(PPUD) Chúng ta thường phóng tâm để quan sát thế giới bên ngoài nên vì thế không mấy khi nhìn thấy được chính mình và thực sự hiểu mình.
« Giống như tên gọi một chiếc xe,
được xác định bởi tổng thể gồm các thành phần tạo ra nó
Cũng thế, con người theo quy ước
tùy thuộc vào những cấu hợp vật chất và tâm thần »
Lời Phật dạy
Chúng ta thường phóng tâm để quan sát thế giới bên ngoài nên vì thế không mấy khi nhìn thấy được chính mình và thực sự hiểu mình. Kinh nghiệm phát sinh từ những cảm nhận của ngũ giác liên kết với cách diễn đạt của tri thức tạo ra sự phân biệt giữa ta và thế giới chung quanh. Dựa vào sự phân biệt ấy tâm thức sáng tạo ra một cái tôi hay một cái ngã. Sự sáng tạo đó chính là một hình thức biểu lộ tai hại nhất của vô minh.
Vô minh không có nghĩa là sự thiếu hiểu biết mà là sự hiểu biết sai lạc và lầm lẫn. Nó cũng không phải là sự đần độn mà chính là trí thông minh, nhưng là một trí thông minh lệch lạc và chủ quan. Vô minh cũng không phải là một thể dạng thụ động mà là một tác nhân vô cùng tích cực, chi phối, ảnh hưởng và điều khiển từ tư duy cho đến hành động của ta.
Một trong những chủ đích căn bản của giáo lý nhà Phật là loại bỏ vô minh để đạt được giác ngộ. Nhất định ta không thể nào phóng tâm ra bên ngoài để loại bỏ vô minh vì vô minh đang ngư trị trong tâm thức của chính mình. Vì thế người Phật tử phải nhìn vào « bên trong », từ thân xác cho đến tâm thức để ý thức được bản chất đích thực của chúng là gì, và từ đó sẽ nhận ra nguồn gốc của vô mình đang ngự trị ở chỗ nào để mà loại bỏ nó.
Không mấy khi chúng ta tự hỏi cái thân xác này là gì ? Từ đâu mà nó sinh ra ? Tại sao nó lại như thế ? Những xu hướng và xúc cảm hỗn độn phát lộ trong tâm thức có nguồn gốc từ đâu ? Tại sao ta lại phản ứng và hành động như thế ?… Đó là những câu hỏi mà bài viết ngắn này cố gắng tìm cách giải đáp dựa vào giáo lý nhà Phật. Bài viết gồm hai phần chính : phần thứ nhất trình bày các thành phần cấu hợp tạo ra thân xác và tâm thức của một cá thể, phần thứ hai đề nghị những góc nhìn mà người Phật tử cần phải có sau khi đã tìm hiểu bản chất của chính mình là gì.
1- Phân tích bản chất của chính mình
Thân xác là một sự cấu hợp ô nhiễm :
Cảnh giác và chủ động thân xác chính là một trong những khía cạnh tu tập căn bản nhất trong giáo lý nhà Phật. Cái nhìn của ta thường xuyên bị chi phối và điều khiển bởi những xu hướng sâu kín trong tâm thức mà ta không hề hay biết. Những xu hướng đó phát sinh từ nghiệp và bản năng.
Có những người thích soi gương để chiêm ngưỡng bóng dáng của mình hoặc để lo lắng cho sắc đẹp của mình. Khi đi tắm thì soi gương xem bộ ngực có to, có đẹp và có cân đối hay không, mua quần áo thì phải chọn như thế nào để tăng cường thêm vẻ đẹp của thân thể. Có những người dù rất lười nhưng vẫn cố gắng tập thể dục cho các bắp thịt nở nang, chọn giày như thế nào để có vẻ cao thêm một tí… Đức Đạt-Lai thường giảng là sau khi tắm rửa xong thì ta cảm thấy thân xác được thoải mái và sạch sẽ, nhưng thật ra thì cái thân xác đó chỉ là một cái ổ chất chứa mọi thứ bệnh tật và vi trùng. Đức Phật thì dạy chúng ta hãy quan sát cái thân xác ấy như sau :
« Các con hãy nhìn thân xác các con từ đầu ngón chân lên đến đỉnh đầu, rồi lại nhìn từ đỉnh đầu xuống đến đầu ngón chân, các con sẽ nhận thấy có một lớp da bọc kín cái thân xác ấy, bên trong thì chứa đầy những ô uế. Cái thân xác ấy gồm có :
– tóc, lông, móng (móng chân, móng tay), răng, da ;
– thịt, gân, xương, tủy, thận ;
– tim, gan, màng nhầy, lá lách, phổi ;
– ruột, màng treo ruột, dạ dày, phân, óc ;
– mật, dung dịch tiêu hóa, mủ, máu, chất nhờn, mỡ ;
– nước mắt, mồ hôi, nước miếng (nước dãi, nước bọt), mủ, nước ở khớp xương, nước tiểu »
(trích từ quyển Buddhism của Edward Conze, Oxford, 1951)
Ngoài 32 thành phần cấu hợp vừa kể còn có 9 cái lỗ mà người tu tập phải quán thấy. Chín cái lỗ ấy là hai mắt, hai lỗ tai, hai lỗ mũi, miệng, lỗ tiểu tiện và hậu môn, chín lỗ hổng ấy tiết ra những chất đào thải ghê tởm. Thói thường không mấy khi ta chú ý xem bản chất của cái thân xác cấu hợp ấy là gì và nó đang vận hành ra sao, trái lại ta chỉ chú tâm để trau chuốt và tẩm bổ cho cái tổng thể gồm 32 thành phần và 9 cái lỗ ấy, ta mua sắm không tiếc cho chúng, nào là quần áo, nữ trang, nước hoa, son phấn, đồng hồ đắt tiền… để tự hãnh diện, hoặc cũng có thể để gián tiếp phơi bày ra bên ngoài những mặc cảm và những đau khổ sâu kín của chính mình.
Đức Phật luôn nhắc nhở chúng ta hãy nhìn thẳng vào bản chất đích thực của thân xác, Ngài khuyên các đồ đệ của Ngài hãy ra nghĩa địa để quan sát các thể dạng rữa thối của những xác chết. Dù sao thì sự tu tập Phật giáo cũng đi ngược lại với xu hướng chung của các nền văn hóa Tây phương. Người phương Tây xem thân xác con người như một công trình toàn hảo và tuyệt vời của tạo hoá. Các tượng thần của nền văn minh cổ đại Hy Lạp đã lưu lại cho chúng ta những thân hình thật « lý tưởng ». Hình ảnh của những thân hình lý tưởng đó thâm nhập vào nền văn minh La mã và còn rơi rớt lại cho đến các thời kỳ Trung cổ và Phục hưng của cả Âu châu. Những bức tượng khỏa thân do Michel Ange thực hiện được xem như những tác phẩm tiêu biểu nhất cho nghệ thuật điêu khắc phương Tây. Sự tôn thờ thân xác vẫn còn tác động rất mạnh trong các sinh hoạt nghệ thuật và văn hóa ngày nay. Các nền văn hóa Á châu nói chung tương đối ít bị ám ảnh bởi thân xác con người hơn, có lẽ nhờ vào nền tư tưởng Phật giáo.
