NGHE AUDIO

 

GNO – Ý kiến của Thượng tọa Thích Phước Tiến, Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Quản trị Viện Nghiên cứu Phật học VN, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Giáo dục Phật giáo TP.HCM, nhân Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX.

Đạo Phật được ra đời tại Ấn Độ, khoảng thế kỷ thứ VI trước Tây lịch, một ‘tôn giáo’ giàu lòng từ mẫn, triết lý cao siêu, vượt qua mọi giáo điều và những tín ngưỡng thông thường. Từ nền tảng minh triết đó, Đạo Phật đã sớm được lan truyền đến khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, quốc gia tiếp thu được nền minh triết này từ những kỷ nguyên đầu Tây lịch, thậm chí trước đó vài thế kỷ, do các thuyền buôn Ấn Độ truyền sang (Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang). Do triết lý của Phật giáo rất phù hợp với nền văn hóa dân tộc nên từ buổi đầu, Đạo Phật đã chiếm được cảm tình của đại bộ phận người Việt và sớm trở thành quốc đạo Việt Nam. Những giai đoạn vàng son của lịch sử Phật giáo Việt Nam chính là thời Đinh, Lê, Lý, Trần.

Trải qua quá trình dài có mặt trên đất nước hình chữ S, Đạo Phật đã có nhiều thay đổi so với Đạo Phật Ấn Độ. Đó là sự khế cơ tài tình của các nhà truyền giáo Phật giáo từ thuở ban đầu cho đến suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Điều đáng suy ngẫm là Đạo Phật có mặt trên một quốc gia có quá nhiều biến động thăng trầm, nhất là hàng nghìn năm chiến tranh. Đạo Phật đã luôn chứng tỏ bản sắc của một Đạo Phật Việt Nam, một Đạo Phật với tinh thần Hộ quốc an dân, dấn thân trong mọi biến cố của đất nước và gần như là rất khác với Đạo Phật của nhiều quốc gia Phật giáo. Rất khó để đánh giá Đạo Phật Việt Nam nếu chỉ so sánh với Đạo Phật buổi đầu (Nguyên thủy), hoặc do ảnh hưởng Phật giáo Đại thừa từ Trung Hoa nên mang nhiều hình thức lễ nghi, nên một số người vội phê phán tính nhất quán của Phật giáo Việt Nam không còn là một Đạo Phật thuần túy hay Nguyên thủy? Nhưng đứng trên phương diện lịch sử Việt Nam thì chúng ta phải thấy rằng, Đạo Phật Việt Nam rất khác Đạo Phật Ấn Độ. Và cũng có thể khẳng định rằng, nhờ “rất khác” đó mà Đạo Phật vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay. Do đó, giữ khư khư những hình thức sinh hoạt từ thời Nguyên thủy của Phật giáo Ấn Độ thì Phật giáo gần như rất khó tồn tại và phát triển ở một đất nước có hoàn cảnh hàng ngàn năm chiến tranh, đói khổ này, thậm chí có thể đã mai một từ rất lâu? Người viết xin mạo muội đưa ra một vài vấn đề cùng thảo luận nhân Đại hội Phật giáo toàn quốc lần IX.

1. Đạo Phật Ấn Độ

1.1. Đạo Phật Nguyên thủy:

Đạo Phật Nguyên thủy là Đạo Phật buổi ban đầu, tức là giai đoạn Đức Phật còn trụ thế đến sau khi Ngài nhập Niết-bàn khoảng 100 năm. Trong suốt giai đoạn này Đạo Phật vẫn còn giữ nguyên vẹn những gì Đức Phật đã chế định cho đời sống tăng đoàn cho đến phương pháp tu tập. Do sống theo tư tưởng Thanh văn nên người tu luôn ẩn mình trong chốn a-lan-nhã, còn được gọi là hướng tịch sa-môn. Tinh thần Phật giáo Nguyên thủy là “bối trần hiệp giác”, người xuất gia là từ bỏ những gì liên quan đến thế tục, không màng đến việc thạnh suy thăng trầm của xã hội, chỉ hướng về con đường giác ngộ để thành tựu Niết Bàn, chấm dứt sanh tử khổ đau.

