Bởi thế! Hoằng dương Chính pháp của Như Lai là nối dài mạng mạch Phật Pháp, đây là nhiệm vụ thiết yếu của Tăng Ni.

Ngay từ khi mới thành lập giáo đoàn, Đức Thế tôn từng có lời khuyên các đệ tử của mình là: “Các con hãy vì lòng từ bi rộng lớn đi gieo rắc hạnh phúc cho đời. Đừng đi trùng nhau trên một ngã đường. Các con hãy truyền đạo mầu nhiệm cho đời hiểu thế nào là cuộc sống cao cả, trong sạch, hoàn toàn và gương mẫu. Hãy hoằng dương giáo pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo trong phần khai triển, và toàn hảo ở đoạn cuối, toàn hảo trong cả hai, tinh thần và văn tự…” – (Kinh Tạp A Hàm, câu 420).

Bởi thế! Hoằng dương Chính pháp của Như Lai là nối dài mạng mạch Phật Pháp, đây là nhiệm vụ thiết yếu của Tăng Ni. Trong thời đại ngày nay, vấn đề đưa Phật Pháp vào cuộc sống cần phải có sư hội nhập, thích nghi với hoàn cảnh cũng như sự phát triển chung của xã hội. Cho nên mỗi một tăng ni khi dấn thân phụng sự, đều có ý tưởng và những sáng tạo riêng của mình với công việc hoằng pháp. Tuy nhiên, tất cả vẫn không ngoài mục đích: “ siển dương chính pháp, lợi lạc quần sinh”.

Tăng Ni Trẻ Với Việc Chuyển Tải Giáo Lý Phật Đà Trong Xã Hội Ngày Nay

Ngày nay, trong khi con người đang tiến những bước dài trên con đường phát triển, hướng đến xã hội tri thức, xã hội mở thì nhiều “nguy cơ” lớn đặt ra cho toàn xã hội, trong đó sự xuống cấp về đạo đức, lối sống đang trở thành một vấn nạn toàn cầu, đáng buồn thay tình trạng đó lại diễn ra nhiều nhất trong thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên – những chủ nhân tương lai của xã hội. Và Việt Nam là một trong những quốc gia đang cần gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức, lối sống. Đứng trước yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, Việt Nam cần thiết phải xây dựng một nền tảng đạo đức mới, phù hợp với thời đại trên cơ sở kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Bởi thế Chương trình hoằng pháp của Giáo hội PGVN hiện nay đã phát triển khá sâu rộng vào quảng đại quần chúng, người người đều quy hướng về Phật giáo.

Cho nên, Các giá trị đạo đức của Phật giáo đã có ảnh hưởng không ít tới môi trường sống, bởi vì đạo Phật là tiếng nói của một con người gửi tới những con người khác, để cùng giúp nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Vì thế, đạo Phật mang tính xã hội và đạo đức rất cao. Phật giáo không chỉ dừng lại ở công việc chia sẻ những khó khăn của xã hội như hòa bình, thịnh vượng, công bằng, mà còn hướng mọi người lấy điều thiện làm chuẩn mực sống, làm phương tiện và mục đích để đạt tới hạnh phúc cho con người. Với quan niệm nhân quả – nghiệp báo “gieo nhân nào tức gặt quả ấy”, đời trước làm ác thì kiếp sau sẽ chịu quả báo ác (ác giả ác báo), nay các Tăng ni, Phật tử đã không ngừng “gieo nhân phước lành để gặt quả tốt” bằng những việc làm hữu ích, góp phần vào sự ổn định, phát triển đất nước. Phật dạy con người nên sống giản dị mục đích loại trừ lòng tham. Ăn, mặc, ngủ không được quá dư thừa. Phật giáo không chủ trương con người phải sống nghèo đói, thiếu thốn, mà khuyến khích tiết kiệm, nếu hưởng thụ vật chất quá cao không có chừng mực sẽ làm cho tinh thần người ta trở nên nhu nhược. Phải biết “thiểu dục tri túc” Ghi nhớ lời Phật dạy, Tăng ni chúng ta sống có chừng mực, đúng với chánh pháp, từ cái ăn lời nói phải nhỏ nhẹ, từ tốn, chân thật. Những biểu hiện ấy là tấm gương sáng cho tín đồ và dân chúng noi theo, tác động tích cực tới suy nghĩ và hành vi của mọi người.

