THÀNH THẬT LUẬN

Ngài HA-LÊ BẠT-MA tạo
Đời Diêu Tần Ngài TAM TẠNG CỰU MA LA THẬP dịch sang Hán Văn
Dịch giả: Tỳ-kheo Thích Trí Nghiêm

***

Quyển Thứ 15

PHẨM TỨ VÔ-LƯỢNG ĐỊNH THỨ 159

Từ-bi-hỷ-xả. Từ gọi là lòng lành, trái nhau với giận dữ, như các thiện-tri-thức. Là kẻ thiện-tri-thức. Thường cầu an lợi. Hành-giả cũng vậy, vì tất cả chúng-sinh thường cầu an-lạc. Vậy nên người nầy làm Vị thiện-tri-thức cho tất cả chúng-sinh.

Hỏi: Tướng của thiện-tri-thức ra sao?

Đáp: Thường vì cầu lợi ích an vui đời nầy và đời sau cho nhau, quyết chẳng trái nhau cầu việc vô ích. Hành-giả cũng vậy, chỉ vì chúng-sinh cầu việc an-lạc, chẳng cầu việc phi an-lạc.

Bi gọi là từ-tâm, trái nhau với não hại. Tại vì sao? Cũng vì chúng-sinh cầu-an vui vậy.

Hỏi: Giận dữ và não-hại có khác chi không?

Đáp: Sinh niệm giận trong lòng, muốn đánh đập hại chúng-sinh nầy do giận khởi nghiệp thân khẩu, thời gọi là não-hại. Lại giận làm nhân cho hại, vì kẻ ôm lòng giận quyết làm hại cho kỳ được.

Hỷ gọi là từ tâm, trái nhau với ganh ghét. Ganh là thấy việc tốt kẻ khác, tâm chẳng nhẫn tức sinh ghét giận. Hành-giả thấy tất cả chúng-sinh được những điều tăng ích, sinh lòng rất vui mừng, như tự mình được lợi.

Hỏi: Ba pháp nầy đều là Từ cả sao?

Đáp: Tức là ba món sai khác của Từ-Tâm. Tại vì sao? Vì chẳng giận là Từ; có người tuy chẳng hay giận, nhưng thấy chúng-sinh khổ chẳng hay thương. Nếu năng đối với tất cả chúng-sinh sâu tu lòng Từ, như người thấy con gặp khổ hại cấp bách, bấy giờ lòng Từ chuyển tên là lòng Bi. Hoặc có người với trong việc khổ hại của kẻ khác năng sinh lòng thương, mà đối với trong việc ích chẳng hay sinh lòng vui mừng. Tại sao biết được? Vì có người thấy kẻ oán tặc khổ thoảng hoặc sinh lòng thương, mà thấy con đắc thắng việc hơn mình vẫn chẳng năng vui được. Hành-giả thấy tất cả chúng-sinh được sự tăng ích sinh tâm vui mừng như mình được không khác. Đấy gọi là Hỷ. Nên biết sai khác của Từ-tâm là Bi với Hỷ.

Hỏi: Xả, thứ gì mà gọi là Xả?

Đáp: Tùy thấy oán, thân thời Từ-tâm chẳng bình đẳng: đối với người thân thời trọng đãi so chẳng gì bằng; mà đối với kẻ oán quá quắc là bạc bẽo. Bi Hỷ cũng như vậy. Nên hành-giả muốn cho tâm được bình đẳng, thời đối người thân xả hết thân; đối với kẻ oán hết oán, nhiên hậu đối với tất cả chúng-sinh lòng Từ mới bình đẳng. Bi Hỷ cũng vậy. Nên trong kinh nói: “Vì muốn dứt ghét, thương nên phải tu tập xả tâm”.

Hỏi: Nếu như vậy thời không có xả tâm riêng? Chỉ lấy tâm bình-đẳng mà gọi là xả?

Đáp: Tôi trước đã nói sai biệt của Từ-tâm là Bi Hỷ thảy. Lại từ-tâm do pháp Hạ, trung, thượng nên có ba thứ năng khiến ba thứ nầy bình-đẳng, nên gọi là xả. Như nói lấy Từ-tâm bực thượng tu tập tam-thiền.

