Sáng sớm ngày 23 tháng Chạp, tiếng chuông cửa kêu bính boong. Ông giật mình choàng dậy, nấp sau rèm cửa sổ dõi mắt nhìn xuống dưới. Hóa ra là đứa con gái cả, hôm nay nó về cúng ông Công ông Táo nhưng quên chìa khóa cổng.
Chơi với sách không bao giờ sợ bị phản bội – Ảnh minh họa
Ông thở phào nhẹ nhõm, tự trách mình quá lẩn thẩn. Về hưu đã ba năm rồi mà ông vẫn sợ tiếng chuông cửa vào ngày Tết. Tiếng chuông cửa phá bĩnh sự yên tĩnh từ lúc mờ sớm đến tận đêm khuya. Người đàng hoàng, kẻ thậm thụt. Họ mang theo túi to túi nhỏ đến bấm chuông nhà ông. Những năm ấy quà Tết chất đống trong nhà, vợ ông chỉ lục tìm phong bì, còn lại chẳng buồn ngó ngàng. Giống như cách bà cứ hớn hở nhận quà mà không nghĩ cho chồng. Chẳng ai cho không ai cái gì, nhận của người ta thì cũng phải trả theo cách này hay cách khác. Hôm nay người ta đến bấm chuông nhà mình thì cũng có ngày họ đến gõ cửa phòng làm việc của ông. Giúp thì khó mà không giúp thì hình ảnh những túi quà Tết lại hiện lên trong tâm trí ông. Nên ông từng sợ Tết đến mức cắt đứt chuông, đóng cửa im ỉm trong nhà. Có năm ông chuồn thẳng về quê hoặc đến một nơi thật xa vắng hưởng thú vui đón Tết yên bình. Cho đến tận bây giờ, sau khi đã nghỉ hưu, ông mới thấy mình đang được sống.
– Nhà vắng vẻ quá, bố có buồn không?
– Ồn ã mấy chục năm bố sợ rồi. Từ giờ về già bố chỉ mong sống trong yên tĩnh.
– Mẹ và các em có điện về thường xuyên không bố?
– Cũng thường…
Con gái không hỏi gì thêm nữa. Nó lúi húi trong căn bếp nhỏ sắp xếp những sắc màu tươi rói. Trước kia ông không có thời gian để ý những việc nhỏ trong nhà. Chuyện bếp núc lại càng không. Ngay cả những bữa cơm được dọn ra ông cũng ăn trong bộn bề suy nghĩ. Giờ ngồi thảnh thơi ông mới có dịp ngắm rổ cà chua đỏ tươi, những bó rau xanh mướt. Hành, tỏi, thì là, ớt chuông, cà tím… chúng tươi non mơn mởn đầy sức sống. Cho đến tận khi trở thành những món ăn bày trên bàn chúng vẫn kiêu hãnh bằng mùi vị của mình. Và con gái ông, đứa con gái sống lặng lẽ trong một ngôi nhà sôi nổi và ồn ã. Nó thích đọc sách, xem những bộ phim nhẹ nhàng tình cảm. Không tranh luận ầm ĩ trong những bữa ăn. Không thích điện thoại xịn, túi xách hàng hiệu hay quần áo đắt tiền. Ngoài giờ học nó thích quanh quẩn với khu vườn nhỏ. Vợ ông thích biệt thự nằm giữa khu vườn đầy hoa lá. Bà vung tiền ra mua mảnh đất đắt đỏ này. Nhưng chưa một lần cúi xuống tưới cho những chậu cây. Ông càng không có thời gian để ý đến cây cỏ trong vườn. Ông đã bỏ quên đứa con gái này lẫn trong những bụi hoa hồng cổ, những luống rau xanh ngắt. Nó cần mẫn như một người làm vườn thực thụ. Ông từng có lúc thấy xót xa con. Ấy là khi con gái không chịu ra nước ngoài cùng mẹ và các em. Nó chọn ở lại cùng ông rồi lấy một người chồng ăn lương công chức ba cọc ba đồng. Chúng sống trong một căn nhà nhỏ ở ngoại thành. Vui với những điều bình dị.
