…Tình yêu không đơn thuần chỉ có một vị ngọt mà nó còn có đủ cả những gì gọi là đắng cay và chua chát. Nếu trong tình yêu, người ta chỉ biết đắm say trong những lời nói ngọt ngào thì tình yêu đó sẽ chưa thể gọi là một tình yêu bền vững. Cay đắng trong cuộc đời, cay đắng trong tình yêu mà ta đã từng nếm trải không phải là cái mà ai cũng muốn nhưng rồi cũng chính những vị chua cay đó đã giúp cho cả tôi và em, cho chúng ta hiểu được giá trị của một tình yêu chân thành.

Lễ hằng thuận – Ý nghĩa đạo đức, văn hóa và tâm linh

Hãy trân trọng những sóng gió trong cuộc đời mà chúng ta đã từng trải qua. Vì nếu không có những lần khó khăn này thì mỗi chúng ta sẽ chưa thể hiểu được nhau. Và khi sự đồng cảm chưa được thiết lập thì tình thương yêu cũng sẽ không có mặt…

“Hằng thuận chúng sanh” là một nghệ thuật sống hoà hợp, độ lượng với người khác. Và lễ Hằng thuận cũng chính là từ ý nghĩa này. Thông qua buổi lễ, đôi tân hôn phải sống hoà thuận, nhường nhịn trong tinh thần tương kính, hy sinh và phục vụ. Một tình yêu đẹp là sự vắng mặt của tham sân si, là sự đổ vỡ của thế giới hữu ngã, là sự có mặt của lòng hy sinh. Và từ giờ trở đi không còn khái niệm nào là “của anh”, “của tôi” mà tất cả đều là của chung.

Hôn nhân là nét đẹp văn hoá truyền thống để kế thừa dòng dõi huyết thống và cuộc hôn nhân đó cũng đặt trên sự tự nguyện, không ràng buộc. Minh Ý, cũng có nghĩa là tâm ý trong sáng khi cô quyết định gửi trọn quãng đường còn lại của cuộc đời mình bên chú rể Cao Tường. Với Cao tường, anh sẽ là chỗ dựa vững chắc của Minh Ý, chắc hẳn anh cũng đã có những suy nghĩ rất tường tận và thấu đáo để rồi họ đã quyết định đến với nhau bằng một tình yêu chân thành, tình yêu đặt trên nền tảng của Tam Bảo, được sự chứng minh của hiện tiền chư Tôn đức Tăng và sự ủng hộ của cha mẹ, họ hàng hai bên.

Chiếc nhẫn cưới họ trao trong ngày hôm nay cũng có một ý nghĩa rất lớn. Cô dâu sẽ nhẫn tất cả những gì liên hệ đến chú rể và ngược lại chú rể cũng sẽ nhẫn tất cả những gì liên hệ đến cô dâu. Cả hai sẽ cùng hy sinh cho nhau và cầu mong cho người bạn đời của mình luôn được hạnh phúc. Hạnh phúc của người cũng chính là niềm vui của ta. Mọi khó khăn trên quãng đường đời còn lại sẽ cùng nhau chia sẻ. Chiếc nhẫn cưới ấy sẽ là nhịp cầu nối liền tình yêu của đôi tân hôn.

Tình yêu đặt trên nền tảng của Phật – Pháp – Tăng sẽ là một tình yêu bền vững, có trí tuệ, biết cách chuyển hoá những nỗi khổ niềm đau của ta và của người, hướng đến một cuộc sống tốt đẹp, luôn nghĩ đến hạnh phúc của người khác mà hy sinh không vì lợi ích cá nhân. Hãy làm chủ trong tình yêu của mình. Hãy để chúng thăng hoa trên nền tảng của sự hiểu biết và khi đó tình thương yêu sẽ luôn hiện hữu trong suốt quãng đường đời sau này.

Một lễ cưới tổ chức tại chùa, có thể nói rằng rất đơn giản nhưng lại rất ấm cúng, trang nghiêm và vô cùng ý nghĩa về đạo đức, văn hoá và tâm linh. Không sát sanh, không bia rượu, không thuốc lá. Buổi lễ đã giúp cho đôi bạn trẻ hiểu được ý nghĩa của đời sống lứa đôi trong tình thương yêu và tương kính, luôn dìu dắt nhau trên mọi nẻo đường của cuộc đời. Và lời phát nguyện trước Tam Bảo sẽ có tác động rất lớn đến đời sống tâm linh của họ về sau. Chúc cho đôi tân hôn luôn mãi bên nhau, chúc cho mọi ước nguyện của họ luôn được thành tựu, thân tâm an lạc và vạn sự an lành.