Sự cấu hợp giữa thân xác và tâm thức :
Thân xác vật chất còn được kết hợp với một thành phần vô cùng quan trọng nữa, đó là tâm thức. Kính sách nói rằng cá thể con người có ba cửa ngõ : đó là thân xác, ngôn từ và tâm thức. Có thể không đến nỗi quá khó khi cần khép hai cửa ngõ thân xác và ngôn từ để cho chúng nghỉ ngơi, tuy nhiên đối với cửa ngõ tâm thức thì hết sức gay go. Thí dụ một người ngồi thiền có thể giữ cho thân xác bất động, miệng khép lại, nhưng tâm thức thì không mấy khi chịu nghỉ ngơi. Vì thế tâm thức là thành phần mà người tu tập khó nắm bắt và chủ động nhất. Sau đây là vài lời giảng liên quan đến tâm thức của một đại sư Tây tạng là ngài Dilgo Khyentsé Rinpoché (1910-1991), rất uy tín đối với giới Phật tử Tây phương :
« Tâm thức đi ngang thân xác giống như một người khách bước vào một gian nhà. Xuyên qua thân xác ấy, tâm thức nhận biết được hình tướng, âm thanh, mùi, vị, cảm giác. Khi tâm thức ra đi thì thân xác sẽ hóa thành xác chết. Nó sẽ không còn quan tâm đến cái đẹp hay cái xấu, lời lăng nhục hay ngợi khen, không thích thú khi được mặc quần áo lụa là, cũng không đau đớn khi bị hỏa táng. Trong tình trạng đó, thân xác là một vật thể không khác gì đất và đá. Khi thân xác và tâm thức tách rời nhau, ngôn từ giữ một vị trí trung gian giữa hai thể dạng cũng biến mất, giống như một tiếng vang im bặt. Giữa ba thành phần thân xác, ngôn từ và tâm thức, thì tâm thức quan trọng hơn hết, tu tập Phật pháp (Dharma) chính là cách biến cải tâm thức ». (trích từ quyển Le trésor du coeur des êtres eveillés, Dilgo Khyentsé Rinpoché, Sueil, 1996)
Ta hiểu rằng tâm thức không phải là thân xác, tuy nhiên ta không thể tách rời nó khỏi thân xác. Mỗi khi ta muốn nắm bắt nó thì ta cũng không biết nó ở đâu. Nếu muốn tìm hiểu và xác định nó thì ta cũng không biết nó thật sự là cái gì. Nó không hình tướng, không màu sắc, không hàm chứa một đặc tính vật chất nào. Ngài Long Thụ thì xem tâm thức đơn giản chỉ là một danh xưng.
Những gì vừa nêu lên cho thấy việc tìm hiểu tâm thức rất khó và việc tìm hiểu ấy giữ một vị trí quan trọng trong việc tu tập Phật pháp. Tâm thức sẽ được trình bày trong các phân đoạn dưới đây liên quan đến ngũ uẩn.
Sự chuyển tiếp liên tục giữa các thể dạng vật chất và phi vật chất :
Hầu hết chúng ta đều hiểu là thân xác một cá thể con người được hình thành từ sự kết hợp giữa tinh trùng của cha và noãn cầu của mẹ. Tuy nhiên ta vẫn có thể thắc mắc tại sao lại xảy ra sự kết hợp đó để làm phát sinh ra sự hiện hữu của ta hôm nay ? Tại sao chỉ có một con tinh trùng nào đó trong số hàng triệu tinh trùng do cha ta phóng ra lại chui lọt vào một cái noãn cầu của mẹ ? Đấy là một biến cố gần như vô nghĩa so với trùng trùng điệp điệp các hiện tượng khác đang chuyển động trong thế giới này, tuy nhiên đối với ta biến cố đó có thể là nguồn gốc của cả một vũ trụ vì lý do là sự hiện hữu của vũ trụ này phát sinh tùy thuộc vào sự cảm nhận của chính ta. Dù cho ta không quan tâm và thắc mắc về biến cố đó đi nữa, nhưng các khoa học gia, triết gia, tư tưởng gia, các nhà thần học… đã đưa ra không biết bao nhiêu triết thuyết để cố gắng giải thích các hiện tượng trong thế giới này, trong số đó có sự kết hợp giữa một tinh trùng và một cái noãn cầu.
Đối tượng của khoa học giới hạn trong thế giới vật chất và các thể dạng biến động của thế giới đó, vì thế quan điểm của các khoa học gia cũng trở nên hạn hẹp hơn và thông thường thì họ chỉ nêu lên các thuyết chính yếu như ngẫu biến (hasard), hoặc thuyết quyết định (déterminisme) liên quan đến quy luật nguyên nhân và hậu quả. Các triết gia thì thả cho sự suy luận tung hoành mạnh hơn và đưa ra nhiều triết thuyết đa dạng khác, chẳng hạn như các thuyết định mệnh (fatalisme), thuyết tất yếu (nécessitarisme), thuyết vô định (indéterminisme – một thuyết chủ trương ngược lại với thuyết quyết định), thuyết hỗn độn (chaos), thuyết tự chủ (liberté), thuyết sáng tạo hay tạo hóa (créationisme) v.v…
Người tu tập không nên rơi vào những cái bẫy như thế, nếu rơi vào đó thì cũng giống như một con hổ vướng vào lưới, một con nai rơi xuống một cái hố ngụy trang, hay một con cá chui vào rọ. Thay vì đi tìm sự giải thoát thì ta lại rơi vào sự vướng mắc. Đức Phật luôn luôn cảnh giác các đồ đệ của Ngài không được tham gia vào những biện luận vô bổ và thuần lý như thế. Trước những câu hỏi được nêu lên thuộc vào các lãnh vực ấy thì Đức Phật giữ yên lặng và không trả lời. Thật ra những biện luận siêu hình theo lối đó chỉ là cách nhào nặn một vài ý tưởng dựa theo kinh nghiệm và sự hiểu biết cá nhân của mỗi triết gia để trình bày dưới những hình thức phức tạp và cầu kỳ. Nếu ta cố tình tham gia vào đấy để tự nhào nặn tư duy của mình thì cũng rất có thể ta sẽ khám phá ra một thế giới muôn màu và muôn vẻ, những thật ra thì cái thế giới ấy rỗng tuếch. Phần lớn các triết thuyết không hàm chứa điều gì thiết thực, đấy là chưa nói đến một số triết thuyết đã từng làm phát sinh những chủ nghĩa tai hại gây ra không biết bao nhiêu đỗ vỡ và đau thương cho nhân loại.
Vì vậy trước sự kiện một con tinh trùng này chui vào một cái noãn cầu kia để làm phát sinh ra sự hiện hữu của ta hôm nay thì ta phải hiểu như thế nào ? Tất nhiên là khó cho ta tin có một vị thánh nhân hay một vị thần linh nào đó ngồi bên cạnh giường cha me ta để chờ đúng lúc thuận tiện mà tuyển chọn cho ta một con tinh trùng và một cái noãn cầu. Cha mẹ ta cũng không nghĩ đến việc ấy vì họ còn bận công việc của họ, dù cho họ có muốn thì cũng không làm được. Riêng phần ta thì lúc đó ta « chưa » hiện hữu vậy làm thế nào để tự chọn cho ta.
Thói thường ta chỉ sống xuyên qua những kinh nghiệm của giác cảm liên quan đến thế giới vật-chất và không hề quan tâm đến những gì thuộc vào thế giới phi-vật-chất. Chúng ta hãy lấy thí dụ về hình ảnh một đứa bé cắp sách đến trường, nếu trước kia đứa bé không chịu cố gắng học hành thì hôm nay ta sẽ không biết đọc ? Hình ảnh đứa bé đã hoàn toàn thuộc vào thế giới phi-vật-chất, tuy nhiên ta vẫn cảm thấy có một sự liên tục nào đó giữa đứa bé và sự hiện hữu của ta hôm nay. Hành động của đứa bé trước đây liên hệ đến những gì mà ta đang thừa hưởng.