– Năm nay còn ai biếu quà Tết bố nữa không?
– Hết quyền hành là hết bạn bè chiến hữu. Còn ai nhớ đến mình đã là vui chứ mong gì quà cáp. Nói vậy thôi chứ bố đang đợi một người.
– Người không bao giờ bấm chuông đúng không bố?
– Đúng vậy. Người đến đây không mưu cầu gì cũng không mang theo ồn ã.
* * *
Chắc biết ông đợi nên năm nay bạn đến sớm hơn. Sáng ngày hai sáu Tết ông mở cửa tính đi dạo quanh hồ thì đã thấy bạn đến rồi. Lần này bạn không tay xách nách mang đủ thứ đồ lỉnh kỉnh như mọi khi. Hai tay thảnh thơi đút trong túi áo khoác mùa đông đã cũ, bạn cười giản dị. Ông trách:
– Trời lạnh thế này… Đến sao không gọi?
– Dậy từ lúc khuya mà chẳng ngủ lại được nên ra đường bắt xe đi. Gọi gì chứ, ngủ được thì cứ ngủ. Tuổi chúng mình bây giờ chẳng quý gì bằng giấc ngủ.
– Tôi phải uống thuốc an thần trong suốt thời gian còn đương chức. Từ khi nghỉ hưu tôi ngủ ngon hơn ông bạn ạ.
– Bởi vậy mới nói, một lão nông vô âu vô lo như tôi lại mất ngủ mới bực.
– Thôi kệ. Chúng mình uống với nhau vài chén cho ấm.
Từ khi về hưu, cả năm ông không động ngụm rượu nào. Chỉ chờ người bạn từ thuở chăn trâu cắt cỏ tới thăm nhau mới cùng ngồi nhâm nhi. Ông kể về những bữa cơm chỉ có một mình. Sơn hào hải vị chẳng thiết tha gì, chỉ thèm tiếng vợ con sum vầy mà khó quá. Kể từ ngày ông nghỉ hưu sớm thì vợ cũng ra nước ngoài định cư cùng với hai đứa con trai. Mang theo hết tiền của trong nhà, đi mà không hề lưu luyến. Bà không chịu nổi một ông chồng “chưa già đã thích kiểu sống yên thân”. Bà muốn ông ở lại thêm vài năm “đầy người hết tuổi hưu vẫn ngồi lì huống chi ông chưa đến tuổi”. Bà thích một người chồng quyền lực để đi đâu cũng được cung phụng tung hô. Thích những túi quà họ mang đến tận nhà ông chưa kịp chối từ thì bà đã vui vẻ nhận. Thích đếm tiền trong những chiếc phong bì mà có khi chồng mình phải trả giá bằng những đêm mất ngủ. Ông về hưu đâu chỉ mất những người từng nhận là anh em bạn hữu mà mất luôn người đầu ấp má kề. Đời như thế hỏi có buồn không ông bạn?
Buồn chứ sao không. Câu chuyện nhắc bạn nhớ đến những mùa Tết năm xưa khi tới thăm ông. Nhà đông khách lắm, toàn những người sang trọng. Người ta mang biếu rượu tây, nhân sâm, mỹ phẩm đắt tiền. Còn bạn chỉ có gà quê, bánh chưng, hoa quả vườn nhà. Vợ ông hững hờ nhận chúng bỏ vào một xó. Lúc sau khách đến chơi vợ ông than “thông cảm nhé, có mấy con gà quê nhốt sau nhà hôi hám quá”. Lúc chào ra về vợ ông dặn “lần sau bác đến chơi là quý rồi đừng mang quà cáp gì cho cực. Nhà em chẳng mấy khi nấu nướng. Mà có nấu thì chạy vèo ra chợ là khuân được cả quê về”. Cũng phật ý thật đấy nhưng nhớ bạn nên năm nào cũng ra thăm. Mà người nhà quê đã không đi đâu thì thôi chứ đi đâu là phải chuẩn bị ít quà. Nhưng nhiều khi bạn áy náy bởi tấm lòng thơm thảo quê nhà có khi lại phiền ông. Ngày xưa bạn thấy ông công thành danh toại thì mừng thầm. Giờ mới thấu nỗi cô đơn của ông. Như bạn lại hóa hay. Quanh quẩn với ruộng đồng vườn vặn nhưng đầy ắp ân tình. Không cửa đóng then cài. Đến với nhau bằng tấm lòng thành, bằng bùn đất quê cha chân chất. Bạn biết trong tâm hồn ông vẫn còn đó thứ mộc mạc của quê hương. Điều đáng quý ấy là lý do khiến bao nhiêu năm qua bạn không bao giờ quên ghé thăm ông vào mỗi dịp Tết đến xuân về.
