1
2

Đại Ngư Sự Kinh

Đông Tấn Trúc Đàm Vô Lan dịch

Bản Việt dịch (1) của Thanh Mai – Thanh Nhiên

Bản Việt dịch (2) của Trần Văn Nghĩa

***

Kinh Chuyện Về Những Con Cá Lớn

Việt dịch: Thanh Mai – Thanh Nhiên

Đúng thật như thế, chính tôi được nghe: Một thời, Đức Bà-già-bà[2] trú tại Kì Thụ Cấp Cô Độc Viên[3] thuộc thành Xá-vệ[4]. Bấy giờ Thế Tôn bảo các tì-kheo[5]:

Ngày xưa, có một dòng sông chứa rất nhiều cá lớn. Một hôm, cá lớn bảo cá nhỏ:

– Các con đừng bỏ nơi đây đi đến chỗ khác kẻo bị người xấu bắt nhé!

Đàn cá nhỏ chẳng nghe lời, rủ nhau bơi qua chỗ khác. Ngay lúc ấy, người đánh cá liền giăng lưới để bắt chúng. Đàn cá vội bơi về chỗ cá lớn. Thấy cá nhỏ trở về, cá lớn bảo:

– Các con đừng bỏ nơi đây mà đến chỗ khác nữa nhé!

Đàn cá nhỏ đáp:

– Chúng con vừa đến nơi ấy trở về đây!

Cá lớn hỏi:

– Các con qua đó không bị lưới bắt sao?

Cá nhỏ đáp:

– Chúng con đến đó không bị người bắt, nhưng thấy lưới kia bủa theo sau!

Cá lớn bảo:

– Các con sẽ bị hại. Sở dĩ ta nói như thế vì cái lưới các con trông thấy sẽ bủa đến đây! Ngày xưa, tổ tiên ông bà của chúng ta đã bị cái lưới này hại, hôm nay, các con chắc chắn sẽ bị hại! Các con không xứng đáng là con ta!

Thế là đàn cá nhỏ bị ngư ông buông lưới kéo lên bờ. Cả đàn đều bị giết hại.

Cũng vậy, có một tì-kheo đắp y, ôm bát vào làng nọ khất thực[6], dùng phúc độ chúng sinh, nhưng lại không biết giữ gìn thân, khẩu, ý, không phòng hộ các căn, không nhiếp tâm, thấy các thiếu nữ đẹp như hoa đào liền khởi tâm dục. Do đó nên thân, khẩu, ý hừng hực lửa dục. Vì hừng hực lửa dục nên khất thực trở về, người này lại khởi lên ý tưởng dâm dục, liền đến gặp các tì-kheo lớn, thưa rõ mọi việc cho họ nghe. Các vị ấy dạy:

– Này hiền đệ! Khởi ý tưởng dâm dục là bất tịnh. Hiền đệ phải quán chiếu ác lộ[7]!

Các tì-kheo lớn nhiều lần dạy bảo như thế, nhưng do lửa dục thiêu đốt thân, khẩu, ý, tì-kheo này lại đến xóm kia khất thực. Thấy các thiếu nữ đẹp như hoa đào, tì-kheo này lại khởi dục tâm thiêu đốt thân, khẩu, ý. Khất thực trở về, người này lại đến chỗ tì-kheo lớn thưa rõ mọi việc. Vị này bảo:

– Hãy đi đi, ông không còn là người trong chúng này nữa!

Nhưng tì-kheo ấy không xả giới cấm mà lại mặc y phục thế gian, vui sống trong ái dục[8], đó gọi là tì-kheo tạo cơ hội cho ma, chạy theo ham muốn của ma Ba-tuần[9], không thoát khỏi sinh, già, bịnh, chết, ưu bi, khổ não. Do đó, các tì-kheo có đầy đủ lợi dưỡng thật là đại hoạ, thật khổ, thật đáng sợ, sẽ bị đọa vào ba đường ác, không sinh đến cõi vô thượng. Do đó, các tì-kheo phải ghi nhớ điều này: “Được lợi dưỡng thì phải xả bỏ, chưa được lợi dưỡng thì đừng khởi tâm ham muốn”. Các tì-kheo hãy nhớ kĩ điều đó.

