Bất kỳ người làm mẹ nào cũng đều cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi biết mình đang mang trong mình một mầm sống. Bởi đứa con là kết tinh của tình cảm vợ chồng, là niềm hy vọng và ước mơ của đấng sinh thành về một em bé khỏe mạnh, ngoan ngoãn và thành đạt sau này.
Khi khoa học phát triển thì người làm mẹ cũng có nhiều điều kiện tiếp xúc với các kỹ thuật hiện đại, các phương pháp chăm sóc con cái tốt về thể chất và trí não ngay từ khi mang thai. Đặc biệt, nếu bạn là một Phật tử, đã ít nhiều hiểu về giáo lý nhà Phật. Bạn cũng mong muốn đứa của mình không chỉ khỏe mạnh, thông minh mà còn được gieo chủng tử Phật ngay từ khi con đang tượng hình trong cơ thể mẹ. Bài viết này không nằm ngoài mục đích hướng dẫn những người làm cha mẹ những phương pháp dạy con khi mang thai theo tinh thần Phật giáo.
1. Tâm lý người mẹ tác động đến đứa con như thế nào khi mang thai
Khi mang thai, người phụ nữ có những trạng thái cảm xúc rất phức tạp mà ngay chính bản thân họ cũng không thể hiểu hết được. Lúc này, người phụ nữ rất dễ bị xúc động, hay cáu gắt, giận hờn, buồn phiền, khóc lóc, u uất nếu như gặp phải những sự việc không như ý. Theo khoa học hiện đại, dây rốn là nơi dòng cảm xúc của người mẹ có sự liên hệ trực tiếp với đứa con. Nếu như người mẹ có sự hận thù, oan ức, cơ thể mẹ sẽ tạo ra chất adrenalin, khi sợ hãi cơ thể sẽ phóng thích chất cholamine, hay khi phấn chấn tạo ra endorophine. Các chất hóa học này đi qua lá nhau đến đứa trẻ trong vòng vài giây sau khi bạn trải qua các cảm xúc trên. Những ảnh hưởng xấu đến đứa trẻ khi người mẹ mang thai dễ bị stress có thể kể đến như: dễ làm thiếu oxy máu của thai nhi, ảnh hưởng tới các thành tố hóa học của máu và dinh dưỡng thai nhi có thê gây ra các dị tật ở thai nhi. Nếu người mẹ khi mang thai hay cáu gắt, oán ghét cái thai, từ đó tình cảm mẹ con đã có những rạn nứt. Nhiều nhà tâm lý học cho rằng quan hệ tình cảm mẹ con thời kỳ đầu sẽ ảnh hưởng tới cá tính và hành vi cũng như sự hoàn chỉnh tâm lý của đứa trẻ. Với những người mẹ hay căng thẳng, lượng hormone cortisol và dolpamine trong máu sẽ gia tăng. Các chất này đi qua nhau thai làm nồng độ cortisol và dopamine ở những trẻ này tăng cao hơn so với trẻ bình thường khác. Vì thế, đứa trẻ sinh ra có thể bị tăng động quá mức, gần giống với chứng tăng động giảm chú ý. Đặc biệt, nếu bà mẹ nào đang mang thai ở tuần thứ 32 mà bị rối loạn tâm lý thì trẻ sinh ra có nguy cơ bị rối loạn hành vi cao gấp hai lần, kéo dài đến 4-5 tuổi. Với thai phụ rối loạn tâm lý ở tuần thứ 38-40, tỉ lệ nguy cơ rối loạn hành vi của đứa trẻ cũng cao gấp hai lần nhưng kéo dài đến 7-8 tuổi. Ở mẹ bị trầm cảm, các hormone tâm lý của mẹ tác động vào hệ thống tuyến nội tiết của con. Từ đó hệ thống này bị giảm chức năng nên dẫn đến thiếu hụt một số hormone, khiến trẻ sinh có nguy cơ mắc bệnh tự kỷ. Ngoài ra, nếu người mẹ hay bị stress thì đứa trẻ sinh ra dễ bị chậm nói, tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và dị ứng ở trẻ, có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn so với những đứa trẻ khác. Đồng thời, chúng cũng có khả năng đối phó với căng thẳng trong cuộc sống kém hơn, sức khỏe cũng yếu hơn so với những đứa trẻ khác.
