ra, phát tài phát lộc, thăng quan tiến chức… thì phải trang trí trong nhà ngoài sân toàn bằng đồ gốm mới được, mới hợp phong thủy gì đó. Nghe nói cấp dưới và người thường nhờ cậy đã đem tặng ông ta đủ thứ loại gốm. Gốm Nhật, gốm Giang Tây, gốm Bát Tràng, gốm Lái Thiêu… thứ gì cũng có… lão nhìn riết cũng nhàm. Mới đây lão hâm mộ gốm Bàu Trúc, mà phải là những tác phẩm độc nhất vô nhị do những nghệ nhân thứ thiệt làm ra…
Nói đoạn, thằng Tri đứng dậy lấy gói thuốc lá trong túi áo ra đốt một điếu. Nó rít một hơi thật sâu rồi nhả ra những đường khói xám xịt. Đôi mắt nó đang lim dim chợt lóe sáng lên. Thì ra nó thấy tác phẩm mới của lão Phú trên cái bàn gỗ, Võ Tòng đả hổ đồi Cảnh Dương. Nó như kẻ nhập thần, nói lắp bắp:
– Cha! Cha làm cái này hồi nào vậy? Trời đất ơi, đây mới là một kiệt tác! Võ Tòng đả hổ là diệt trừ cái ác để giúp dân… một người anh hùng vượt thời gian…!
Lão Phú lộ vẻ vui mừng rõ trên khuôn mặt:
– Tri à, để cha nung lửa cho chín rồi con đem ra chợ cho mọi người xem nhé! Trước con bày ra sạp cho mọi người thưởng thức, ai mua nó con đừng bán vội. Con cứ để đấy cho mọi người xem, khi nào con bán hết hàng, ai là người đến sau cùng trả được giá thì con hãy bán!
Thằng Tri ngắm nghía bức tượng thêm một hồi lâu, ra vẻ đắn đo gì đó dữ lắm. Cuối cùng mới nói khẽ với cha:
– Cha à! Hay là cha nung xong bức tượng, con đem nó cúng cho lão Trưởng ban quản lý và nhờ lão nói giúp vài lời… Biết đâu nhờ bức tượng này mà mình được chiếu cố có một chỗ làm ăn yên ổn, hả cha?
Nghe thằng Tri nói thế, vẻ mặt đang vui vẻ của lão Phú bỗng nhiên tái nhợt đi, tay chân run rẩy như người đang trong cơn bạo bệnh. Lão tiến lại gần cái bàn gỗ bằng những bước chân nặng nề. Lão như trút hết thần lực vào đôi mắt để nhìn vào bức tượng… Trong đầu lão lại hiện lên một Võ Tòng oanh liệt chiến đấu quên thân để diệt trừ cái ác… trong tai lão như nghe tiếng hổ gầm rú khi chịu ngón đòn chí mạng của người anh hùng đả hổ… Đôi bàn tay run run của lão nâng dần bức tượng lên ngang mặt rồi quá đỉnh đầu… rồi cũng đôi bàn tay run rẩy ấy buông lỏng dần bức tượng… Một tiếng “phạch” lạnh lùng rụng xuống và một luồng sáng đâu đó vụt bay lên giữa gian nhà vô thanh vô ảnh như chẳng có sự hiện diện của con người.
Đào Thái Sơn