Phật Giáo Đại Thừa thường đề cập đến vô lượng hạnh nguyện của Chư vị Đại Bồ Tát, nhưng hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm được xem như người Mẹ Hiền có lòng từ bi vô hạn. Với hạnh nguyện độ sanh, ở nơi nào có tiếng kêu khổ đau thì nơi đó Ngài sẽ thị hiện cứu độ.

Chính vì thế cho nên danh hiệu Quán Thế Âm là vị Bồ Tát hằng xem xét, lắng nghe âm thanh của thế gian – âm thanh kêu thương trong biển đời sống chết khổ đau này, như trong Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phổ Môn Đức Phật dạy: “Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não, nghe đến vị Bồ Tát Quán Thế Âm này mà một lòng xưng danh thì Bồ Tát Quán Thế Âm tức thời xem xét âm thanh kia và chúng sanh đó đều được giải thoát.”

Quán Âm Bồ Tát thính thiêng liêng

Nhiều kiếp tu nhân đạo quả viên

Muôn xứ tín cầu muôn xứ ứng

Sông mê qua lại một Từ Thuyền

Với ý nghĩa thiêng liêng mầu nhiệm đó, mỗi người con Phật chúng ta ngày đêm siêng năng tinh tấn cầu nguyện, tu tập theo đức hạnh của ngài. Giữa một thế giới ồn ào bạo động từ trong tâm hồn của con người đến đời sống xã hội, ai cũng muốn nói mà quá ít người muốn nghe hoặc có khả năng lắng nghe.

Lắng nghe là điều cần thiết để chuyển hóa mọi sự ồn ào bạo động thành niềm an tĩnh hòa bình cho mọi người trên thế giới này. Lắng nghe là nghe trong niềm tịch lặng của tâm hồn, ở đó không còn một mảy may nào hận thù tranh chấp, không có những nghi kỵ ganh ghét, không tồn tại những thành kiến cố chấp. Nếu chúng ta đem một tâm hồn như thế mà lắng nghe thì có thể lắng nghe hết mọi nổi niềm ẩn dấu trong mọi âm thanh.

Như mặt nước trong lắng mới có thể phản chiếu mọi hình ảnh, sắc màu của vạn vật. Như mẹ lắng nghe con thì mẹ hiểu con, như con lắng nghe mẹ thì con hiểu mẹ. Nếu không lắng nghe nhau thì cả mẹ lẫn con đều không hiểu nhau, đều làm khổ nhau. Cho nên ta hãy lắng nghe tiếng nói của mình để hiểu mình; lắng nghe tiếng nói của người để hiểu người; lắng nghe tiếng nói của muôn loài, muôn vật để hiểu muôn loài, muôn vật thì sự lắng nghe đó trỡ thành sự mầu nhiệm cho nhau.

Lắng nghe để hiểu, để thông cảm, để yêu thương

Ở giữa thế giới tương đối, tất cả đều sai biệt đều là huyễn tướng duyên khởi, sanh diệt vô thường. Người nghe các thứ âm thanh đó mà sanh vọng tâm phân biệt thì bị lôi kéo, trói buộc vào đó để rồi bị chướng ngại, điên đảo chìm nổi theo âm thanh. Còn lặng lẽ tự biết không tâm nào sanh khởi, hay để bị lôi kéo, trói buộc thì không một âm thanh nào không rõ biết, mà cũng không bị vướng mắc, sạch mọi huyễn tướng đối đãi, hằng sống với tự tánh thanh tịnh, hằng khởi Đại Bi tâm, Đại Bi Nguyện và Đại Bi Hạnh.

Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, từ nơi quán chiếu âm thanh mà thành tựu con đường tu chứng và độ sanh của mình. Cho nên quan niệm về Bồ Tát Quán Thế Âm, là một sanh thể giác ngộ với hạnh nguyện cứu độ chúng sanh vốn không bị gò bó hạn cuộc trong một hình tướng nào, dù nam hay nữ, dù già hay trẻ, dù giàu hay nghèo, Ngài tùy duyên mà hóa hiện nhiều thân tướng khác nhau để thực hiện hạnh nguyện độ chúng sanh của mình.

Chỉ một hạnh nguyện lắng nghe của Ngài mà đã xoa dịu đi bao nỗi đau của nhân loại. Nương tựa theo Ngài là để học hạnh lắng nghe, đề hiểu, để thương và để phát khởi Từ Tâm. Lắng nghe người cũng như để hiểu thêm chính mình, quay về bản tâm thanh tịnh hằng có để mong có thể giúp người và giúp chính mình.

Kính chúc quý Phật từ luôn giữ lòng thanh tịnh, tu tập hạnh “lắng nghe”, để tưởng niệm ngày đức Bồ Tát Quán Thế Âm Thành Đạo.

Tác giả: ĐĐ. Thích Trúc Thái Phước, Thiền viện Sùng Phúc, Hà Nội.

Theo Phật Pháp Ứng Dụng