Giáo dục của Phật giáo rất giàu nhân bản, vì nó giúp cho mọi người có niềm tin chân chính, quyết tâm thực hành chánh pháp để trở thành những con người hoàn thiện, những con người có đời sống thanh cao, với hai phẩm chất nổi bật là từ bi và trí tuệ.

Theo định hướng phát triển giáo dục trong thời đại mới, Ủy ban khoa học, giáo dục và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã đề xướng mục đích học tập là: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Hiểu một cách ngắn gọn là:  Học để phát triển toàn diện, hài hòa về trí tuệ, kỹ năng, lẫn đạo đức, lối sống.

Ngày nay, trong khi con người đang tiến những bước dài trên con đường phát triển, hướng đến xã hội tri thức, xã hội mở thì nhiều “nguy cơ” lớn đặt ra cho toàn xã hội, trong đó sự xuống cấp về đạo đức, lối sống đang trở thành một vấn nạn toàn cầu, đáng buồn thay tình trạng đó lại diễn ra nhiều nhất trong thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên – những chủ nhân tương lai của xã hội. Và Việt Nam là một trong những quốc gia đang cần gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức, lối sống. Đứng trước yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, Việt Nam cần thiết phải xây dựng một nền tảng đạo đức mới, phù hợp với thời đại trên cơ sở kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Trải qua khoảng 20 thế kỷ tồn tại và phát triển cùng với dân tộc, Phật giáo đã để lại những ảnh hưởng sâu sắc trong lịch sử, văn hóa – xã hội. Với triết lý từ bi, hỷ xả, khuyến khích con người hướng thiện, Phật giáo đã dễ dàng đi vào lòng người, có tác dụng hoàn thiện nhân cách đạo đức, hướng con người đến lối sống vị tha, bình đẳng, bác ái. Thực tế đã chứng minh, Phật giáo phù hợp với đạo đức, lẽ sống của con người Việt Nam, và nó đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Ngày nay, trong bối cảnh văn hóa, kinh tế, chính trị phức tạp, chúng ta cần phát huy mạnh mẽ những giá trị tích cực của tôn giáo này để góp phần xây dựng nền tảng đạo đức của con người Việt Nam nói chung và thế hệ học sinh – sinh viên nói riêng.

1. Tư tưởng Phật giáo về đạo đức, lối sống và sự cần thiết phải vận dụng nó vào việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh – sinh viên Việt Nam hiện nay

1.1. Tư tưởng Phật giáo về đạo đức, lối sống

Tư tưởng từ bi, hỷ xả của Phật giáo hướng con người đến việc xây dựng nếp sống trong sáng, lành mạnh, một tinh thần hướng thiện thực sự.

Là một trong những thành tố tạo nên nền văn hoá dân tộc trong suốt hàng nghìn năm, Phật giáo ngày nay vẫn lưu giữ những giá trị tích cực có thể góp phần xây dựng đạo đức lối sống cho con người Việt Nam. Tính hướng thiện của Phật giáo là một trong những nguồn gốc của chủ nghĩa nhân đạo; lòng từ bi, bác ái góp phần cứu giúp người hoạn nạn, giữ vững tinh thần lá lành đùm lá rách của dân tộc, triết lý vô thường, vô ngã giúp con người giảm bớt cái tôi vị kỷ…

Giáo lý nhà Phật khuyên con người luôn nhớ đến “đạo hiếu”, lấy chữ hiếu làm đầu: “hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật”, “muôn việc ở thế gian không gì hơn công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ”[1]…. Đó là những giá trị tích cực, thiết thực góp phần giáo huấn con người, giúp cho thế hệ trẻ vững bước trước những cám dỗ của cuộc đời, khích lệ họ quan tâm đến số phận của cộng đồng, sống lương thiện, coi trọng tính nhân bản…

Phật giáo khuyên con người giữ ngũ giới: không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu/bia. Kinh Sigalovāda (Kinh Giáo thọ Thi -ca-la-việt) thuộc Trường Bộ đề cập đến chuẩn mực đạo đức của giới tại gia. Đức Phật nêu 14 điều tội lỗi mà giới tại gia nên tránh:

–    Bốn phiền não: Giết hại các quần sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối.

–    Bốn trường hợp gây tổn hại: Tham dục, sân hận, sợ hãi, vô minh.

–    Sáu việc làm cho tiền tài mỗi ngày một hao giảm: Thích uống chất gây say, tham đắm nữ sắc, ưa cờ bạc, thích ngủ nhiều, thích chơi bời ngoài đường, lười nhác.

Phật giáo khuyên con người nên đạt được các pháp hoàn thiện (pàramitas), gồm: (1) Bố thí, (2) Trì giới, (3) Xuất gia, (4) Trí tuệ, (5) Tinh tấn, (6) Nhẫn nại, (7) Chân thật, (8) Quyết định, (9) Tâm từ, (10)  Tâm xả[2]. Phật nói: “Hãy để cho con người vượt qua sự giận dữ bằng tình thương, hãy để cho con người khắc phục tội lỗi bằng điều thiện”[3].