Có thể nói rằng: Đạo Phật là xương tủy , cốt lõi của đời sống tốt đẹp, vai trò của nó cực kỳ quan trọng. Chính Phật giáo đã làm đẹp cuộc đời và hiển bày cho nhân loại hướng đi giác ngộ giải thoát. Tinh thần Phật giáo là: “Bình đẳng”, “Tất cả chúng sanh đều có Phật Tính”. Cho nên giữa Phật pháp và thế gian tuy hai mà một không hề có ranh giới cách biệt. Nó được thể hiện rất đẹp ở mỗi tăng ni. Như trên chúng ta trình bày, mỗi một tăng ni là một tấm gương sáng truyền tải giáo lý Phật Đà tới tất cả mọi tầng lớp quần chúng.

Để thích ứng với cuộc sống mới, con người mới của xã hội hiện đại đòi hỏi Phật giáo phải có sự thay đổi về nội dung lẫn hình thức Truyền Tải và phương cách Truyền tải. Hiển bày đạo Phật bằng Chơn,Thiện, Mĩ không cần bề ngoài hình thức.

Vậy muốn Phật giáo hiển lộ được vẻ đẹp và phát triển sâu rộng hơn, chúng ta nên thay đổi cách Truyền Tải Phật Pháp theo một hướng thống nhất, hiệu qủa nhất. Phạm vi tham luận của người viết xin được đi sâu vào chủ đề: “Tăng Ni Trẻ Với Việc Truyền Tải Giáo Lý Phật Đà Trong Đời Sống Xã Hội Ngày Nay”.

Cổ nhân có câu “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”. Muốn đem an lành, lợi lạc vào đời sống cộng đồng, xã hội xây dựng nền tảng lối sống đạo đức thì trước hết phải thông hiểu về tục đế (những việc đời thường), chứ không phải chỉ diễn nói chân đế (những điều sâu xa mầu nhiệm), Phật pháp không thể tách rời thế gian, Phật pháp không phải là của riêng của một tổ chức hay tôn giáo, mà Phật pháp là nghệ thuật sống, là tinh thần nhân văn, là minh triết của cuộc đời. Vậy điều cấp thiết hiện nay là phải thay đổi tiêu hướng truyền tải Phật Pháp cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.

Năm yếu tố then chốt cần có trong công tác “Truyền Tải Giáo Lý Phật Đà” của Tăng Ni sinh trẻ:

Trước tiên Tăng Ni trẻ chúng ta cần học về tư tưởng giáo dục khẳng định lòng từ bi của Đức Phật: Lòng yêu nước, yêu đạo. Học để tu, để phục vụ hạnh phúc của số đông, chứ không phải học vì muốn có bằng cấp, có địa vị, mọi người kính trọng….

Thứ hai Tăng Ni chúng ta cần nêu cao đạo đức, giới luật uy nghi tế hạnh trong từng cử chỉ đi đứng, nói cười, ăn uống, giao thiệp, học tập, trau rồi ba học giới định tuệ, trang nghiêm tự thân.…hoàn thành phẩm chất tốt đẹp của một nhà sư trẻ, chú trọng tinh thần phục vụ chúng sinh, sẵn sàng đảm nhận các Phật sự mà giáo hội giao phó.

Thứ ba cần am hiểu về nội điển ngoại điển, hiểu rõ các vấn đề liên quan đến đời sống xã hội từ thành thị đến vùng xâu vùng xa….

Thứ tư cần rèn luyện tốt kỹ năng tổ chức, óc sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, chú trọng đến mô hình hệ thống tu học tại tòng lâm…

Thứ năm Tăng Ni trẻ chúng ta cần nhiệt huyết tham gia hoặc tự động tổ chức các đợt cứu trợ, từ thiện, công ích ở chỗ chúng ta cư ngụ và rộng hơn ở khắp mọi nơi. Chúng ta không thể để tình trạng yếu kém, thụ động của chính mình như:

+ Chưa có kinh nghiệm giảng dạy (chỉ có giảng thuyết).+ Chưa hiểu cách trình bày về nội dung giảng dạy.+ Chưa quán xét được tâm ý của đối tượng giảng dạy.+ Chưa có nhiều vốn sống ( kinh nghiệm thực tế từng trải)+ Chưa vận dụng được kiến thức Phật học vào thực tế.