Hỏi: Dùng phương tiện nào mà được Từ-tâm nầy?

Đáp: Sau sẽ nói tội lỗi giận dữ. Biết tội lỗi này rồi, sẽ tu Từ-tâm, như trong kinh nói: “Kẻ tu Từ-tâm, ngủ yên, thức yên, chẳng thấy ác mộng; được Trời hộ người mến; chẳng trúng độc; chẳng bị đao binh; và nước chẳng làm hại”. Như vậy tất cả nghiệp báo do giận dữ mà sinh, làm sao bì kịp? Nghe lợi ích ấy nên siêng tu tập. Lại hành-giả nghĩ lòng: Ta khởi giận dữ, tự chịu quả-báo, chẳng phải ai thay chịu, vậy chẳng nên giận mà nên tu lòng Từ. Lại hành-giả nghi tính; Ta vì chút ác mà gia hại người, thời tự chịu nhiều ác gấp trăm lần chẳng sánh kịp, nên phải lìa ác. Lại trong kinh nói năm món nhân-duyên trừ giận, thường phải nhớ. Lại giận dữ chẳng phải là điều đáng nên của người tu. Lại phải nghĩ việc lành lợi ích của người kia mà trừ bỏ việc ác, thời tự dứt giận dữ. Lại phải quán nhân-duyên trước sau của người kia; Người này đời trước, hoặc từng làm mẹ ta, ôm thai sinh để nuôi dưỡng ta vì ta mà khổ nhọc; hoặc từng làm cha, anh, em, vợ, con thì làm sao mà giận? Lại nghĩ: Đời sau, họ hoặc sẽ vì ta làm cha mẹ anh em; hoặc sẽ làm La-Hán, Duyên giác, hay các Đức Phật, thời làm sao giám giận? Lại thấy người ác vì làm ác nên bị khổ cả hai đời. Vậy nên chẳng giận. Lại quán kỹ thể tính người kia là thiện hay ác: Nếu là ác họ gia ác với ta, cớ sao sinh giận, như lửa đốt người, nào ai giận lửa? Lại thấy người kia bị phân-biệt bức, chẳng được tự tại, như bị quỷ bắt, thời sinh giận làm gì? Lại tùy dùng nhân-duyên nào dó mà tu tập nhẫn nhục, phải nghĩ nhớ pháp ấy, thời dứt giận dữ, lòng Từ thêm lớn. Công đức nhẫn nhục là hành-giả phải nghĩ lòng: Nếu ta giận người tức là quê hèn như người không khác. Vậy nên phải nhẫn. Như Phật nói kệ:

Thí như tập voi,

Chịu nổi dao tên;

Ta cũng như vậy,

Chịu nỗi các ác.

Lại kệ nói:

Ác-khẩu mắng chưởi,

Hủy nhục giận dữ,

Tiểu nhân chẳng nổi,

Như đá mưa chìm.

Ác khẩu mắng chưởi,

Hủy nhục giận dữ,

Đại-nhân chịu nổi,

Như hoa mưa voi.

Vậy nên phải nhẫn. Lại đem việc ác nầy xoay làm công đức, cho các việc ác ấy theo thành công đức vậy. Lại hành-giả biết chúng-sinh nầy ngu si không hiểu biết, in như trẻ con, chẳng nên giận vậy. Nhờ những phương tiện nầy năng tu lòng Từ.

Hỏi: Làm sao tu Bi?

Đáp: Hành giả thấy các chúng-sinh vui ít khổ nhiều nên sinh lòng Bi: Ta nỡ nào với chúng-sinh khổ kia lại gia thêm khổ nữa? Lại thấy chúng-sinh quá tham đắm vui, sinh nghĩ lòng rằng: Ta nay làm sao dứt lòng tham nó, nên sinh lòng Bi. Lại thấy chúng-sinh khổ, vì hiện khổ cho nên khổ; thấy chúng-sinh vui, vì vô thường nên khổ. Vậy nên tất cả chúng-sinh đều có phần khổ, hoặc sớm hoặc muộn, không ai thoát được. Vì nhân-duyên nầy, nên sinh lòng Bi.

