Sân chùa. Một cái chổi tre bện. Mười tuổi, Duyên chiều nào cũng sang ngôi chùa làng cạnh nhà cầm chổi quét sân. Đấy là khoảng thời gian cha đi làm về, mẹ kế đang nấu ăn. Duyên không chịu nổi cảnh trong nhà này có mặt cùng lúc cả cha, cả dì Hoa và em Ngọc. Duyên bỏ sang chùa, nắm cái chổi quét hết từ trên đài Quán Âm xuống, từ bậc tam cấp ra tới tận cổng. 

Chùa làng luôn có sẵn một cây chổi tre đặt ở góc thềm hiên, ai ghé chùa cũng có thể quét. Lần Duyên qua nhà hàng xóm chơi, nghe kể hồi còn sống mẹ là người quét chùa siêng năng nhất, cứ như coi sóc vườn chùa. Lúc ấy Duyên mới lên bốn, đã theo mẹ sang chùa, nhặt lá nhặt hoa đem vãi lung tung khắp nơi, quét hết sân mẹ lại phải đi nhặt. Chuyện đó là nghe người ta kể, chứ ký ức bốn tuổi của Duyên không còn gì, ngay cả ký ức về mẹ cô bé cũng không nhớ được.

Cha không bao giờ kể về mẹ. Dì Hoa tất nhiên không biết gì về mẹ để kể cho Duyên nghe, tận hai năm sau ngày mẹ mất dì mới về chung nhà với cha con Duyên. Mẹ, như hàng xóm mô tả là người không quá đẹp nhưng dễ coi, tánh tình hiền lành chịu khó, siêng năng chăm chỉ. Thì ngay cái việc làm công quả hàng ngày ở ngôi chùa làng là đủ biết tính cần mẫn của mẹ. 

Một người đàn bà dịu dàng chu đáo như thế mà lại chết quá ẩn ức, chỉ bằng một chai thuốc trừ sâu. Công an và pháp y về điều tra tìm hiểu, không có lý do nào khả nghi ngoài hai chữ tự tử. Cuộc phanh phui thân người không có mặt Duyên. Đứa trẻ lên bốn được người ta dỗ đưa đi mua kẹo. Khi trở về thì mẹ đã nằm trong hộp gỗ. Kể cả những chuyện đó Duyên cũng không nhớ nốt. 

Hình ảnh mẹ trong Duyên được bồi đắp chỉ qua những lời kể của hàng xóm. Chưa bao giờ người ta kể một tật xấu nào của mẹ. Có thể người chết thường được bỏ qua lỗi lầm, hoặc người ta muốn mẹ trong tâm trí của đứa trẻ con phải luôn luôn đẹp. Vô tình, cái sự hoàn mỹ ấy lại càng làm cho Duyên tỏ ra khó chịu với cha. Mẹ sống hòa nhã với hàng xóm như thế mà uống thuốc thì chắc do cha. 

Cha lầm lì, ít nói, không bao giờ đánh hay mắng Duyên. Cha cũng ít khi trò chuyện hoặc chở Duyên đi chơi. 

Áo quần, đồ chơi của Duyên do dì Hoa mua. Lúc dì chưa sanh em Ngọc, Duyên quấn lấy dì như mẹ. Đi đâu dì cũng cho Duyên theo cùng. Nửa đêm trở giấc Duyên quờ tay sang ôm chỉ gặp được tấm lưng của dì. Đấy là những ngày dì mang thai, phải nằm nghiêng quay mặt ra ngoài để bảo vệ đứa bé trong bụng. Tấm lưng quay về phía Duyên, như một tín hiệu của sự bỏ rơi.

Và sự bỏ rơi càng rõ rệt hơn khi dì sinh em Ngọc. Duyên không được ngủ cùng dì, phải tách ra nằm ở giường khác cùng cha. Cha ngủ như một cái tượng, yên ắng lạ lùng, không vòng tay qua vỗ lưng Duyên nửa đêm. Sáng ra, khi Duyên mở mắt, cha đang lúi húi vò giặt đống tã lót. Dây phơi sặc màu vải ca rô xanh đỏ, cha đi phăng từng cái tã, sờ vuốt thử xem khô chưa. 