Theo cách này, đức Phật nói, nếu bất cứ ai thực hành các chỉ dẫn này sẽ gặt hái được ích lợi.

Sau khi thực hành, các đức tính phát triển là đại từ, chánh nhân, vị tha, chánh kiến và xa lìa kiêu ngạo, tự phụ…. Trước lúc nhập diệt,  Người còn căn dặn rằng: “Hủy diệt là thuộc tí nh của vạn vật trên thế gian này. Các con hãy tự cứu lấy mình với sự chuyên cần”[4].

Có thể nói, quan niệm về từ bi hỉ xả và làm việc thiện là một trong những quan niệm giá trị nhất của Phật giáo. Nó không chỉ giúp con người sống cuộc đời đạo đức, lành mạnh mà còn giúp ngăn ngừa và vượt qua các tệ nạn xã hội (nhất là trong xã hội ngày nay); đồng thời nó kích thích con người yêu thương lẫn nhau và làm nhiều việc thiện (nhất là trong mặt trái của nền kinh tế thị trường ngày càng nhiều người sống ích kỷ, mưu lợi cho cá nhân, suy đồi nhân cách). Nếu có nhiều quốc gia và người dân thực hành các pháp hoàn thiện như đức Phật đã thực hành thì chúng ta sẽ xây dựng được một cộng đồng chia sẻ, đùm bọc nhau trong tình thân ái. Vì thế, Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm”[5] .

Trong mối quan hệ giữa con người với con người, tư tưởng Phật giáo luôn hướng đến việc xây dựng các mối quan hệ bình đẳng, ôn hòa, tôn trọng lẫn nhau:

– Về vấn đề bình đẳng giới:

Bình đẳng giới tính và nữ quyền thuộc về những vấn đề quan trọng nhất của thời đại mới. Trong đa số các nền văn hóa, giới nữ thường chịu nhiều bất công. Do đó tranh đấu về bình đẳng giới tính thường là đồng nghĩa với tranh đấu cho nữ quyền. Ở Việt Nam hiện nay, công tác đấu tranh cho bình đẳng giới vẫn đang là một trong những nội dung quan trọng trong việc xây dựng một xã hội bình đẳng. Trong cuộc đấu tranh này, sự đấu tranh về tư tưởng là điều quan trọng nhất, bởi khi nhận thức thay đổi thì hành động cũng thay đổi theo. Về mặt tư tưởng bình đẳng giới, (theo chúng tôi) Phật giáo chứa đựng những tư tưởng rất thiết thực.

Xã hội thời của Đức Phật Thích Ca sinh ra dường như người ta sống dưới sự thống trị của giai cấp giàu có và đầy quyền lực. Cuộc sống của con người luôn phải chịu đựng sự áp bức bất công, đau khổ, nghèo đói, ly tán. Nữ giới không bao giờ được xếp ngang hàng với nam giới trong xã hội. Quan niệm hẹp hòi này không phải chỉ có ở người dân thường mà nó còn tồn tại trong hàng vua quan.

Đức Phật Thích Ca đã tìm hiểu rõ vấn đề này và Ngài đã làm một cuộc cách mạng quan trọng để giải thoát nữ giới ra khỏi những tư tưởng áp bức cố hữu và đã nâng cao địa vị của họ trong xã hội, để họ có thể hưởng được quyền lợi của mình như mọi người. Chính đức Phật đã truyền giảng cho kế mẫu của mình là Kiều Đàm nhi (Mahabaxabadê) giác ngộ. Điều này cho phép mở ra việc tu hành cho  ni giới sau này, kể cả trong Phật giáo Theravada. Học giả Daisaku Ikeda trong một nghiên cứu của mình đã nêu lên một nhận xét về tinh thần bình đẳng của Phật giáo như sau: “vượt qua những quan điểm hẹp hòi về huyết chủng, đẳng cấp và dân tộc, Phật giáo thể hiện tính kiên quyết về sự bình đẳng của bốn đẳng cấp truyền thống trong xã hội Ấn Độ”[6].

Trên phương diện xã hội, Đức Phật Thích Ca có dạy cách vợ chồng phải đối xử với nhau như thế nào, qua đoạn kinh Thiện Sanh : “Người chồng nên lấy năm điều mà yêu thương cấp dưỡng vợ như : Một là yêu thương vợ. Hai là không khinh rẻ. Ba là sắm các thứ chuỗi ngọc, đồ trang điểm. Bốn là ở trong nhà để vợ được tự do. Năm là xem vợ như chính mình.”[7].

Từ câu “Ta là Phật đã thành, tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật” của Đức Phật Thích Ca, là chứng nhân cho một giá trị tôn trọng quyền bình đẳng (trong đó có bình đẳng giới) của Ngài trong việc cùng nhau tự tu tập, giác ngộ và giải thoát.