Sở dĩ ta cảm nhận được một sự liên tục nào đó trong quá trình hiện hữu chính là nhờ vào tâm thức, và tâm thức thì nhờ vào sự hoạt động của não bộ. Tuy nhiên ta không thể nào bảo rằng một cá thể chỉ hiện hữu liên tục trong các giai đoạn mà não bộ hoạt động, ngoài các giai đoạn đó ra thì sự hiện hữu của ta không có. Tất cả các giai đoạn như phôi, thai nhi, ấu nhi, vị thành niên, trưởng thành, già nua, bệnh tật… đều dự phần vào quá trình hình thành và hủy hoại của một cá thể, tuy nhiên khả năng ý thức được sự liên tục giữa các thể dạng ấy chỉ có thể phát hiện trong thời gian mà não bộ hoạt động bình thường. Trong các giai đoạn phôi, thai nhi thì não bộ chưa có hoặc chưa hoạt động hữu hiệu, cũng thế trong các trường hợp não bộ bị chấn thương, đứt mạch máu não, hôn mê hay là trường hợp bị bệnh tâm thần, bệnh alzheimer thì não bộ không còn hoạt động hữu hiệu nữa. Mặc dù chưa có não bộ hay não bộ không hoạt động hữu hiệu thì sự liên tục trong quá trình hiện hữu của một cá thể vẫn tiếp tục không gián đoạn. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma gọi đó là dòng tiếp nối liên tục (continuum) của tri thức, dòng liên tục đó không mang tính cách khởi thủy và nó kéo dài xuyên qua các chu kỳ hiện hữu.
Sự chuyển tải của nghiệp :
Phần trình bày trên đây giải thích về sự liên tục của các thể dạng vật-chất và phi-vật-chất của một cá thể giới hạn trong một chu kỳ hiện hữu duy nhất. Tuy nhiên các thể dạng hiển hiện liên tục của một cá thể cũng chuyển tiếp và liên kết với nhau từ chu kỳ này sang chu kỳ khác. Nghiệp cũng theo đó mà hoán chuyển theo, từ chu kỳ này sang chu kỳ khác.
Nếu sự tương quan giữa nghiệp và quả tương đối dễ nhận thấy xuyên qua các thể dạng thuộc chung một chu kỳ, thí dụ như trường hợp đứa bé đến trường – người lớn biết đọc, thì sự hoán chuyển của nghiệp từ chu kỳ này sang chu kỳ khác có vẻ khó nhận thấy hơn. Chúng ta đều hiểu rằng quy luật nguyên nhân – hậu quả có tính cách vững chắc và toàn cầu, tác động trên tất cả các thể dạng vật-chất và phi-vật-chất, xuyên qua không gian và thời gian, vì thế nó không thể bị hạn chế và chỉ có giá trị trong giới hạn của mỗi chu kỳ. Nếu quả chưa phát sinh trong chu kỳ hiện tại thì nó sẽ phát sinh trong chu kỳ tiếp theo, hoặc trong những chu kỳ xảy ra thật xa sau này khi đã hội đủ cơ duyên, tức các điều kiện thích nghi. Trên phương diện « kỹ thuật » thì sự liên hệ giữa nghiệp và quả xảy ra như thế nào ? Nghiệp được chuyển tải ra sao từ một thể dạng này sang một thể dạng khác, từ chu kỳ này sang chu kỳ khác ?
Nghiệp là một hành động và tất cả mọi hành động đều để lại dấu vết. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma giảng rằng những dấu vết do nghiệp tạo ra có thể hình dung như những « vết hằn » in đậm trên dòng tiếp nối liên tục của tri thức. Dòng tiếp nối ấy là cơ sở chuyển tải của nghiệp. Nhờ vào một thể dạng nào đó một cá thể hành động và tạo ra nghiệp, nghiệp lưu lại dấu vết trên dòng tiếp nối. Cũng như tất cả các hiện tượng khác, thể dạng đó không thoát khỏi các nguyên lý vô thường và duyên sinh và sẽ biến đổi khi các điều kiện tạo tác ra nó đổi thay. Tuy nhiên vết hằn của nghiệp trên dòng tiếp nối vẫn còn nguyên vẹn cho đến khi gặp được những điều kiện hay cơ duyên thích nghi để phát hiện thành quả trùng hợp với một thể dạng mới của cá thể ấy. Sự phát hiện đó có thể xảy ra trong thể dạng kế tiếp hay các thể dạng khác thuộc vào các chu kỳ khác… Sự cố gắng học hành của một đứa bé trước đây hôm nay giúp cho ta biết đọc. Những xúc cảm phát sinh từ những gì ta đang đọc và có thể cả những hành động cụ thể phát sinh từ những xúc cảm đó sẽ làm phát sinh ra quả trong một thể dạng tiếp theo sau, thuộc vào chu kỳ hiện hữu này hay trong những chu kỳ hiện hữu xa hơn và trùng hợp với một thể dạng « khác » của chính ta trên dòng tiếp nối.
Sự phối hợp giữa tinh trùng và noãn cầu là một cơ duyên giúp cho thể dạng phi-vật-chất cuối cùng trong quá trình hiện hữu trước đây của ta hiển hiện trở lại thành một thể dạng vật-chất khi tinh trùng phối hợp với noãn. Sự tham gia của cha mẹ ta vào biến cố đó chỉ là những điều kiện phụ thuộc còn gọi là cơ duyên. Nhìn trên một khía cạnh khác, đó là cách mà cha mẹ ta tạo nghiệp mới cho mình và đồng thời nhận lãnh hậu quả phát sinh từ những nghiệp khác trong quá khứ của họ. Sinh ra ta họ phải nuôi nấng và dạy dỗ, và sau này nếu ta trở thành một người con thông minh và hiếu thảo hay là một người con ngu đần và khuyết tật… thì đều tùy thuộc một cách « hợp lý » vào nghiệp trước đây của cha mẹ ta và đồng thời của ta nữa. Tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ đều tương liên với nhau, nghiệp của cha mẹ ta và ta liên kết với nhau một cách chặt chẽ. Không có một sức mạnh siêu nhiên nào chen vào những biến cố ấy để sắp xếp, xét xử hay thưởng phạt cha mẹ ta và ta cả.
Nếu suy luận xa hơn nữa và trên một bình diện khác, thì ta sẽ hiểu rằng nhờ vào biến cố một tinh trùng phối hợp với một noãn cầu mà ta được hưởng gia tài ADN (DNA) từ những gien di truyền của cha và mẹ. Sự di truyền đó phù hợp với nghiệp của ta trong quá khứ, có nghĩa là ta có thể sinh ra cao lớn hay thấp lùn, xinh đẹp hay xấu xí, nhân từ hay hung dữ, khoẻ mạnh hay khuyết tật… Và nếu tiếp tục nhìn xa hơn nữa thì cha mẹ ta cũng thừa hưởng những gì từ ông bà ta phù hợp với nghiệp của họ. Sự lệ thuộc như vừa kể tiếp tục mở rộng ra cho đến gia tài di truyền ADN chung của chủng loại, và xa hơn nữa là của tất cả chúng sinh và sự sống, sự lệ thuộc đó buộc chặt ta với môi trường, với thế giới vật-chất và phi-vật-chất…, có nghĩa là với tất cả những gì đang chuyển động trong vũ trụ này.
