“ Đã mang lấy nghiệp vào thân

Xin đừng có trách trời gần trời xa”

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Trên cõi đời này, tất cả chúng ta dù lớn hay nhỏ, ai cũng như ai đều thấy mình là quan trọng; cho mình là trung tâm của vũ trụ, nên xem thường mọi người và muốn mọi người quí trọng mình, hướng về mình, nếu không được như vậy chúng ta sẽ phiền não đau khổ. Được mấy người trên chốn nhân gian này thật sự chiêm nghiệm được lý vô thường, nhìn nhận được thân là gốc của mọi khổ đau như lời Phật dạy ? Do tà kiến mà, mê mờ người tạo bao ác nghiệp, oan oan tương báo trong sáu nẻo luân hồi. Cuộc đời này là một chuỗi dài đau khổ và nước mắt, tất cả đều do có thân này. Khế kinh có câu: “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển”.

Vì sao thân là gốc khổ? Trước hết chúng ta cần hiểu khổ là gì? Khổ có rất nhiều nghĩa, chúng có thể hiểu theo một số nghĩa thông thường: Khổ là những gì làm mình khó chịu, đau đớn, khổ sở, không vừa ý mình v.v.. Vậy! thân là gốc khổ nghĩa là gì? Thân là gốc khổ tức là nguồn gốc của mọi đau khổ tội lỗi từ tâm hồn đến thể xác đều từ cái thân tứ đại này mà sanh ra. Thế gian muôn vàn khốn khổ đau đớn, muốn kể cho hết thì không bao giờ cùng. Song căn cứ theo kinh Phật, có thể phân loại ra làm ba thứ khổ đó là: ba khổ (tam khổ), bốn khổ (tứ khổ) hay tám thứ khổ (bát khổ). Tam khổ: khổ khổ, hoại khổ và hành khổ. Tứ khổ: sinh, già, bệnh, chết. Bát khổ: sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ.

Đức Phật dạy: “cái khổ não hoạn nạn lớn nhất của con người là có cái thân ngũ uẩn giả hợp này. Thân là căn bổn cho tất cả mọi ưu khổ tạo thành. Vì vậy chúng ta hay gọi thân là “khổ khí”. Đói khát, lạnh nóng, phiền não, sợ hãi, những tai họa do sắc dục gây ra, tất cả là do thân thể cảm thọ. Lao tâm cực trí, lo sợ trăm mối, và chúng sinh tàn hại lẫn nhau, cho đến sự trầm luân trong sáu nẻo, không ngừng lăn lộn trong sinh tử, cũng đều do có thân mà ra cả. Muốn thoát ra khỏi cái khổ của thế gian này, thì phải tìm cầu sự tịch diệt tức là sự thoát khổ chân chính. Nhiếp phục được tâm tham dục, dập tắt được ngọn lửa sân hận, đối với ngoại cảnh hư huyễn thì dùng thái độ không mong cầu, thì cứ thế lần lần, cảnh tịch diệt sẽ tự nhiên hiện ra trước mắt”.

Những cái khổ do thân tạo trong hiện tại, không những đem lại quả báo ngay trong đời này mà về tương lai còn khiến ta trầm luân lũy kiếp. Thế nên để hiểu rõ thân là gốc của mọi đau khổ, chúng tôi sẽ nói về 4 khổ căn bản nhất là : sinh, già, bệnh, chết để minh chứng.

–  Sanh khổ.

Sự sinh sống của con người có hai phần khổ đó là: Khổ trong lúc sanh và khổ trong đời sống.