– Tư tưởng Phật giáo luôn hướng con người có thái độ hành xử công bằng và tôn trọng các quyền cơ bản của con người Từ khi có mặt trên thế giới này, sự công bằng, bình đẳng, dân chủ và tự do là những ước vọng muôn đời của con người. Những ý niệm ấy được đặt trên nền tảng của đạo đức. Nếu thiếu đạo đức thì công bằng xã hội chỉ mang tính lý thuyết nhiều hơn là hiện thực. Liên quan đến vấn đề này, hơn 2500 năm qua, Phật giáo đã thể hiện được rất nhiều sự quan tâm thiết thực. Sở dĩ như vậy là vì mục tiêu của đạo Phật là kiến tạo cho đời sống nhân sinh những giá trị mang chất liệu của hạnh phúc, yêu thương, an lạc.

Trong rất nhiều bộ Kinh, đức Phật đã dạy về công bằng xã hội và nhân quyền. Theo Phật giáo, mỗi người đều giống nhau và đáng được giữ gìn nhân phẩm và sống cuộc sống có phẩm chất. Đức Phật dạy trong Kinh Vasala (Kinh Kẻ Bần Tiện), “Bần tiện không vì sinh, Phạm chí không vì sinh”[8].

Tư tưởng bình đẳng trong những lời dạy của Đức Phật Thích Ca là một tro ng những điều tốt đẹp và tiến bộ cho nền Phật học ngày nay. Một trong những lời bình dị đơn giản của Đức Phật Thích Ca đã nói, nhưng ít ai để ý đến  đó là: “Một người trở nên cao quý hay thấp kém là do ba nghiệp của họ, chứ không phải do nơi chốn mà họ sinh ra”[9].

Là một tôn giáo, Phật giáo cũng quan tâm đến vấn đề giải thoát cho con người. Bên cạnh tôn trọng và khẳng định những quyền cơ bản của con người, Phật giáo không loại bỏ những quyền của các sinh vật khác như thú vật và cây cỏ. Phật giáo cũng có mười điều răn: không được giết người, không được trộm cắp, không được nói dối, vv… Trong tất cả những điều răn của Phật giáo đều hàm chứa một điều: không nên hủy diệt cuộc sống, lời khuyên này không những áp dụng cho con người mà còn cho cả muôn loài có tri giác.

Phật giáo không tách rời lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội mà nhấn mạnh đồng thời, lợi ích cá nhân và xã hội phải đi cùng để tạo ra một sự hạnh phúc cho nhân loại. Triết lý này của Phật giáo có thể bắt gặp trong 5 giới điều, chuẩn mực nền tảng đạo đức của Phật giáo. Con người nên tuân giữ 5 giới để làm cho cuộc sống không bị tổn hại, không vi phạm pháp luật quốc gia, vì lợi ích cá nhân và lợi ích cho cả xã hội. Chúng cần thiết để hình thành xã hội dân chủ, cuộc sống an lành. Do vậy, Phật giáo không phải là một tôn giáo cách ly xã hội, mà là tôn giáo có tính xã hội, với tinh thần “nhập thế” hết sức sâu, đó là lý do hàng trăm triệu người trên khắp thế giới theo Phật giáo.

Hơn nữa, E.F. Schumacher trong tác phẩm “Nhỏ mà đẹp” đã viết, trong Phật giáo sự phát triển không nằm ở của cải, nó bắt đầu từ con người, học vấn, sự tổ chức và đạo đức của con người. Phật giáo không khuyến khích cạnh tranh mà khuyên nên hợp tác, đó là một biện pháp thích hợp nhất giải quyết khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị, xã hội và thực hiện công bằng xã hội[10]. Không phải ngẫu nhiên mà nhà triết học thông thái người Đức P. Neitzch – đã đề cao ý nghĩa thực tiễn của giáo lý nhà Phật: “Phật giáo đã nhận lãnh trách nhiệm đặc các vấn đề một cách khách quan và bình tĩnh … Phật giáo không kích thích người ta làm chiến tranh chống các tôn giáo khác. Điều cảm động nhất chính là ở chỗ giáo lý nhà Phật chống lại tư tưởng phục thù, hằn học, oán ghét” [11]

Trong quan hệ giữa con người với tự nhiên, tư tưởng Phật giáo hướng con người đến việc tôn trọng và xây dựng môi trường bền vững.

Phật giáo đưa chúng ta tới một thái độ đúng hơn đối với vấn đề môi trường, một trong những vấn đề lớn trong thời đại của chúng ta. Trong lời răn không được hủy diệt cuộc sống thì quyền sống của thú vật và cây cỏ cũng được tôn trọng như con người. Thiên nhiên không những lệ thuộc vào con người, mà ngược lại con người cũng lệ thuộc vào thiên nhiên.