Ngược lại, trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai, nếu người mẹ vui vẻ, có thái độ sống tích cực thì sẽ tạo ra hóa chất enophin, giúp đứa trẻ sinh ra sau này cũng rạng rỡ, năng động.
2. Chăm sóc thai nhi trong ba tháng thai kỳ theo tinh thần Phật giáo
Từ những điều trên, chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng tâm lý người mẹ và những thành viên khác trong gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai nhi. Vì thế, những phụ nữ vừa với vai trò là mẹ, vừa là một cư sĩ tại gia, thấy được những giáo lý cũng như những sự nhiệm màu của Phật giáo đối với con người thì nên ứng dụng thêm cách giáo dục thai nhi theo quan điểm Phật giáo để đem lại lợi lạc cho bản thân và cả con cái về sau.
Theo khoa học hiện nay, trong hơn 9 tháng mang thai của người phụ nữ được chia làm 3 thời kỳ. Mỗi giai đoạn, đứa trẻ sẽ có sự phát triển khác nhau về hình dáng, nhận thức. Vì thế, tùy vào từng giai đoạn, người mẹ cần có sự giáo dục phù hợp.
a. Ba tháng mang thai đầu tiên (quý 1): Vào tháng đầu tiên của thời kỳ thai nghén, cơ thể của bé nhỏ xíu như hạt lúa, bé lúc này gọi là phôi thai. Phôi thai tháng đầu tiên có chiều dài khoảng 1cm, nặng khoảng 2g. Từ tháng thứ 2, chiều dài phôi thai được 4cm, phôi nặng khoảng 14 – 15 gam và bắt đầu có tim thai. Tháng thứ ba mí mắt đã phát triển và khép phủ lên mắt, cơ quan sinh dục đã hình thành, các ngón tay, ngón chân đã phân biệt rõ và có móng, chiều dài phôi khoảng 9cm nặng khoảng 90-100g. Thời kỳ này, đa số các người mẹ hay bị các cơn nghén hành hạ rất khổ sở. Tâm lý người mẹ cũng có những biến đổi rất thất thường, dễ khóc, hay nổi cáu, tức giận…. Nhận thức được điều này, ngay từ những tháng đầu tiên của thai kỳ, người mẹ nên huân tập cho mình một tâm lý an nhiên, tự tại bằng phương pháp thiền định, làm chủ các cảm xúc của mình, không để những suy nghĩ tiêu cực kéo dài quá lâu. Thai phụ nên nghe nhạc thiền Phật giáo vào 3 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 20 phút. Chúng ta có thể chọn những loại nhạc Phật giáo không lời có giai điệu du dương, nhẹ nhàng hoặc những bản nhạc Phật giáo có lời như nhạc niệm Phật A Di Đà, nhạc Quan Thế Âm Bồ Tát hoặc kinh A Di Đà, kinh Địa Tạng, chú Đại bi… Âm lượng khi mở nên vừa phải, đủ nghe, nhất là mỗi khi ngủ nghỉ hoặc trong không gian tĩnh lặng, người mẹ nên quán tưởng đến hình ảnh của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, Đức Phật Di Đà, Phật Di Lặc… Với những việc làm trên, người phụ nữ khi mang thai sẽ có tâm trang thư thái, tự tại. Từ đó, đứa con cũng cảm thấy như được rưới mát, nhẹ nhàng. Sau khi ăn cơm xong, chúng ta cũng nên dành khoảng 10-20 phút thiền hành. Các nhà khoa học cũng khuyên phụ nữ mang thai nên đi bộ nhẹ nhàng rất tốt cho thai nhi. Với những Phật tử khi mang thai vừa có thể kết hợp đi bộ chậm rãi vừa đi trong chánh niệm mà nhà Phật hay gọi là đi kinh hành. Mỗi bước chân của ta có thể niệm thầm hoặc niệm thành tiếng hồng danh Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát hoặc Nam mô A Di Đà Phật… Chí tâm, chí thành niệm Phật và cầu nguyện cho thai nhi khỏe mạnh là những điều vô cùng lợi lạc cho đứa trẻ. Một điểm mà những người mẹ mang thai cần lưu ý là: nếu bạn có con khi tâm lý chưa chuẩn bị sẳn sàng như bị cưỡng hiệp, bị phụ tình hoặc đứa trẻ không được người cha hoặc hai bên gia đình chấp nhận thì người mẹ nên vững vàng về tinh thần. Chúng ta không nên mang tâm lý oán hận, buồn bã, bởi những ai làm sai đã có luật nhân quả trừng trị, phải suy nghĩ nuôi mầm sống đang hình thành trong cơ thể bằng một tâm vị tha thì đứa trẻ ra đời cũng sống nhân ái, bao dung.
