Những năm gần đây, một số chùa có những biểu hiện sinh hoạt khá linh động, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với những hiện tượng tiêu cực, lệch lạc tôn chỉ của Phật giáo.

Các đạo tràng rộ nở, sinh hoạt từ thiện cũng đa dạng; Phật giáo gắn liền với xã hội trên nhiều phương diện. Hầu hết các đạo tràng được khuyến khích trì tụng kinh chú, một số ít chùa hướng dẫn Phật tử nặng về nghi lễ tán tụng hoặc làm thuốc từ thiện, bố thí cơm chay, ủy lạo đồng bào nghèo… Nhưng rất ít nơi giúp cho Phật tử học hiểu giáo lý và chọn con đường hành trình vào tâm linh. Nếu phát triển kiến thức, dù là kiến thức Phật học, cũng chỉ là học giả, trong khi Phật giáo cần những hành giả thật sự.

Sinh hoạt Phật giáo

Tất cả những sinh hoạt nêu trên thuộc về phước tướng của tôn giáo. Tuy Đạo Phật không hẳn là một tôn giáo, nhưng qua nhiều thời kỳ và căn cơ chúng sanh, Phật giáo biến thành tôn giáo để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, dần dần bị xem nhẹ phần tâm linh giải thoát. Sinh hoạt tín ngưỡng thuộc về Dụng, cái vỏ tôn giáo thuộc về Tướng, giải thoát thuộc về Thể. Cuộc sống luôn tồn tại Thể-Tướng-Dụng. Nặng về Tướng và Dụng, bỏ quên Thể thì Phật giáo trở thành một tôn giáo như bao nhiêu tôn giáo khác. Thậm chí Tướng và Dụng đi quá xa, lắm khi trộn lẫn với mê tín, phẩm chất giải thoát của nhà Phật sẽ bị phai nhạt, điều nầy đã và đang xẩy ra cho Phật giáo Việt Nam. Một vài chùa đang chữa bệnh tà, bắt ma, trừ quỷ, đốt Phật, làm lễ hằng thuận cho người âm… vàng mã ngày càng đa dạng làm cho quần chúng ngày càng lún sâu vào mù quáng, cửa chùa không còn là nơi giải thoát; Một khi Tướng và Dụng phát triển thì nhiều tệ nạn sẽ phát triển.

Ban Hoằng pháp, Ban giáo dục Tăng Ni vẫn chưa định hướng rõ nét cho cán bộ chuyên ngành hầu giúp quần chúng tỏ ngộ tinh yếu của nhà Phật; phần lớn họ đến chùa để van vái cầu xin và cúng dường, ít người hiểu mục đích của nhà Phật là giúp cho tín chúng tìm sự an lạc trong cuộc sống và bồi đắp phúc tuệ làm hành trang cho tương lai. Hành xử thế nào trong cuộc sống mà không ngược với mục đích của Phật giáo, tương thích với giáo lý và ích lợi cho xã hội.

Giáo hội hiện nay, sau khi chuyển mình vượt qua thời gian dài ì ạch về điều hành, các ban ngành đang có khuynh hướng sinh hoạt nặng về thủ tục hành chánh, thường xuyên tổ chức đại hội, hội thảo khá tốn kém mà vẫn không rút ra được kinh nghiệm để thay da đổi thịt cho Phật giáo Việt Nam tiến bộ hơn. Nặng về hình thức trình diễn mà không chuyển đổi được nếp cũ thì việc dẫm chân tại chỗ không tránh khỏi. Trong khi đó, một số chùa xây dựng tốn kém mà vẫn đóng cửa im lìm, không tiếp Tăng độ chúng, không có đạo tràng sinh hoạt. Một số chùa có đạo tràng nhưng cũng chưa có giáo án tu tập để giúp quần chúng dần dần thoát khỏi sinh hoạt tôn giáo để tiến đến hành trì tâm linh.

Phật giáo thật sự phát triển không phải nhiều chùa to lớn, đông đúc tu sĩ, học vị học hàm thật nhiều… đó chỉ là phát triển hình thức của Tướng và Dụng. Một khi Thể không được chú trọng thì Tướng và Dụng chỉ là hình thái như bao nhiêu hình thái của thế tục. Các chùa cần biến thành nơi tu tập và học hỏi giáo lý hơn là duy trì hình thức tín ngưỡng tôn giáo, vì đạo Phật không phải là một tôn giáo, tôn giáo chỉ là phương tiện giúp quần chúng khởi đầu để đến với đạo Phật, một khi đã vào ngưỡng cửa đạo Phật thì phải là một hành giả thấm đượm hương vị giải thoát, thoát khỏi mọi ràng buộc của tôn giáo, hệ lụy trong đời sống. Đó là điểm đặc biệt của Phật giáo mà không tôn giáo nào có được. Khi quần chúng học hiểu và hành trì đúng chánh pháp thì tà giáo không có đất sinh trưởng, tiếc thay, những hình thái mê tín tà ngụy lại do một số tu sĩ có chức sắc trong giáo hội thực hiện.

Hy vọng sự chuyển mình của tổ chức Phật giáo hiện nay, không chỉ hình thức và hành chánh mà cần đi sâu vào nội dung, Thể-Tướng-Dụng phát triển song hành thì một Phật giáo mới được gọi là hưng thạnh.

11/10/2015