Cái hữu hạn dù to tát cách mấy cũng sẽ bị cái vô hạn khuất phục.
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
(Sóng – Xuân Quỳnh)
Xuân Quỳnh là một nhà thơ của tình yêu. Chính vì vậy, bà không viết nhiều về thế sự, cuộc đời hay những triết lí sâu xa của kiếp nhân sinh. Và quan trọng, “Sóng” lại càng không phải là một bài thơ với đề tài như thế!
Là một người theo đạo Phật và ít nhiều nghiên cứu về đạo Phật nên tôi thường thường nhìn cuộc đời bằng cái nhìn của thiền. Và vì vậy, tôi cũng đoc thơ, đọc văn qua lăng kính của tính “từ bi” và “trí tuệ” trong đạo Phật.. Hôm nay xin cho tôi được đọc “Sóng” của nữ sĩ Xuân Quỳnh dưới cái nhìn như thế!
Cái nhìn thiền quán nghĩa là cái nhìn qua lăng kính của “từ bi” (thương) và “trí tuệ” (hiểu), trí tuệ để ta hiểu và từ bi để ta thương. Và dùng cặp mắt thiền quán này để đọc bài Sóng của Xuân Quỳnh, tôi thấy bài thơ này rất hay và đặc biệt rất tâm đắc với khổ thơ:
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa”
Tôi biết rằng khi viết khổ thơ này, nữ sĩ Xuân Quỳnh hẳn chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày có người đọc thơ bà dưới cái nhìn của đạo Phật, vì nó… quá khác thường. Khác thường vì đây là một bài thơ viết về tình yêu để bày tỏ cảm xúc, tâm trạng nhớ nhung, nỗi khát vọng trong tình yêu nam nữ mà lại được đọc dưới cái nhìn của đạo Phật – một tôn giáo chủ trương “cắt ái li gia”, tuyệt đối xa rời tình yêu và tình dục đôi lứa.
Vậy mà hôm nay lại có một người đọc thơ bà với cái nhìn “khác thường” đó. Nhưng “một tác phẩm sở dĩ có thể sống mãi với thời gian vì nó không chỉ gợi ra một ý nghĩa nhất định mà nó còn có khả năng gợi ra nhiều ý nghĩa khác nữa”, thôi thì xin phép nhà thơ cho tôi được nuôi dưỡng sự sống của bài thơ này, khổ thơ này bằng “chất liệu thiền” của riêng mình vậy!
Khổ thơ này nằm trong đoạn cuối của bài thơ, thể hiện niềm tin tưởng vào một tình yêu bền vững, chân thành. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, khổ thơ này thể hiện sự ý thức của bà về cái hữu hạn của sự vật để rồi từ đó nêu lên nỗi khát vọng vô hạn về tình yêu. Nhưng nếu ta đọc khổ thơ này bằng cái nhìn của đạo Phật, bằng cái nhìn của thiền quán thì ta thấy khổ thơ này hay lắm, nó như một bài kệ, một câu kinh, một dòng thần chú, chân ngôn giúp ta chuyển hóa được nhiều nỗi niềm khi khổ đau và tận hưởng được sâu sắc giây phút của hiện tại.
Viết khổ thơ này, Xuân Quỳnh như một sư cô chân tu đã ý thức được hết về lẽ thật của cuộc đời, đó là cái gì cũng hữu hạn, cũng vô thường, cũng sinh, trụ, dị, diệt hết!
“Cuộc đời”, cái mà ta nghĩ rằng nó dài lắm, mà thật sự nó cũng dài vì nếu cứ tính trung bình ta sống được sáu mươi năm thì đã tận hưởng được hết khoảng 1.866.240.000 giây! Và Xuân Quỳnh đã viết “Cuộc đời tuy dài thế/ Năm tháng vẫn đi qua”, cuộc đời tuy dài đó nhưng rồi năm tháng cũng đi qua hết. Huống hồ chi đối với đạo Phật thì “nhân sinh như trường mộng”, đời người như giấc mộng dài, sinh tử trong một hơi thở, ngắn ngủi lắm!