b. Thai nhi 3 tháng giữa (quý 2): Từ tháng thứ 4, lông mày, lông mi và móng của bé bắt đầu phát triển, da bé vẫn còn rất mỏng. Từ tháng thứ 5, mẹ có thể cảm nhận những cử động đầu tiên của bé con thân yêu của mình. Tháng thứ 6, da bé dày hơn, lớp mỡ dưới da xuất hiện, bé cử động mạnh hơn và đã có phản xạ nuốt, chiều dài của bé khoảng 30cm và nặng khoảng 600-700g. Khi siêu âm trong giai đoạn này, chúng ta đã có thể biết được giới tính của thai nhi. Vì thế, nếu bạn không quan trọng về giới tính thai nhi thì tâm lý của bạn sẽ thoải mái với kết quả siêu âm. Nhưng nếu bạn đang mong chờ đứa trẻ là công chúa hoặc một cậu nhóc kháu khỉnh thì đừng ức chế nếu giới tính của bé không như ta mong đợi. Nếu khởi tâm buồn rầu, chán chường thì đứa trẻ cũng sẽ cảm nhận được rất rõ. Trong giai đoạn này, người mẹ cũng nên tích cực xem các bộ phim Phật giáo về những hạnh hiếu, hạnh bi, nhẫn của các vị Phật, Bồ tát, thiền sư… hoặc những bộ phim xã hội có tính giáo dục cao. Các bạn nên tránh xem những bộ phim thuộc các thể loại như kinh dị, ủy mị, chiến tranh… Khi nghe nhạc cũng tránh nghe những loại nhạc như rock, nhạc sến… Những bộ phim hay thể loại nhạc nêu trên rất dễ làm cho tâm lý người mẹ bị chìm xuống vực sâu. Đồng thời, nếu bạn có những khúc mắc, những nỗi buồn cất giấu trong lòng thì nên chia sẻ với chồng, người thân hoặc bạn bè – những người mà bạn cảm thấy tin tưởng, tránh để tinh thần ủ dột, đau buồn. Chúng ta cần tạo ra tâm lý vui vẻ, thường xuyên tâm sự với đứa trẻ, mỗi ngày nên lạy Phật từ 3 – 7 lạy và cảm tưởng cũng như nói với con rằng cả mẹ và con đều đang lạy Phật. Thêm vào đó, trong thời gian mang thai, chúng ta nên học hạnh bao dung, vị tha, không cằn nhằn, chì chiết chồng con, gia đình. Những thời gian rảnh rỗi, đặc biệt vào ngày rằm, mồng 1 và lễ lớn, người mẹ nên đến chùa để tụng kinh, lạy Phật, phóng sanh, cúng dường… Với những công đức, phước lành mà chúng ta có được, người mẹ nên hồi hướng cho con, nguyện cho đứa con sinh ra khỏe mạnh, sống biết thương người, có đạo nghĩa và được bén duyên với đạo Phật.