1.2. Đạo Phật Bộ phái:

Sau khi đức Phật Niết-bàn khoảng 100 năm, Đạo Phật bắt đầu manh nha sự phân hóa trong Tăng đoàn. Điều này khởi điểm từ sự bất đồng quan điểm về giới luật của Phật chế trong hai hoàn cảnh sống giữa rừng núi và thành thị. Trong Luật Thiện Kiến nêu rằng nhóm Tỳ-kheo trẻ ở Bạt-kỳ sống trong thành Tỳ-xá-ly cần phải thay đổi một vài vấn đề phụ của giới luật để thích nghi với mội trường sống, chủ yếu là 10 điều phi pháp, thì bị nhóm Tỳ kheo trưởng lão đại diện là Da-xá quyết liệt phản đối, vì cho đó là đời sống phóng túng của Tỳ-kheo trẻ, sống sai giới luật Phật chế. Do bất đồng quan điểm nên Tăng đoàn Phật giáo thời bấy giờ dẫn đến sự chia rẻ. Đó là cuộc phân chia bộ phái đầu tiên kể từ sau khi đức Phật Niết-bàn. Và đây là lý do chính yếu dẫn đến cuộc kết tập kinh điển lần thứ hai nhưng không cùng một hội nghị. Nhóm Tỳ-kheo trưởng lão kết tập kinh điển riêng và nhóm tỳ kheo Bạt kỳ kết tập kinh ở một trú xứ khác.

1.3. Đạo Phật Đại thừa:

Đại thừa (Mahayana) là bộ phái cấp tiến nhất trong quá trình lịch sử phát triển Phật giáo. Đứng về mặt lịch sử hình thành, Đại thừa được manh nha từ thời kết tập kinh điển lần thứ hai nhưng để chính thức ra đời phải đến thế kỷ thứ I trước Tây lịch, tức là giai đọan ra đời của Văn học Bát-nhã. Tư tưởng Đại thừa có nhiều sự cải tiến so với tư tưởng Nguyên thủy, một vài phương diện nào đó có thể xem là đối lập. Hành giả Đại thừa không còn ạn trụ trong đời sống a-lan-nhã nữa và lấy việc lợi ích chúng sanh làm lý tưởng hàng đầu: “dĩ lợi sanh vi bổn hoài”. Và trong một tình huống nào đó, người tu theo hạnh Đại thừa có thể bỏ cả hình thức người xuất gia, bản thân chấp nhận phạm sai quấy (kể cả giới luật), nếu điều đó làm lợi ích lớn cho cộng đồng hay vì lợi ích của quốc gia. Quan điểm và pháp hành của Đại Thừa đã ảnh hưởng rất lớn đến Phật giáo Việt Nam, Trung Quốc hay Phật giáo Nhật Bản.

2. Đạo Phật Việt Nam

2.1. Đạo Phật Việt Nam thời du nhập:

Từ ban đầu có mặt trên đất nước Việt Nam, đối tượng được tôn thờ của Đạo Phật không phải là đức Phật bổn sư Thích-ca Mâu-ni mà đó là hình ảnh Phật Nhiên Đăng hay Bồ-tát Quan Thế Âm. Hai vị này đã trở thành đấng siêu phàm trong tín ngưỡng Ấn Độ. Các thuyền buôn đã tôn thờ hai vị Phật này suốt hành trình vượt biển của họ. Do đó, Phật giáo ban đầu được người Việt Nam biết đến không phải là một Đạo Phật giác ngộ, giải thoát, Niết-bàn mà là một Đạo Phật tín ngưỡng. Đức Phật như một vị thần thánh có quyền năng giúp cho con người được bình an, tai qua nạn khỏi.

2.2. Đạo Phật hòa nhập tín ngưỡng Việt Nam từ thuở ban đầu:

Văn hóa Việt Nam khác biệt với văn hóa Ấn Độ, cho nên việc tiếp cận và hội nhập của Phật giáo cũng có những khác biệt nhất định. Vì vậy, từ thuở ban đầu tín ngưỡng Việt Nam đã được lồng ghép hài hòa trong sinh hoạt tự viện Phật giáo. Do đó, chùa Phật giáo luôn gắn liền với các tập tục tín ngưỡng làng xã, tạo nên quan hệ mật thiết đình, miếu và chùa. Đạo Phật Việt Nam đã khéo léo cập nhật với nền tín ngưỡng văn hóa bản địa để truyền tải các triết lý Phật giáo cho người Việt Nam, như triết lý Nhân quả, luân hồi… Do đó, rất nhiều sinh hoạt lễ hội, mặc dù không được đề cập trong truyền thống Phật giáo Ấn Độ nhưng vẫn được sinh hoạt trong chùa, như: cúng sao giải hạn, kỳ an kỳ siêu, ngày giờ, bói toán, ma chay, vàng mã… Các nghi thức để thực hiện nghi lễ đó có đầy đủ trong các chùa, do các Tổ biên soạn. Đó là tín ngưỡng Việt Nam, là nhu cầu của đại bộ phận người Việt thời bấy giờ. Vậy, tại sao hôm nay chúng ta không tiếp tục dùng nó như một phương tiện phục vụ tín ngưỡng cho một đại bộ phận quần chúng Phật tử bình dân, nhằm giữ chân họ và từng bước giúp họ nâng cao trên con đường học Phật?

