Sáng nay khi bình minh vừa gõ cửa cũng là lúc ta chợt nhận ra mùa Hè đã đến. Vội vàng gửi lại mùa Xuân sức sống căng tràn, mùa của cây cỏ hoa lá và vạn vật sinh sôi, ta tìm đến mùa Hạ thân thương, tắm mình trong những giọt mưa đầu mùa mát lạnh để rồi lại tất bật với nắng và gió chói chang.

Hà tĩnh quê tôi! Chẳng biết có ai còn giữ lại cho mình chút vấn vương với nắng và gió khi ngang qua mảnh đất miền Trung quanh năm nắng lửa, lũ nguồn và bão biển này không, còn với tôi, Hà Tĩnh bây giờ là quê hương, là máu thịt, là nơi mà mỗi lúc đi xa chỉ mong thật nhanh để lại quay trở về. Hà Tĩnh…ấy là nhà.

Tôi chợt hỏi “Nắng và gió có màu gì nhỉ?”, có phải là màu của lãng mạn trong thơ ca khi người ta vẫn gọi những giọt nắng là cô công chúa kiêu hãnh và ngọt ngào, khi gió bỗng hóa thành chàng hoàng tử si tình nghêu ngao những khúc tình ca nồng ấm. Không! Nắng có lẽ là màu của những vất vả và gian lao, của những hi sinh và cực nhọc, nắng ươm vào trong hương thơm lúa của mẹ, của cha những giọt mồ hôi mặn chát, mùi của nắng xốc lên tận mũi cùng những đợt gió Lào kéo về bỏng rát hết cả da thịt đủ để khiến người ta quay cuồng.

Trên dải đất cong cong hình chữ S, người dân quê tôi vẫn ngày ngày oằn lưng gánh nặng cả hai đầu Nam – Bắc để rồi tất thảy thiên tai của Tổ quốc cứ đè nặng lên nó và cả cái nắng như thiêu như đốt của mùa hè cùng từng đợt gió Lào thổi rát mặt cũng chẳng buông tha. Nắng hanh hao, nắng vàng vọt, nắng oi ả, nắng rát bỏng lưng, nắng hạn gay gắt, nắng quái chiều hôm, chỗ nào cũng nắng, chói chang, gay gắt, rát ràn rạt vào thịt, vào da, nắng như muốn nấu chín đi tất cả…. Giữa mùa nắng nung gió táp, khi con sông quê cong mình khát nước, bờ ruộng nhà nứt nẻ những chân trâu, “cha mẹ tôi” vẫn lam lũ với ruộng cày giữa đồng trưa, ngước mặt lên nhìn trời mà thèm khát một bóng mây.

Chẳng biết vụ mùa được mất ra sao, còn vất vả đến bao lâu đi nữa thì họ vẫn miêt mài, bám đất bám làng. Vì “không ra đồng, không làm ruộng thì lấy chi mà ăn hả Thầy?” và cũng vì “thằng An vừa xin tiền học phí”, “con Mai vừa xin tiền nhà trọ”, rồi “tháng sau lại phải đưa ông nhà đi chạy thận”,..Thế đấy, tỉ tỉ cái công chuyện không tên ấy phải cậy nhờ vào từng hạt lúa. Tôi nghe như khóe mắt mình cay cay. Nắng gió ơi sao vô tình đến vậy. Mà phải chăng vì sự khắc nghiệt ấy nên đất và người quê tôi đều bình dị, như những thân xương rồng mọc trên cồn cát trắng, chịu nắng, chịu gió, chịu cả cái khô cằn để vươn mình sống, vươn mình tồn tại và góp cho đời những nụ hoa xinh.

Tôi sinh ra và lớn lên trên miền đất của trời xanh và nắng vàng Bảo Lộc, miền đất mà người ta ví như thanh socolate ngọt ngào đầy lãng mạn, thế nên khi nhớ về Hà Tĩnh, nhớ về những ngày nắng trên dưới 40 độ mà người dân vẫn còng lưng trên những cánh đồng tôi bỗng thấy xót xa. Hà Tĩnh – mảnh đất ấy luôn gắn với những yêu thương trong tâm hồn đứa con xa xứ. Nhớ cái khoảnh khắc của lần đầu tiên đặt chân đến xứ người: xa lạ, trống vắng, nghèo khó, lạnh lẽo… và bao nhiêu thứ cảm xúc không tên cứ theo gót ùa về rồi đan xen lẫn nhau.

Có cả bâng khuâng, mong nhớ, chờ đợi, thất vọng và lo toan…Nhưng có lẽ tất cả những điều ấy qua thời gian đều được phủ mờ, đó là nhờ sức mạnh của tình người. Những con người mà tôi quen biết trên quê hương này không ngại khó, không ngại khổ, không ngại vất vả gian lao, chuyên tâm học đạo và sống tốt cho đời. Con người ấy thân thiện hòa đồng, không khinh khi, kiêu mạn, tuy giản đơn, có đôi lúc thô ráp nhưng cũng ngọt ngào và tha thiết lắm.

Người bạn trẻ!

Nếu bạn đang đọc đươc những dòng này, dù có phải là người con của miền Trung ruột thịt hay không thì xin hãy một lần nhớ, một lần thương, một lần đồng cảm với những nỗi nhọc nhằn, gian truân và vất vả mưu sinh mà người dân bao đời gánh chịu. Rằng khi bạn đang ngồi tận hưởng những que kem mát lạnh thì biết đâu giữa cái nắng có khi lên đến 40 độ ngoài kia, cha mẹ bạn vẫn vác cuốc ra đồng kiếm thêm chút tiền cho bạn ăn học, rằng khi bạn thâu đêm suốt sáng cùng bạn bè thì biết đâu cha mẹ bạn lại đang trăn trở chuyện ngày mai nắng đã thôi gắt gỏng, gió đã thôi thét gào?

Và xin hãy ghé qua quê hương tôi để một lần được tận hưởng cái nắng nung chín da, được nghe gió Lào thổi thẳng vào tim và để yêu cái vị mặn nồng của những giọt mồ hôi đổ xuống trên từng cánh đồng để cho đời những hạt gạo dẻo thơm, lại càng yêu thêm làn da rám nắng mà có duyên của người miền Trung, một làn da mặn mòi, ram rám cái vị của nắng hè, của gió Lào đầy thân thuộc.

Thế đấy, nắng gió ơi! Ngươi là ai mà ta không cầm nắm được, ngươi là ai mà thương, mà nắng, mà gió…suốt cả cuộc đời.

 

Thích Nghiêm Thuận