c. Ba tháng cuối của thai kỳ (Quý 3): Từ tháng thứ 7, bé có cân nặng khoảng 1000 – 1100g. Thính giác phát triển, từ tháng thứ 8, bé có thể nghe được những âm thanh bên ngoài cơ thể mẹ. Từ tháng 8, đầu bé bắt đầu xoay xuống, phần đầu và thân mình của thai nhi tương xứng với nhau, cuối tuần lễ thứ 36, cân nặng bé khoảng 2700g, sự phát triển của lớp mỡ hai bên gò má và của các lớp cơ tại đây đã khiến cho khuôn mặt bé giờ đây trông rõ nét và hoàn thiện hơn. Từ tuần thứ 38, Bé bắt đầu chuẩn bị cho việc chào đời, cân nặng bé khoảng 3.100 gram. Trong quý 3 này, các cơ quan thính giác của bé đã hình thành trọn vẹn. Vì thế, việc các bạn thường xuyên nghe nhạc Phật giáo, nhạc Thiền với tiết tấu du dương, nhẹ nhàng, vừa phải là đủ để bé có thể nghe và tiếp nhận âm thanh ấy. Trong giai đoạn này, người mẹ còn có thể tìm các loại sách ngụ ngôn Phật giáo, câu chuyện nhân quả, hiếu thảo trong hoặc các truyện cổ dân gian mang tính giáo dục cao để đọc cho con nghe. Chúng ta không nên nghĩ phải đợi con chào đời thì mới làm những chuyện này. Người mẹ cũng có thể hát ru cho con bằng những lời ru nhẹ nhàng hoặc hát nhạc niệm Phật, nhạc niệm Quan Thế Âm Bồ Tát… Đây chính là những hạt giống tốt lành cho sự phát triển và hình thành nhân cách đứa trẻ về sau. Trong suốt 9 tháng mang thai, người mẹ vẫn nên vận động nhẹ nhàng, đừng nên quá yếu đuối, ỷ lại thì đứa trẻ sinh ra đời cũng mang tâm lý dựa dẫm vào cha mẹ. Bên cạnh việc thực hành các phương pháp giáo dục thai nhi theo quan điểm Phật giáo, người phụ nữ khi mang thai cũng nên chú ý chăm sóc sức khỏe của mình bằng việc bổ sung các chất dinh dưởng, viatmin, sắt cho cơ thể khỏe mạnh.
Tóm lại, từ các vần đề nếu trên trong suốt hơn 9 tháng mang thai, người mẹ nên áp dụng phương pháp dạy con theo những phương thức sau.
– Thai giáo bằng cảm xúc: tránh tối đa các phản ứng tiêu cực trong thời gian mang thai: vui, buồn, mừng, giận đồng thời phát triển các nhân cách tích cực: thương người (từ), cảm thông trước nỗi khổ, niềm đau của người khác (bi), tâm lúc nào cũng vui vẻ (hỷ), buông bỏ những uất hận, nỗi buồn (xả). Đứa trẻ khi đầu thai vào cha mẹ đã có thần thức, ý niệm, có sóng, cho nên khởi tâm động niệm và hành động của người mẹ đều ảnh hưởng đến thai. Nên trong thời gian người mẹ mang thai, nếu khởi tâm động niệm thiện, thanh tịnh thì thai nhi sẽ nhận được rất nhiều lợi lạc. Ngay trong lúc mang thai, chính bản thân chúng ta phải thực hành tận hiếu thảo, sóng hiếu thảo đó sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Thai giáo bằng nhạc thiền: thường xuyên nhạc thiền không lời, nhạc thiền có lời, nhạc thiền bằng tiếng anh hoặc tiếng hoa, chọn nghe những bản nhạc mà mà thấy tâm rũ bỏ được những khổ đau, nhạc kinh A Di Đà, nhạc Vu lan, nhạc kinh Phổ Môn….
– Thai giáo bằng ngôn ngữ: có 4 cách truyền thông bằng ngôn ngữ: nói lời sự thật; nói những lời xây dựng, hòa hợp, hàn gắn; nói bằng ngôn ngữ, ngữ điệu hòa ái, không văng tục, không nói châm biếm, nói lưỡi hai chiều làm người khác phải buồn; nói những điều thật sự có lợi ích. Người mẹ khi mang thai không nên nghe chuyện thị phi, cũng không nên mang những chuyện thị phi ở ngoài đường vào nhà mình và ngược lại. Phát ngôn bằng lời từ ái, ngữ điệu từ ái, xuất phát từ tâm chúng ta. Tránh các ngôn ngữ căng thẳng. Ngày nay, với thời đại kỹ thuật số, các phương tiện như điện thoại, blog, facebook cũng là nơi để chúng ta phát ngôn tuy không thành tiếng. Vì vậy, bất cứ một thông tin nào được đăng tải trên các phương tiện trên, người mẹ cũng nên biểu đạt bằng ngôn ngữ dễ nghe, thân thiện.
– Thai giáo bằng mĩ học: mĩ học là quan niệm thẩm mỹ lệ thuộc vào lối sống của con người. Người mẹ khi mang thai đừng bỏ quên cách giáo dục con trẻ bằng mĩ học. Chúng ta nên thường xuyên treo những hình ảnh cao đẹp ở nhà như tượng Bồ tát, hình Phật hoặc hình các em bé dễ thương để nhìn ngắm. Điều này sẽ tác động rất tốt đến đứa trẻ sau khi ra đời.