2.3. Loại trừ tín ngưỡng dân gian khỏi hình thái sinh hoạt Phật giáo là mất đi thế mạnh:

Câu chuyện về nguồn gốc Tuyên ngôn độc lập (Nam quốc sơn hà) của Lý Thường Kiệt có phải mê tín không? Nhiều hình thức cúng kính lễ nghi theo tín ngưỡng chúng ta đều đem ra phê phán và vội cho là mê tín và cần phải loại trừ để trở về với Đạo Phật gốc (Nguyên thủy) thì không phải là Đạo Phật Việt Nam mà đó là Đạo Phật Ấn Độ. Khi bị loại trừ các phong tục tập quán tín ngưỡng đến tận cùng thì Phật giáo trở nên đơn điệu và dễ nhàm chán. Phật giáo Trung Quốc quyết lòng biến Đạo Phật Ấn Độ thành Đạo Phật của họ đã thành công nhưng cái tinh túy và cốt lõi, như giác ngộ, giải thoát, niết-bàn vẫn luôn là nền tảng căn bản. Cũng vậy, Đạo Phật Việt Nam là để phục vụ người Việt Nam, cho nên ngoài tính chất giác ngộ, giải thoát chúng ta cần phải có những phương tiện thiện xảo để thích ứng với nhu cầu của tầng lớp tín ngưỡng này. Đó là tính khế cơ hay tùy duyên bất biến trong Đạo Phật. Đừng cực đoan hoặc bị một vài dư luận tiêu cực xã hội dồn ép Phật giáo Việt Nam lại trở nên cục bộ và co cụm như vậy. Có những điều mê tín đẩy con người vào suy thoái sa đọa thì cần phải phê phán, còn những điều giúp con người ổn định để phát huy nhiều điều tích cực, nhất là trong việc nối kết duy trì các phong tục tập quán như văn hóa dân tộc thì duy trì và phát huy. Điều quan trọng là chúng ta phải sử dụng nó như thế nào để không ảnh hưởng tín tâm của quần chúng, từng bước hướng họ về với con đường giác ngộ là trí tuệ của người dùng nó.

Một thực tế đang là, nhiều tôn giáo mới họ cóp nhặt triết lý Phật giáo, nhất là tập trung vào tín ngưỡng của Phật giáo (cái bị cho là mê tín) để làm bàn đạp thu gom quần chúng. Biết nhu cầu đại bộ phận quần chúng, nên họ chớp lấy thời cơ, khai thác triệt để mặt tín ngưỡng của quần chúng, cái Phật giáo Việt Nam đã và đang loại trừ, tự thu mình trước sức ép của một bộ phận tri thức hẹp hòi, những lời phê phán đầy mưu tính.

Một đất nước có hàng ngàn năm chiến tranh, chết chóc thương vong và đói khổ đã làm hoang mang cho bàng dân thiên hạ. Việc siêu độ hương linh (kỳ siêu), chẩn tế cô hồn cho những người đã mất, hay việc mong cầu cho người thân của họ được bình an (kỳ an) trở về sau chiến trận rất là quan trọng trong tâm lý và tình cảm của người Việt, nó đã ăn sâu vào tâm khảm của quần chúng. Từ thuở ban đầu, Phật giáo có mặt ở nước ta, đức Phật đã trở thành một vị thần, một vị cứu tinh, một ân nhân huyền thoại cho dân tộc Việt. Trong những hoàn cảnh như thế không có một thứ triết lý cao siêu nào có thể thay thế được niềm tin của họ.

