Nam được sinh ra và lớn lên ở một làng quê yên bình, với những cánh đồng thẳng cánh cò bay và rặng dừa nước xanh tốt mọc hai bên bờ sông. Ba mẹ Nam lên thành phố lập nghiệp nên từ nhỏ Nam sống với Ngoại nơi làng quê này. Quê Ngoại có lẽ là quê hương, hai tiếng mà Nam muốn trào nước mắt mỗi khi nghĩ về. Tình yêu quê hương tràn ngập tình thương của Ngoại. Nam nhớ mùi cơm nếp, hương vị của chè trôi nước, những đêm ngoại thường hay kể chuyện cổ tích thật cảm động. Cô Tấm hiền lành chui ra từ quả thị. Con cá bóng yêu dấu của Tấm ngày nào đã bị mẹ con Cám lừa bắt ăn thịt. Chuyện cóc con dũng cảm dám kiện cả trời. Rồi đến những cây cối được trời đặt tên. Cây thì là vui mừng đi khắp nơi loan láo thông tin cho các loài rằng trời đã đặt tên cho mình là thì là. Sau mỗi câu chuyện Ngoại sẽ nói ra đâu là cái tốt, đâu là cái xấu. Ngoại dạy Nam phải có lòng từ bi yêu thương mọi người kể cả các loài vật. Làm người phải có nhân đức đừng ỷ lớn hiếp nhỏ, đừng ỷ mình tài cao mà hạ bệ kẻ thấp hèn. Dù mình có tài có bằng cấp cỡ nào đi chăng nữa nhưng sống không có đức, lúc nào cũng hiếp đáp người khác không nể nang ai, cho mình là ta đây thì cũng xem như là bất tài vậy. Lúc nào Nam cũng khắc ghi lời Ngoại dạy.

Mỗi ngày Ngoại đều thức dậy sớm, khoảng 4 giờ sáng để cúng nước cho Phật và đọc kinh. Nam nghe đâu là hồi xưa ngoại ốm nhom và yếu lắm nên hôm nào mà trái gió trở trời là người cứ đau nhức suốt. Từ khi Ngoại ăn chay thì sức khỏe của Ngoại lại đỡ hơn nhiều.

Rằm nào Ngoại cũng dậy sớm xay bột làm bánh trôi nước để cúng Phật. Có những hôm Nam phụ Ngoại làm bánh mà toàn bị Ngoại chê “cục” bánh trôi nước cứ to đùng và ngã ngửa, nhưng lúc nào Ngoại cũng cho làm vì biết trẻ con rất thích nghịch. Để bánh trôi nước được ngon, Ngoại thường ngâm gạo nếp trong nước từ hôm trước, khi hạt gạo nở ra, Ngoại đem xay mịn. Ngoại làm rất cẩn thận, viên nào viên nấy tròn vo. Khi nhào bột, Ngoại bảo nên cho nước từ từ để bột không nhão. Bằng đôi tay thoăn thoắt điệu nghệ, Ngoại lăn những viên bánh tròn lẳng, trắng tinh. Nam từ từ cho từng viên bánh vào nồi. Ban đầu bánh nó chìm xuống, một lúc sau sẽ lại nổi lên, vài lần nổi chìm như vậy là bánh chín. Sau đó bánh được vớt ra và ngâm trong nước lã đun sôi để nguội cho săn trở lại rồi vớt ra cho từng viên vào chén dâng lên cúng Phật. Số còn lại ngoại kêu Nam mang qua nhà biếu bà Năm, má của thằng Tí và dì Chín, má thằng Tèo ăn lấy thảo. Trong xóm Ngoại là người hay giúp đở người khác nên ai nấy đều thương yêu và quí mến Ngoại.

Có lần Nam hỏi: “Ngoại ơi sao con không bao giờ thấy Ngoại nổi nóng với ai cả”. Ngoại cười, nụ cười hiền lành nhưng rạng rỡ và đôi mắt chan chứa niềm hạnh phúc. “Khi lớn lên con sẽ hiểu, nóng giận là con dao sắc nhất giết chết chúng ta. Lúc nóng giận mình không làm chủ được hành động của mình và rất dễ dẫn đến hậu quả không lường trước được. Chẳng ai thoải mái khi nóng giận cả, mà đời người thì có bao nhiêu đâu, cứ mãi nóng giận hay buồn bực rồi một ngày ta sẽ nhận ra là đã không còn thời gian để vui nữa”. Nam biết nổi nóng với ai đó là điều chẳng hay ho gì, nhưng không phải lúc nào cũng kiềm chế được. Và rồi khi cơn nổi nóng qua đi thì Nam thấy ân hận vô cùng và dường như mình ném qua cửa sổ một hoặc thậm chí là vài ngày hạnh phúc.

