Người mà tâm chân chánh, mọi người hướng thiện theo
– Khổ đau vỡ tan đong đầy hạnh phúc
Laos Celebrates Songkran Water Festival
Thời đức Phật, chưa có công nghệ quảng cáo, chưa có truyền thông và ngay cả lúc thuyết pháp cho hàng ngàn người, ngài cũng không có micro và loa phóng thanh, nhưng điều gì có thể giúp ngài giáo hóa được nhiều người và giúp cho nhiều người thực tập đến thành tựu. Ngài đã lìa bỏ danh vọng tột bực, tài sản tột bực và quyền lực tột bực, xuất gia tu đạo giải thoát và sau khi thành tựu viên mãn, ngài chia sẻ các phương pháp thực tập cho mọi người. Vậy điều gì khiến cho ngài có sức hút mãnh liệt như vậy? Ngài không có gì cả ngoài tâm yêu thương rộng lớn bao trùm hết tất cả chúng sinh. Chính tâm yêu thương đó mà ngài thu phục lòng người. Muốn thu phục lòng người, trước hết hãy thu phục chính mình. Khi chiến thắng mình rồi thì những gì gọi là bên ngoài không còn xá gì nữa. Chúng ta thiếu thốn đủ thứ nên chúng ta đến những nơi thừa thãi điều chúng ta thiếu thốn để có thể thỏa mãn. Tài sản, tình cảm, vật chất, tinh thần thiếu thốn nên chúng ta tìm kiếm chúng để lấp đầy. Chúng ta thiếu thốn tình thương nên tìm người có nhiều tình thương để nương tựa. Khi một nơi mà tình thương cháy khét như sa mạc thì bỗng nhiên xuất hiện một bậc giác ngộ, một bậc dư thừa tình thương, giống như vớ được một vũng nước hay một cơn mưa rào. Người mà tâm hướng thiện sẽ tạo ra năng lượng phúc hậu mạnh mẽ và dĩ nhiên năng lượng này nó hút những năng lượng chưa được phúc hậu để chuyển hóa chúng trở nên phúc hậu hơn. Tình thương có tính chuyển hóa nên khi tình thương phát khởi, khổ đau phần nào được chuyển hóa. Như đứa con sà vào lòng mẹ hay thích được mẹ ẵm bồng vì nó thấy bình an. Mẹ của nó tỏa ra năng lượng bình an và nó thừa hưởng năng lượng bình an đó. Mẹ nó đi xa một chút là nó sợ, nó khóc, nó sợ mất mẹ, mất năng lượng bình an. Do còn quá nhỏ, chưa đủ năng lực chế tác sự bình an nên nó cần nương tựa vào năng lượng bình an của mẹ nó. Đứa nhỏ rất khôn đấy chứ. Cũng vậy, chúng ta có nhiều sợ hãi nên năng lượng bình an do mẹ trao truyền mất dần và thay vào đó là sự bất an. Khi có ai đó đầy dẫy năng lượng bình an, ta hướng về người đó để hưởng cái năng lượng bình an lây lan. Bình an cũng như khổ đau, có tính chất lây lan. Tự thân của Phật là bình an và tự thân của ta cũng là bình an. Ta có thể là sự nương tựa của nhiều người như mẹ là nương tựa của nhiều đứa con và Phật là nương tựa của nhiều chúng sinh. Thực tập tâm thiện thì sẽ có nhiều người hưởng ứng. Bình an là biểu hiện của tâm chân chánh. Tâm chân chánh thì không sợ hãi, không đàn áp, không che giấu gì nữa. Sở dĩ người ta đàn áp hay trừng phạt vì người ta sợ. Nhìn vào bản chất đích thực của sợ hãi, nguyên nhân của nó chính là không dám buông ra, không dám chia sẻ hay không dám chấp nhận sự thật.
