Nhớ hồi con còn ở quê, ngày nào nhà mình cũng quây quần bên nhau dùng bữa cơm chung. Dù bữa ăn rất đạm bạc, chỉ có rau vườn nhưng ai cũng ăn uống ngon lành, chuyện trò vui vẻ.
 
Mẹ thường trải chiếu xuống nền đất, cả nhà ngồi gọn trong chiếc chiếu cũ kỹ, vì không có bàn ăn. Nhớ nhất hình ảnh ba ngồi để hai chân ra ngoài chiếu. Do thường mải mê với việc đồng áng tới tận bữa mới về, sợ mấy mẹ con đợi lâu nên ba ăn cơm xong rồi mới đi rửa đôi chân. Dù vậy, ba dùng rất ngon miệng. 

Ngày ấy, khi ăn con hay để cơm và thức ăn rơi ra ngoài. Mẹ nhẹ nhàng bảo: “Sao con ăn cứ hay làm cơm vương vãi thế? Cơm là hạt ngọc, để rơi ra ngoài tội lỗi đấy! Con có biết là nhiều người không có cơm để ăn không. Lần sau còn vậy là mẹ đánh đòn đấy!”. Nhờ sự dạy dỗ kiên trì của ba mẹ mà con đã từ bỏ thói xấu đó. Sự tinh tươm, gọn gàng trong ăn uống được con duy trì cho đến bây giờ. Không khi nào con để một hạt cơm còn lại trong chén, mà phải ăn hết như là cách trân trọng hạt ngọc trời ban. 

Giờ con đi học xa nhà, xa những bữa cơm đúng chất đạm bạc đầm ấm. Mặc dù điều kiện ăn uống nơi đây có khá hơn, nhưng mỗi bữa cơm, con lại lặng đi vì nhớ bầu không khí gia đình. Có lẽ giờ này ở nhà mẹ đang nấu cơm. Ba chắc cũng đang từ ngoài đồng về với đôi chân vương mùi bùn đất. 

Giờ này, nếu còn ở nhà, hai chị em con sẽ lăng xăng đứa trải chiếu, đứa dọn chén đũa cứ như gà mắc tóc. Và cả gia đình mình sẽ có bữa ăn ấm cúng, vui vầy. Nhớ làm sao những bữa ăn ở nhà, mẹ cứ ép con ăn nhiều, để cho có sức khỏe mà học hành. Có gì ngon, ba mẹ cũng nhường cho chị em con ăn trước. Còn ba mẹ, chỉ chén cơm không chan chút canh rau tập tàng mà ăn ngon lành. Con nghĩ, ở nơi quê chồng, chị Hai chắc cũng đang nghẹn ngào khi nhớ về bữa cơm quê nhà! 

Ai đi lên chốn thị thành cũng muốn trụ lại để tìm cho mình một cơ hội, một tương lai xán lạn đổi dời. Nhưng riêng con, sau khi ra trường, con sẽ trở lại quê hương, tìm một công việc ở gần nhà, để hàng ngày được ăn cơm mẹ nấu. Dẫu chỉ là những món ăn bình dị, thanh đạm nhưng ngon miệng đến lạ thường. Bởi con hiểu, trong chén cơm ấy, có tình yêu thương bao la của ba và mẹ vẽ nên.

Nguyễn Hoàng Duy