Hàng xóm nói đúng là có con trai, cha như kẻ ở đợ. Họ nhắc chuyện hồi xưa Duyên đỏ hỏn đâu có được cha chăm mức ấy. Mẹ Duyên tự tay làm hết, từ việc giặt giũ cho đến nấu nướng. Mỗi khi nhắc chuyện mẹ, lại thấy hình ảnh người cha đối lập với cha Duyên bây giờ.

Duyên cũng thích em Ngọc. Có lần Duyên nằm trên giường đưa miệng qua định thơm má em thì cha chạy vào kéo giật Duyên ra. Cha bảo em Ngọc còn nhỏ, không được thơm má vì hơi người lạ khiến em chậm lớn. Cha xem Duyên là người lạ, nên từ đó Duyên không dám tới giường nơi dì Hoa và em Ngọc nằm.

Cái chổi bên sân chùa thành bạn của Duyên. Có khi chổi như một vật để Duyên trút hết nỗi buồn vào. Ấy là lúc cha vào phòng ngủ với dì Hoa và chốt cửa trong, Duyên lại sang chùa cầm chổi quét thật mạnh. Vài cọng chổi gãy giòn bung ra trên sân. Tiếng chổi kêu to, khả năng bên nhà cha Duyên nghe thấy.

Cha ném cái chổi ra ao sen trước chùa. Lúc ném cố ý cho Duyên nhìn thấy. Ném như một sự thách thức, như đánh tiếng từ nay đừng có tỏ vẻ.

Lội ra ao sen mò cái chổi lên, nước ao ngập ngang ngực Duyên. Nước đẫm bó cái quần vải thành những đường cong, núi đồi thảo nguyên ngoi lên từ mặt nước. Dì Hoa nhận ra một vệt màu trên quần Duyên. Dì dặn Duyên từ nay những ngày như vậy đừng đi lại nhiều và đừng sang chùa.

Mười lăm tuổi, Duyên càng bướng bỉnh hơn, siêng quét chùa hơn quét nhà. Cha bảo Duyên là đứa mải lo chuyện thiên hạ, việc nhà thì bỏ bê. 

Ngó cảnh cha chở Ngọc đi chơi, rồi hái lá nấu nước xông những khi dì Hoa nhức đầu, Duyên lại nghĩ chắc hồi đó mẹ không được phục vụ chu đáo đến thế. Nếu không, mắc gì mẹ phải kết thúc cuộc đời đầy u uẩn.

Đúng là một đời vợ, trai chỉn chu ra. Làng xóm bảo thế. Nghe kể xưa cha khó tính, gia trưởng, mấy việc của đàn bà như giặt giũ nấu nướng đừng hòng cha chịu làm. Thế mà giờ có dì Hoa, có đứa con trai thì việc gì cha cũng lăn vào.

Duyên nhớ hồi nhỏ cũng từng quấn lấy cha. Mất mẹ, cha thương con gấp đôi. Mất mẹ, con cũng chỉ biết có cha để thủ thỉ, nũng nịu. Càng lớn, Duyên càng thấy có khoảng cách với cha. Nhất là khi có dì Hoa và em Ngọc thì dường như sợi dây giữa cha và Duyên chùng xuống, bỏ mặc. Thỉnh thoảng cha, đúng kiểu người lớn cưng chiều con trẻ, cũng đã nắm sợi dây ấy kéo căng lên cho gần gũi. Nhưng Duyên thì cảm thấy nó gượng ép, thiếu tự nhiên. Cả hai cùng buông. Bất lực cha bảo “kệ mày”. 

Duyên cứng cáp hơn người ta tưởng, không thấy khóc hay buồn rầu. Người làng bảo như thế cũng là may, mất mẹ ở với dì ghẻ phải mạnh mẽ mới đỡ tủi thân. Nhưng cũng lo lo, cái đứa không nhạy cảm ấy lớn lên rất dễ ba trợn ba trạo, bất cần đời. 