Nếu không khổ thì vui hay không khổ cũng không vui. Chúng ta thích tầm cầu cái vui hơn, nhưng do đa phần chạy theo cái vui của thế gian nên ai ngờ lại chui vào cái rọ khổ. Khi con cá ở ngoài biển thì nó hạnh phúc, nhưng nhiều con cá không biết hạnh phúc lắm vì nó lo kiếm ăn, lo tìm bạn đời hay lo khu vực sinh sống, đến khi bị bắt vào rọ thì mới biết là lúc xưa hạnh phúc thế nào. Ban đầu ta không có gì cả, ta cũng không lo nhiều, sau đó ta bắt đầu có việc học, việc làm, cái nhà, cái xe, gia đình và nhiều thứ khác. Cái lo của ta tăng dần theo số lượng tài sản và tình cảm. Ta tưởng mình giàu có và nhiều niềm vui nhưng trong sự giàu có và hạnh phúc đó, bao nhiêu lo toan cứ tuôn ra. Lo không nổi thì chúng ta khổ, giải quyết cái khổ không được thì chúng ta ngồi than. Chỉ cần buông bỏ thì hạnh phúc sẽ quay trở lại và khổ đau tan dần. Buông bỏ không phải là có chiếc xe thì đem cho chiếc xe đi mà buông bỏ ý niệm về chiếc xe, cho rằng phải có chiếc xe mới có hạnh phúc. Chúng ta chủ yếu khổ là vì ý niệm. Nhiều người đâu có chiếc xe nào mà vẫn hạnh phúc. Ông bà ngày xưa đâu có xe, đâu có điện thoại di động, đâu có rạp xi nê, vậy mà sống vẫn hạnh phúc. Chúng ta kẹt vào hạnh phúc tạm bợ ở bên ngoài nên chúng ta khổ. Người tu bị kẹt vào tiện nghi của chùa nên cũng khổ như thường. Thầy kia ở cái chùa lớn quá, thiết kế đẹp quá nên sinh lòng ganh tỵ, không biết tùy hỷ. Chúng ta kẹt đủ thứ mà có ai đem cái kẹt đến đây. Chúng ta tự gài bẫy và giăng bẫy cho chính mình, rồi sau đó sập bẫy. Nhân quả là kiểu của gây ông đập lưng ông hay võng bà thì bà nằm. Muốn hết khổ đau thì đừng đan lưới gài bẫy mình nữa. Tâm chân chính thì tìm đường sự thật mà đi và thoát ra khỏi cái bẫy, đừng như con nhện giăng tơ, cứ lẩn quẩn bên những sợi tơ của mình.
Phật dạy, Nếu các Thanh văn tu tập chánh hạnh, muốn đạt được tâm thanh tịnh, nên dứt năm pháp và thực tập bảy pháp cho thành tựu. Năm pháp chướng ngại là trạo cử, hôn trầm, tham dục, hoài nghi và sân hận. Năm chướng ngại này phải trừ dứt. Bảy pháp thành tựu là trạch pháp, niệm, tinh tấn, hỷ, khinh an, định và xả. Bảy pháp này phải viên mãn. Nếu biết tâm thanh tịnh vừa nói chính là tâm giải thoát tăng trưởng và tuệ giải thoát tăng trưởng. Do ô nhiễm mà tâm không thanh tịnh và do vô minh mà tuệ không thanh tịnh. Nếu đoạn trừ ô nhiễm, tâm được thanh tịnh và đoạn trừ vô mình mà tuệ thanh tịnh. Lìa được ô nhiễm, tâm được giải thoát gọi là thân tác chứng. Đoạn trừ vô minh, tuệ được giải thoát gọi là vô học. Lìa được tham ái thì sẽ hiểu biết chân thật. Giải thoát hiện tiền không còn đau khổ gì nữa. Hãy nên học những điều như thế. (40)
Tâm của chúng ta vốn là cội nguồn thanh tịnh, nhưng do bị che lấp bởi những chướng ngại mà trở nên không thanh tịnh. Tham dục là một chướng ngại. Chúng ta lo xây dựng và sửa đổi hoàn cảnh nên tâm bận bịu trong những hoàn cảnh ấy. Vì muốn lấp đầy hoản cảnh nên không thể thiểu dục tri túc mà thiểu dục tri túc là điều kiện giúp cho tâm thanh tịnh. Sân hận là một chướng ngại. Tâm sân thường hay tán loạn và nếu không biết kiểm soát, ta có những hành động và lời nói