Sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật đã mang lại cho con người nhiều tiện nghi hơn trong cuộc sống. Nhưng cũng chính nó đã kéo giữ con người vào sự quay cuồng đến chóng mặt của những ham muốn lợi danh, để rồi “Người giàu cũng khóc” khi nhìn lại những “Được – mất” mà họ đã dày công rượt đuổi, hay bất chấp mọi thứ để có được. Thanh niên – những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ vào đời thế nào? Các em liệu có đủ niềm tin để trụ vững trong xã hội đầy hố sâu và cạm bẫy chực chờ? Chúng ta cần làm gì để rèn luyện, phát triển những kỹ năng sống cho các em?

Đạo Phật là đạo giải thoát, đưa con người đến chân hạnh phúc bằng Giới – Định – Tuệ. Ngũ giới là năm giới căn bản, có đủ công năng mang lại an vui cho bất cứ ai miên mật hành trì. Ngũ giới của Phật giáo góp phần vào việc giáo dục kỹ năng sống cho thanh niên như thế nào? Chúng ta thử cùng nhau tìm hiểu “Vai trò của ngũ giới Phật giáo trong giáo dục kỹ năng sống cho học sinh Trung học phổ thông”. Để qua đó, chúng ta một lần nữa khẳng định đức Phật chính là một nhà giáo dục vĩ đại, đạo Phật là đạo nhập thế giúp đời thoát khỏi lầm mê, quay về bến giác bình an.

1. Ngũ giới và lợi ích của việc giữ gìn ngũ giới

Trong kinh Ưu-bà-tắc – 128 (Trung A-Hàm), đức Phật dạy rằng:

“Xá-lợi-phất, thế nào là bạch y Thánh đệ tử khéo giữ gìn và thực hành năm pháp?

(1) Đó là bạch y Thánh đệ tử xa lìa sát sanh…

(2)…bạch y Thánh đệ tử xa lìa việc lấy của không cho, dứt trừ việc lấy của không cho…

(3)…bạch y Thánh đệ tử xa lìa tà dâm, dứt trừ tà dâm…

(4)…bạch y Thánh đệ tử lìa nói dối, dứt trừ nói dối; nói lời chân thật, ưa sự chân thật, an trụ nơi sự chân thật, không dời đổi sai chạy…

(5)…bạch y Thánh đệ tử lìa rượu, bỏ rượu…

…Này Xá-lợi-phất, thầy nên ghi nhận rằng ‘Thánh đệ tử này không còn đọa địa ngục, cũng không sanh vào loài súc sanh, ngạ quỷ và các chỗ ác, được quả Tu-đà-hoàn, không đọa ác pháp, nhất định thẳng tiến đến quả vị Chánh giác, tối đa chịu bảy lần sanh tử nữa, sau bảy lần qua lại cõi trời và nhân gian, liền được chấm dứt khổ đau”.

2. Những kỹ năng sống cơ bản của học sinh trung học phổ thông

2.1. Kỹ năng tự nhận thức: Giúp học sinh nhận diện đúng đắn về bản thân trên các phương diện như năng lực và sở thích cá nhân, ưu nhược điểm bản thân, vị trí trong xã hội, ảnh hưởng của cảm xúc đến những suy nghĩ hay hành vi ứng xử của chính mình.

2.2. Kỹ năng kiên định: Học sinh trung học phổ thông cần biết cách thể hiện cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ của bản thân một cách khách quan và tích cực; luôn có chủ kiến nhận rõ đúng – sai các quan điểm, quyết định… của cá nhân, và bảo vệ đến cùng hay thừa nhận chân lý mà không làm tổn thương đến tha nhân.

2.3. Kỹ năng từ chối: Là “nghệ thuật nói không” với những bất như ý hay vượt khả năng do người khác mang đến mà không làm tổn thương đến mối quan hệ vốn có.

2.4. Kỹ năng ra quyết định: Học sinh biết cân nhắc để lựa chọn một phương án hành động khả thi, mang lại hiệu quả, trên cơ sở xem xét và loại trừ tối đa các hậu quả có thể xảy ra.

2.5. Kỹ năng hợp tác: Có được khi mỗi cá nhân đều biết phải cùng hướng về một mục tiêu chung, trên tinh thần tôn trọng và yêu thương lẫn nhau, tôn trọng ý tưởng hay thành quả của nhau.