Vì vậy, ta nói câu “Năm tháng vẫn đi qua” như một câu kinh là rất đúng. Ta có thể viết câu này ra thành một bức thư pháp rồi treo nó ở một nơi nào đó trong nhà mà ta có thể tiếp xúc, ngắm nhìn bất cứ lúc nào. Để rồi mỗi ngày khi ta nhìn vào những câu thơ đó, ta ý thức được rằng sự sống trong hiện tại đáng quý biết bao nhiêu.
Thời gian ta sống dài đó mà ngắn lắm, phải sống cho thật sâu sắc, cho thật hạnh phúc trong giây phút hiện tại để ta không có gì phải hối tiếc trong tương lai.
Đọc câu thơ này của Xuân Quỳnh để rồi ta cũng phải thốt lên như thi sĩ Xuân Diệu trong bài “Vội vàng”: “Mau đi thôi!”. Mau đi thôi để sống tốt hơn, tận hưởng hơn và tận hiến hơn.
Và “Như biển kia dẫu rộng/ Mây vẫn bay về xa”, cặp câu này đối rất chỉnh với cặp câu trên. Cũng lại là cái gì đó rất cao cả, vĩ đại nhưng vẫn phải bị “chinh phục” bởi quy luật hữu hạn của trần đời.
Có bao giờ nhìn biển mà ta thấy hết được biển? (ngoại trừ nhìn trên bản đồ!!!) Ấy vậy mà mây vẫn bay “về xa” được, vẫn bay được đi khắp chân trời cuối bể, đến tận chân trời cùng sóng nước mênh mông, biển chảy đến đâu thì mây có mặt đến đó. Đến lúc này thì cái cao cả, vô hạn của bốn bể vẫn phải chịu sự khuất phục của những chòm mây nhẹ nhàng, thênh thang kia.
Thế đó, mọi sự vật, sự việc trên cõi hồng trần này đều phải chịu khuất phục bởi quy luật của cái vô hạn, hay nói khác hơn đó chính là thời gian. Thời gian làm cho mọi vật sinh, trụ, dị, diệt, làm cho con người sanh, lão, bệnh, tử cứ thế nối đuôi nhau.
Thế nhưng, đâu phải vật nào, con người cũng đủ may mắn để có thể trải qua hết tất cả các giai đoạn đó. Có những con người chưa già đã qua đời, chưa kịp bệnh đã trở về bên kia thế giới. Đó là cái vô thường của cuộc đời, là cái chính yếu mà ta phải học, phải biết để sống trọn vẹn hơn, tốt đẹp hơn!
Cuộc đời tuy dài thế nhưng rồi ngày tháng cũng sẽ trôi qua, và đến ngày nào đó nó cũng sẽ phải dừng lại; biển kia dẫu rộng đó nhưng rồi gió cũng sẽ thổi mây bay đi đến những miền xa xôi cùng sóng bể. Cái hữu hạn dù to tát cách mấy cũng sẽ bị cái vô hạn khuất phục. Và con người dẫu sống 30 năm, 60 năm, 90 năm hay 120 năm…. thì vẫn sẽ có ngày phải để cho trái tim mình nghỉ ngơi cùng đất mẹ, cũng sẽ phải chịu sự chi phối của quy luật sanh, lão, bệnh, tử.
Vì vậy, dù được sống bao nhiêu năm đi chăng nữa thì ta cũng hãy sống hết mình với giây phút hiện tại, làm những điều mình thích và gắng mang đến hạnh phúc cho tha nhân.
Kết bài, tôi xin được gửi lời cảm ơn đến thi sĩ Xuân Quỳnh đã cống hiền cho đời những vần thơ rất hay về tình yêu, được biết bao thế hệ bạn đọc mê say và yêu quý. Và đối với tôi, tôi xin được cảm ơn bà vì đã viết nên một khổ thơ “chân kinh” tuyệt diệu, để mỗi khi đọc lại, hay sau này dạy lại cho học sinh của mình thì tôi sẽ tự nhắc mình phải sống thật ý thức, thật sâu sắc, thật hạnh phúc trong từng giây phút của kiếp người.
Nguyễn Thanh Huy