Khoảng sáu giờ chiều, bố con người đàn ông ấy dừng lại ở khoảng sân rộng trước nhà Vân. Chiếc xe máy xịt lốp được dựng sát tường, bế đứa con nhỏ đứng xuống sân, người đàn ông ngước lên nhìn cửa nhà kín mít. 
 
Vân đứng trên sân thượng, khuất sau bụi hồng leo âm thầm theo dõi. Mấy lần môi mấp máy định cất tiếng hỏi nhưng lại sợ. Đoạn đường này thưa thớt cửa nhà, một bên là cánh đồng còn một bên gió lùa hun hút qua những bãi đất trống cỏ may tua tủa mọc lên. Trời đã bắt đầu tối. Chồng đi làm ca chiều tận mười một giờ đêm mới về, chỉ còn mình Vân với đứa con nhỏ chưa đầy ba tuổi ở nhà. 

Thời buổi bát nháo này chẳng biết tin ai. Trên mặt báo phơi ra toàn những chuyện lừa nhau. Mua một chai nước ven đường có khi dính thuốc mê. Giúp đỡ người tai nạn giao thông có khi sau này bị chính người nhà nạn nhân đuổi đánh. Nhặt được ví tiền có khi thành kẻ cắp. Giúp một người nào đó hoạn nạn trên đường có khi thành con mồi bị cướp sạch trơn. Cũng có khi người đàn ông từng ngất xỉu ở một góc chợ cóc Hà Nội mà Vân gặp bảy năm trước giờ thấy cộng đồng mạng đăng ảnh anh ta ngất ở một khu phố nhỏ cách chỗ cũ không xa. 

Vẫn một chiêu xin tiền cũ rích “lên Hà Nội kiếm việc làm nhưng bị mất hết tiền đi lang thang đói không có gì ăn”. Mọi người rủ lòng thương bảo nhau góp chai nước, cái bánh mì, vài chục ngàn tiền xe để người ta về quê với gia đình. Hồi ấy Vân nghèo xác xơ, dúi cho người dưng hai mươi ngàn là phải nhịn tiền xôi mấy sáng. Giờ lỡ mở cửa ra, người đàn ông lạ bước vào nhà đâu ai biết chuyện gì sẽ xảy ra? 

Nhà mới xây xong chẳng có đồ đạc gì đáng giá nhưng vẫn thấy bất an. Vân toan quay vào nhà thì chợt rùng mình bởi một cơn gió lạnh. Năm nào cũng thế, vài đợt rét thêm khiến người ta tê tái. Bé Na đang ngồi trong chăn ấm nhấm nháp miếng phô-mai trong lúc đợi mẹ lên sân thượng thu đồ. Đứa trẻ đứng co ro dưới kia chắc cũng cỡ tuổi con gái Vân chứ mấy. Ý nghĩ ấy khiến Vân thấy mủi lòng…

Cửa mở ra, người đàn ông rụt rè đứng cách xa, ấp úng hỏi một câu gì đó. Gió mạnh quá Vân không nghe thấy gì, đứa con gái bé nhỏ đứng liêu xiêu vịn vào chân bố. Vân ra hiệu cho họ vào nhà. Nhà chỉ có cửa cuốn, tính hạ bớt xuống cho đỡ gió mà lòng cứ lăn tăn. Phòng khách ở tầng trên, tầng dưới tính để bán hàng nên không có bàn ghế để ngồi. Chỉ có một chiếc chõng được đặt đó cho bé Na nằm chơi hàng ngày.

– Tôi bị hỏng xe, trong túi lại chẳng còn đồng nào cả. Dắt bộ gần chục cây số, nghĩ thương con quá. Trời chiều nay trở lạnh, tôi đi không kịp chuẩn bị quần áo ấm cho cháu. Định ngồi nhờ chị một lúc, mượn bộ đồ sửa xe. Nếu nhà có áo ấm trẻ con hoặc là áo mưa thì phiền chị cho mượn, bố con tôi sẽ quay lại trả.

– Nhà anh xa đây không?

– Nhà tôi mãi dưới Vĩnh Phúc. Tôi đưa cháu về chịu tang bà ngoại trên huyện Hạ Hòa. Vội vội vàng vàng chẳng biết rơi mất ví ở đâu.

