Giới thiệu : Chúng ta nói tới tình trạng tự tử và gia đình tan vỡ. Nếu truyền thông giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái gặp khó khăn thì mọi người không còn hạnh phúc. Vô số người trẻ rơi vào tình trạng tuyệt vọng và chỉ muốn tự vẫn. Mỗi năm ở Pháp có khoảng 12.000 thanh niên tự tử chỉ vì không biết giải quyết những cảm xúc tiêu cực như tuyệt vọng.

NỘI KẾT, CHUYỂN HÓA NỘI KẾT VÀ VAI TRÒ TRUYỀN THÔNG.

Khi không thể truyền thông với nhau, con người không thể hiểu nhau, thấy được khổ đau của nhau. Và như vậy không thể có tình thương và hạnh phúc. Chiến tranh và khủng bố cũng do tri giác sai lầm sinh ra. Những kẻ khủng bố đinh ninh rằng phía bên kia đang tìm cách tiêu diệt mình, tiêu diệt tôn giáo mình, đất nước mình nên họ đã tìm cách tiêu diệt trước để tránh mối nguy hại. Sợ hãi, hiểu nhầm và tri giác sai lầm là nền tảng của mọi hành động bạo lực. Mời các bạn tiếp tục đọc và suy ngẫm bản chất vấn đề qua bài phỏng vấn thiền sư Nhất Hạnh:

P.V: Có lẽ vì không hiểu nhau nên trong nhiều gia đình hiện nay, cha con, vợ chồng không nói chuyện được với nhau, không nhìn mặt nhau được. Mỗi khi nghĩ tới người kia là trong mình đầy rẫy những oán hờn, bực bội. Những xung đột, bất hòa, những bi kịch và cả những án mạng đau lòng xảy ra như cơm bữa mà nạn nhân và tội nhân nhiều khi lại là cha-con, vợ- chồng. Đây thực sự là một thực trạng đau lòng đáng báo động.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Ngày xưa, khi biết tin người vợ có mang, trong lòng mình có sự rung động kỳ diệu. Mình cảm thấy hạnh phúc khi sắp được làm cha. Và khi người vợ được bác sĩ báo tin có thai, họ cũng có sự xúc động lớn. Tuy em bé chưa ra đời nhưng mình đã có tình yêu thương rồi. Mình cảm thấy đời đẹp hơn, vui hơn và có thể nói chuyện với em bé mỗi ngày không chán. Tình thương rất là mầu nhiệm. Khi ăn cái gì mình cũng nghĩ rằng thức ăn này sẽ nuôi dưỡng em bé nên mình ăn hết sức cẩn thận. Khi lo lắng cái gì cũng nghĩ rằng cái lo lắng của mình sẽ ảnh hưởng không tốt đến bé nên tìm cách không lo lắng, sợ hãi, buồn phiền. Và người cha cũng vậy. Người cha biết rằng, nếu mình làm cho người vợ khổ đau, lo lắng thì sẽ hại cho em bé, cho nên người cha trở nên nhẹ nhàng, dịu dàng hơn. Có sự thay đổi như vậy là bởi cả hai người đều thương con. Như vậy tình yêu thương với đứa con bắt đầu rất là đẹp. Vậy thì tại sao bây giờ mình không nhìn được mặt con, nghĩ tới chuyện từ con. Tại mình không có biết tu!

Nội Kết và Sự Chuyển Hóa

Ngày xưa, khi thấy người thiếu nữ đó mình rất cảm động. Đó là một nàng tiên đẹp từ bên trong đẹp ra. Mình cứ luôn nghĩ rằng: Nếu cưới được người này thì mình mới có hạnh phúc và nếu thiếu người này thì đời không có gì vui, mình không thể nào sống được. Chỉ cần nhìn thấy người đó, nghe giọng người đó nói, dù là qua điện thoại, cũng đủ hạnh phúc rồi. Nhưng bây giờ tại sao mình không nhìn mặt nhau được, mình không nói chuyện với nhau được? Tại sao truyền thông bị bế tắc và mình nghĩ tới chuyện ly dị? Tại vì trong lòng mình có những cái gọi là nội kết. Nội kết là một danh từ Phật giáo, có nghĩa là những nút thắt. Khi người kia nói hay làm một điều gì đó tạo ra nỗi khổ, niềm đau trong lòng mình, mình không biết cách tháo gỡ nên đã để nó trở thành một cái cục, giống như cục sạn ở trong thận. Đó là nội kết, một nội kết khổ đau. Vài ngày sau, lại có thêm nội kết mới trong khi nội kết cũ chưa tháo gỡ được. Cứ như vậy sau nhiều tháng, nhiều năm, mình có quá nhiều nội kết. Có những nội kết do tự mình tạo ra, do sự si mê của mình. Người kia không làm mình khổ mà cứ tưởng rằng họ muốn làm mình khổ. Và có những nội kết do sự vụng về của người kia gây ra.