Khi chúng ta bàn về những ảnh hưởng tích cực đến môi trường sống của nhân loại từ giáo pháp của đức Phật, chúng tôi nhận thấy, yếu tố cần thiết phải xét đến là cách giải quyết đời sống kinh tế của loài người mà đức Phật quan tâm đến. Bởi đây là một trong những nguyên nhân gây nên sự tàn phá môi trường. Về điều này đức Phật đã dạy đệ tử cần phải thực hiện “chánh mạng”, nghĩa là phải kiếm sống một cách lương thiện, đúng đắn, không làm tổn hại cho mình, cho người và muôn loài.

Cách ứng xử về vấn đề kinh tế như vậy, nếu được thực hành một cách trọn vẹn, thì chúng ta sẽ thực hiện việc bảo vệ môi trường sống của con người một cách hoàn hảo . Thực hiện phương cách sống “chánh mạng”,  chúng ta sẽ không tàn phá rừng và săn giết muôn thú vô tội vạ (nếu như nó không thực sự tối cần thiết cho cuộc sinh tồn). Cùng với thực hành “chánh mạng” trong Bát Chánh Đạo, đức Phật dạy bảo Phật tử phải giữ giới “không được sát sanh” để tăng trưởng lòng từ bi[12]. Có thể nói đây là những việc làm thiết thực, âm thầm và lâu dài trong việc bảo vệ môi trường sống của con người một cách hoàn hảo nhất.

Lời dạy của  Đức Phật Thích Ca trong Kinh Từ Bi là minh chứng rõ ràng và toàn diện cho tư tưởng tôn trọng và sống hòa hợp với tự nhiên, vạn vật: “Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi; nguyện c ho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh; nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn”[13].

1.2. Sự cần thiết phải vận dụng tư tưởng  Phật giáo vào việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh – sinh viên Việt Nam hiện nay:

Văn kiện Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh: “Tôn trọng và phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo”[14]. Việc vận dụng tư tưởng vào việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh – sinh viên Việt Nam hiện nay là rất cần thiết, xuất phát từ cơ sở thực tiễn lẫn cơ sở khoa học.

Vài nét về thực trạng đạo đức, lối sống của học sinh – sinh viên Việt Nam hiện nay:

Việt Nam đã và đang đạt được những tiến bộ vượt bậc kinh tế, khoa học kỹ thuật… nhưng mặt trái của nền công nghiệp, của kinh tế thị trường làm cho “môi trường nhân văn” bị ô nhiễm trầm trọng. Đạo đức, lối sống của nhiều người bị suy thoái, nhiều biểu hiện của lối sống xa lạ, trái với thuần phong mỹ tục trong một bộ phận cộng đồng dân cư diễn ra ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở giới trẻ, học sinh – sinh viên. Họ có thiên hướng đề cao cá nhân, sống ích kỷ, lạnh lùng, ít chú ý đến nghĩa vụ và trách nhiệm ….

Hiện nay, số lượng trẻ vị thành niên nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng phạm pháp đang gia tăng theo xu hướng trẻ hóa và mức độ tội lỗi ngày càng nghiêm trọng. Hàng loạt những hiện tượng đau lòng diễn ra ở chốn học đường gần đây khiến cho chúng ta không thể làm ngơ. Theo thống kê cho thấy 55 – 65% số người phạm tội ở nước ta những năm gần đây là thanh, thiếu niên, trong đó có không ít học sinh, sinh viên. Kết quả điều tra gần đây của Viện nghiên cứu và phát triển Giáo dục Việt Nam cho thấy: Càng học lên cao thì số học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức càng tăng lên.

Biểu hiện vi phạm

Tiểu Học

THCS

THPT

CĐ, ĐH

Tỉ lệ đi học không đúng giờ

20%

21%

58%

85%

Tỉ lệ quay cóp

8%

55%

60%

69%

Tỉ lệ nói dối cha mẹ

22%

50%

64%

83%

Tỉ lệ vi phạm Luật giao thông

4%

35%

70%

84%

Năm 2007, khảo sát từ 30 trường ĐH, CĐ cho thấy: 51,4% SV cho rằng “Sống thử trước hôn nhân” là hiện tượng phổ biến. Số liệu khác của ủy ban Dân số – Kế hoạch hóa gia đình năm 2007 đã báo động: mỗi năm cả nước có hơn 1,5 triệu vụ nạo phá thai, trong đó tuổi vị thành niên chiếm trên 35% (trong đó khoảng 20% là học sinh, sinh viên)[15].

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói, đại ý rằng: Thanh niên là người chủ tương lai của đất nước, nước nhà thịnh hay suy, mạnh hay yếu, một phần là do thanh niên. Nghị quyết Đại Hội Đại Biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã chỉ rõ phương hướng nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, kho an dung, tôn trọng tình nghĩa, lối sống có văn hoá, quan hệ hài hoà trong gia đình, cộng đồng và toàn xã hội”[16]. Vì vậy, trước yêu cầu phát triển của đất nước, việc xây dựng một nền tảng đạo đức, lối sống mới theo hướng nhân văn, tiến bộ và bền vững cho thế hệ trẻ, học sinh – sinh viên hiện nay là rất cần thiết.