Bên cạnh đó, việc đốt vàng mã cho người quá cố cũng cần phải được hiểu rõ để không bài bác nặng lời làm tổn thương đại bộ phận người có nhu cầu, nhất là tình cảm của người thân dành cho người quá cố. Đúng nghĩa, việc đốt vàng mã là một lễ nghi, là phong tục tập quán trong việc thờ cúng. Theo người viết, vàng mã cũng giống như nhang đèn, hoa trái… là những thứ làm cho lễ nghi được phong phú và trang nghiêm. Do các quan điểm bất đồng nên cũng gây hoang mang và làm tổn thương tình cảm của biết bao người muốn làm một nghi lễ trang hoàng cho việc cầu cúng, đồng thời làm mất công ăn việc làm chính đáng của số đông, tạo nên một chuỗi hệ lụy không đáng có. Và chính quan niệm trái chiều cũng tạo cớ cho việc chỉ trích của những người không thân thiện với Phật giáo và làm phân hóa trong nội bộ công đồng Phật giáo.

3. Phật giáo Việt Nam cần nhìn lại một vài vấn đề trong thời hội nhập

3.1. Cách phản ứng với việc bị tập kích truyền thông

Trong thời gian qua, nhiều đợt tập kích truyền thông đầy ác ý cho một tập thể hay một đối tượng. Các tình huống bị tập kích là “mượn gió bẻ măng”, đề cao một cá nhân này để làm bàn đạp tấn công một cá nhân khác. Đây là việc làm đầy ác ý. Người trong cuộc rất khó mà phản ứng khi một mình đơn độc. Trong hoàn cảnh này, một tập thể Phật giáo không nên im lặng mà cần phải có tiếng nói đồng bộ và nhất quán về một vấn đề, không nên phát biểu theo kiểu “trống đánh xuôi mà kèn thổi ngược” hoặc xu hướng theo đám đông bỏ rơi những thành viên Phật giáo một cách thương tâm. Nhờ phản ứng tập thể để thấy được tinh thần đoàn kết tổ chức Phật giáo và sẵn sàng cùng sống chết. Như vậy mới đúng tinh thần bi trí dũng của Phật giáo.

3.2. Liên kết nhiều ban ngành cho công tác Phật sự hay hoằng pháp:

Theo Hiến chương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 13 ban ngành viện Trung ương và mỗi ban viện điều chuyên trách theo các thế mạnh nhất định trong quá trình hoạt động. Mặc dù các ban ngành viện làm hết chức năng của mình nhưng vẫn tồn đọng những mặt hạn chế trong quá trình hoạt động. Vì vậy, để tăng tính hiệu quả của các ban ngành viện cần hoạt động theo cách liên kết nhiều ban ngành để khép kín các công tác Phật sự và tạo uy thế cho các hoạt động.

Điển hình, Ban Hoằng pháp. Thông thường, để thực hiện nhiệm vụ hoằng pháp thì gần như chúng ta chỉ nghĩ đến việc lên pháp tòa tuyên dương Phật pháp. Điều này có thể đem lại hiệu quả nhất định cho một vài trường hợp hội đủ điều kiện nhưng không phải tất cả mọi trường hợp đều có thể hội đủ những yếu tố cần và đủ cho người hoằng pháp. Do đó, để những chuyến hoằng pháp thành công, chúng ta cần kết hợp với nhiều ban ngành khác, như: Ban Hướng dẫn Phật tử (vận động Phật tử tập trung); Ban Thông tin – Truyền thông (đăng thông tin rộng rãi trước và sau mỗi chuyến hoằng pháp), Ban Từ thiện – Xã hội (với tinh thần có thực mới vực được đạo)…

Như vậy, các chuyên Ban còn lại, tùy tính chất của mỗi Ban, khi hoạt động cũng cần liên kết một cách đồng bộ để đem lại hiệu quả lớn cho mỗi Ban.

3.3. Đặc cách cho một số Ban có tính nhập thế cao để hoạt động tăng thêm hiệu quả:

Cốt tủy của Đạo Phật là lấy giác ngộ giải thoát làm mục đích hướng đến. Vì vậy, để đạt được mục đích này là cả một quá trình dài phấn đấu miệt mài và đầy nghiêm túc của hành giả. Nhưng khi nhập thế, Đạo Phật cần phải uyển chuyển cho phù hợp với nhu cầu của quần chúng. Việc tùy duyên này không phải do chúng ta tùy tiện mà từ ngàn xưa, từ thời Đức Phật, sau khi giác ngộ Ngài cũng đã có ý định nhập Niết-bàn. Nhưng sau đó, bằng trí tuệ siêu việt đức Phật đã đưa ra giáo pháp phương tiện, cụ thể là Ngũ thừa Phật giáo. Sau khi Phật nhập Niết-bàn, qua thời gian, xã hội nhiều biến thiên thay đổi, nên việc phân chia bộ phái cũng xuất phát từ cái nhìn tùy duyên để thích nghi với nhu cầu quần chúng đương thời.