Hỏi: Làm sao tu Hỷ?

Đáp: Hành-giả thấy kẻ ganh lợi với người khác là tướng quê hèn, vậy nên tu Hỷ, khởi nghĩ như vầy: Lẽ ta phải cho chúng-sinh vui, nhưng nay nó tự được, thế là giúp ta. Vậy nên sinh mừng. Lại thấy ganh ghét ấy luống uổng vô-ích, chẳng tổn ai được, mà lại hại mình. Lại như kinh nói ganh ghét là tội lỗi. Muốn lìa lỗi ấy, nên sinh vui mừng.

Hỏi: Làm sao tu Xả?

Đáp: Thấy lỗi tâm bất bình-đẳng, muốn cho tâm bình-đẳng, vậy nên tu Xả. Lại hành-giả thấy lỗi của tâm tham giận nên tu hạnh Xả.

Hỏi: Vô lượng tâm nầy ở trong cõi nào?

Đáp: Đều ở ba cõi.

Hỏi: Có ông Luận-sư nói từ tam-thiền trở lên không có hỷ-căn. Việc ấy thế nào?

Đáp: Tôi chẳng nói hỷ-tâm là hỷ-căn-tính chỉ vì lời kẻ khác lòng khác mừng chẳng vẫn đục, nên gọi là Hỷ. Bốn vô-lượng tâm nầy đều là huệ-tính.

Hỏi: Trong cõi vô-sắc làm sao có bốn vô-lượng-tâm? Vì có sắc tướng mới phân biệt chúng-sinh; trong ấy hoại mất sắc tướng làm sao có được?

Đáp: Chúng-sinh vô-sắc cũng có thể phân-biệt. Như trong kinh nói: “Phải làm hữu-sắc và vô-sắc thảy”. Lại trong kinh nói: “Tu Từ rất xa, được báo biến-tịnh; tu Bi rất xa, được báo vô-sở-hữu-xứ”. Nên biết trong vô-sắc cũng có vô-lượng-tâm.

Hỏi: Trong mỗi mỗi cõi có một vô-lượng-tâm. Phi-tưởng phi phi-tưởng-xứ không có sao?

Đáp: Tất cả xứ có tất cả, chỉ tu thượng Từ nên sinh về biến-tịnh-xứ. Vì các nghiệp sinh quả-báo tương-tự vậy, nghĩa là chúng-sinh cầu vui lại được báo vui. Bi cũng như vậy. Do có thân nên các khổ nhóm nhiều. Vô-sắc trong hư không, nên Thức-xứ tâm ở trong cảnh duyên rất vui ở, nên bỏ hết vô-sở-hữu xứ. Hành giả vì bị tưởng làm mỏi mệt, nên vào vô-sở hữu-xứ, Phi-tưởng phi phi-tưởng cũng có vô-lượng-tâm. Nhưng vì nhỏ nhiệm chẳng rõ nên chẳng nói. Lại tất cả xứ có tất cả, nhưng tùy nhiều mà nói, trong biến-tịnh lòng từ rất cao tột nên nói như thế thảy. Lại trong các thiền-định, bốn vô-lượng-tâm thọ quả-báo thù thắng, vì nghiệp-duyên chúng-sinh vậy.

Hỏi: Có ông luận-sư nói bốn vô-lượng-tâm nầy chỉ duyên chúng-sinh cõi Dục. Việc nầy thế nào?

Đáp: Sinh tất cả xứ đều năng hiện vào.

Hỏi: Nếu sinh trong kia cũng năng hiện vào thời phước chẳng năng hết, vì thường sống trong ấy?

Đáp: Như trong ấy cũng hiện vào Thiền thảy; các thiện-pháp khác, cũng vẫn có thối lui. Từ thảy cũng như vậy.

Hỏi: Nếu có lẽ nầy, sao chẳng mau thối lui?

