Phước duyên gì được dự vào hàng ngũ xuất gia? (Tĩnh Am đại sư)
GN – Con à! Nếu có ai đến xin gạo, con đừng múc lưng lon gạo, nhớ múc đầy vun nghe con!
Trước khi ra khỏi nhà, mẹ hay dặn ba chị em Mai như vậy.
Mai nhớ, đó là năm cô được 7 tuổi. Mấy chị em cô hễ nhìn thấy những người ăn xin thì rất vui mừng, vì được giành nhau đem lon gạo đầy vun cho họ, để mẹ được vui lòng.
Về sau, những người ăn xin vào xóm ngày càng ít, nếu có, họ chỉ xin tiền. Và lúc nào mẹ của Mai cũng ân cần vui vẻ cho họ một ít tiền, chứ không bao giờ lắc đầu từ chối trước những bàn tay khó khổ và những mảnh đời lam lũ tình cờ tìm đến.
Từ khi biết nói cho đến khi khoác lên người chiếc áo nâu sồng, Mai chưa bao giờ thốt lên một lời thiếu ngọt ngào với cha mẹ. Có phải vì cô đã được đọc kinh Vu lan từ thuở nhỏ, hay vì chưa bao giờ nghe cha mẹ nói một lời thiếu lễ độ với ông bà nội ngoại hai bên?
Nhưng có một lần duy nhất trong đời, Mai đã trái ý cha cô. “Con hãy lựa chọn, nếu con không xuất gia, đất đai, nhà cửa… con sẽ đứng tên tất cả. Còn nếu con xuất gia, ba sẽ xóa tên con khỏi hộ khẩu, ba sẽ viết-đơn-từ-con”. Không một giây do dự, Mai trả lời cha: “Ba ơi! Con nhất định phải xuất gia!”.
Lúc ấy, người cha điềm đạm đứng lên và không nhìn mặt cô nữa cho đến ngày cô xuống tóc đi tu.
Năm 20 tuổi, Mai bị bệnh thập tử nhất sinh, mẹ cô nguyện với Quán Thế Âm Bồ-tát, nếu cô không thể qua khỏi, mẹ cô nguyện xin được chết thay cô.
Mai biết khi Mai xuất gia rồi, một ngày nào đó, cô sẽ không dễ dàng rơi nước mắt nữa. Và người khiến cô rớt những giọt nước mắt cuối cùng, chắc chắn sẽ là người mẹ thân yêu của cô.
“Mẹ rất hãnh diện vì sinh được người con như con, con là người con gái không giống ai trong dòng họ – con là người đầu tiên xuất gia, con hãy xứng đáng là con của Phật, con gái của mẹ…”.
Mai muốn nói với mẹ: “Mẹ ơi! Con sẽ vì mẹ mà có thể chết, nhưng không phải chỉ vì đền đáp công ơn bao la trời biển của mẹ, mà vì con muốn được thành Phật. Con muốn được như Đức Phật Thích Ca, là người con hiếu xuất thế gian. Con muốn vì giải thoát tất cả chúng sinh mà không tiếc xả bỏ thân mạng, vì cứu độ cha mẹ mà có thể lóc hết thịt xương, dù con chỉ là một đứa con gái nhỏ bé trong lòng mẹ… Con không muốn bất cứ ai phải vì con mà khóc, con muốn ai nhớ đến con cũng sẽ cười, sẽ giải thoát, sẽ thành Phật, sẽ không còn ai phải khổ… Mẹ ơi!”.
Năm hai mươi tám tuổi, Mai xuất gia. Mọi người đều gọi cô bằng cái tên mới: Tuệ Hương. Mai nhận ra cuộc đời bây giờ mới là cuộc đời mà mình luôn ước vọng: thanh tịnh, vô cùng thanh tịnh. Đó là điều cô lờ mờ nhận ra mình sẽ có được trong tương lai từ khi còn rất nhỏ. Bây giờ cô hiểu vì sao mình chỉ thích sự giản dị, mộc mạc tuyệt đối trong tất cả, vì sao mối quan tâm của mình chỉ là những mảnh đời bất hạnh, tình hình đất nước và thế giới đang khó khăn: nạn đói, thiên tai…, dù mình chỉ mới học cấp 1; vì sao mình phải đau xót, ám ảnh khi thấy một cụ già nghèo cô đơn run rẩy dưới cơn mưa, vì sao mình phải lặng lẽ khóc khi nhìn những gia đình cùng khổ cơ cực kiếm miếng ăn giữa chợ đời, vì sao mình đủ dũng khí đứng ra bảo vệ một người phụ nữ đang bị đối xử bất công dù biết mình phải đối mặt với những thế lực hơn mình trong xã hội. Vì sao ẩn bên ngoài người con gái yếu đuối là tâm hồn can đảm, mạnh mẽ hơn cả đàn ông? Vì sao?