Ôi tuổi thơ biết mấy cho vừa
Ảnh minh họa

Nam thích được tắm sông cùng lũ bạn trong làng và đu những bọng dừa nước thả mình theo dòng sông, hay cùng thằng Tèo, thằng Tí chơi trò nín thở dưới nước xem ai nín thở lâu hơn. Ai mà nín thở dưới nước lâu nhất thì ngày mai sẽ được hai đứa kia đãi ăn đường thốt nốt.  Món này được xem như là đặc sản của ba đứa vì ở nơi hẻo lánh, khỉ ho cò gáy này làm gì có được bánh kẹo như trên thành phố, trừ khi nào ba mẹ Nam đi làm về thăm thì mới có bánh kẹo để mà ăn. Có hôm ba đứa lại kéo nhau qua nhà con Lan rủ nó chơi làm đám giỗ. Vì là con gái nên nó rất thích nấu nướng. Cả bọn chia nhau mỗi đứa một việc. Nam thì đi lụm mấy cây củi khô về chuẩn bị nhóm lửa, thằng Tí thì cắt rau muống, thằng Tèo thì đi hái mấy nhánh bông bụp và tuốt lá me, còn con Lan thì đi lụm mấy cái chén, cái dĩa bể để nấu đồ ăn. Sau một hồi vất cả thì cả bốn đứa đã được cả mâm đồ ăn nào là tôm lăn bột, bánh phồng tôm và cả bò lúc lắc. Nguyên liệu là mấy cọng rau muống và vài cái bông bụp. Có những lúc mấy đứa chúng tôi cũng giận hờn, cãi vã chỉ vì những việc cỏn con không đầu không đuôi nhưng chỉ cần vài viên kẹo hay cái bánh là có thể làm hòa lại, xem như chẳng có chuyện gì xảy ra.

Những buổi trưa hè thì chúng tôi cùng nhau đi bắt cá cạn. Mùa khô, nước sẽ rút vào những nơi thấp hay trũng và cá sẽ lần theo đường nước rút đó mà sống đợi đến mùa mưa. Thằng Tí và thằng Tèo tuy nhỏ tuổi nhưng là một trong những tay bắt cá cừ khôi của làng, nơi nào mà đã bị tụi nó khoanh vùng là có cá thì sẽ không có con cá nào có thể thoát được bàn tay của chúng. Chỉ cần giở những đống rơm dưới ruộng có đọng vũng nước hay mò tay vào mấy cái hang cua là hai đứa nó đã có được cả kí cá trong giỏ. Còn Nam thì không biết bắt cá và rất sợ rắn nên có nhiệm vụ đi phía sau cằm giỏ cho thằng Tèo và thằng Tí bỏ vào. Sau khi đã bắt được đầy giỏ thì cả ba đứa chia nhau những con cá đem về. Tuy được chia đều những con cá như nhau nhưng Nam chỉ lấy những con cá nhỏ. Nam nghĩ  những con cá này rất đáng thương và tội nghiệp, chúng đang tìm nơi trú ẩn đợi mùa mưa để tiếp tục sự sống mà bị con người bắt làm thịt nên Nam đã mang chúng thả xuống dòng sông. Nam thích thú nhìn chúng quẫy đuôi bơi đi.

Trẻ thơ ai cũng có những ước mơ. Người ta nói khi nhìn lên trời mà thấy sao băng mà cầu nguyện thì điều ước đó sẽ thành sự thật. Hôm nào trăng sáng, mấy đứa chúng tôi lại tụ tập dưới những đóng rơm nằm hát hò và nhìn lên trời xem có sao băng không, để thực hiện ước mơ của mình. Thằng Tí nó vẽ ngôi nhà ba tầng và ước sau này được làm kỹ sư xây dựng. Nó muốn xây cho bà năm ngôi nhà thật to để trời mưa không có bị dột nữa. Thằng Tèo thì ước sau này làm nghệ sĩ cải lương vì má nó rất mê nghe hát cải lương. Để chứng minh ước mơ của mình, nó đứng lên ca một bài vọng cổ Lan và Điệp. Khi nó cất tiếng hát lên thì cả nhóm ai nấy đều cười lăn lộn và vỗ tay như khích lệ vì giọng của nó chẳng khác gì mấy con vịt đực ở ngoài đồng. Còn con Lan ước sau này sẽ làm một đầu bếp nổi tiếng khắp thế giới. Riêng Nam thì không ước mơ gì cả nó chỉ mong sau ba mẹ, ông bà nó có đủ sức khỏe. Nó thỉnh thoảng mơ ước sau này lớn lên sẽ làm bác sĩ, chữa bệnh miễn phí cho những người nghèo. Không biết tất cả những ước mơ đó có thành sự thật không khi sao băng xuất hiện.

Thời gian thấm thoát qua mau, mấy đứa chúng tôi ai cũng đều trưởng thành và có công việc ổn định. Thằng Tí sau mấy năm đại học tuy không trở thành một kỹ sư như mơ ước nhưng cũng có được công việc ổn định với vị trí là quản trị điều hành cho một công ty nước ngoài. Thằng Tèo sau mấy năm đi học nghề cũng trở thành một anh thợ may có tiếng trên thị xã. Còn con Lan thì lấy chồng làm giám đốc ngân hàng nên chỉ ở nhà làm nội trợ. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau, ngồi kể chuyện rôm rả về những ngày thơ ấu, đẹp như cánh đồng phì nhiêu, như nụ cười của Ngoại.

Nguyên Phước Độ

Sachminhthanh.wordpress.com

Theo Phật Pháp Ứng Dụng