– Trên quê năm nay ăn Tết to không?
– Thì năm nào chả vậy. Được mùa hay mất mùa, Tết to hay Tết nhỏ thì vẫn có yến gạo nấu bánh chưng. Ăn đụng một đùi lợn. Thêm vài cân mứt kẹo thế là thành Tết. Nhà giàu hay nghèo gì cũng vậy. Có chăng hơn nhau ở cành đào cây quất. Giàu thì mua cây to. Nghèo thì cũng có chậu hoa nở tàn mùa Tết.
– Bởi vậy mới nói tôi nhà to xe đẹp mà lại hóa nghèo. Mình giàu hay nghèo đúng là phải sống hết đời mới biết.
– Thôi dẹp đi. Năm mới đến nơi rồi mà cứ thích nói chuyện buồn. Gặp nhau đây là vui rồi.
Ngoài cửa sổ trời bắt đầu mưa lâm thâm. Thứ mưa xuân mang theo hơi lạnh bao giờ cũng làm con người ta tê tái. Nếu không có bạn hiền và chút rượu nồng thì khăn áo làm sao ấm được. Hết đêm nay rồi bạn lại về với tổ ấm của mình. Ông ở lại căn nhà vui với cỏ cây hoa lá và chờ đợi đứa con gái thỉnh thoảng ghé qua chốc lát. Nó đi đến đâu là ấm đến đó. Phòng khách có chè ngon. Căn bếp dậy lên hương vị. Ngoài sân thì chăn chiếu áo quần cũng sạch sẽ thơm tho. Nó thường hỏi “Tết này bố định làm gì?” Ông không biết làm gì ngoài xem tivi, đi chúc Tết bà con lối xóm. Cũng có năm ông ra ngoại thành thăm vợ chồng nó rồi lẫn trong đoàn người trốn Tết xuống biển, lên rừng. Tết chỉ cần không nghe thấy tiếng chuông cửa kêu inh ỏi có khi đã là niềm hạnh phúc của một người đã bỏ lại sau lưng danh vọng.
– Tết này ông định làm gì?
– Ừ thì…
Ông còn đang ngập ngừng chưa biết trả lời sao thì thấy bạn luồn tay vào bên trong áo khoác lôi từ túi ngực ra một cuốn sách. Bạn đẩy về phía ông bảo “Quà Tết đấy. Đọc đi. Chơi với thứ này không bao giờ lo bị phản bội. Ngẫm ra sách chung tình hơn con người ông à”. Ông chẳng nhớ nổi đã bao lâu rồi mình không đọc trọn vẹn một cuốn sách. Ngay cả khi về hưu ngồi bên giá sách của con gái ông cũng không tài nào để tâm trí mình quện vào từng con chữ. Chơi với sách? Tại sao không nhỉ. Vãn cuộc chơi với người thì làm bạn cùng trang sách. Ông bất giác mỉm cười. Quà của bạn bao giờ cũng ấm. Bạn gõ tay lên bàn hát khe khẽ bài ca về những chú chim sâu. Ông thấy mình trẻ lại như thuở mười sáu tuổi, cùng bạn luồn qua những cánh rừng mùa xuân nghe loài chim tình tự…
Vũ Thị Huyền Trang
Nguồn: GNO