Những ngày giáp Tết xưa kia tôi thường bận bịu đi chụp ảnh hoa Tết, về nhà lại bận bịu làm mứt bánh. Còn bây giờ ở tịnh cốc tôi không làm chi cả. Vì tôi ăn không nhiều, bạn không nhiều và tôi thường tụng kinh hàng ngày.
Trong tháng Chạp và cả những tháng trong năm tôi thường đi thắp hương cho tháp lưu tôn tượng ở trước chùa Từ Hiếu. Tôi thắp hương mỗi ngày, ít lắm là những ngày thập trai. Dù cho mưa gió dầm dề. Mà năm nay mưa gần ba tháng trường. Dâng hương xong là đi nhiễu ba vòng quanh tháp của chư Phật, chư Bồ-tát. Tôi cũng đảnh lễ tượng Bồ-tát Địa Tạng ở các chùa và nhất là tượng Đức Phật Thích Ca đang đi khất thực, giảng pháp.
Tôi vừa khóc vừa nói con trai tôi đang chờ tôi lên chân tượng Phật Thích Ca bái sám: “Con biết đất nước Ấn Độ rộng lớn. Ấy vậy Đức Phật đi bộ chân trần từ đầu này đến đầu kia giảng pháp. Phật là một vị hoàng tử không thiếu xe ngựa nhưng Ngài không đi xe. Ba khóc vì sao con biết không, vì Đức Phật đã ban pháp cho loài người tu tập để diệt khổ. Mình leo gần năm mươi bậc cấp này để dâng hương cho Phật, cho dù leo ngàn cấp trong tỷ năm cũng không hết công đức của Đức Phật đi giảng dạy 45 năm. Ba khóc vì tôn kính công đức vô lượng vô biên của Đức Phật, con ạ”.
Ở tượng Phật đứng (Phật Thích Ca) luôn có hương hoa mà Phật tử sùng mộ đã lên bái sám chứ không phải mình tôi. Người ta tôi chưa gặp bao giờ. Tôi chỉ gặp một nắm hương cháy dở và cái quẹt ga để dưới tượng và nhiều bó hoa tươi đẹp. Tôi cũng nói với con trai: “Họ có hơn mình là hoa tươi, nhưng ba nghĩ Đức Phật cũng thương mình vì tấm lòng thành. Nhất là ba ăn chay, tu tập Phật thương đã cho ba bình an mạnh khỏe ở tuổi sắp sáu bảy này”. Ngay ở tháp chứa tôn tượng Phật cũ, thi thoảng cũng có người bới cơm theo ăn trưa, lo tu tạo, nhổ cỏ và dâng hương dâng hoa cho chư Phật, chư Bồ-tát chiều tối mới về.
Hóa ra, quanh ta rất nhiều người lành, người tôn kính Đức Phật vô điều kiện. Như tôi ở gần cái tuổi xưa nay hiếm, ngày ngày vẫn đi thắp hương bái sám tượng Phật, nhất là trong những ngày giáp Tết, và nhiều người cũng làm như vậy.
Nguyễn Nguyên An
Nguồn: GNO