Đứa bé lạnh run người, mặt tím tái ngơ ngác nhìn xung quanh. Vân ù chạy lên nhà lôi xuống chiếc máy sấy tóc nhỏ. Vân kéo đứa trẻ lại gần mình, cảm nhận được sự run rẩy đáng thương trong cơ thể non nớt ấy. Mười ngón tay bé bỏng đã bắt đầu ấm dần lên. Đứa nhỏ ngước mắt nhìn Vân, ánh nhìn như biết ơn. Dừng máy sấy, Vân nghe thấy tiếng sôi bụng. Tội nghiệp, chắc là con bé đói. Con có muốn ăn gì không? Con bé quay sang nhìn bố dò ý, nhưng đã kịp nuốt nước miếng đánh ực. Bé Na nãy giờ ở trong phòng, thấy có tiếng người lạ liền chạy xuống. Vân cứ nghĩ chắc con sẽ dè chừng trước một đứa bé lạ trong nhà lại đang được mẹ mình chăm sóc. Nhưng trẻ con lại bắt chuyện với nhau rất nhanh. Chúng nói gì đó với nhau bằng cái giọng thơ ngây ngọt lịm. Na mở tủ lạnh lấy một miếng phô-mai và hộp sữa chua nha đam đưa cho bạn. Mấy món này con gái Vân thích lắm, lần nào vào siêu thị cũng đòi mua.

– Bạn đói mẹ ạ.

– Bạn cũng đang rét nữa.

– Để con vào tủ lấy quần áo cho bạn mặc.

Na chọn chiếc áo khoác màu hồng, in hình mèo Kitty dúi vào tay bạn. Đó là chiếc áo khoác mà con thích nhất vốn chỉ dành mặc những lúc đi chơi. Ngoài trời bỗng nhiên đổ mưa. Tiếng mưa rơi trên mái tôn tầng thượng dội xuống ầm ào khiến cơn bất an trong tâm trí Vân lại có cơ hội trỗi dậy. Giả dụ bây giờ người đàn ông kia bỗng nhiên vứt bỏ bộ mặt hiền lành tội nghiệp ấy bằng đôi mắt chứa đầy nham hiểm. Đôi tay thôi ngồi bó gối mà rút từ đâu đó trong người một chiếc dao găm rồi lao lại phía Vân đe dọa. Thì dù có gào to đến mấy cũng chẳng ai nghe thấy. Người đi đường còn vội lao vù vù chạy trốn một cơn mưa bất chợt. 

Hàng xóm dựng nhà cách vài thổ đất, cửa đóng then cài nghe chừng xa quá là xa. Nhưng đã mời khách vào nhà giờ biết đuổi đi sao? Nhất là khi có một đứa trẻ con, mà ngoài trời đang mưa trắng xóa. Chị định lôi con gái lên trên tầng nhốt trong một căn phòng để lỡ có chuyện gì con sẽ không hoảng sợ. Nhưng ngoảnh lại thấy hai đứa trẻ chơi với nhau hồn nhiên quá khiến Vân bối rối. Bộ đồ sửa xe chồng vẫn để chỗ nào vậy nhỉ? Vân đi lên đi xuống mấy tầng nhà không hiểu mình đang định làm gì. Chồng thường làm tăng ca, biết bao giờ mới về đến nhà. Anh ta nói nhà đang có tang, hẳn là sẽ sớm rời đi khi sửa xong xe. Vậy thì chỉ cần tìm nhanh bộ đồ sửa xe là được.

– Tôi không chắc là đủ đồ đâu. Chồng tôi lượm nhặt, có cái thừa cái thiếu.

– Bây nhiêu chắc là giúp được tôi ít nhiều. Khổ quá, đúng lúc vội thì xui xẻo.

– Dắt bộ mấy cây số phải có một quán sửa xe nào đó chứ?

– Nhưng tôi không có tiền trong người. Họ cũng không cho mượn đồ chị ạ.          

Vân quay vào trong bếp. Ngồi lơ ngơ giữa hai đứa trẻ. Có một mớ suy nghĩ nào đó kéo Vân rời xa căn phòng này, cha con người lạ mặt và cơn mưa gầm gào ngoài ô cửa. Vân theo chồng về đây, nội ngoại hai bên đều ở xa. Bố chồng mất sớm, mẹ chồng ở một mình dưới quê. Đã nhiều lần Vân bảo bà lên ở cùng cháu con để trái gió trở trời còn có người chăm sóc nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. 

Thỉnh thoảng bà đau ốm, chồng bận đi làm, Vân vẫn thường đèo con bằng xe máy đi về mấy chục cây số. Có ngày mưa ngày nắng. Cũng có lúc vội vàng chẳng mang theo đồng nào trong người. Suốt đoạn đường dài chỉ nơm nớp sợ xe cán phải cái đinh nào đó bục xăm. Hoặc sợ xe hết xăng, công an vẫy lại vì một lỗi ngớ ngẩn nào đó mà chẳng có tiền nộp phạt, sợ con đau ốm nửa đường không biết xoay xở thế nào. 

