Trích câu hỏi từ “Phật Pháp Vấn Đáp 25” – Thầy Thích Phước Tiến

Hỏi: Các con của con không biết Phật pháp, không đi chùa. Con không biết làm sao để khuyên dạy cho chúng đến với Phật. Xin thầy chỉ dạy.

Đáp: Xin thưa các vị. Con em chúng ta không biết Phật pháp nên nó không đi chùa, bây giờ mình dạy nó biết Phật pháp thì nó đi chùa. Vậy thôi chứ đâu có gì đâu.

Cho nên ở đây, tôi nói với các vị: Chúng ta không ép con đi chùa, mà chỉ làm cho con hiểu Phật giáo là gì. Đây là việc chúng ta nên làm. Các vị ép con mình đi chùa, mà nó không biết, không hiểu gì về Phật pháp thì cũng chỉ đi được 1 lần, 2 lần rồi thôi, nhưng khi nó hiểu Phật pháp là gì, các vị khỏi cần bảo, nó tự biết nó làm gì. Vậy thì giới thiệu cho con hiểu về đạo Phật là điều quan trọng. Còn khi con mình còn nhỏ, mình dắt con đến chùa, là vì con mình chưa ý thức được điều đó; phải dắt con đến chùa từ thuở nhỏ, tập tiếp xúc và làm quen trong một môi trường truyền thống Phật giáo.

Và người mẹ, người cha, người thầy hướng dẫn phải có trách nhiệm, từng bước phân tích, hướng dẫn theo từng độ tuổi để dắt tuổi trẻ vào đời theo con đường hướng thiện. Đây là trách nhiệm của người đi trước, người cha, người mẹ, người thầy và cả cộng đồng của chúng ta.

Làm thế nào để hướng dẫn con biết đi chùa?

Khi đến chùa, chúng ta cũng phải có trách nhiệm với những em bé; không bỏ rơi các em, không để cho các em không hiểu gì cả, không để cho các em cảm thấy ngại ngùng, bơ vơ trong một đại thể đông người. Ví dụ, chúng ta trong một ngôi chùa thấy một em bé bơ vơ, không ai dìu dắt, chúng ta phải tự biết rằng phải dìu dắt em đó, phải hỏi tại sao… và giúp em vào một môi trường thế này. Không để các em lạc lõng, các em ngại ngùng và chán nơi như thế. Cho nên, đây là trách nhiệm của các thầy, các cô trên vấn đề hướng dẫn đồng thời cũng là của những Phật tử chúng ta.

Làm thế nào để hướng dẫn con biết đi chùa?

Những phật tử thuần thành tại các chùa cần phải có tầm nhìn rộng lớn và bao dung hơn nữa, để đón tất cả những người chưa biết và chưa hiểu về Phật pháp. Chúng ta nên cởi mở và không bắt lỗi người khác. Có một số vị hay bắt lỗi những người đi chùa: đi chùa mà vậy hả, cắm nhang vậy hả, tụng kinh vậy hả, lạy phật vậy hả, vô chùa mà đi như vậy hả? Cuối cùng thì người ta ở nhà luôn. Cái này nếu không khéo là chúng ta đang đẩy người ta xa rời với Phật pháp. Người ta cầm nhang không đúng thì chúng ta có một dịp nào đó nói là: “À, cắm nhang như vầy sẽ trang nghiêm hơn”, mà không mang ý nghĩa là rầy la và chỉ trích. Còn cơ bản những điều đó không tội lỗi, là do họ chưa quen, mai này họ sẽ quen, từ từ.

Khi người ta hiểu được đạo Phật, người ta tự biết người ta làm gì. Cho nên, cứ thoải mái và rộng lòng để đón tất cả mọi người cùng đến chùa. Điều quan trọng hãy tận tình giải thích cho người ta hiểu đạo Phật là gì, chứ không vì chấp mắc một vài hình tướng mà vô tình làm một hàng rào ngăn cách giữa đạo và đời. Đây là điều mà chúng ta đã vướng nhiều năm về trước.

Làm thế nào để hướng dẫn con biết đi chùa?

Có thể trong 5, 10 năm trở lại đây, chúng ta cởi mở hơn nhiều nhưng mà trong quá khứ tôi thấy chúng ta tự mình đào hố ngăn cách giữa Phật giáo và cuộc đời. Không ăn chay thì thôi, ăn chay thì ăn cái này tội, ăn cái kia tội. Không tụng kinh thì thôi, tụng kinh thì tội này tội kia. Cuối cùng, người ta bỏ hết, không làm gì hết trơn. Cho nên, nếu không khéo thì đó giống như đe dọa người phật tử. Người ta không tu không thấy tội, mới vô chùa cái gì cũng tội. Như vậy, có phải là đang hăm dọa người ta không? Như vậy, một đạo Phật mà đi hăm dọa người khác đâu phải là giới thiệu đạo Phật đến mọi người.

Cho nên, sự cởi mở, thoải mái không mang nghĩa là tuỳ tiện phá hoại tổ chức mà là mở rộng lòng để tiếp đón chúng sinh. Bởi vậy, giúp một người tu hành đâu phải dễ. Chuyện từ bỏ thói quen trong cuộc đời là không dễ. Họ đã bước chân đến chùa là họ giỏi lắm rồi. Thay vì giờ này họ đi nhảy đầm mà giờ họ đến chùa là giỏi rồi. Vì vậy, phải mở rộng lòng từ bi và có hiểu biết một cách tối thiểu để hướng dẫn họ về nẻo thiện. Các vị có thể xem bài giảng tôi giảng là “Đưa đạo vào đời”, quý vị sẽ hiểu hơn về điều này. A Di Đà Phật.