Nghe Đức Phật dạy, các tì-kheo hoan hỉ vâng theo.

***

Chú thích:

[2] Bà-già-bà 婆伽婆 (S: Bhagavat): một trong mười đức hiệu của Phật, là đức hiệu của đấng có đầy đủ các đức được người đời tôn kính. Ở đây chỉ cho Đức Phật Thích-ca.

[3]Kì Thụ Cấp Cô Độc Viên 祇樹給孤獨園 (S: Jetavanānāthapiṇḍadasyārāma): tinh xá ở khu vườn phía nam thành Xá-vệ, nước Kiều-tát-la, thuộc Trung Ấn Độ (nay là khu vực phía nam Nepal), gần Sahet-Mahet ở bờ phía nam sông Rapti. Đây là nơi nổi tiếng nhất trong các nơi Phật thuyết pháp.

[4]Xá-vệ (Xá-vệ quốc 舍衛國; S: Śrāvastī): một vương quốc cổ ở Trung Ấn Độ. Vì quốc thành này xuất hiện nhiều danh nhân, sản xuất nhiều vật tốt nên gọi là Văn Vật quốc. Xá-vệ vốn là tên thành đô của nước Bắc Kiều-tát-la, để phân biệt với nước Nam Kiều-tát-la nên lấy tên thành gọi thay tên nước.

[5] Tì-kheo 比丘 (S: Bhikṣu): người nam được độ xuất gia, thụ giới cụ túc; một trong năm chúng, một trong bảy chúng của giáo đoàn Phật giáo.

[6] Khất thực 乞食 (S: paiṇḍapātika): đi xin thức ăn của mọi nhà nuôi dưỡng sắc thân để tu tập, là một trong mười hai hạnh đầu-đà.

[7] Ác lộ 惡露 (P: asubha): chất lỏng nhơ nhớp từ trong thân thể chảy ra, như máu mủ, phân, nước tiểu…

[8] Ái dục 愛欲 (S: kāma): nghĩa là tham ái, là lòng ham muốn về tình dục.

[9] Ma Ba-tuần 魔波旬 (S: Māra-pāpman): ma vương quấy phá Đức Phật khi Ngài sắp thành đạo, cũng chỉ cho loài ác ma làm tổn sinh mạng và căn lành của người.

    Xem thêm:

  • Kinh Trung Bộ 134 – Kinh Lomasakangiya Nhất Dạ Hiền Giả (Lomasakangiyabhaddekaratta sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 42 – Kinh Veranjaka (Veranjaka sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 143 – Kinh Giáo Giới Cấp Cô Ðộc (Anàthapindikovàda sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 147 – Tiểu Kinh Giáo Giới La Hầu La (Cùlaràhulovàda sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 99 – Kinh Subha (Subha sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 17 – Kinh Khu Rừng (Vanapattha sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 139 – Kinh Vô Tránh Phân Biệt (Aranavibhanga sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 111 – Kinh Bất Đoạn (Anupada sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 114 – Kinh Nên Hành Trì, Không Nên Hành Trì (Sevitabba-asevitabba sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 112 – Kinh Sáu Thanh Tịnh (Chabbisodhana sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 62 – Ðại Kinh Giáo Giới La Hầu La (Mahà Ràhulovàda sutta) - Kinh Tạng
  • Truyện Cao Tăng Sang Tây Vực Cầu Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 145 – Kinh Giáo Giới Phú Lâu Na (Punnovàda sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 28 – Ðại Kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi (Mahàhatthipadopama sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 23 – Kinh Gò Mối (Vammika sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 102 – Kinh Năm và Ba (Pancattaya sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 46 – Ðại Kinh Pháp Hành (Mahàdhammasamàdàna sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 47 – Kinh Tư Sát (Vìmamsaka sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 130 – Kinh Thiên Sứ (Devadùta sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 137 – Kinh Phân Biệt Sáu Xứ (Salàyatanavibhanga sutta) - Kinh Tạng