Đáp: Có nghiệp như vậy, tuy có nhân-duyên lui, mà chẳng mau lui, như các cõi Trời trong cõi Dục thảy, tuy có thiện-nghiệp mà cũng sinh ác-đạo. Việc nầy cũng như vậy.

Hỏi: Kẻ tu Từ tam-muội, tại sao đao binh, nước lửa chẳng làm hại được?

Đáp: Đấy là nhờ phước lành lâu dày, nên các ác chẳng gia hại được; Cũng được các vị Trời thủ-hộ nữa.

Hỏi: Kinh nói Từ cùng tu giác-ý. Hữu-lậu và vô-lậu làm sao cũng tu?

Đáp: Từ nầy và giác-ý thuận nhau như trong kinh nói: “Nếu người chăm lòng nghe pháp, thời năng dứt năm món che”. Tu bảy pháp giác-ý chẳng cần nghe pháp, cũng tu giác-ý được. Lại trong kinh nói: “Tỳ-kheo các ngươi! Tu tập lòng Từ, Ta bảo đảm các ngươi được quả A-Na-Hàm”. Lòng Từ tuy chẳng dứt gút, nhưng trước lấy lòng Từ nhóm các lợi phước-đức trí-huệ, rồi mới được Thánh-Đạo, vì Huệ năng dứt các gút vậy, nên mới nói tu Từ được A-Na-Hàm. Cũng Từ tu giác cũng lại như vậy.

Hỏi: A-La-Hán dứt tưởng chúng-sinh, làm sao tu vô-lượng-tâm?

Đáp: A-La-Hán tuy vào Từ-tâm, mà chẳng hay nhóm thành từ-nghiệp, vì chẳng thọ sinh vậy.

Hỏi: Lòng Đại-bi, các Đức Phật Thế-Tôn là thế nào?

Đáp: Các Đức Phật Thế-Tôn bất-tư-nghì-trí như vầy: Tuy biết các pháp rốt ráo không mà năng hành Đại-Bi sâu sắc hơn phàm phu, chỉ chẳng được quyết định tướng chúng-sinh.

Hỏi: Bi với Đại-bi có sai khác gì?

Đáp: Gọi Bi chỉ lòng thương xót, mà năng thành xong sự nghiệp, mới được gọi Đại-Bi. Tại vì sao? Vì Bồ-tát thấy chúng-sinh khổ, muốn hết khổ nầy mới siêng năng tu tinh-tiến. Lại ở vô-lượng kiếp tu tập được thành, nên gọi Đại-Bi. lại đem trí-nhãn thấy khổ chúng-sinh, quyết định phát tâm cần trừ diệt, nên gọi Đại-Bi. Lại làm nhìêu việc lợi ích, nên gọi đại-bi. Cũng không bị gì ngăn ngai, nên gọi đại-bi. Tại vì sao? Vì lòng Bi hoặc nghĩ ác của kẻ kia, thời sinh ngăn ngại, chứ đại-bi đối với các ác dữ dội thông suốt không ngại. Lại lòng bi hoặc có dày, mỏng chẳng đồng, mà tất cả bình-đẳng, nên gọi đại-bi. Lại tự bỏ lợi mình, mà cầu lợi cho người, nên gọi đại-bi. Bi chẳng bằng như vậy. Đấy là những tên sai khác. Như vậy Từ, thảy ở Phật đều gọi là Đại. Nhưng vì Bi năng cứu-khổ, vậy nên được nêu riêng.

PHẨM NĂM NHÁNH TAM-MUỘI THỨ 160 

Trong kinh nói năm nhánh Thánh tam-muội là: Hỷ, Lạc, Thanh-tịnh-tâm, Minh-tướng, và quán-tướng. Hỷ là sơ-thiền nhị-thiền hỷ-tướng đồng, nên gọi chung làm một nhánh. Đệ-tam thiền vì lìa hỷ-lạc nên gọi riêng là một nhánh. Trong đệ-tứ thiền tâm thanh-tịnh nên gọi nhánh thứ ba. Nương ba nhánh nầy năng sinh minh-tướng. Minh tướng và quán-tướng nầy làm nhân, năng phá rách ngũ-ấm; quán ngũ-ấm trống không, nên gọi quán tướng. Năng đến Nê-Hoàn, nên gọi là Thánh.

