Nắng nhạt màu và bóng đêm dâng lên từ tàng cây góc phố, như cây nến khổng lồ còn chút ánh sáng mờ nhạt níu ngày đã qua. Trên căn hộ cao tầng, vói tay cầm lại giấc mơ chợt qua đi, một người ngồi ngắm mặt trời lặn dần xuống hàng cây xa xa cuối trời. Buông rèm xuống, người ấy quay về phía những tăm nhang còn là đốm lửa bé xíu. Làn hương thật nhẹ lan tỏa cả căn phòng. Ngồi xuống, nghe đêm trở về.
Không thấm nhuần giáo lý nhưng con vẫn cảm thấy ngày ra đi như một kiếp người sang trang. Kiếp sau con người có trở về nơi có Phật pháp gieo trồng hay trôi lăn trong tử sinh bằng kiếp gì đó mà không thể nhớ, không thể biết. Nhìn lên di ảnh của người thân đã qua, lòng chùng xuống. Vâng, con sẽ tiếp nối làm khách bộ hành ra đi về phía có tiếng kinh kệ dìu từng bước.
Đêm xuống thật sâu, tiếng của hàng triệu sinh vật bé nhỏ nghe đâu như trong gió, trong mây đang ca hát hay than van kiếp không thấy ánh mặt trời, không nghe âm thanh vui tươi của ngày. Kiếp chi mà khổ rứa. Ăn không ăn, uống không uống, chỉ than van trong đêm đen. Có ai thương cho số phận của hàng triệu loài có mắt lại không chân, có mình nhưng không đi được, có tay nhưng không cầm được thức ăn, có loài chân nhiều lắm nhưng không tay, có loài luôn sân hận chỉ muốn phun nọc độc kẻ đối diện… Có loài ếch, ễnh ương ềnh ang như tiếng loa trên ao chuôm, có loài bay vèo vèo trong đêm vớt muỗi… Nhưng loài nào cũng vui sống. Không loài nào đâm đầu vào cây, hay nhảy xuống nước để tự tử. Mỗi số phận không giống ai, tiếng than hay tiếng hát chỉ có một vị nghe và thấu hiểu: Đó chính là Mẹ – Mẹ Quán Thế Âm.
Ngày xưa có tiếng rao đêm như bánh mì nóng, hột vịt lộn, gánh chè của mẹ nghèo trong đêm nghe đến nát tim con. Tiếng kẽo kẹt của quang gánh trên vai người phụ nữ như oằn xuống. Cuộc sống cơ cực từng đồng bạc lẻ chắt chiu cho con cuốn tập, cái viết để con bằng người ta. Cầu mong cuộc sống con bớt khổ. Tiếng dép đi trong cơn mưa lạnh buốt và trượt một cái liêu xiêu bóng mẹ tưởng như nằm dài xuống con đường mưa đầy ướt át. Rồi mẹ chững lại. Mẹ đã không té, chỉ chao đảo chút ít. Mẹ lầm lũi rao trong đêm mưa…
Bây giờ, hàng quán bán đêm đầy rẫy. Dưới ánh đèn sáng lóa hoặc nhấp nhánh bắt mắt tìm món gì cũng có. Hay ngồi nhà, bấm điện thoại, chốc lát là món ăn như ý và nóng hổi được mang đến tận cửa, không như ngày xưa chờ hụt hơi quang gánh chưa đến. Cả đến bánh chưng, bánh giò nay cũng không còn đi qua ngõ ban đêm. Không còn thấy bánh mì nóng giòn ngày đôi ba lượt qua cổng.
Ấy vậy nhưng mẹ vẫn có thể nhận ra tiếng của phận người cơ cực. Đó là tiếng nút phéng kêu loảng xoảng trong đêm mưa kiếm khách tẩm quất. Không rao, chỉ kêu loảng xoảng trong đêm trên chiếc xe đạp cà tàng. Bây giờ máy móc nhiều, máy tập thể dục, mát-xa, dụng cụ tập cầm tay được sử dụng tùy ý, đúng lúc mình cần không cần phải hẹn hò… Nhưng tiếng nút phéng hàng đêm vẫn kiên trì đi qua và không bao giờ qua loa. Chỉ có mẹ theo dõi bóng người tẩm quất.
Nơi này, khoảng tám giờ tối vẫn còn tiếng chuông cà-rem khua rối rít luống cuống trong trong đêm. Tiếng rao kem đủ hạng, đủ mùi được ông già run run bán trong ngõ hẻm. Hình như hàng ế. Trẻ con đi học, giờ này vẫn đang cắm đầu trên trang sách. Hơn nữa, nếu cần chúng ra tủ kem đầu ngõ bán hàng trong bao, trong gói thấy bắt mắt hơn. Tiếng ông rao như lọt thỏm vào đêm tối. Tiếng xe đạp lăn trong gió lạnh…
Tiếng lá xào xạc giờ cũng thôi không cọ xát vào nhau. Lá rụng bên thềm và kiếng kêu khô khốc như tiếng khóc. Đã mấy tháng lá xanh hát trong gió cùng mây, lá chuyển nắng mặt trời thành diệp lục tố mang màu xanh nuôi thân. Giờ việc đã hết, lá xanh hóa vàng về với đất thành chất bổ nuôi thân, nuôi lá trong ngày mới. Chào nhé. Lá mới reo vui với chiếc lá bé con màu xanh non. Lá vẫy cánh tay non trong sương nhờ nhờ lạnh. Lá nép mình trong lá trưởng thành.
Con đường nhựa nằm thoải mái chờ những chuyến hàng khuya hay khách sớm mới bắt đầu. Cái nóng bắt đầu trở lại. Tiếng ồn ào của bà mẹ trong sương sớm. Chiếc áo bạc vai không ngừng xoay trở để ngày mới chào mừng. Mẹ che chở cho trái tim đập một cách nhẹ nhàng cho cuộc sống bình an.
Chào nhé cuộc sống ơi. Chào nắng. Chào gió. Chào người mẹ tảo tần bên con. Bình an nhé!
Kim Dung