– Một vài nét về ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo đến đời sống của người Việt Nam:

Trong lịch sử Việt Nam, Phật giáo có một ảnh hưởng lâu dài từ đầu Công nguyên cho đến ngày nay. Phật giáo đã trở thành một phần không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam quen niệm “Nam mô A Di Đà Phật”. Trong văn học cũng như trong đời sống thường nhật, người ta hay nhắc nhở hình ảnh Phật Bà Quan Âm cứu khổ cứu nạn… Đó là kết quả của một quá trình chọn lọc của nhiều thế hệ tu hành và có lẽ quan trọng hơn còn là sự lựa chọn của quần chúng. Từ đó Phật giáo đi vào cuộc sống, vào tâm thức Việt Nam.

Trong suy nghĩ của một số dân tộc châu Á nói chung và nhân dân Việt Nam nói riêng, đạo Phật là một trong những tôn giáo có nhiều đóng góp nhất cho xã hội loài người. Thậm chí, có y‟ kiến còn cho rằng, chính đạo Phật đã mở ra con đường văn minh đầu tiên cho dân tộc.

Nếu như Nho giáo đã đóng vai trò tư tưởng  quan trọng như thế nào ở các nước Đông Bắc Á như Trung quốc, Nhật Bản hay Triều Tiên, thì ở các nước Đông Nam Á lục địa như Thái Lan, Myanma, Việt Nam, Campuchia hay Lào, Phật Giáo đóng vai trò quan trọng như thế. Phật giáo đã trở thành một bộ phận trong tư tưởng và quan niệm của cư dân bản địa, là sợi dây vô hình gắn kết các bản mường, các cộng đồng người khác nhau trong cùng một quốc gia hay giữa các quốc gia với nhau. Phật giáo được coi là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam v.v…

Vai trò của Phật giáo đặc biệt được thể hiện một cách tập trung, sinh động ở ngôi chùa. Ngày xưa, chùa là trung tâm tôn giáo – giáo dục – văn hóa trong từng bản làng, thôn xóm. Chùa được hình thành không chỉ để làm tròn chức năng tôn giáo mà còn làm tròn chức năng giáo dục đào tạo.

Nhiều bài học đạo đức luân lý của nhà Phật được các Sư Tăng mà cũng là các giáo viên  thuyết giảng đã giúp ích cho các thế hệ thanh thiếu niên theo đó tu bồi nhân phẩm, sống theo lý tưởng và nền nếp nhà Phật với một tâm hồn dịu dàng, một lòng vị tha, trung thành không vụ lợi. Chùa là trường, trường là chùa, vừa dạy chữ vừa là tiền đề khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tác thơ ca, văn chương cho con em. Trong lịch sử Việt Nam (nhất là thời Lý -Trần), một số nhà thơ lớn, nhà tư tưởng hay lãnh đạo quốc gia (như Vạn Hạnh, Khuông Việt, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Tuệ Tĩnh…) đã trưởng thành từ giáo dục nhà chùa và bản thân họ là những tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống. Ngày nay, chùa như là nhịp cầu nối liền các tín đồ với đạo Phật, là điểm gặp gỡ, hòa nhập giữa các thành viên trong cộng đồng. Tại đây, tất cả mọi người, Phật tử hay không phải Phật tử đều có thể đến để thỏa mãn nhu cầu đời sống tâm linh và vui chơi trong dịp lễ hội hay sinh hoạt văn hóa.

Văn học nghệ thuật ở các quốc gia Đông Nam Á lục địa nói chung và Việt Nam nói riêng mang đậm dấu ấn Phật giáo. Văn học Phật giáo đã trở thành một đặc điểm nổi bật trong nền văn học của dân tộc. Giáo lý đạo Phật đã trở thành tư tưởng chủ đạo trong nhiều áng văn chương như Thơ Văn Lý Trần của Việt Nam v.v… Đặc biệt, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc chùa chiền Phật giáo thể hiện rõ nét về vị trí của đạo Phật trong đời sống tinh thần của cư dân. Những công trình nổi tiếng như chùa Một Cột, tháp Báo Thiên, chùa Thiên Mụ và có rất nhiều chùa nổi tiếng khác trên khắp đất nước đã trở thành niềm tự hào và là biểu tượng thịnh vượng của đạo Phật nước nhà.

Từ thế kỷ XIV-XV về sau ta không nghe nói đến những thiền sư như Khuông Việt, Vạn Hạnh với vai trò chính trị ảnh hưởng đến cả tiến trình đất nước. Ta cũng không gặp một thời kỳ mà Phật giáo ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng  và học thuật, văn học và nghệ thuật như thời Lý Trần. Nhưng ảnh hưởng có thể lại sâu rộng hơn trong quần chúng. Tư tưởng bác ái, cứu nhân độ thế, vị tha của A Di Đà, Quan Thế âm đã bồi dưỡng thêm lòng nhân ái của người Việt Nam.