Đánh gục hoặc chi phối tâm lý chúng ta khiến chúng ta mất tự tin và chùng bước trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh.

XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TRUYỀN TẢI GIÁO LÝ PHẬT ĐÀ.

Định hướng truyền tải:

Đem Tư tưởng Phật giáo về đạo đức, lối sống. Học tập từ bi, thực hành hỷ xả của Phật giáo hướng con người đến việc xây dựng nếp sống trong sáng, lành mạnh, lương thiện, giản dị, chân thành, vị tha. Sống hướng tới cái đúng, cái đẹp, cái tốt, cái mới, cái sáng tạo đó chính là lối sống Phật Pháp. Một tinh thần hướng thiện thực sự.

Trong quan hệ giữa con người với tự nhiên, tư tưởng Phật giáo hướng con người đến việc tôn trọng và xây dựng môi trường bền vững.

Vận dụng tư tưởng Phật giáo vào việc giáo dục đạo đức, lối sống cho mỗi gia đình, cá nhân và xã hội. Hướng dẫn họ biết sống yêu thương, khiêm tốn, nhún nhường và tư cách sống đối với cha mẹ, các bậc lớn tuổi.

Tổ chức các buổi sinh hoạt, khóa tu……giảng dạy thực tập cho họ biết giữ gìn thân, miệng, ý trong sạch thanh tịnh.

Xây dựng mục tiêu

Với định hướng truyền tải giáo lý Phật Đà vào đời sống quần chúng, tăng ni chúng con cần thực hiện được mục tiêu là hướng dẫn mọi người đạt được “ hạnh phúc” khiến họ nhận được sự lợi ích an lạc thật sự khi tu tập giáo lý Phật Đà. Phật giáo là độ sinh mục tiêu của Phật Giáo là nhắm vào đối tượng con người để hướng dẫn họ có một cuộc sống hoàn toàn chơn thiện mỹ, và trở thành người có nhân cách đạo đức hoàn thiện. Đồng thời, Phật Giáo luôn dạy cho họ phương cách làm thế nào để tu sửa từ một con người có đức tính xấu trở thành con người có đức tính tốt, từ con người mang tư tưởng “tiêu cực” – “bi quan” – “thụ động” – và “xấu xa”…trở thành con người có tư tưởng “tích cực” – “lạc quan” – “năng động” – và “tốt đẹp”.

Nó được chứng minh qua lời dạy của đức Phật như sau: “Tránh làm các điều ác, tu tập các việc lành, giữ tâm ý trong sạch”. Khi chúng ta làm được như vậy thì chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc. Bởi vì, Hạnh phúc là niềm mơ ước, niềm khắc khoải muôn thuở của con người. Không ai sống trên trái đất này lại không ước mơ được hạnh phúc.

Và đối với Tăng ni (ban hoằng pháp) cần thực hiện 3 mục tiêu là:

– Đào tạo đội ngũ giảng sinh có đủ kỹ năng sinh hoạt và phương pháp giảng dạy: biết cách đứng lớp đúng quy cách sư phạm, truyền đạt kiến thức bài bản, có sự trao đổi thông tin 2 chiều giữa thầy và trò; khác với “giảng” chỉ truyền đạt kiến thức một chiều.

– Nội dung giảng dạy: cô đọng – súc tích – mang tính nhân văn cao, đặc biệt xoáy sâu vào Tâm Lý Học Đạo Đức của Phật pháp và thế gian pháp có tính thiết thực và sự tu tập trải nghiệm để dễ thuyết phục.

– Học và tu phải song song, giúp tất cả mọi người đều cảm nhận được sự mầu nhiệm về sự tu tập giáo lý Phật Đà đem đến chứ không phải nói suông hoặc mê tín.

Phương hướng tổ chức truyền tải giáo lý Phật Đà.