Khái niệm về ngũ uẩn hay sự hình thành của cá tính :
Dưới các thể dạng của phôi, thai nhi và lúc mới lọt lòng, ta chưa cảm nhận được một cái tôi nào cả. Bước sang giai đoạn ấu thơ ta mới khởi sự khám phá dần dần môi trường chung quanh nhờ vào ngũ giác, chẳng hạn như nhận định được hướng phát ra âm thanh, phân biệt góc bàn khác với mình vì nếu va đầu vào đó thì có thể làm cho đau, một vật có thể cứng hay mềm, nóng hay lạnh. Những kinh nghiệm cảm nhận của ngũ giác giúp cho ta phân biệt thân xác của mình khác với thế giới chung quanh và từ đó cái tôi hình thành, và cũng từ đó vô minh bắt đầu tác động.
Theo quan điểm Phật giáo, cá thể con người gồm có năm thành phần cấu hợp gọi là ngũ uẩn (skandha), đó là thân xác, giác cảm, xúc cảm, tác ý và tri thức. Đó là các chức năng thuộc thể xác và tâm thần mà sự vận hành của nó sẽ giúp cho một cá thể tự nhận diện ra mình và hình dung ra một cái tôi. Theo cách định nghĩa trên đây thì có thể hiểu ngũ uẩn là các nguyên liệu căn bản dùng để xây dựng tính cá biệt của một nhân dạng hay một cá thể. Những gì vừa được trình bày rất quan trọng vì đó là cốt lõi của tâm lý học Phật giáo.
Khái niệm về ngũ uẩn là một khái niệm then chốt trong Đạo pháp mà Đức Phật đã đem ra giảng ngay trong bài thuyết giáo đầu tiên (Dhammacakkapavattanasutta) khi đề cập đến sự thật thứ nhất tức là Khổ đau. Một cách tổng quát, ngũ uẩn có nghĩa là năm thành phần cấu hợp thuộc vật chất và tâm thần của mọi sự hiện hữu sinh khởi hay tạo tác nhờ sự kết hợp của nhiều điều kiện. Theo nguyên gốc tiếng Phạn thì chữ skandha có nghĩa là một đống, một khối, một nhóm, sự kết hợp hay chồng chất. Kinh sách Tây phương dịch chữ skandha là một sự cấu hợp (agrégat) gồm nhiều thành phần, trong khi đó kinh sách tiếng Hán thì dịch là uẩn, và có nghĩa là sự tàng trữ, cất dấu, tích tập. Ngũ uẩn được phân loại thành hai cấp bậc như sau :
– Cấp bậc thứ nhất giới hạn trong một cá thể. Trong cấp bậc này ngũ uẩn được hiểu như nền móng tạo dựng ra sự cá biệt của một nhân dạng, và căn cứ vào đó người ta thường hiểu lầm sự cá biệt ấy là cái tôi (atman) hay một cá nhân con người (pudgala).
– Cấp bậc thứ hai mang tính cách tổng quát. Trong cấp bậc này ngũ uẩn có nghĩa là tất cả các hiện tượng mang tính cách cấu hợp hiện hữu trong vũ trụ.
Năm thành phần của ngũ uẩn được định nghĩa như sau :
– Sắc (rupa): có nghĩa là thân xác, còn gọi là hình tướng, gồm các thể dạng vật chất. Sắc còn có nghĩa là cơ sở tích tụ các giác cảm. Sắc hay hình tướng cũng là những từ ẩn dụ chỉ định những cảm nhận thông thường và xem những thứ ấy hoàn toàn thật. Một cách tổng quát, hình tướng là điều kiện tiên quyết dùng để xác định đặc tính của một cá thể, chẳng hạn như khi nhìn thấy thân xác một người khác thì ta biết ngay đấy không phải là thân xác của mình.
Tóm lại sắc hay cấu hợp hình tướng tượng trưng cho giai đoạn tiên khởi trong quá trình thiết lập một cái tôi. Thân xác là một điểm tựa mang tính cách vật chất mà tri thức đã dựa vào đó để tự nhận diện như một thực thể vật chất.
Bốn uẩn còn lại đều thuộc vào lãnh vực tâm thần và được định nghĩa sau đây :
– Tưởng (vedana): có nghĩa là các giác cảm, tức là sự nhận biết của tri thức, chẳng hạn như thích thú, khó chịu hay trung hòa. Khi xảy ra sự tiếp xúc giữa tri thức và các đối tượng của nó thì các kinh nghiệm giác cảm sẽ phát sinh, chẳng hạn như các cách phát biểu : tôi cảm thấy khoan khoái, tôi đang nhức đầu… Giác cảm liên hệ trực tiếp với thân xác xuyên qua ngũ giác, tuy nhiên giác cảm cũng có thể trực tiếp liên hệ với tâm thức, chẳng hạn như trường hợp bất chợt nhớ lại một hành động tốt đẹp hay xấu xa nào đó trong quá khứ sẽ làm phát sinh trong tâm thức ta những giác cảm thích thú hay khó chịu.
Nếu không có sự tham gia của tri thức thì thân xác sẽ không cảm thấy gì cả. Khi thân xác nhận biết được một giác cảm nào đó thì tự động nó sẽ tự xác định vị trí của nó tương quan với môi trường chung quanh như là đối tượng đã tạo ra giác cảm. Sự nhận biết vừa kể phân biệt và tách rời thân xác với những hiện tượng thuộc vào bối cảnh chung quanh. Tiếp theo đó tri thức sẽ gom góp và tập hợp tất cả những kinh nghiệm giác cảm trên đây bằng cách căn cứ vào nguyên lý nhị nguyên : tôi và thế giới. Kết quả là tri thức sẽ tự động chấp nhận nguyên tắc nhị nguyên ấy như là phương cách vận hành tự nhiên của chính nó.
– Thọ (samjna): là sự nhận thức, cảm tính hay khái niệm dùng để phân biệt hay xác định những vật thể đã nhận biết được. Nói chung thọ có thể hiểu như một sự diễn đạt dưới hình thức khái niệm về những gì đã cảm nhận. Sự diễn đạt đó cần có sự góp phần của các yếu tố như trí nhớ, trí tưởng tượng hay sự phán đoán. Tóm lại theo định nghĩa vừa kể thì uẩn thứ ba có thể hiểu một cách tổng quát như là những khái niệm. Giác cảm khi được chủ thể tiếp nhận sẽ được diễn đạt thành những khái niệm xuyên qua những gì mà chủ thể đã được học hỏi nhờ vào giáo dục hoặc qua những kinh nghiệm tích lũy từ trước, chẳng hạn như khi ta thốt lên : đây là cái bàn, đây là người ta, đây là con chó, đây là một cành hoa… Sự nhận biết các vật thể bằng cách phân biệt như thế sẽ làm gia tăng và củng cố thêm tính cách đối cực của nhị nguyên : một bên là ta và một bên là cảnh vật chung quanh.
– Hành (samskara): là sự tạo nghiệp gồm có tác ý, các xung năng và xu hướng mang tính cách duy ý (volition) có nghĩa là những gì khích động tâm thức làm phát sinh ra hành động, các hành động ấy có thể là tích cực, tiêu cực hay trung hòa. Đó là những xui khiến các phản ứng tự động… phát sinh liên quan đến nghiệp trong quá khứ. Những phản ứng đó sẽ tạo ra những vết hằn mới trên dòng tiếp nối liên tục của tri thức, đưa đến hành động trong hiện tại, và tạo ra hậu quả trong tương lai của một cá thể. Trong tập A-tì-dạt-ma câu-xá luận (Abhidharmakosasastra) ngài Vô Trước giải thích rất rõ thế nào là hành và liệt kê tất cả 49 yếu tố tâm thần liên kết vời các đối tượng của nó để làm phát sinh ra tác ý hay sự tạo nghiệp.