Như vậy, Phật giáo ban đầu không có các ban ngành viện, nhưng cũng tùy vào nhu cầu của thời đại, để tăng thêm tính hiệu quả cho công việc, Phật giáo cũng chia ra nhiều ban ngành viện cho kiện toàn một tổ chức và phù hợp với nhu cầu thực tế. Vì vậy, để phát huy hết chức năng của từng chuyên ngành, nhất là những chuyên ngành có tính nhập thế cao thì cần phải có những quy định đặt cách cụ thể, để không bị ràng buộc trong một hình thức cứng nhắt thì rất khó phát huy hết vai trò của mình. Cụ thể, Ban Kinh tế – Tài chính, Ban Văn hóa, Ban Thông tin – Truyền thông, Ban Hướng dẫn Phật tử, những ban này, rất cần sự cởi mở của chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội. Khi đưa ra quy chế cho mỗi ban ngành, Giáo hội đã xét nét rất kỹ tính chất của nó, nhưng nếu không cho phép một số quy định vượt ngoài khuôn phép truyền thống, kể cả giới luật (giới khinh) thì làm sao hoạt động? Ví dụ, Ban Kinh tế – Tài chánh nhưng không được phép kinh doanh, vì vi phạm giới luật, thì làm sao tạo ra tài chánh phục vụ Giáo hội? Chẳng lẽ Ban Kinh tế – Tài chính chỉ là để hợp thức hóa việc vận động quyên góp tài chánh thôi sao? Vậy, Ban Kinh tế – Tài chính cần phải được đặt cách cho phép kinh doanh, và kinh doanh như thế nào cho phù hợp là quyết định sáng suốt của chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội; Ban Văn hóa, do tính chất đặc thù, nhất là hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, thì việc “ca múa hát xướng và cố đi xem nghe” trong giới luật phải được đặt cách để bớt bị ràng buộc và áp lực trong nhiệm vụ của mình, đồng thời hạn chế việc bị chỉ trích, phê phán của những thành phần cực đoan. Một vị lãnh đạo hay thành viên Ban văn hóa nếu không được phép “ca múa hát xướng” thì chẳng lẽ hướng dẫn mọi người ngồi thiền? Cho nên, vì tính đặc thù của một vài ban ngành, Giáo hội cần xem xét để tạo điều kiện tốt nhất cho các ban ngành hoạt động được hiệu quả tối ưu trong thời hiện đại.

3.4. Nhu cầu Niết-bàn, giải thoát đối với quần chúng không quá quan trọng:

Mặc dù Niết-bàn, giải thoát là mục đích tối thượng của người học Phật hướng đến nhưng nó không phải thế mạnh, là nhu cầu thật sự cần thiết với đại bộ phận quần chúng bình dân. Đa phần, quần chúng Phật tử đến với Phật giáo vì họ cần được chỗ nương tựa bình an, và bằng lòng hạnh phúc với những nhu cầu thiết thực, như cơm áo gạo tiền, sức khỏe, công việc làm ăn, gia đình… Việc hướng đến giác ngộ giải thoát chỉ là một thiểu số. Vả lại, hoàn cảnh thực tế gần như không thể cho phép họ có ước mơ cao xa như thế. Do đó, Phật giáo, ngoài những tầng lớp trí thức – căn cơ cao, chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn đến với tầng lớp tín ngưỡng bình dân, vì tầng lớp này luôn chiếm đại đa số. Nếu không có những giáo pháp phương tiện để thích ứng với họ, hoặc bỏ rơi họ thì trong thời gian một thập kỷ nữa, số lượng tín đồ Phật giáo thực sự sẽ trở thành thiểu số không phải trên thống kê nữa.

Chỉ còn vài hôm nữa Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX chính thức khai mạc. Người con Phật trong và ngoài nước đang nô nức trông chờ một sự kiện cực kỳ quan trong, mỗi 5 năm mới diễn ra một lần. Nhưng trong sâu thẳm cõi lòng của mỗi người con Phật không phải chỉ dừng lại ở một sự kiện quy mô về mặt hình thức mà còn chờ đợi những giải pháp đầy trí tuệ, mang tầm chiến lược thiết thực và hiệu quả, nhằm đáp ứng thoả mãn những kỳ vọng tha thiết của Tăng Ni và tín đồ Phật tử trong và ngoài nước sau Đại hội lần này khép lại. Kính chúc Đại hội IX thành công tốt đẹp!

Nguồn: Giác Ngộ Online