Phải chăng vì sớm hay muộn, Mai sẽ xuất gia? Vì sớm hay muộn, cô cũng phải cống hiến cả đời mình cho Phật pháp?
Mai là một nữ tu sĩ.
Mùa đông năm ấy, cha Mai tình cờ đọc được dòng kinh trong phẩm “Phổ Hiền hạnh nguyện” mà cô chép ra trên giấy:
Thường được xuất gia tu tịnh giới
Không nhơ, không lỗi cũng không hư.
Linh cảm là Mai sẽ xuất gia, ông đem quyển kinh “Phổ Hiền hạnh nguyện” lẫn quyển “Đường về Cực lạc”mà cô thường đọc, đem giấu đi. Ông đâu biết cô chỉ phát tâm xuất gia sau khi đọc được kinh Diệu pháp Liên hoa.
Cha không tin nổi Mai sẽ vĩnh viễn rời xa thi ca. Cô đam mê nó, không thể sống thiếu nó từ khi bài thơ đầu tiên cô viết đã được đăng báo năm cô 13 tuổi.
Mai cảm ơn cha vì ông là nguyên nhân lớn nhất khiến Minh không dám đến nhà cô. Ông nghiêm nghị, ít nói và chưa bao giờ cười hay hỏi thăm khi Minh đến nhà.
Mùa đông năm ấy, Mai 25 tuổi. Nếu ai hỏi cô: “Bao giờ cô lấy chồng?”. Mai nghiêm nghị trả lời: “28 tuổi”. Sau đó, cô sẽ nhanh chóng bỏ đi chỗ khác.
Minh là một bác sĩ trẻ. Anh đã tặng cô quyển kinh Diệu pháp Liên hoa, vì biết cô rất thích tìm đọc kinh Phật.
Mai đã cố tình làm tổn thương Minh để anh đừng đến nhà cô nữa. Cô nói với anh là cô sẽ lấy chồng.
Thời gian sau, bạn bè của hai người kể, Minh nói, anh muốn trở thành một thiền sư. Nhưng anh chưa thực hiện ý muốn đó thì Mai đã xuất gia. Đến nay, anh vẫn là một bác sĩ. Nhưng Mai biết, Minh sẽ không bao giờ lập gia đình.
Cuộc đời Mai là một câu chuyện cổ tích đẹp đẽ. Cô nói với mọi người: “Cuộc đời tôi kết thúc có hậu, vì tôi đã được xuất gia”. Hai mươi tám năm làm con gái của cha mẹ, cô luôn luôn hạnh phúc. Cô lạc quan, yêu đời, dù ở một mình hay giữa đám đông. Cô yêu thế giới này dù cô đã nguyện sinh về cõi Cực lạc. Cô đã bao lần đạp xe trên con đường Nguyễn Huệ nở đầy hoa phượng với ý nghĩ cuộc đời này thật là đẹp, có khác gì cõi Phật đâu.
Thế nhưng, sau mười lần đọc bộ kinh Diệu pháp Liên hoa mà Minh tặng, cô bỗng muốn xuất gia, muốn lìa bỏ gia đình.
Mai đã vô cùng hốt hoảng và xúc động khi đang xem kinh thì thấy hình ảnh đẹp tuyệt vời hiện ra trong tâm: Cô là một nữ tu sĩ đang từng bước chân chánh niệm trên hành lang của một thiền viện vắng lặng. Hình ảnh ấy đẹp đến nỗi Mai không còn thiết tha gì sự nghiệp thơ ca từng cuốn hút tâm trí cô gần 15 năm qua. Vị thầy ngôi chùa mà cô quy y nói đó là chủng tử xuất gia của cô đang hiện về. Vị thầy ấy đã gieo vào tâm cô những ý niệm đầu tiên về con đường xuất gia.