Ngày nay, cuộc sống hiện đại làm cho các hoạt động của con người trở nên tất bật, căng thẳng. Vì thế, hơn bao giờ hết con người cần có những giờ phút để thư giãn. Tư tưởng từ bi hỷ xả của Phật là liều thuốc an thần làm cho tâm tĩnh, làm tươi mới đời sống tâm hồn là một phương cách dưỡng sinh cho con người hiện đại…

Tóm lại, trên cơ sở của một nền văn hóa bản địa vững chắc, trong thiên niên kỷ đầu công nguyên, Việt Nam đã tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa mới từ Trung Quốc, Ấn Độ, đặc biệt là Phật giáo. Bức tranh văn hóa Việt Nam nhờ đó ngày càng phong phú, đa dạng và giàu có. Người dân đã tiếp biến giữa các yếu tố văn hoá và tôn giáo để rồi tạo nên những nét riêng của Phật giáo Việt Nam. Nhờ đó Phật giáo có vai trò hết sức to lớn trong đời sống chí nh tri, văn hoá, xã hội của đất nước.

– Phật giáo là một hệ thống giáo dục:

Theo  học  giả Master  Chin Kung,  Phật  giáo  du nhập vào  Trung Quốc năm 67 sau công nguyên. Thời bấy giờ, Hoàng đế đang trị vì đã cử đặc sứ đến Ấn Độ cung thỉnh các tăng sĩ Phật giáo tới Trung Quốc để truyền bá những lời dạy của Đức Phật mà vào lúc đó được xem như là một hệ thống giáo dục hơn là một tôn giáo. Thực vậy, bản thân Đức Phật muốn thông qua lời giảng dạy của mình để giáo dục con người, giúp con người có được cuộc sống tốt đẹp, tiến tới xóa bỏ khổ đau, chứng đạt niết bàn, chứ không phải là thực hiện học thuyết của Người như một hiện tượng tâm linh, tôn giáo thuần túy.

Mục tiêu cao nhất của giáo dục Phật giáo là có đạt tới trí tuệ. Trí tuệ của Phật giáo gọi theo Phạn ngữ (Sanskrit), một loại cổ ngữ của Ấn Độ, là “Anuttara-samyak-sambhodi” có nghĩa là trí tuệ vô thượng chánh đẳng chánh giác. Giáo dục Phật giáo giúp chúng ta nhận chân rõ trí tuệ tối thượng, hoàn hảo thiên bẩm đó. Có trí tuệ, chúng ta có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề và chuyển khổ đau thành hạnh phúc. Bởi do không có trí tuệ, mà chúng ta đã nhận thức, kiến giải và cư xử một cách sai lầm, và khổ đau xuất hiện như là kết quả của những việc làm sai trái mà ra. Nếu chúng ta có trí tuệ, thì những suy nghĩ, quan điểm và c ách cư xử của chúng ta sẽ trở nên chín chắn, đứng đắn; chúng ta sẽ vượt qua được tham – sân – si, sống một cuộc đời hạnh phúc, chí thiện và hòa bình.

Cũng theo Master Chin Kung, có thể chia giáo dục Phật giáo hiện nay thành bốn loại. Loại giáo dục thứ nhất là Giáo dục tín ngưỡng, là loại giáo dục có thể được chứng kiến trong ở các ngôi chùa hiện nay. Nhưng đây không phải là mô hình của một nền giáo dục Phật giáo chân chính. Loại giáo dục thứ hai là giáo dục kinh viện được dạy ở trong các ngôi trường đại học ngày nay, nơi mà chúng ta thấy Phật giáo đơn thuần được xem như là một triết lý, một môn học, đặc biệt ở Nhật Bản. Loại giáo dục này cũng không phải là nền giáo dục thực sự của Đức Phật. Loại giáo dục thứ ba và là loại giáo dục bất hạnh nhất trong tất cả, là Phật giáo suy thoái hoàn toàn, trở thành một hệ thống thờ cúng tôn giáo. Loại giáo dục thứ ba này làm tổn hại quần chúng nhiều hơn cả hai loại đầu. Cuối cùng là loại nền giáo dục truyền thống, mà cơ bản bao gồm những lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì rất hiếm thấy ở trong thời buổi của chúng ta hiện nay[17].

Bản thân Đức Phật là một tấm gương sáng ngời về đạo đức, lối sống và một nhà giáo dục thiên tài. Chúng ta gọi Ngài là “Bổn Sư”, cũng giống như người Trung Quốc gọi Khổng Tử là “Người Thầy và là vị Hiền giả vĩ đại nhất”. Mối quan hệ giữa Đức Phật và chúng ta là mối quan hệ thầy trò, chứ không phải là mối quan hệ mang tính cách tôn giáo.