Khổ trong lúc sanh: Người sanh và kẻ bị sanh đều khổ cả. Khi người mẹ mới có thai là đã bắt đầu biếng ăn, mất ngủ, nôn ọe, …Thai mỗi ngày mỗi lớn, thì người mẹ mỗi ngày mỗi mệt mỏi, nặng nề, đi đứng khó khăn, làm lụng chậm chạp. Ðến khi gần sanh, sự đau đớn của người mẹ không sao nói xiết. Dầu được thuận thai đi nữa, mẹ cũng phải chịu dơ uế nhiều ngày, yếu đuối nhiều tháng, vì tinh huyết hao mòn, ngũ tạng suy kém. Còn rủi bị nghịch thai, thì mẹ phải bị mổ xẻ, đau đớn nhiều nữa. Nghiêm trọng hơn, để có đứa con chào đời, nhiều người mẹ phải chịu tật suốt đời, hoặc mất cả tính mạng.  Còn con, từ khi mới đầu thai cho đến lúc chào đời, cũng phải chịu nhiều điều khổ sở. Trải qua chín tháng mười ngày, con bị giam hãm trong khoảng tối tăm, chật hẹp, còn hơn cả lao tù ! Mẹ đói cơm, khát nước, thì con ở trong thai bào lỏng bỏng như bong bóng phập phòng. Mẹ ăn no thì con bị ép như bồng bột bị đè dưới thớt cối, khó bề cựa quậy. Ðến kỳ sanh sản, thân con phải chen qua chỗ chật hẹp như bị đá ép bốn bể, nên khi vừa thoát ra ngoài, liền cất tiếng khóc vang. Tiếng khóc như dự cảm được những đau khổ, cay đắng mà một đời người nếm trải. Nguyễn Gia Thiều là người đã khái quát chân lý đó trong Cung oán ngâm bằng những câu thơ rất sâu sắc:

Thảo nào khi mới chôn nhau

Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra

Thân là gốc khổ

Đứa trẻ vừa cất tiếng khóc chào đời báo hiệu sự sống đồng nghĩa với thời gian sống đang được đếm ngược cho cái chết gần kề.

Khổ trong đời sống. Về phương diện vật chất, hay tinh thần, đời sống đều có nhiều điều khổ sở. Về vật chất, con người đòi hỏi những nhu cầu thiết yếu như món ăn, thức uống, đồ mặc, nhà ở, thuốc men. Muốn có những nhu cầu ấy, con người phải lao động rất vất vả, đôi khi trở nên toan tính và ích kỷ, mệt mỏi và muốn buông xuôi trước nỗi lo cơm áo gạo tiền. Nhưng chẳng phải đợi đến cảnh đói khát mới gọi khổ; ăn uống thất thường, thiếu thốn cũng đã là khổ rồi. Chẳng đợi phải lâm vào cảnh màn trời chiếu đất mới gọi là khổ; áo quần không đủ ấm, nhà cửa không che được nắng mưa, cũng đã là khổ rồi. Chưa hết, đau phải chỉ người nghèo mới khổ, cả người phú quý cũng không khỏi rơi lệ. Chẳng những thế vì cuộc sống có một số người đã bán rẻ lương tâm đạo đức của con người, làm những việc như giết người, cướp của, buôn bán ma túy v.v… tổn hại đến bao nhiêu người, để rồi phải chịu tù ngục giam cầm, mãi chìm trong bóng tối.

Về phương diện tinh thần: Đời người cũng có nhiều điều khổ nhục, có nhiều khi còn đau khổ hơn cả những thiếu thốn vật chất. VD: tâm thì lúc nào cũng lo về cách kiếm tiền, lo con học không giỏi, lo con hư hỏng, lo chồng lăng nhăng v.v…. lo đến tâm thần bất ổn.

– Già  khổ.

Ca dao có câu:

“Già nua là cảnh cảnh điêu tàn

Cây già cây cỗi, người già người suy”.

Thân là gốc khổ

Con người đến lúc già, thân thể hao mòn, tinh thần suy kém, nên khổ về cả thể xác lẫn tinh thần. Càng già, khí huyết càng hao mòn. Bên trong, ngũ tạng, lục phủ càng ngày càng mỏi mệt, hoạt động một cách yếu ớt; bên ngoài các giác quan dần dần hư hoại, như mắt mờ, tai điếc, mũi nghẹt, lưỡi đớ, tay chân run rẩy, đi đứng khó khăn, việc gì cũng nhờ vả kẻ khác.

Rù rờ lẩn thẩn thật chán ru

Chẳng biết làm chăng được nữa trừ

Ăn uống vãi rơi làm họ bực

Ra vào đụng trạm thấy mà dư

Nhận quen gặp lại nhìn ngớ ngẩn

Để trước quên sau kiếm mệt nhừ

Ai biết ngày nay ra thế ấy

Xưa kia lỗi lạc một tay cừ.

 Khổ tinh thần: Người già tâm trí bất ổn, nhớ trước quên sau, ăn rồi bảo chưa ăn, chưa ăn bảo ăn rồi; có khi lại còn chửi bới, nói nhảm nhí làm trò cười cho lũ trẻ. Thật đúng là “già khổ”.

– Bệnh khổ.