Một cách tổng quát, tất cả các sức mạnh phát sinh từ những hành động từ trước tức là nghiệp trong quá khứ, phát động dưới hình thức xu hướng hay xung động thúc đẩy hay khích động một cá thể hành động để tạo ra nghiệp mới. Do đó cái tôi thuộc vào uẩn thứ tư cũng trở nên phức tạp hơn vì được ghép thêm các xu hướng và xung năng của nghiệp. Cái tôi phức tạp đó bắt đầu dán thêm một số nhãn hiệu khác nữa vào những gì mà nó cảm nhận được ở cấp bậc uẩn thứ ba là thọ, chẳng hạn như : cái bàn này thô kệch, người này dễ thương, cành hoa kia đẹp… Vì thế, sự tạo nghiệp hay hành luôn luôn mang tích cách chủ tâm hay cố ý (volition), tương quan với đối tượng được cảm nhận. Có ba xu hướng tạo nghiệp : tiêu cực, tích cực và trung hòa. Hãy lấy một thí dụ như sau, khi đi vào một cánh rừng, bất chợt ta thấy một con hươu chạy ngang trước mặt. Ba trường hợp có thể xảy ra : a) trường hợp thứ nhất ta phát lộ những cảm tính hung bạo và tỏ sự tiếc rẻ là không mang theo súng để bắn con vật để ăn thịt ; b) trường hợp thứ hai là ta mừng rỡ được nhìn thấy một con vật đang hạnh phúc trong cảnh rừng hoang, ta được dịp may chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một con thú sống tự do trong thiên nhiên, c) trường hợp thứ ba là ta hoàn toàn vô cảm, tuy có thấy con hươu nhưng không liên tưởng đến gì cả, cũng không diễn đạt gì cả vì có thể lúc ấy tâm thức ta đang lo âu và suy nghĩ về một chuyện khác.
– Thức (vijnana): còn gọi là tri thức hay ý thức, đó là cấp bậc cấu hợp cao nhất trong ngũ uẩn, liên hệ đến tất cả các uẩn khác. Vần vi đầu ngữ của từ vijnana có nghĩa là đối chọi hay đối nghịch. Khi nói đến ý thức thì phải ý thức về một cái gì, do đó thức là yếu tố quyết định làm phát sinh sự đối nghịch giữa tôi và thế giới. Chức năng của thức là nhận biết và phân biệt cá tính của mọi hiện tượng, tức là giữ vai trò chủ thể đứng ra hiểu biết và ý thức một vật thể hay một biến cố. Tri thức phát động tùy thuộc vào sáu tri giác : thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác và trí giác (manovijnana – mạt-na thức). Trí giác hay mạt-na thức nhận biết một vật thể và dán lên cho nó một nhãn hiệu, gán cho nó một tên gọi.
Sự vận hành của sáu tri giác vừa kể trên đây hoàn toàn lệ thuộc vào đối tượng của chúng. Nếu đối tượng biến mất thì sáu tri giác dùng để nhận biết đối tượng đó cũng biến mất theo. Thí dụ khi ta quan sát một cành hoa thì tri giác về thị giác sẽ hiển hiện, không những nó lệ thuộc vào cành hoa mà còn lệ thuộc vào mắt, vào khả năng bén nhậy của mắt, vào tri thức đứng ra nhận biết đấy là một thành phần thực vật gọi là « cành hoa ». Nếu cành hoa không còn nữa thì quá trình nhận biết cành hoa cũng không còn lý do để tồn tại. Tri thức phát sinh từ sự kết hợp của nhiều thành phần và điều kiện, do đó nó hiển hiện, kéo dài hay chấm dứt nhanh chóng tùy thuộc vào các thành phần và điều kiện làm phát sinh ra nó. Các thể dạng tri thức nối tiếp nhau hiển hiện làm cho ta có cảm giác đó là một luồng tiếp nối liên tục, giống như hình ảnh của một cuốn phim.
Chúng ta thấy trong cấp bậc thức trên đây cái tôi hay cái ngã đã được thiết lập một cách thật vững chắc. Trong cấp bậc này ta không còn do dự gì cả khi xác nhận : chính là tôi đây và khi đó ta sẽ không còn đủ sức để nhận ra cái tôi đây chỉ đơn giản là một sản phẩm của tâm thức.
Tóm lại ngũ uẩn là cơ sở giúp phát triển ý niệm về một cái tôi trường tồn và tự chủ, và ý niệm sai lầm đó sẽ đưa đến sự tái sinh. Có thể hiểu cái tôi như là một tạo dựng phát sinh từ sự tương tác của một tổng thể gồm thân xác, giác cảm và các cách diễn đạt của tâm thức. Cái tổng thể đó luôn luôn biến động và tạo thành một chuỗi tiếp nối gồm nhiều thể dạng, các thể dạng tiếp tục thúc đẩy nhau để hiển hiện và tự hủy hoại. Cái quá trình đó không cho thấy sự hiện hữu của một thực thể bất biến nào cả, có nghĩa là không có sự hiện hữu của một cái tôi có tính cách trường tồn. Vì lẽ các thể dạng xô đẩy nhau để hiển hiện quá nhanh nên chúng ta không thể phân tích và nhận biết từng thể dạng một, giống như trường hợp những hình ảnh một cuốn phim liên tục tiếp nối nhau làm cho ta có cảm giác là các nhân vật đang cử động. Sự liên tục tạo ra ảo giác của một cái tôi.
Nếu chọn hai hình ảnh hay hai thể dạng cách nhau thật xa thì chúng ta sẽ dễ nhận thấy sự khác biệt hơn. Hình ảnh một đứa bé cắp sách đến trường có thể là một hình ảnh đã hoàn toàn thuộc vào thế giới phi-vật-chất, nhưng thí dụ như hình ảnh đó vẫn còn giữ được dưới thể dạng vật chất và có ai đem đứa bé ấy đến đứng cạnh ta và bảo đấy là ta thì nhật định ta không chấp nhận vì cảm tính của cái tôi luôn luôn phản ứng để bảo vệ cá tính cho cái tôi trong hiện tại. Nếu nhìn xa hơn nữa thì ta có thể đưa ra làm thí dụ hình ảnh một người già sắp chết, một bà lão hay một ông lão chẳng hạn, đang rên siết trên giường bệnh, vợ con hay chồng con của người này đang quây quanh và kêu khóc. Nếu có ai bảo với ta đó là thể dạng vật chất cuối cùng của ta trong chu kỳ hiện hữu xảy ra trước đây thì nhất định ta cũng không chấp nhận vì nếu chấp nhận thì ta sẽ vấp vào cái tôi tạo dựng bởi ngũ uẩn đang đứng ra phía trước để bảo vệ ta và xem ta là duy nhất, không dính líu gì với cái thân xác già nua đang hấp hối ấy, đối với hình ảnh ấy ngũ uẩn nhận biết như là một đối tượng thuộc vào môi trường bên ngoài.