thiếu chánh niệm, gây mất đoàn kết và tạo thêm oan trái. Sân giống như đóng vào cột gỗ những cái đinh và khi nhổ đinh ra, nó để lại cột gỗ những lỗ lởm chởm. Sân làm cho tâm lởm chởm và khó mà thanh tịnh. Hôn trầm là một chướng ngại. Làm việc nhiều, ăn uống nhiều hay sức khỏe sa sút cũng khiến hôn trầm phát khởi. Ta chỉ muốn đi ngủ, thể trạng mệt mỏi và tính làm biếng được bày ra, chỉ muốn ngủ nghỉ, bỏ qua giờ công phu và tâm có cơ hội thực tập để được thanh tịnh. Trạo cử là một chướng ngại. Ta có tập khí lăng xăng, không yên, muốn nhảy dựng, muốn cử động, muốn phóng chỗ này chỗ kia. Ngồi một chỗ như cực hình nên tọa thiền, tụng kinh hay học giáo lý với người có nhiều lăng xăng quả thật khó khăn. Lăng xăng thì đồng nghĩa với không thanh tịnh. Hoài nghi hay ngờ vực là một chướng ngại. Chưa hiểu rõ phương pháp thực tập nên hoài nghi về tính xác thực. Thực tập không đúng phương pháp hay do nghiệp chướng sâu dày không thấy kết quả gì nên hoài nghi. Những lời dạy của Phật nghe cao siêu quá, hiểu không nổi, hoặc đem so sánh và ứng dụng vào thực tế thấy không hợp lí lắm nên hoài nghi. Từ hoài nghi mà dẫn đến thối chí, công phu thực tập giảm dần đến bỏ thực tập luôn. Hoài nghi rất dễ làm cho tâm tán loạn, và vọng tưởng tuôn ra như suối, rồi không còn thì giờ làm cho tâm thanh tịnh nữa. Tâm không thanh tịnh thì không có sức hút gì cả và không thể dạy bảo được ai, có chăng là hút vào những điều không thanh tịnh hay những điều ô nhiễm. Không thanh tịnh càng nhiều thì hạnh phúc vỡ tan đong đầy khổ đau. Nhiều phương pháp giúp đối trị với năm chướng ngại nhưng do không thanh tịnh quá lâu, tập khí dày đặc nên muốn chuyển hóa không phải là một sớm một chiều, mà cần có thời gian và công phu hành trì miên mật. Bằng không vốn đã không thanh tịnh sẽ càng trở nên không thanh tịnh hơn, ta trở thành một cục ô nhiễm, đi tới đâu ai cũng bỏ chạy, chẳng có ai hướng theo cả.
Tâm trở nên thanh tịnh hơn nhờ có niệm. Bốn đối tượng của niệm là thân, thọ, tâm và pháp. Chánh niệm về thân là biết được thân đang ở tư thế nào, đi, đứng, nằm, ngồi, cử động, làm việc. Chánh niệm về thọ là nhận diện được thọ lạc, thọ khổ, thọ xả. Chánh niệm về tâm là biết tâm hành nào đang biểu hiện, phát khởi ra sao, diễn tiến thế nào và kết thúc. Chánh niệm về pháp là biết pháp gì đang biểu hiện, nhất là các pháp trần do các pháp căn tiếp xúc tạo ra các pháp thức cũng được nhận biết. Có câu, Biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Thực tập chánh niệm là biết mình và biết xung quanh mình, không phải để thắng ai, mà để thắng mình, để không trôi lăn trong các pháp bất thiện, và tự nhiên mình trở nên thanh tịnh hơn. Trạch pháp là thấy rõ bản chất thực sự của các pháp là vô thường, vô ngã và niết bàn. Mọi việc đều như huyễn, biến đổi không ngừng, hóa kiếp liên tục, là vô thường. Chư hạnh đều vô thường thì còn gì là thường nên không tham đắm hay không dính mắc. Mọi việc đều do duyên sinh, khi các nhân đầy đủ kết hợp với các duyên tạo ra quả được sinh, nên không có tự ngã, không có thực thể nên không tác động được, không nắm bắt được, là vô ngã. Mọi