Có hôm mưa to quá thầm cảm ơn mái hiên nhà người đã cho hai mẹ con trú nhờ. Cảm ơn những ánh nhìn đồng cảm hoặc một câu nói của chủ nhà ới ra “vào hẳn trong nhà mà ngồi chị ơi. Đứng đó lạnh khổ thân con”. Chủ nhà dúi cho Na cái kẹo, quả dưa chuột bé xíu nói “ăn đi con”. Người dưng hỏi chuyện quê bao xa? Nhà có mấy con? Chẳng mấy chốc mà câu chuyện đã gần gũi quá chừng, than với nhau “hồi đẻ mấy đứa nhỏ không kiêng cữ gì, giờ đau quá chừng đau. Lưng mình mà như mượn”. Cơn mưa tạnh rồi, lòng người còn nấn ná.

Hồi mẹ còn sống, nhà chẳng mấy khi thiếu khách đường ghé chơi. Nhà nằm trên đường quốc lộ, gần bến đò và chợ quê. Mẹ mở một quán tạp hóa nho nhỏ bán đủ thứ linh tinh mà bất cứ người đi đường nào cũng có khi cần đến. Mẹ bắc ấm nước trước nhà, củi lửa đủ cho người đi đường ghé lại sưởi nhờ vào mùa lạnh. Những bàn tay run rẩy vui mừng khi gặp lửa bập bùng. Lửa không như con người phân biệt giàu nghèo, quen lạ. Ấm rực vào tận tim cho đến khi tàn lụi. Nghe tiếng nước sôi thì pha ấm trà khách ngồi nhâm nhi. Ai đói lòng thì quán sẵn mì tôm. Ai tụt huyết áp có ngay cốc nước đường ấm họng.

Giữa hai cây sấu già mẹ mắc chiếc chõng cho khách nào đi đường xa mệt mỏi có thể nằm chợp mắt. Chõng rách thì mẹ vá. Vòng đời một cái chõng được tính bằng tấm lưng của người đời đặt xuống, thảnh thơi. Khách có khi ghé vào chẳng mua gì đến bữa còn được mẹ mời cơm. Thêm nắm gạo ấy mà, rau đầy vườn, cá tép dưới bến đò người ta cất được hay xách đến cho. 

Nhiều người thắc mắc hoài sao mẹ gặp ai cũng rộng lòng? Lần nào mẹ cũng cười “tôi có mấy đứa con xa nhà, gửi cả vào thiên hạ. Có khi đường dài mệt mỏi chúng cũng ngồi nhờ hiên nhà ai đó hoặc xin một bữa cơm”. Có phải vì tình yêu thương chiu chắt cho đời mà suốt bao nhiêu năm tha phương những lúc khó khăn mấy anh em Vân luôn có người đưa tay ra bao bọc.

Người đàn ông nãy giờ loay hoay với cái xe. Bơm lốp này vá lốp kia với đống đồ nghề hạn hẹp. Trời bắt đầu tối, mưa ngớt dần. Đến giờ Vân phải vào bếp nấu cơm. Lúc đong gạo Vân cứ thêm bớt hoài, lừng khừng mãi không xong. Đứa nhỏ nghe thấy tiếng gạo reo trong nồi ánh mắt bỗng sáng lên.

– Chiều nào đi học về cháu cũng được nghe âm thanh này từ trong gian bếp của mẹ.

– Mẹ cháu hẳn là hạnh phúc lắm khi có một cô con gái ngoan như cháu đấy.

– Hôm qua cháu thấy mẹ khóc qua điện thoại. Bà ngoại cháu mất rồi.

Vân ngồi xuống âu yếm vuốt tóc đứa nhỏ, thấy nó cũng đáng yêu như con mình vậy.

– Hay là con ở đây ăn cơm với bạn Na nhé?

– Nhưng mẹ con đang đợi.

Vân ngồi nghe tiếng cơm sôi lục bục trong nồi lòng vẩn vơ nghĩ ngợi. Cha con người đàn ông lạ đã rời đi trước bữa cơm chiều với chiếc áo ấm và mấy cái bánh mì Vân dúi mang theo. Trong chiếc áo khoác đưa cho đứa nhỏ Vân vờ để quên mấy chục ngàn tiền lẻ, dù có thể họ cũng không cần đến…

Vũ Thị Huyền Trang