Sự tiếp nối liên tục của ngũ uẫn :
Thân xác và tri thức luôn luôn đi đôi với nhau và hỗ trợ cho nhau. Thiếu sự hỗ trợ của thân xác thì tri thức không thể phát sinh. Tri thức cần có một cơ sở vật chất chống đỡ là não bộ. Ngược lại một cá thể cũng cần phải có một sự tiếp nối liên tục của tri thức để hiện hữu. Tri thức giữ vai trò liên kết các thành phần cấu hợp, nhờ đó mà sự sống mới có thể tồn tại. Dựa vào tri thức ta mới có thể ý thức được thân xác, các giác cảm và mọi sự diễn đạt xuất phát từ tâm thức, và những cảm nhận đó sẽ làm phát sinh một thể dạng đối cực gọi là nhị nguyên tức là sự đối nghịch giữa chủ thể và đối tượng. Tóm lại khi tri thức phát sinh sẽ kéo theo cái tôi, cái tôi phát sinh sẽ kéo theo sự phận biệt cái tôi của mình và cái tôi của những cá thể khác, và sự phân biệt đó lại tiếp tục mở rộng ra đến tất cả thế giới bên ngoài. Nói một cách khác sự hiện hữu của thế giới bên ngoài chẳng qua là do tri thức nhận biết có một cái tôi ở bên trong của chính mình.
Sự quan tâm và lo lắng thường xuyên về sự hiện hữu sẽ thúc đẩy ta bám víu và thu nạp tổng thể của ngũ uẩn để nhận diện đó là tôi. Ngày còn nhỏ khi nhìn vào gương ta thấy hình ảnh một đứa bé và ta nhận diện ngay hình ảnh ấy chính là tôi, hôm nay nhìn vào gương ta thấy một người hoàn toàn khác với đứa bé trước kia, đó là một thân xác có thể khoẻ mạnh và to lớn, hay nhỏ thó và ốm đau, lành lặn hay khuyết tật (thiếu chân hay thiếu tay chẳng hạn)…, các xúc cảm trong tâm thức cũng hoàn toàn khác hẳn với các xúc cảm của đứa bé trước kia, tuy nhiên ta nhất định vẫn tiếp tục bảo đấy chính là tôi. Vậy đứa bé trước kia là tôi hay là cái thân xác hôm nay là tôi ?
Nếu nhìn xa hơn thể dạng một đứa bé, chẳng hạn như các thể dạng phôi khi tinh trùng vừa chui vào noãn cầu để tạo ra một tế bào, hoặc các thể dạng do tế bào ấy tạo ra khi nhân lên làm hai, làm bốn, hay làm tám v.v…, nếu có ai cho ta xem các thể dạng ấy qua kính hiển vi và bảo với ta đấy là ta thì nhất định ta sẽ do dự một chút trước khi chấp nhận. Tại sao lại có sự do dự như thế ? Bởi vì trong thể dạng phôi các thành phần ngũ uẩn thuộc tâm thức như tưởng, thọ, hành, thức chưa hình thành và phát triển, có nghĩa là các giác quan, não bộ và tri thức chưa có và do đó cái tôi cũng chưa được tạo dựng. Ta do dự trước khi chấp nhận đấy là ta, tuy nhiên trên thực tế ta không thể nào phủ nhận cái phôi nhỏ xíu bằng đầu tăm hay hạt đậu ấy không phải là ta. Cũng thế, rất khó cho ta chấp nhận thể dạng vật chất cuối cùng của chính mình dưới hình tướng của một nhân dạng khác, mang một tên gọi khác, thuộc vào một chu kỳ hiện hữu khác. Tuy nhiên tất cả những thứ « khác » ấy đều mang tính cách phụ thuộc, những gì chính yếu và luôn luôn thuộc sở hữu của ta chính là những vết hằn của nghiệp do chính ta tạo ra, chúng vẫn còn còn đậm nét trên dòng tiếp nối liên tục và không thể bôi xóa được.
Sự bám víu vào ngũ uẩn để gọi đó là một cái tôi trường tồn và bất biến sẽ tạo ra một tình trạng căng thẳng trong tâm thức vì nó tượng trưng cho sự đối cực nhị nguyên giằng co giữa chủ thể và đối tượng. Tình trạng căng thẳng thường xuyên đó sẽ làm cho ta mất đi sự thoải mái và gián tiếp làm cho lo âu gia tăng. Vì thế mà Đức Phật đã giảng rằng sự bám víu vào cái tôi là nguồn gốc sâu xa và khó trị nhất của khổ đau. Ngồi thiền cũng có thể là một phương pháp làm giảm bớt đi sự căng thẳng nhị nguyên giữa cái tôi và đối cảnh.
Ta luôn luôn bị giam hãm và bủa vây bởi mọi thứ xúc cảm bấn loạn phát sinh từ sự cảm nhận một cái tôi, nhất là khi ta cảm thấy cái tôi đó bị hăm dọa. Chẳng hạn như khi bị người khác khinh thường, ngược đãi, hay mạt sát…, thì sự giận dữ sẽ bùng lên ngay. Ngược lại nếu có ai tán tụng hay khen ngợi thì cái tôi tỏ ra hãnh diện, sung sướng và tự mãn. Hoặc khi gặp một cảnh huống có thể gây ra nguy hiểm thì sự sợ hãi phát lộ một cách mạnh mẽ, đó cũng là một cách phản ứng của ngũ uẩn để che chở cho cái tôi mà chính nó đã tạo dựng.
2- Tự nhìn mình như thế nào
Ngài Long Thụ trong tập Bảo hành vương chính luận (Rajaparikatha-ratnavali) có viết như sau :
Nhìn xa người ta chỉ thấy một hình dạng
Nhìn gần người ta sẽ thấy chính xác hơn
Ảo ảnh từ xa làm cho người ta thấy có nước
Tại sao đến gần thì không còn thấy nước nữa?
Cái thế giới như vẫn thường thấy
Chỉ có thật đối với những người nhìn từ xa
Thế giới đó sẽ không còn đúng như thế đối với những người nhìn gần hơn
Đối với họ thì thế giới [mang tính cách] phi thực thể và giống như một ảo ảnh.
Chúng ta thường có thói quen phóng tâm ra bên ngoài để nắm bắt những hình tướng và những chuyển động của thế giới chung quanh, không mấy khi nhìn ngược vào tâm thức và thân xác của chính mình để tìm hiểu xem những thứ ấy là gì. Vì thế mà thân xác và tâm thức của ta luôn luôn ở vào một vị trí thật xa. Quả thật ngược đời và oái oăm, tuy chúng ở thật xa và ta không nhìn thấy bản chất đích thực của chúng nhưng ta vẫn có cảm giác chúng là thật : chính là tôi đây, đây là cánh tay của tôi, cái đầu của tôi, những ý nghĩ của tôi…, và ta không hề thắc mắc từ đâu những thứ đó được sinh ra, chúng vận hành như thế nào, cứu cánh của chúng là gì ?
Sau khi đã phân tích tổng thể cấu hợp của ngũ uẩn tạo ra cái tôi như thế nào thì sau đây là những đề nghị nêu lên một vài tầm nhìn phù hợp với Đạo pháp hướng vào chính mình và để tự cải thiện lấy chính mình. Một người tu tập phải tự nhìn mình như thế nào ?