2.6. Kỹ năng lắng nghe: Là kỹ năng quan trọng hàng đầu trong cuộc sống. Cần phải biết nghe bằng cả trái tim và khối óc, thể hiện sự nghe bằng cả cơ thể.

3. Vai trò ngũ giới trong giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học phổ thông

Phật tử nói chung và học sinh trung học phổ thông nói riêng, nếu thực hành giữ ngũ giới sẽ góp phần:

3.1. Dễ hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng:

Đức Phật từng dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh” nghĩa là tất cả mọi người đều bình đẳng về mặt giác ngộ. Tước đoạt mạng sống hay hạnh phúc của chúng sanh, làm khổ người khác (khi mất của, bị hàm oan…) để thỏa mãn sự ham muốn, ích kỷ của mình là nghịch với đạo lý, tự chuốc lấy khổ đau. Để khuyến tấn chúng sanh biết tôn trọng sự bình đẳng, công bằng, tôn trọng sự thật, tôn trọng tài sản và hạnh phúc của người, tránh xa nguyên nhân sanh tội, Đức Phật đã chế ngũ giới: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ và không uống rượu.

“Tôn trọng” là một trong 12 giá trị sống cơ bản dành cho tuổi trẻ. Biểu hiện của tôn trọng trước hết là phải biết tự trọng – tự nhận thức về bản thân, thứ đến là biết tôn trọng tha nhân, biết lắng nghe và hợp tác,… với mọi người trong cuộc sống.

Học sinh trung học phổ thông là những người có lý tưởng, có lòng tự trọng và đề cao danh dự, rất dũng cảm, không sợ khó khăn. Sự tự ý thức được phát triển nơi các em rõ nét: Các em có nhu cầu tìm hiểu và đánh giá những đặc điểm tâm lý của mình theo các quan điểm, mục đích sống và hoài bão cá nhân; thường đặt mình trong xã hội, trong tương lai khi đánh giá bản thân; luôn muốn khắc phục những thiếu sót trong hành vi, phát huy những phẩm chất tốt để hình thành nhân cách theo lý tưởng của riêng mình. Ngoài ra, ở độ tuổi này, các em thường quan tâm nhiều đến các vấn đề liên quan con người, những quy tắc chung nhất của vũ trụ, những quy luật phổ biến trong tự nhiên – xã hội. Vì lẽ đó, các em dễ dàng thấy rõ bản chất tham sống sợ chết, tham cầu dục lạc,… của chúng sanh; nhận thức được lợi ích của việc giữ giới và từ đó, dễ phát nguyện thực hành. Như vậy, kỹ năng tự nhận thức đã được phát huy.

Ngũ giới với Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Việc giữ gìn ngũ giới mà Đức Phật chế ra có thể nuôi dưỡng lòng từ bi, tránh quả báo oán thù, giữ uy tín của mình và mang lại hạnh phúc cho mình cho người, sẽ là những động lực thúc đẩy các em thực hành theo. Bởi lẽ, quan hệ với bạn cùng tuổi ở các em chiếm vị trí quan trọng trong hoạt động giao tiếp. Đây cũng là lứa tuổi có tình cảm phong phú và đa dạng, tình yêu đã nảy nở làm biến đổi sâu xa cốt cách con người. Khát vọng yêu thương và được yêu thương trở nên mãnh liệt. Các em sẵn sàng lắng nghe và hợp tác để có được niềm tin yêu của mọi người.

Các em biết đúng về mình, biết tôn trọng và yêu thương người, thì nhất định sẽ nhận được sự tôn trọng và yêu thương từ tha nhân. Nhờ đó, việc hội nhập trong cuộc sống cộng đồng sẽ trở nên thuận lợi.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nhu cầu hội nhập không chỉ dừng lại giữa các địa phương hay cộng đồng người của một quốc gia nào, mà đòi hỏi phải hội nhập được với toàn thế giới. Chư Tổ đã dạy:

“Nhứt thiết chúng sanh vô nghiệp sát
Thập phương hà xứ động đao binh
Gia gia, hộ hộ đồng tu thiện
Thiên hạ hà sầu bất thái bình.”

Dịch là:

“Hết thảy chúng sanh không nghiệp giết
Mười phương nào có nổi đao binh
Mỗi nhà, mỗi chốn đều tu thiện
Lo gì thiên hạ chẳng thái bình”.