Mùa xuân, Duyên phổng lên ra dáng thiếu nữ. Cái sự phán đoán của người đời xem ra gần đúng. Duyên thôi quét chùa, bỏ chổi bỏ nhà bỏ làng đi đâu không báo cho ai cả. 

Cha trình công an, có đăng thông báo trên đài. Thâm tâm cha nghĩ cái đứa con gái vẫn đang sống và rất tự do, thậm chí ngang tàng đâu đó. Dưới cõi đời này sẽ có chỗ cho nó. Nên cha không lo nhiều, trình báo cho hết trách nhiệm vậy thôi, chẳng hy vọng nó trở về. 

Những ngày vắng tin tức Duyên, cha thường ngồi đốt thuốc hết điếu này tới điếu khác. Dì Hoa bảo sao hồi đó anh không nói với con bé vài câu cho nó rõ, yêu thương chi mà toàn thấy căng thẳng với nhau.

Bảy năm sau ngày ra đi, khi những mong chờ của xóm làng, cả của cha đã nguôi ngớt, Duyên mới về. Cha không biết nên vui hay nên buồn, kể cả cách xưng hô thế nào cũng khó. 

Duyên mặc áo lam dài, choàng vải lam trùm đầu cạo trọc. Một ngôi chùa xa xôi đã là nơi cư ngụ mấy năm nay của Duyên. 

Ở chơi được nửa ngày, Duyên dặn chỉ ăn một bữa trưa với gia đình, rau ráng muối mè có gì ăn nấy. Chay mà, không cầu kỳ. Bảy năm gặp lại, chuyện trò tưởng rôm rả hóa ra thật ít ỏi. Biết nói gì đây khi sự gặp lại quá bất ngờ, và không thể ngờ được người con gái đã ở cảnh giới khác. Nói nhiều là dở, là dính phàm tục. Tính cha thì bỗ bã thợ hồ, chữ nghĩa không được trau chuốt. 

Sau bữa trưa, cha đã phải ngồi uống hết phích nước chè để chọn lấy vài câu, đắn đo ý tứ nói với con gái. Chẳng lẽ nói mẹ tự tử thật chứ cha không ép. Chẳng lẽ đem chuyện tờ giấy mẹ viết ra cho Duyên xem. Tờ giấy viết rằng mẹ bệnh nặng lắm không muốn chờ nằm liệt giường cho cha hầu hạ. Tờ giấy đó hết bốn chín ngày mẹ mất cha mới tìm ra. Cha buồn đốt thuốc tiện thể đốt luôn, vì xới lại cái lý do đó chẳng cứu được người ở dưới ba thước đất, không khéo người ta lại tưởng cha tự bịa ra nó. 

Bây giờ Duyên về đây cha không tiếc tờ giấy. Cha chỉ tiếc không biết cách thể hiện tình thương đối với con. Chẳng lẽ nói cha thương con lắm Duyên ơi. Khách sáo quá. Tình thương đôi khi là một thứ khó biểu đạt.

Cuối cùng cha phải nói ra một cái chuyện cũ quá rồi, rằng Duyên được cha mẹ nhận về nuôi từ khi đỏ hỏn. Chuyện này đâu có liên quan gì đến cái chết của mẹ. Cha không hy vọng nói ra điều đó thì gỡ gạc được chút gì, nhưng có thể đứa con gái sẽ ít đau khổ hơn vì người mẹ đã mất thực chất chẳng phải mẹ đẻ của Duyên. Cha cũng không phải cha đẻ của Duyên, nên nếu con đã chọn con đường hành đạo thì cứ thong dong mà đi.

Nghe cha nói xong, Duyên bình thản.

Duyên vào lại chùa xa. Còn cha sang chùa làng cầm chổi quét sân. Cha quét từ chiều đó cho tới khi nhắm mắt, suốt hai chục năm, sân chùa chỉ có lá mà thôi. 

Hoàng Công Danh