Có 4 Cách truyền tải giáo lý Phật Đà cho Quần Chúng hiệu qủa nhất trong thời điểm hiện nay:

– Truyền tải bằng từ thiện: xưa nay mọi người thành lập các tổ chức từ thiện xã hội từ cá nhân cho tới tập thể cứa giúp cho những nạ nhân thiên tai lũ lụt, cơ nhỡ bần hàn, neo đơn nghèo khó…với phong cách phát qùa, nói vài lời tri giao, khích lệ mọi người vài câu trong tình thân hữu. Để kết chặt tình thân ái, hướng mọi người nhìn thấy mặt tốt đẹp của tình người. Thể hiện rõ tấm lòng từ bi của Đạo Phật.

– Truyền tải bằng thuyết giảng: Mở ra nhiều buổi thuyết giảng Phật pháp cho quần chúng để mọi người có cái nhìn đúng đắn về giáo lý mà đức Phật muốn truyền tải đó chính là lòng vị tha, từ bi, hòa thuận, yêu thiên nhiên, đồng bào, gia đình v.v…sống lợi mình lợi người. Như thế gia đình được hạnh phúc, xã hội mới thịnh vượng, thế giới mới thanh bình.

– Truyền tải bằng văn nghệ: nhu cầu thưởng thức âm nhạc của quần chúng Phật tử ngày nay rất lớn, mỗi lời ca tiếng hát có thể làm rung động, lay chuyển người nghe, từ lời nhạc bình thường có thể trở thành những bài pháp sống động, trong tiết tấu du dương của nhạc khúc, nó mang đến người nghe cái nhìn mới, tư tưởng mới, tích cực hơn.

– Truyền tải bằng Tu tập: “Trăm bài nói hay không bằng một giờ thực nghiệm”, các buổi tu tập một ngày an lạc hoặc 7 ngày an lạc đều là những giây phút để chút đi những lo âu, phiền muộn ở đời, tất cả đều thể nhập vào hiện pháp lạc trú, an lành trong giây phút Niệm Phật, hóa giải nội kết và tạo sức mạnh tâm linh.

CÁCH THỨC TRUYỀN TẢI GIÁO LÝ PHẬT ĐÀ:

Cách thức truyền tải để người nghe nhận hiểu và thực hành theo là tiêu chí của việc giảng dạy. Tầm quan trọng của việc giảng dạy mang lại lợi ích thiết thực cho hội chúng. Với 4 mục tiêu cơ bản trong việc giảng dạy quần chúng Phật tử là:

Hướng dẫn họ nhận rõ hạnh phúc gia đình là điều cần phải trân trọng nhất.

Sống trong hiện tại lạc trú.

Sống bằng tinh thần vô ngã vị tha.

Sống sao cho lợi ích chính bản thân mình và xã hội ( tốt đạo đẹp đời).

Bên cạnh đó nội dung thực hiện, không ngoài 2 trọng điểm là: “học hiểu, tu tập – an vui trong thực tại”.

“Từ khi lập nước đến nay, Việt Nam chủ yếu vẫn là một nước nông nghiệp.lao động chân tay vất vả cơ cực lại thêm khí hậu thất thường thiên tai bão lụt. Chính những đặc điểm này đã ảnh hưởng tới sự hình thành hệ giá trị của dân tộc Việt Nam, tạo nên sự gắn bó cộng đồng bền chặt, sự thương yêu đùm bọc lẫn nhau.

Để hoằng pháp ở mọi nơi, các tu sĩ cần họ thêm phương ngữ và phong tục tập quán từng vùng miền. Đặc biệt chú ý đến trình độ, khả năng tiếp thu của từng vùng miền.

Khi thực hiện kế hoạch, mỗi tu sĩ trẻ nên mang tính “đồng hành”, đi cùng đi, làm cùng làm, dạy cùng dạy, tuy việc này hơi khó, nhưng sẽ nâng tầm của nhau rất nhanh và mang tính chiến lược tâm lý rất hoàn bị, mỗi người sẽ tự tin lên khi có chung một đội ngũ đồng sự. Đây chính là lấy điểm mạnh của Tu sĩ để khắc phục những điểm yếu.