Học sinh trung học phổ thông chính là mầm non của đất nước, nếu các em đồng thực hành lời huấn thị trên, biết tôn trọng quyền được sống an bình và hạnh phúc của chúng sanh, thì các em đã tự bảo vệ quyền được sống an bình, hạnh phúc của tự thân và góp phần mang lại hòa bình cho nhân loại.

“Chúng sanh” mà Đức Phật nhắc đến không chỉ có người. Loài vật cũng cần được tôn trọng và yêu thương, cũng là một phần trong đời sống nhân thế. Thương yêu và bảo vệ chúng, cũng đồng nghĩa là biết thương yêu và bảo vệ chính mình.

3.2. Tránh bị hòa tan trước những tệ nạn xã hội

Khả năng tự ý thức của học sinh trung học phổ thông tuy đã thể hiện rõ, nhưng vẫn chưa toàn diện, các em thường có xu hướng cường điệu trong khi tự đánh giá. Nhiều em cho rằng phải “có cá tính”, tiêu xài “sành điệu”,… mới được tôn trọng, và bất chấp tất cả để đạt các giá trị ấy. Đó chính là những nguyên nhân đưa các em đến gần những tệ nạn xã hội, khiến các em hoang mang khi gặp những cú sốc đầu đời, hay cần lựa chọn một con đường đúng đắn. Vì thế, bên cạnh kỹ năng “tự nhận thức”, cần giáo dục và phát triển nơi các em kỹ năng “kiên định” để các em có thể bảo vệ quyền lợi cho mình và cho người, bảo vệ giá trị hay quyết định của mình một cách tích cực. Muốn tự bảo vệ, các em phải biết “từ chối” khi cần thiết, biết cách “ra quyết định” đúng. Kỹ năng “lắng nghe” và “hợp tác” cũng góp phần không nhỏ trong việc bổ sung sức mạnh, hỗ trợ đắc lực cho các em khi ra quyết định, bảo vệ được mình và cả tha nhân.

Việc hành trì ngũ giới đòi hỏi các em phải thường xuyên kiểm soát cả thân, khẩu, ý để lợi mình lợi người, phải “kiên định” trong “tự nhận thức”. Các em phải gắn mình với cộng đồng, vì mình và vì cả tha nhân mà hành xử, phát huy kỹ năng biết “lắng nghe”, biết “hợp tác”, biết “từ chối và ra quyết định” đúng.

Ham muốn hiểu rõ mọi thứ để hình thành thế giới là nét chủ yếu trong sự phát triển tâm lý của các em. Ở tuổi này, đam mê là một thứ tình cảm độc hữu và mãnh liệt, tràn ngập cả tâm hồn, rung chuyển cả nghị lực và định hướng cho mọi hành vi. Nhiều tệ nạn xã hội nhờ đó đã trở thành mồi nhử hữu hiệu, đẩy các em vào lối sống trụy lạc. Nếu ý thức gìn giữ ngũ giới đã được hình thành nơi các em, nghĩa là hàng rào chắn đã được xây, các em sẽ dễ dàng nhận ra tác hại của các tệ nạn xã hội mà lánh xa, nghĩa là kỹ năng biết “từ chối” và “ra quyết định” sẽ được phát huy. Giả sử khả năng “kiên định” nơi các em còn yếu, khả năng “tự nhận thức” không cao, thì lực và tầm ảnh hưởng của các tệ nạn kia cũng sẽ suy yếu, thu hẹp lại.

3.3. Hình thành và phát triển nghị lực sống

Tính tự kiềm chế và tự chủ phát triển, nên học sinh trung học phổ thông biết tự tổ chức và quản lý nhiều họat động của bản thân, ít bị dao động bởi ý kiến của người khác. Nhưng trước cuộc sống dẫy đầy những bất công và cạm bẫy, các em chưa hoàn toàn đủ lực để vượt qua tất cả.
Giáo dục cho các em hiểu biết ngũ giới là góp phần hình thành kỹ năng “tự nhận thức” cho các em. Như mưa dầm thấm đất, sẽ hình thành, củng cố nơi các em niềm tin nhân quả. Niềm tin Chánh pháp được hình thành, các em sẽ biết chấp nhận những bất như ý trong cuộc sống như quả của nhân quá khứ, để “kiên định” trong tư duy, các em sẽ thoát khỏi những ưu phiền trong cuộc sống, đẩy lùi được khổ đau. Tin vào những lợi ích của việc giữ giới và cố gắng hành trì, nghĩa là năng lực “tự nhận thức” và “ra quyết định” được phát huy, các em sẽ tự tin hơn trước những sóng gió hay cạm bẫy của cuộc đời.