P.V: Vậy có cách nào để gỡ bỏ, chuyển hóa những nội kết ấy không, thưa thiền sư?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Có. Trong những khoá tu chúng tôi tổ chức ở Âu châu, Mỹ châu, Á châu, Úc châu, có rất nhiều cặp vợ chồng, cha con hoà giải được với nhau. Đau khổ kéo dài trong nhiều năm nhưng chỉ cần tu tập 5 – 6 ngày là họ có thể tháo gỡ, hòa giải được. Nhiều khi phép lạ của sự hoà giải, chuyển hoá lại xảy ra trong các khoá tu mà phần lớn người tới tu học không phải là Phật tử. Họ là những tín đồ của Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo… Mình là Phật tử, nhiều thế hệ đã theo đạo Bụt, nhưng tại sao mình không biết thực tập để thoát ra được mà chịu chết như vậy? Cho nên mình phải đứng dậy, phải nắm lấy giáo pháp để tu tập, để tự tháo gỡ và chuyển hoá được những nội kết trong mình.

P.V: Xin thiền sư chia sẻ về phương pháp thần diệu ấy!

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Đó là phương pháp làm mới của làng Mai. Làm mới là một phương pháp tháo gỡ nội kết. Tối thứ sáu hàng tuần, hai vợ chồng, cha con, cả gia đình cần ngồi xuống để làm mới. Ngồi với nhau thành một vòng tròn, im lặng nghe chuông, hít thở để làm lắng dịu tâm và thân. Ở giữa vòng tròn có một bình hoa. Khi mình muốn chia sẻ thì bình hoa đó sẽ được đưa tới trước mặt mình. Mình cầm bông hoa lên và thở ba hơi rồi nói: “Anh ơi! Ngày hôm kia anh nói một câu làm cho em đau, em muốn anh biết điều đó. Em đau lắm! Em không hiểu tại sao anh lại nói một câu như vậy? Câu ấy có thể làm tan vỡ tình nghĩa của chúng ta. Đó là một nội kết mà em đã cất giữ hai ngày rồi. Em đã cố gắng tháo nó mà chưa làm được. Anh giúp em đi! Anh giúp em tháo cái nội kết đó đi. Nếu anh không giúp thì ai giúp em bây giờ. Hãy nói cho em biết tại sao anh đã nói một câu như vậy, anh đã làm một cái điều như vậy…?”. Hãy nói bằng cái giọng khẩn thiết yêu cầu người kia giúp đỡ, không trách móc, không buộc tội. Tại khi mình thương nhau, mình cần đến nhau và khi mình nói như vậy thì người kia sẽ có cơ hội quán chiếu nhìn lại. Nếu người kia thấy rằng mình có lỗi thì xin lỗi. Nếu đó là chuyện hiểu lầm thì sẽ tìm cách cắt nghĩa. Có như vậy mới tháo gỡ được nội kết. Đừng để cho nội kết đó ở lâu trong con người mình. Đó là phương pháp làm mới mỗi tuần. Mình cần phải nắm cho vững pháp môn và mỗi tuần đều thực tập làm mới thì mới giữ được hạnh phúc. Và như thế sẽ không dẫn tới tình trạng không nhìn được mặt nhau, không nói chuyện được với nhau, truyền thông bế tắc.

P.V: Tháo gỡ nội kết cha con cũng làm mới như vậy?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Giữa cha con cũng vậy. Nếu cha làm khổ con thì con cũng có thể dùng phương pháp ái ngữ để thưa với cha rằng: “Những điều ba nói đã làm cho con đau. Con đã cố gắng trong mấy ngày nay mà không tháo gỡ được. Có thể là con hiểu lầm ý của ba, ba không muốn nói như vậy. Nhưng con nghĩ đi nghĩ lại vẫn chưa thấy được điều đó. Cho nên ba phải giúp con để con có thể nói chuyện được với ba và ba nói chuyện được với con”. Mình không có dùng áp lực, dùng cái quyền hành làm cha để bắt đứa con phải tuyệt đối vâng theo lệnh của mình. Vì làm như vậy sẽ đánh mất truyền thông. Và khi giữa hai cha con không còn truyền thông thì cả hai cha con đều không có hạnh phúc. Con có thể nói ra tất cả những khổ đau trong lòng cùng cha với điều kiện là nói lễ phép. Và cha phải có thì giờ và cho con một cơ hội để nói ra những nỗi khổ niềm đau, để giúp con thấy được sự thật, giúp con đi ra khỏi hiểu lầm. Nếu cha có vụng về, sai sót thì có thể xin lỗi con. Tôi là thầy nhưng nhưng nhiều khi tôi đã xin lỗi đệ tử của tôi.

P.V: Dường như có một nghịch lý rất chua xót đang diễn ra. Đó là: Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão với sự phủ sóng khắp chốn của điện thoại và internet. Khi muốn gửi một thông điệp đến người thân, dù cách nhau nửa vòng trái đất, chỉ trong tích tắc, người kia đã nhận được. Ấy vậy mà tình thân, tình người lại ngày càng ly tán, cách xa. 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Khi những nhà sản xuất điện thoại nói về phương tiện truyền thông, họ bảo rằng: “We bring people together” (Chúng tôi giúp cho mọi người tới gần nhau). Điều ấy chưa chắc đã đúng! Điện thoại mỗi bên túi hai ba cái chưa hẳn đã giúp mình truyền thông được với người thân. Hơn bốn mươi năm qua, tôi không dùng điện thoại, ấy vậy mà tôi không bị cắt đứt truyền thông đối với các đệ tử hay là những người thân. Tôi chỉ viết thư thôi. Có khi thư cả tháng mới tới được người kia. Thành ra mình đừng tưởng là khi có điện thoại trong túi là mình có thể truyền thông được. Ở trong truyền thông Phật giáo có một phương tiện truyền thông rất hay, đó là thắp nhang, đốt trầm.