Vào thời Đức Phật tại thế, Ngài đã thiết lập một hệ thống giáo dục mang tính liên tục  cho các vị xuất gia đầu tiên. Dưới sự giáo dục của Ngài, có nhiều đệ tử – học trò là đã đạt được thành tựu. Mỗi năm, những người đệ tử này đều được chỉ định đi khắp nơi giảng dạy giáo lý trong khoảng 9 tháng. Ở Ấn Độ, mùa mưa kéo dài từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 7 nên rất bất tiện cho việc đi lại giảng dạy, thế nên trong ba tháng này tất cả những đệ tử – học trò đều phải trở về yết kiến Đức Phật để tiếp thu thêm giáo lý và học hỏi lẫn nhau qua các buổi thảo luận trên lớp. Khóa học này được gọi là An Cư Kiết Hạ, nó tương tự với hệ Giáo dục thường xuyên cho các giáo viên ngày nay[18]. Thông qua những đồ đệ của mình, Đức Phật muốn tư tưởng  của mình sẽ lan tỏa đến đông đảo người dân, làm cho ai cũng được giáo dục, ai cũng được khai trí, khai tâm.

Giáo dục của Phật giáo rất giàu nhân bản, bởi vì nó giúp cho mọi người có niềm tin chân chính, quyết tâm thực hành chánh pháp để trở thành những con người hoàn thiện, những con người có đời sống thanh cao, với hai phẩm chất nổi bật là từ bi và trí tuệ. Đó là hướng phấn đấu cụ thể, thiết thực, không viễn vông, mà hình ảnh của đức Phật là một tấm gương sáng ngời cho chúng ta noi theo.

2. Gợi ý một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của Phật giáo trong việc giáo dục học sinh – sinh viên về đạo đức, lối sống

Có thể nói, khoa học kỹ thuật đã, đang và sẽ ngày càng tiến bộ, nền kinh tế của nhân loại sẽ ngày càng phát triển theo xu thế văn minh, hiện đại, theo đó đạo đức và lối sống của con người cũng cần phải biến đổi để phù hợp với hoàn cảnh sống mới, nhưng dẫu biến đổi, đạo đức và lối sống của con người luôn phải dựa trên các chuẩn mực của những giá trị nhân bản truyền thống và “không thể tách rời đạo đức khỏi những quy tắc tôn giáo” như cựu tổng thống Nga V.Putin đã nói. Rõ ràng bất cứ tôn giáo nào ngoài hệ thống những giá trị đặc thù để bảo vệ niềm tin tôn giáo, còn có những chuẩn mực đạo đức mang tính nhân bản sâu sắc, như sống hiếu thảo với cha mẹ, trung thực, nhân ái, hướng thiện… Vì vậy, việc giáo dục lối sống và đạo đức trước đây và hôm nay không thể tách rời khỏi đạo đức và lối sống của tôn giáo , nhất là Phật giáo. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải có những giải pháp để phát huy hơn nữa những giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng trong việc xây dựng nhân cách đạo đức cho con người Việt Nam nhất là tầng lớp học sinh – sinh viên. Những giải pháp đó có thể là:

–  Về mặt nhận thức, nên xem tư tưởng Phật giáo về giáo dục là một trong những tư tưởng giáo dục tiến bộ trong lịch sử nhân loại

Hiện nay tư tưởng  chính thống ở Việt Nam là chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng  Hồ Chí Minh. Những tư tưởng này không chỉ có ý nghĩa trong đời sống chính trị – xã hội mà còn được vận dụng và mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, cuộc sống luôn có những biến đổi và “con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội” cho nên giáo dục cần phải vận dụng nhiều phương thức giáo dục khác nhau nhằm đạt đến những giá trị cao nhất của con người, nhất là giáo dục về đạo đức, lối sống. Nghĩa là, chúng ta cần phải tìm kiếm và vận dụng những tư tưởng giáo dục tiến bộ vốn có trong lịch sử giáo dục của nhân loại từ phương Đông sang phương Tây. Nếu như ở phương Tây, người ta đề cao tư tưởng  giáo dục của Socrates vì nó nhằm hướng đến sự hoàn thiện bản thân và mối giữa cá nhân với cộng đồng thì ở phương Đông, tư tưởng của Đức Phật và Đức Khổng Tử được xem là có ý nghĩa giáo dục to lớn nhằm góp phần đem lại cho con người một cuộc sống chân – thiện – mỹ thực sự…Phật giáo hàm chứa nhiều giá trị quí báu về giáo dục nhân cách sống cho con người, đó là điều đã được khẳng định. Hơn nữa, tôn giáo này có ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống văn hóa tinh thần của người Việt và là cái dễ đi vào nơi sâu thẳm nhất của lòng người và lưu lại đó một cách bền vững. Có thể nói, Phật giáo thế giới cũng như Phật giáo Việt Nam đều nhằm giáo dục và xây dựng con người thành những người có ích, vì thế nó cũng có thể phục vụ đắc lực cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam hiện nay, nhất là đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh – sinh viên.