THỜI CƠ HOẠT ĐỘNG TRONG CÔNG TÁC TRUYỀN TẢI GIÁO LÝ PHẬT ĐÀ TỚI QUẦN CHÚNG.

Công tác “Truyền Tải Giáo Lý Phật Đà”cho quần chúng có thể thực hiện trong mọi lúc mọi nơi, như trong từ thiện, trong giao lưu, trong sinh hoạt – giảng dạy, v.v… Tuy nhiên, để phát triển chương trình hoằng pháp của Giáo hội cho quần chúng một cách hiệu qủa hơn thì phải có sự chọn lọc, có tổ chức. Giáo Hội cần có sự quan tâm nhiều hơn đến việc đào tạo kỹ năng cho giảng sinh, biên soạn giáo trình thích hợp, như thế sẽ phát huy thêm các điểm mạnh của Tu sĩ trẻ.

KẾT LUẬN

Trước xã hội biến động về văn hóa, kinh tế, chính trị như vũ bão hiện nay, công cuộc hoằng pháp cho quần chúng rất khẩn thiết, tất cả các tổ chức xã hội nói chung, Phật giáo nói riêng, phải chung tay xây dựng và duy trì nền tảng đạo đức cho chính chúng ta và con em chúng ta trên quê hương Việt Nam, để bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc về thái độ sống phải lành mạnh, biết lễ nghĩa, trí tín, đạo lý nhân sinh, phù hợp với lẽ phải mà đức Phật đã truyền trao.

Có thể nhìn nhận rằng, muốn đạo Phật được hiển lộ sắc thái cao đẹp, tạo sức hút với mọi người hơn nữa:

Giáo hội phải tìm cách áp dụng cho được đạo Phật một cách sung mãn trong sự sống của chính tăng ni và Phật tử. Như thế tức là phải làm sao cho mọi người biết tìm ở đạo Phật sự thỏa mãn những nhu cầu sinh hoạt trí tuệ và tâm linh cần cho sự phát triển toàn vẹn con người của họ.

Điều cấp thiết hơn nữa là Giáo hội cần quan tâm, ưu đãi nhiều hơn đối với tăng ni sinh trẻ trong ban hoằng pháp để thu hút và động viên tinh thần họ trong công tác dấn thân phụng sự.

Giáo hội phải tạo môi trường giáo dục đào tạo kỹ năng hoằng pháp dành riêng cho tăng ni trẻ, để xây dựng đội ngũ giảng viên trẻ, trẻ hóa phong cách tổ chức, trẻ hóa việc giảng dạy, và trẻ hóa giáo trình Phật pháp.

Còn tăng sinh chúng ta cần cố gắng thực thi những điều như trên đã trình bày. Đó không chỉ là phật học, thế học, khả năng giảng pháp mà cái quan trọng và là điểm tựa cho họ đó chính là đức độ của người tu. Bởi chính sự thực tu thực chứng này lan tỏa ra bên ngoài của mỗi tăng ni khiến ai gặp, ai nhìn cũng cảm nhận được sự hạnh phúc an lạc toả ra từ quý ngài…khiến họ cảm nhận được sự tu là mầu nhiệm. Có như thế thì công tác truyền tải giáo lý Phật Đà mới có hiệu quả và và đạt được nhiều thành tựu.

Như vậy, ở hiện tại và tương lai, giáo pháp không ngừng lan xa, lan rộng …đi vào từng ngõ ngách…khiến ai ai cũng thấm nhuần giáo lý đạo Phật, sống tốt đạo đẹp đời, an vui hạnh phúc… có như thế khả năng và trình độ học tu cùng hoằng pháp của mỗi tăng ni sinh trẻ mới trở nên sáng tạo hơn, dấn thân phụng sự đạo pháp mãnh mẽ hơn. Không còn hiện tượng thụ động, sợ mệt mỏi, sợ không được lợi ích gì mà trở lại họ còn hết mình vì đạo pháp dân tộc – vì chúng sinh khổ đau chìm đắm. Hiến dâng cả cuộc đời cho nhân loại thân yêu.

Thích Nữ Thanh Tâm
Theo Phật Pháp Ứng Dụng