Mai đã sống yêu thương tất cả mọi người trước khi xuất gia, và bây giờ cũng vậy. Nhưng có một người mà cô đã làm tổn thương, là Minh, người đã tặng cô bộ kinh Diệu pháp Liên hoa.
Ngày đầu tiên Minh đến nhà tìm cô, nói chuyện với mẹ cô, lúc ấy cô đang lúi húi ngoài vườn, xới cỏ trồng cây và quét dọn. Từ ngày ấy đến khi cô kể cho Minh nghe về giấc mơ kỳ diệu của cô là 5 năm. Giấc mơ ấy là nguyên nhân khiến cô và Minh chia tay, không bao giờ gặp lại nhau nữa.
Mai kể cho Minh nghe, trong giấc mơ, cô thấy Minh đến nhà cô, vừa đọc một bài kệ kinh rất lạ cho cô nghe, vừa đánh khánh. Giây phút ấy làm cô hoảng sợ đến cùng cực, rồi cô chết đi, sống lại không biết bao nhiêu lần. Một người đàn bà hàng xóm chạy đến nhà cô rồi kêu la khắp mọi ngả đường, thông báo với mọi người về cái chết của cô.
Giấc mơ ấy có thật. Nó đến khi cô đang bị bệnh, sau một thời gian ngắn đọc kinh Diệu pháp Liên hoa.
Cô nhớ trong mơ cô nghe âm thanh của tiếng kẻng, tiếng khánh, và vô số âm thanh làm cô sợ hãi vì liên tưởng đến cái chết của chính mình. Sau này, khi xuất gia rồi, Mai mới biết đó là âm thanh của các loại pháp khí chỉ thường sử dụng ở chùa chiền. Trong mơ, có ai đó cảnh báo, nếu Mai lập gia đình, dù với Minh, hay với ai đi nữa, cô cũng sẽ nhanh chóng đi vào cõi chết. Chết, và nhất là sẽ chết ngay trong đêm tân hôn…
Rất lâu sau giấc mơ ấy, Mai mới nhớ, khi còn học cấp 2, chứng kiến một người con gái quẫn trí vì bị phụ tình, cô đã thầm nguyện cầu, cuộc đời mình đừng bao giờ dính líu đến đàn ông.
Mai bước từng bước chậm rãi trên hành lang chánh điện, vừa bước vừa niệm: “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật …”.
Mùa xuân lại đến, ánh nắng chan hòa trên nhánh cây Sa la. Chú chim bồ câu vừa ăn vừa nhảy nhót. Sân chùa im vắng, buổi sáng êm đềm như tâm hồn thanh thản của Mai. Cô mỉm cười, hạnh phúc với thực tại. Chiếc áo nâu sồng đơn sơ mà cô đang mặc làm nền cho sự bình yên của một bức tranh giải thoát, tự tại chốn thiền môn.
“Đức Phật của con ơi! Con đã về với Cha của con rồi đây, con đã về lại ngôi nhà xưa của con rồi đây, con không còn là gã cùng tử lang thang nữa, cuộc đời con có hậu vì con là con gái của đấng từ bi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.
Mẹ và cha đã quy y Tam bảo. Tối nay, thời Tịnh độ, Mai sẽ đánh chuông trong chánh niệm. Cô sẽ khoác chiếc y vàng, thong thả đọc bài kệ chuông ngân nga. Tiếng chuông sẽ vang khắp pháp giới, trên cúng dường mười phương chư Phật, dưới giải thoát tất cả chúng sinh khỏi biển khổ luân hồi sinh tử, đó là tâm nguyện mà cô hằng ấp ủ:
Nguyện tiếng chuông này khắp pháp giới
Thiết vi u ám thảy đều nghe
Căn trần thanh tịnh chứng viên thông
Tất cả chúng sinh thành Chánh giác…
Biết đâu ngày mai, có một người sẽ thế phát xuất gia, và người đó đã từng là một bác sĩ trẻ…
Ngọc Hạnh
Nguồn: GNO