– Bản thân những người làm công tác giáo dục, dù trong lĩnh vực khoa học xã hội hay khoa học vực tự nhiên cũng đều nhắm đến việc giáo dục cho con người phát triển toàn diện, nên để việc giáo dục hiệu quả và sâu sắc hơn, các nhà giáo dục nên vận dụng kết hợp tư tưởng Phật giáo với các tư tưởng khác để tuyên truyền và giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh – sinh viên trong giảng dạy cũng như các hoạt động giáo dục khác.

Những tư tưởng  cơ bản của Phật giáo là những tư tưởng về con người và cuộc sống của con người, đó là vấn đề “khổ” và “cứu khổ” bằng “Bát chánh đạo và Tam học”, được thể hiện rõ nét trong học thuyết Tứ diệu đế. Rõ ràng đây là một tư tưởng mà bất kì đối tượng nào trong xã hội cũng có thể tham khảo và vận dụng để tự giáo dục mình chứ không nhất thiết là đối với những tín đồ Phật giáo. Tuy vậy, để học sinh – sinh viên quan tâm và thực hành những lời dạy tốt đẹp của Đức Phật về cách làm người thì việc cố vấn, chỉ dẫn và định hướng của các thầy giáo, cô giáo và những người làm công tác giáo dục là rất cần thiết. Để làm được điều này, người dạy cần phải có những hiểu biết và nhận thức nhất định về Phật giáo nói chung và giá trị về đạo đức, lối sống của Phật giáo nói riêng; quan trọng hơn, họ phải biết cách lòng ghép, đưa vào một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, hợp lý, hợp tình những tư tưởng đó vào các tiết dạy, những bài nói chuyện, những buổi hoạt động ngoại khóa, những lời căn dặn, khuyên bảo về kỹ năng, cách sống… cho học sinh – sinh viên.

– Khuyến khích học sinh – sinh viên tìm về những giá trị đạo đức tốt đẹp của nhân loại được chứa đựng trong các tôn giáo, đặc biệt là “Bát chánh đạo” và “Tam học” của Phật giáo Ngày nay, từ phương Tây cho đến phương Đông, giáo dục thường nhắm đến hiệu quả về mặt kinh tế – xã hội, do vậy thường nghiêng về giáo dục những tri thức về khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp cho người học mà thường coi nhẹ việc phổ biến những giá trị đạo đức cho họ. Trong khi đó, giáo dục ở nhiều nơi đều nhấn mạnh phải phát triển toàn diện cho người học. Trong thực tế, giáo dục nhân cách sống cho người học là một việc vô cùng quan trọng nhưng không hề đơn giản, thậm chí còn khó khăn hơn rất nhiều lần so với việc trang bị về tri thức, kỹ năng. Do đó, chúng ta không chỉ rao giảng, khuyên bảo một cách máy móc các bài học về đạo đức, lối sống theo những mô-típ quen thuộc. Điều quan trọng là phải làm cho học sinh – sinh viên tự ý thức tầm quan trọng của việc rèn luyện nhân cách sống và khuyến khích họ chủ động tìm về những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc, giá trị đạo đức, lối sống của Phật giáo… Chúng ta hãy làm điều này một cách tự nhiên, không áp đặt, không ra lệnh mà hãy làm người gợi ý, động viên, khuyến khích cho họ. Hãy để họ tự lựa chọn, tự “chiêm nghiệm”, tự “tu tập” tư tưởng đạo đức Phật giáo hay bất kỳ một giá trị đạo đức tốt đẹp nào khác mà họ thấy phù hợp và yêu thích.

Cuối cùng, nên chăng giáo dục nhà trường cần phải kết hợp với các tổ chức xã hội, với các cơ sở tôn giáo (trong đó có Phật giáo) trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh – sinh viên. Thiết nghĩ, những sự kết hợp này sẽ không những làm đa dạng, phong phú hoạt động giáo dục mà còn tận dụng và phát huy được các ưu thế của của những tổ chức xã hội, cơ sở tôn giáo vào việc giáo dục đạo đức, lối sống cho người học.

Giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ là một nội dung cơ bản, thường xuyên của mọi nền giáo dục trên thế giới từ xưa cho đến nay nhưng trong từng giai đoạn cụ thể thì giáo dục cần phải vận dụng những tư tưởng, phương  thức giáo dục phù hợp thì mới có thể mang lại hiệu quả. Vận dụng tư tưởng Phật giáo có thể mang lại những hiệu quả tích cực trước mắt và lâu dài cho việc giáo dục đạo đức lối sống cho sinh viên ở Việt Nam trong thời đại hiện nay, bởi Phật giáo “sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể, gồm mọi phương diện trên, trong cái nhất thể đầy ý nghĩa”[19].

PGS.TS ĐẶNG VĂN CHƯƠNG, Th.s TRẦN ĐÌNH HÙNG Khoa Lịch Sử – Trường ĐHSP Huế , 34 Lê Lợi, Tp Huế

Theo ĐPNN