3. Người mẹ nên đọc tụng kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện trong thời gian mang thai
Đặc biệt, người mẹ khi mang thai nên đọc tụng mỗi ngày một bộ kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện hoặc niệm ngàn câu danh hiệu Địa tạng Vương Bồ tát. Với việc đọc tụng, lễ lạy chân thành, tha thiết như thế sẽ đem đến một hiệu quả bất khả tư nghì.
Bởi lẽ, theo quan điểm Phật giáo, mọi mối quan hệ của con người chia thành 4 loại: báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ. Cha mẹ, anh em, con cái trong một gia đình cũng không nằm ngoài những nhân duyên phức tạp đó. Thế nên, khi đứa trẻ đầu thai vào một gia đình nào đó, nếu nó là oan gia trái chủ của bạn, lớn lên sẽ là đứa con ngỗ nghịch, phá tán nhưng người mẹ khi còn đang mang thai thường xuyên đọc tụng kinh Địa Tạng Vương Bồ Tát Bổn nguyện thì oán kết này sẽ được hoá giải. Ngược lại, nếu đứa trẻ trong bụng người mẹ đến để báo ân thì mối nhân duyên tốt đẹp giữa đứa bé và cha mẹ chúng sẽ ngày càng sâu dày.
Phật giáo hướng dẫn chúng ta phương pháp, trong vòng bảy ngày, sớm đọc tụng bộ kinh bất khả tư nghì này. Tốt nhất là đọc sớm. Khi biết có thai liền nên đọc, mỗi ngày đọc tụng một bộ kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, hoặc niệm nghìn câu danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng. Cần phải dùng tâm chân thành cung kính để tụng niệm thì phước báu sẽ vô cùng to lớn.
Vì sao đức Phật khuyên chúng ta đọc bộ kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện?
Nếu người mẹ chí thành, chí tâm tụng niệm quyển kinh này ngay từ khi mang thai hoặc chậm nhất là trong vòng 7 ngày trước khi sanh thì đứa bé mới chào đời, dù trai hay gái, nếu có ác báo đều có thể được giải trừ. Mỗi một con người ngay từ khi chưa chào đời đã mang trong mình nghiệp lực của đời trước và đến đời này, những nghiệp xấu ác sẽ lớn lên và buộc người kia phải chịu quả báoVì vậy thời điểm mang thai bé là lúc nghiệp chướng rất dễ tiêu trừ. Còn khi em bé lớn lên, sáng tối suốt ngày suy nghĩ lung tung, lúc đó chúng ta muốn tiêu trừ nghiệp chướng cho con cũng khó lòng giúp được. Lúc mang thai, bé hoàn toàn nghe lời, tiêu trừ nghiệp chướng nên thực hiện ngay trong thời gian này. Không những thế, khi đọc tụng kinh này, đứa trẻ còn trở nên dễ nuôi, thọ mạng được tăng trưởng. Nếu đứa bé này do thừa phước mà sanh, đến để báo hiếu cho cha mẹ hiền tiền thì việc độc tụng bộ kinh này sẽ giúp gia tăng thêm phước báu cho chúng và đem lại lợi ích càng lớn cho đứa trẻ về sau.
Một người quyết chí đoạn trừ nghiệp chướng, khổ đau, xuất gia tu hành để tìm cầu giải thoát thì điều đó không có gì phải bàn nữa. Nhưng nếu chúng ta muốn sống một cuộc đời cư sĩ, có gia đình, có con cái và tích phước, làm lành thì ai cũng mong muốn có cuộc sống bình yên, vợ chồng hạnh phúc, con cái thuận hòa, hiếu thảo. Vậy thì ngay từ khi mang thai, việc giáo dục thai nhi theo tinh thần Phật giáo là điều vô cùng quan trọng. Người phụ nữ mang thai nên thực hành theo những điều nêu trên để chào đón một đứa trẻ vừa khỏe mạnh, thông minh vừa có nhiều đức tính tốt, lớn lên sẽ là những người đệ tử Phật chân chính hoặc là những người hộ trì cho chánh pháp, xây dựng xã hội phồn vinh.
Nhuận Đoan