ý niệm về thường, về ngã, về tướng, về nhân, về chúng sinh, về thọ giả, về mọi mặt đã trở nên tắt ngấm, ta tiếp xúc với niết bàn, hoàn toàn tĩnh lặng. Tinh tấn là siêng năng làm việc gì đó nhưng việc gì đó này là hướng đến việc tu tập, như siêng trì giới, siêng thiền tập, siêng phát triển định, siêng phát triển tuệ giác. Nếu siêng để được cung phụng và thỏa mãn dục lạc thì đây là tà tinh tấn. Nói chung, siêng thực tập các pháp giải thoát để tiến đến giải thoát thì tính tấn này chân chính hơn. Hỷ là niềm vui và thích thú đích thực, là thức ăn hàng ngày của người tu. Niềm vui phát khởi khi thân tâm không bị kẹt vào những pháp thế gian và nó bung ra khi tìm thấy được sự an lạc trong đời sống thực tập hàng ngày. Hỷ không phải là biểu hiện của tự kỷ ám thị mà biết vui với những gì đã có sẵn, biết đủ và không còn tầm cầu gì nữa. Khinh an là không còn lăng xăng, không chạy lung tung và chấm dứt tình trạng giao động. Ta có tập khí lăng xăng do lo lắng, sợ hãi, phiền não và thất niệm. Tính chạy đôn chạy đáo của tâm là do tầm cầu và mong ước quá nhiều, rồi ôm đồm đủ thứ nên không tập trung được. Tất cả những điều này làm ta bất an. Khinh an là vắng mặt của bất an, của trạo cử, của năm chướng ngại. Định là duy trì được chánh niệm lâu dài, nhất là trên một đối tượng được quán sát và an trú trong chánh niệm về đối tượng đó. Định như là kết quả của sự nhìn sâu và từ đó nảy nở tuệ giác. Tuệ giác khó phát triển nếu không có mặt của định và tuệ giác là hoa trái của định. Định chứa đựng tất cả các yếu tố của niệm, của tinh tấn, của hỷ, của khinh an, của trạch pháp và tuệ giác nhờ đó mà bừng nở. Xả là bình thường hóa trước mọi thứ, vô tư hóa trước mọi thứ, không theo phe, không thiên vị, không nể nang, không đặt ý niệm. Xả như là chấp nhận tất cả không phân biệt và vì không phân biệt nên không kì thị và vì không kì thị nên không chấp trước và vì không chấp trước nên không đau khổ hay phiền não. Bảy yếu tố của sự giác ngộ này còn gọi là thất giác chi hay thất bồ đề phần, đưa thiền giả đến các thành tựu viên mãn. Người tu thực tập đạt được bảy yếu tố này là đã gieo trồng biết bao nhiêu hạt giống lành trong quá khứ và hiện tại, đồng thời tiếp tục gặt hái quả chánh tri ở hiện tại và tương lai. Người như vậy rất tỏa sáng, không chỉ soi sáng cho bản thân mà còn soi sáng cho nhiều người khác và dẫn dắt cho rất nhiều người. Khổ đau với người ấy đã thấm và không còn khổ đau nào có thể hạ gục người ấy. Người ấy càng thực tập thì càng đón nhận hạnh phúc vì người ấy đã buông, buông hết, không ôm cái gì vào người nữa, và lúc này người ấy đong đầy hạnh phúc, một thứ hạnh phúc rất chân thật.
Thôi ta bắt đầu lại
Từ cánh rừng nguyên sinh
Từ ánh bình minh nơi suối nguồn vừa chảy
Từ địa đạo những mạch máu lan tỏa khắp hình hài.
Ta đi tìm hạnh phúc
Giữa muôn trùng duyên khởi
Có những khổ đau làm ta chới với
Giữa cuộc đời ta vẫn đói khát tình thương.
Hoa từ bi
Bỗng dưng nở rộ trong vườn
Mảnh đất tâm ta gieo trồng những hạt giống
Như chồi biếc gặp mưa xuân
Ta đón nhận bình yên từ khi mới lọt lòng.
TG Minh Thạnh
Trích từ Sách Hạt Mưa Bay Lên