Tin sâu và hành đúng ngũ giới, các em sẽ dễ dàng nhận ra mọi thứ đều là giả tạm, là kết quả của sự vay trả – kỹ năng “tự nhận thức” thành tựu. Tham dục sẽ tiêu dần – kỹ năng “kiên định” và “từ chối” dễ tăng trưởng, các em có thể đến gần hơn với nếp sống vô ngã. Đức Phật từng dạy các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo, bất cứ sắc pháp nào… cảm thọ nào… tưởng nào… hành nào… thức nào, quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả thức ấy cần phải quán sát “Cái này không phải của tôi, không phải là tôi, không phải tự ngã của tôi” (Trung Bộ I, 138A). Nhờ quán sát như vậy, vị Thánh đệ tử… ly tham… được giải thoát” (Trung Bộ I, 139). Các em nhờ không tham cầu quá mức, không cố bám víu vào những thành quả có được, nên hạn chế thất bại và sẽ đứng dậy dễ dàng khi vướng phải.

3.4. Xây dựng và duy trì niềm tin về tha nhân

Hành trì ngũ giới, các em không những tạo được niềm tin nơi tha nhân, mà ngược lại, nhờ nhận rõ mối quan hệ mật thiết, hỗ tương lẫn nhau trong cuộc sống nhân thế – kỹ năng “tự nhận thức” phát triển, niềm tin về tha nhân cũng sẽ nảy nở và không ngừng phát triển nơi các em. Kỹ năng “lắng nghe” và “hợp tác” sẽ có điều kiện để thăng hoa. Niềm tin về tha nhân là nhịp cầu giúp các em tiến xa, đứng vững trong cuộc sống.

“…Con ơi, đừng để mất niềm tin
Đó là chỗ dựa để vào
Là chỗ để đứng lên
Tin chính mình.
Không có việc gì thuộc khả năng mà không làm nổi.
Phép tính, bài văn khó đến mức nào cũng đừng buông bút.
Tin ở hôm nay, tin ở ngày mai,
Tin ở bạn bè, tin vào vạn vật.
Mất mát niềm tin, mất hết cả.
…Đừng để mất, đừng để mất,
Thì con ơi, con sẽ được nhiều”

(Đừng để mất của Phạm Đình Ân)

Thật vậy, không có niềm tin lẫn nhau thì không thể nào lắng nghe hay hợp tác cùng nhau. Người xưa đã dạy: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Hay như nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài Tiếng ru:

“… Một ngôi sao chẳng sáng đêm
Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng
Một người – đâu phải nhân gian?
Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!…

Kết luận

Chính sách kế hoạch hóa gia đình đã góp phần giảm đáng kể tỉ lệ gia tăng dân số, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhưng cũng từ đó, nảy sinh “hội chứng con một”. Cùng với căn bệnh chạy theo thành tích của người lớn và sự lên ngôi của lối sống hưởng thụ, sự “đùm bọc” quá kỹ của người thân đã khiến giới trẻ nói chung, học sinh trung học phổ thông nói riêng tỏ ra thiếu hụt trầm trọng kỹ năng sống, dễ định hướng sai về những giá trị căn bản.

Ngũ giới là năm điều ngăn cấm mà Phật đã chế ra dành cho Phật tử, như năm thành trì ngăn chặn sự lạc lối vào đường ác, khỏi rơi xuống vực sâu khi hành giả đang trên đường tìm cầu giải thoát. Giới luật Phật giáo không mang tính bó buộc mà là một phương pháp tự giáo dục hướng thượng, chuyển hóa tâm thức, khơi dậy mọi năng lực tích cực tiềm ẩn trong mỗi cá nhân. Hành trì ngũ giới cũng chính là giải pháp tiếp cận dần với các giá trị sống cơ bản; góp phần hình thành, củng cố và phát triển những kỹ năng sống cần thiết cho giới trẻ, nhất là học sinh trung học phổ thông.

Các cơ quan ban ngành liên quan nên sớm có sự hỗ trợ cho tôn giáo tham gia trực tiếp vào công tác giáo dục tại trường phổ thông, góp phần hướng các em đến với chân – thiện – mỹ, tạo những hạt giống tốt cho sự vươn lên tầm cao mới của nước nhà trong tương lai.

Ngọc Linh sưu tầm