– Tự nhìn mình như một tổng thể cấu hợp vật chất :
– Tinh trùng, noãn cầu, phôi, hài nhi trong bụng mẹ, ấu nhi trên tay mẹ, hình ảnh một đứa bé cắp sách đến trường… cho đến thân xác mà ta đang có trong giây phút này đều là những cấu hợp. Gia sản di truyền trong từng tế bào là những cấu hợp, thức ăn giúp cho ta lớn lên là những cấu hợp, những gì ta đào thải cũng là những cấu hợp. Trong vài chục năm hiện hữu ta hấp thu không biết bao nhiêu thức ăn và đồng thời cũng thải ra không biết bao nhiêu chất cặn bã. Thân xác là một nhà máy chuyên sản xuất mọi thứ ô uế : phân, nước tiểu, chất nhờn, mùi hôi, nước mắt, nước mũi, đờm, dãi…, trong cái nhà máy đó còn có thêm một cái kho chất chứa mọi thứ độc hại chẳng hạn như bệnh tật và vi trùng, những thứ ấy một lúc nào đó sẽ tạo ra khó khăn và làm cho nhà máy bị tê liệt và sụp đổ.
Khi đã nhìn thấy cái bản chất ấy của thân xác thì ta cũng không nên quan tâm mua sắm đủ thứ cho nó, trau chuốt và lo âu cho nó quá đáng. Bản chất của thân xác cấu hợp là khổ đau và tan rã. Tuy thế cũng cần phải hiểu rằng nếu không có nó ta sẽ không có thể thực hiện được bất cứ thứ gì mà ta mong muốn, tuy nó là một cấu hợp ô nhiễm nhưng ta phải cố giữ gìn nó thật tinh khiết và khoẻ mạnh để sử dụng nó như một phương tiện giúp ta thực hiện những gì tốt đẹp hơn.
– Tự nhìn mình như một dòng tiếp nối liên tục của nhiều thể dạng:
Sự hiện hữu của tổng thể cấu hợp mà ta gọi là cái tôi, liên đới và tùy thuộc vào vô số điều kiện. Đó là kết quả của sự tạo tác hay sinh khởi do điều kiện mà có, vì thế chỉ cần bất cứ một điều kiện nhỏ nhoi nào biến đổi thì cái tổng thể cấu hợp đó cũng sẽ biến dạng theo. Hiện tượng vô thường cho thấy không có bất cứ một hiện tượng nào bất biến, vì thế mà cái tổng thể tạo ra thân xác cũng không tránh khỏi sự đổi thay và biến động. Các thể dạng của một cá thể được hình thành và hủy hoại liên tục, từ vật-chất sang phi-vật-chất, từ phi-vật-chất sang vật-chất, chúng xô đẩy nhau, hiển hiện rồi biến mất, giống như những ảo ảnh hay những hình ảnh liên tục của một cuốn phim.
Sự chuyển tiếp giữa các thể dạng xảy ra thật nhanh tạo ra cảm giác có một sự liên tục và trường tồn nào đó. Nếu hai thể dạng cách nhau thật xa thì sự gián đoạn sẽ dễ nhận biết hơn hơn, chẳng hạn như hình ảnh một đứa bé cắp sách đến trường và thân xác ta ngày nay, hình ảnh một nhân dạng hấp hối của một chu kỳ vừa chấm dứt trước đây và hình ảnh một cái phôi mới hình thành đánh dấu cho một chu kỳ mới… Dù sao thì sự chuyển tiếp giữa hai chu kỳ cũng được đánh dấu bởi hai biến cố hệ trọng, đó là sự tan rã của ngũ uẩn (cái chết) thuộc vào chu kỳ hiện hữu trước và sự hình thành của ngũ uẩn mới (sự sinh) thuộc vào chu kỳ hiện hữu tiếp theo. Sự tan rã và hình thành của các cấu hợp ngũ uẩn chỉ là những biến cố tượng trưng bằng những thể dạng hiển hiện trên dòng tiếp nối liên tục (continuum) của một cá thể, nhưng hoàn toàn không phải là những biến cố làm gián đoạn dòng tiếp nối liên tục đó. Dòng tiếp nối của tri thức không dự phần tạo tác ra các cấu hợp ngũ uẩn mà nó chỉ là cơ sở chuyển tải mọi dấu vết của nghiệp.
Khi nhìn thấy sự chuyển tiếp liên tục đó thì ta cũng sẽ hiểu rằng tác động của quy luật nguyên nhân và hậu quả luôn luôn đeo sát vào những thể dạng biến động của thân xác và tâm thức, dù cho những thể dạng ấy thuộc vào thế giới phi-vật-chất hay là vật-chất cũng thế. Tóm lại ta sẽ hiểu rằng tình trạng của ta hiện nay là kết quả phát sinh từ những hành động trước đây của ta, không phải cha mẹ ta muốn như thế và cũng không phải một nhân dạng hay cá thể nào thuộc chu kỳ hiện hữu trước áp đặt cho ta và hôm nay ta phải gánh chịu một cách bất công. Tất nhiên cũng không có một bàn tay siêu hình và toàn năng nào chen vào để xếp đặt những chuyện ấy.
– Tự nhìn mình như một cấu hợp vô ngã :
Thân xác cấu hợp bắt đầu hình thành khi tinh trùng chui vào noãn cầu, tâm thức cấu hợp bắt đầu phát sinh khi ngũ uẩn được hình thành. Sự liên đới giữa thân xác và tâm thức thật chặt chẽ, ta không thể nào chỉ định một con người bằng cách chỉ căn cứ duy nhất vào tâm thức của người ấy, bộ não của người ấy, hay thân xác của người ấy, ta cũng không thể nào tìm thấy một cá thể con người ngoài những thành phần ấy, nói một cách khác ta cũng không thể nào chỉ định được một cái tôi độc lập bên ngoài những thứ ấy.
Cảm nhận về một cái tôi phát sinh từ sự vận hành của ngũ uẩn, sự vận hành đó tạo ra thế đối nghịch của nhị nguyên : một bên là tôi – một bên là thế giới bên ngoài. Vì thế cái tôi đó hoàn toàn lệ thuộc vào ngũ uẩn. Trong giai đoạn phôi các uẩn thuộc lãnh vực tâm thần như tưởng, thọ, hành, thức chưa có, do đó cái tôi cũng chưa có. Trong các trường hợp não bộ bị chấn thương, hôn mê, hoặc bị các bệnh tâm thần, alzheimer, đứt mạch máu não… làm tê liệt hay xáo trộn toàn bộ sự vận hành của ngũ uẩn thì cái tôi cũng không còn. Vì vậy người tu tập phải luôn luôn cảnh giác đừng để cho sự hiện hữu của một cái tôi không thật và có tính cách nhất thời đứng ra chi phối và khống chế tư duy và hành động của mình.
– Tư nhìn mình như một cấu hợp vô thường :
Khi còn bị chi phối bởi ảo giác của sự trường tồn thì lúc đó ta vẫn tin rằng ta còn rất nhiều thì giờ để sống. Sự tin tưởng sai lầm đó là một thảm họa. Đức Dạt-Lai Lạt-Ma thường nói : « Chúng ta đều có thể chết vào ngày mai hay ngày mốt, tuy nhiên không có ai dám quả quyết 100% là ta sẽ không chết tối hôm nay ». Đang sống và đang sinh hoạt cũng có thể hiểu là đang thông báo một cái chết gần kề, vì vậy ta không nên dồn tất cả sinh lực vào những sinh hoạt vô bổ, phải biết sử dụng thời gian còn lại một cách hữu hiệu và ích lợi. Khi đã ý thức được cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào và sẵn sàng chờ đợi nó, thì khi đó ta sẽ hiểu rằng phải làm ngay tất cả những gì cần phải làm, và đồng thời không bám víu, chờ đợi, ước mơ bất cứ một thứ gì nữa. Không nên hiểu đó là một hành vi yếm thế mà phải hiểu đó là một thái độ can đảm, thực tế, sáng suốt, giúp cho ta dịp may để trở nên đạo đức hơn, biết dùng thời gian còn lại một cách thiết thực hơn, trong mục đích mang lại một chút ý nghĩa cho sự sống này. Khi thực hiện được điều đó thì tâm thức sẽ trở nên an bình và trong sáng hơn bao giờ hết.