Bệnh hành hạ xác thân con người, làm cho nó khổ sở không gì hơn là cái đau! Ðã đau, bất luận là đau gì, từ cái đau lặt vặt như đau răng, nhức đầu, đến cái đau trầm trọng như ung thư, hủi, lao v.v…đều làm cho con người phải rên xiết, khổ sở, khó chịu. Nhất là những bệnh trầm kha kéo dài, thì lại càng hành hạ xác thân khủng khiếp, cầu sống không được, cầu chết cũng không xong. Lại còn tiền bạc chạy chữa, tốn kém vô cùng. Minh khổ kéo theo gia đình mình cùng khổ. Có nhiều người sau một trận đau, chỉ còn hai bàn tay trắng! khổ chồng lên khổ.

Thân là gốc khổ

– Tử khổ.

Trong bốn hiện tượng của vô thường; sanh, già, bệnh, chết thì “chết” là cái làm cho chúng sanh kinh hãi nhất. Con người sợ chết đến nỗi ở trong hoàn cảnh sống thừa, đáng lẽ không nên sống làm gì nữa, thế mà nghe nói đến cái chết, cũng sợ không dám nghĩ đến. Những người xấu số bị bịnh nan y như ung thư, bịnh hũi, sống thêm một ngày là khổ thêm một ngày, thế mà những người bạc phước ấy cũng vẫn muốn sống mà thôi.

Cái chết làm khổ con người như sau:

Thân là gốc khổ

Về thân xác: Có mục kích một người bệnh khi hấp hối bị hành xác rồi mới biết cái chết là đáng sợ. người sắp chết, mệt ngột không ngằn, trợ mắt, méo miệng, giựt gân chuyển cốt, uốn mình, giăng tay, bẻ chân…Trong lúc ấy tai hết nghe, mắt hết thấy, mũi hết thở, miệng hết nói. Rờ thử vào người chết, thì thấy lạnh ngắt như đồng, thân cứng đơ như gỗ. xác chết dần dần sình lên, trong rát ghê tởm; nếu để lâu ngày lại nứt ra, chảy nước tanh hôi khó chịu vô cùng. Về tinh thần: Khi sắp chết, tâm thần rối loạn, sợ hãi vô cùng: Phần xót thương cha mẹ, vợ chồng, anh em, con cái từ đây đoạn tuyệt, phần lo mình một thân cô quạnh, bước sang thế giới mịt mù xa lạ. Thật không còn gì đau khổ bằng phút chia ly vĩnh viễn này! Tóm lại, cái chết làm cho thân thể tan rã, thần thức theo nghiệp dẫn đi thọ sanh ở một cõi nào chưa rõ. Thật là “tử khổ”.

Chúng ta đã biết sơ qua nguồn gốc đau khổ từ thân mà ra, chúng ta đã nhận ra điều gì và cần phải làm gì ? không phải chúng ta biết để bi quan, trách móc và không yêu tiếc bản thân, cho rằng nó vô dụng, nó là gốc gây ra mọi sự khổ đau. Trái lại, chúng ta phải nương vào nó làm phương tiện tu tập. chúng ta đi chùa nghe giảng, tụng kinh, y theo giáo Pháp của Phật như Tứ Niệm Xứ, Bát Chánh Đạo v.v… khiến mọi cảnh khổ trên thế gian không thể chi phối, tâm an nhiên tĩnh lặng. Đã biết thân là gốc khổ, không bị nó chi phối thì tâm chúng ta sẽ thanh tịnh an nhàn, dù gặp cảnh thuận nghịch hay danh lợi bày ra trước mắt chúng ta cũng không bị lay động. Chúng ta làm chủ tâm mình, không để những tâm tham lam, sân giận, si mê hoành hành gây tổn thương đến mình và người. Biết mở rộng lòng từ bi yêu thương đến muôn loài vận vật và những kẻ khốn khó. Để hiện tại mình và người an vui mai sau giải thoát. Nguyện đem thân nhỏ mọn  này hiến dâng cho đời .

Đúng với câu thơ:

“Nguyện đem thân xác mọn này

Tô bồi đạo pháp đắp xấy đạo tràng

Cúng dường tam bảo nghiêm trang

Làm cho đời đạo ngày càng xinh tươi”.

Chúng ta biết thân là gốc khổ vậy gốc khổ của thân do đâu? Mỗi người hãy tự suy nghiệm để tìm câu giải đáp thích hợp nhất. Từ đó, tìm cho mình con đường đi đúng nhất, tinh tấn và an lạc.

Thích Nữ Phương Tú

Theo Phật Pháp Ứng Dụng