Chết và bệnh tật là những biểu hiện thô thiển dễ nhận biết của vô thường. Trong một cấp bậc tinh tế hơn, vô thường còn chi phối từ thân xác cho đến tâm thức một cách thật kín đáo. Một giọt sương trên đầu ngọn cỏ không cần phải chờ một ngọn gió lung lay để rơi xuống đất, tự nó cũng bốc hơi để biến mất. Thân xác của ta đang thoái hóa trong từng giây phút một, mỗi ngày cử động của ta trở nên chậm chạp và kém chính xác hơn một chút, ta làm việc mau mệt hơn, mắt kém hơn, tai nặng hơn, tứ đại chuyển dần sang thể dạng tan rã một cách kín đáo. Tâm thức cũng biến đổi không ngừng, trí nhớ ngày mỗi kém đi, lo âu gia tăng thêm, ước mơ và hy vọng hình như cũng lùi ra xa hơn. Tổng thể của ngũ uẩn đang sa sút và sẽ trở nên bất lực một lúc nào đó. Đấy là những biểu hiện của vô thường thuộc cấp bậc tinh tế. Vì thế hãy sống một cách thanh thản, hòa mình với những chuyển động của vô thường, đừng tìm cách tỏ ra còn trẻ trung hoặc che đậy sự già nua bằng dáng điệu, bằng quần áo hay phấn son.
Tuy nhiên, trên một khía cạnh khác ta không thể nào bảo rằng một hạt giống đang thoái hóa để trở thành một gốc cây cổ thụ. Mượn cái cấu hợp vô thường của ngũ uẩn để tạo ra một hạt giống tốt trong tâm thức chính là bí quyết của người tu tập. Khi nắm bắt được cái bí quyết ấy thì ta sẽ không còn lo sợ trước những biểu hiện của vô thường nữa, dù chúng thuộc vào cấp bậc thô thiển hay tinh tế, vì ta còn đang bận tâm để kiến tạo những cơ duyên thuận lợi và thích nghi giúp cho hạt giống từ bi đang nẩy mầm trong tim ta có thể một ngày nào đó sẽ trở thành một gốc cây cổ thụ.
– Tự nhìn mình như một ảo giác :
Sự hiện hữu của ta là một sự tiếp nối liên tục của nhiều thể dạng xô đẩy nhau để sinh thành và hủy diệt. Những thể dạng đó có thể thuộc vào thế giới vật-chất hay phi-vật-chất, chúng hiển hiện và tan biến nhanh chóng giống như sự xuất hiện tuần tự của một con tinh trùng, một cái noãn cầu, một đứa bé, một cô gái, một thanh niên, một người già nua đang hấp hối… Những thứ tự lớp lang đó cũng có thể bất thần gián đoạn để chuyển sang một chu kỳ khác.
Sự hình thành và hoạt động của ngũ uẩn giúp cho mỗi cá thể tìm thấy một cái tôi tạm thời và giai đoạn để cảm nhận và ý thức được sự vận hành của thế giới ta bà. Cái tôi đó không trường tồn và bất biến, nó không có một sự hiện hữu tự tại nào cả. Cái tôi hình thành liên đới với sự vận hành của tổng thể các ngũ uẩn và lệ thuộc vào một cá thể. Vì thế cái tôi cũng giống với bản chất ảo giác của cá thể ấy.
Ý thức được bản chất ảo giác đó của sự hiện hữu cũng có thể xem như là một sự giải thoát. Sự hiện hữu giống như một ảo giác, tuy nhiên đối với người tu tập thì họ cũng có thể làm cho nó tỏa ra một vùng ánh sáng muôn màu, khác với những thứ ảo giác chập chờn và lừa phỉnh của ma thuật mà người không thấu hiểu Đạo pháp cứ tiếp tục chạy theo để đuổi bắt và bám víu. Biến một nhà máy sản xuất mọi thứ ô uế thành một lâu đài ấm áp để mở cửa đón nhận tất cả chúng sinh đang đau khổ chính là mục đích của người tu tập. Tại sao họ lại hy vọng có thể làm được như thế ? Chỉ vì họ tin tưởng một cách quả quyết rằng nhờ vào sự tu tập kiên trì thì rồi một ngày nào đó họ cũng sẽ có thể biến cải cái xác thân ảo giác của họ trở thành ứng thân (nirmanakaya) của một vị Phật.
– Tự tìm lấy một lời kết :
Tự nhìn thẳng vào thân xác và tâm thức để tìm hiểu bản chất đích thực của chúng cũng là cách tự rút tỉa một lời kết luận cho sự sống của chính mình. Nếu hiểu rằng cái tổng thể cấu hợp tạo ra sự hiện hữu chỉ là ảo giác thì người tu tập cũng cần phải hiểu cái gì đứng ra làm chủ thể để tu tập và cái gì làm đối tượng cho việc tu tập ấy. Đức Phật có giảng như sau:
« Chính bên trong cái thân xác đó, hàm chứa sẵn cái chết và [mặc dù] nó chỉ đo được sáu chân chiều cao, [tuy nhiên] Như Lai cũng nói cho các con rõ đấy là cả một thế giới, là nguồn gốc của thế giới và cả sự chấm dứt của thế giới, và đồng thời nó cũng là Con Đường đưa đến sự chấm dứt ấy ». (trích từ quyển Buddhism của Edward Conze, Oxford 1951).
Trong một câu phát biểu duy nhất Đức Phật đã nêu rõ cho thấy nguồn gốc của thế giới này và cả sự chấm dứt của nó, đâu là chủ thể và đối tượng của sự tu tập, và cả Con Đường giúp thực hiện sự tu tập đó. Nếu ta không hiểu được bản chất của thân xác và sự vận hành của ngũ uẩn là gì thì sẽ khó cho ta thấu triệt được những gì thâm sâu trong câu nói trên đây của Phật.
Trong con người của một vị Bồ tát có hai sức mạnh, đó là trí tuệ và lòng từ bi. Sức mạnh của trí tuệ giúp cho người Bồ tát quán thấy được bản chất vô ngã của mình và của chúng sinh, tất cả đều là ảo giác. Trong khi đó sức mạnh của lòng từ bi thì lại thúc đẩy người Bồ tát quyết tâm cứu vớt tất cả chúng sinh. Hai sức mạnh đó có vẻ như đối nghịch với nhau một cách phi lý, nếu tất cả chỉ là ảo giác thì ai là người cứu vớt và cứu vớt những ai ? Ấy thế mà người Bồ tát lại kết hợp được cả hai sức mạnh đó để giải thoát cho chính mình và cho tất cả chúng sinh. Sự kết hợp đó chứng tỏ khả năng phi thường trong lòng người Bồ tát và đồng thời cũng nêu lên tính cách siêu việt của Phật giáo nói chung.
Bures-Sur-Yvette, 05.12.09
Hoang Phong
Trích trong sách Trí tuệ trong Phật giáo, Hoang Phong (2010), NXB Phương Đông, HCM.
Website Phật Pháp Ứng Dụng chân thành cảm tạ tác giả / dịch giả Hoang Phong và Cô Phú Ngọc đã gửi tặng ấn bản tiếng Việt. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.