Hỏi: Trong kinh nói Thánh-ngũ-trí tam-muội. Thứ nào là thế nào?

Đáp: Phật tự nói hành-giả khởi nghĩ rằng: ta với tam-muội nầy là Thánh-thanh-tịnh. Đấy là sơ-trí. Tam-muội nầy chẳng phải phàm phu gần gũi được, mà là kẻ trí ngợi khen. Đấy là trí thứ hai. Tam-muội nầy phải vắng lặng diệu ly mới được. Đấy là trí thứ ba. Tam-muội nầy hiện tại vui, sau được báo cũng vui. Đấy là trí thứ tư. Tam-muội này ta nhất tâm vào, nhất tâm ra. Đấy là trí thứ năm. Phật chỉ cho trong Định cũng có trí-huệ, chẳng những buộc tâm, mà hành-giả khi tu tu tập Định, nếu sinh phiền-não thời ở trong ấy sinh trí trừ phiền-não kia muốn cho tam-muội là Thánh-thanh tịnh gọi là sơ trí. Thánh thanh-tịnh là chẳng phải phàm phu được gần, là trí ngợi khen. Là chẳng phải phàm phu là các vị Thánh-nhân vì đã được trí nên chẳng gọi phàm phu. Trí nầy năng phá giả-danh, là trí thứ hai. Mỏng lần các phiền-não, tham thảy phiền-não diệt, nên gọi tịch-diệt. Vì tịch-diệt nên diệu; ly các phiền-não nên gọi là ly. Được pháp nầy đều là Đạo ly-dục, là trí thứ ba. Tùy chứng phiền-não đoạn, được an-ẩn tịch-diệt, lìa vui nóng nảy, nên gọi hiện vui, sau vui. Hiện vui, là vui lìa phiền-não. Sau vui là vui Nê-Hoàn, là trí thứ tư. Hành-giả thường hành vô-tướng tâm, nên thường nhất tâm ra vào, là trí thứ năm. Vậy nên nếu kẻ nào chưa sinh năm trí phải sinh; đã sinh tức được quả Tam-muội.

PHẨM SÁU TAM-MUỘI THỨ 161 

Hỏi: Trong kinh nói sáu tam-muội: có một tướng tu làm một tướng; có một tướng tu làm nhiều các tướng; có một tướng tu làm một tướng, nhiều các tướng; nhiều các tướng tu cũng như vậy. Thứ nào là thế nào?

Đáp: Một tướng ấy phải là là thiền-định, vì thiền-định ở trong một cảnh duyên nhất tâm hành vậy. Nhiều các tướng phải là tri-kiến, vì biết các pháp nhiều các tính, nên với ngũ-ấm thảy các pháp phương-tiện vậy.

Hỏi: Một tướng tu làm một là thế nào?

Đáp: là như người nhờ Định lại được sinh Định. Còn một tướng tu làm nhiều các tướng: là như người nhờ Định được sinh tri-kiến. Một tướng tu làm một tướng nhiều các tướng Là như người nhờ Định được sinh thiền-định và ngũ-ấm phương-tiện. Nhiều các tướng tu cũng như vậy.

Hỏi: Có ông Luận-sư nói: Một tướng tu làm một tướng; Phải là như người nhờ đệ-tứ-thiền chứng A-La-Hán quả. Một tướng tu làm nhiều các tướng: Là như người nhờ đệ-tứ-thiền chứng năm thần-thông. Một tướng tu làm một tướng nhiều các tướng: Là như nhờ đệ-tứ-thiền chứng quả A-La-Hán và năm thần-thông. Nhiều các tướng tu làm nhiều các tướng: Là như người nhờ năm nhánh tam-muội chứng quả A-La-Hán và năm thần thông. Còn hai pháp kia cũng như vậy. Nghĩa ấy thế nào?

Đáp: Phải nói lý-do? Tại sao đệ-tứ-thiền và A-La-Hán quả là một tướng; năm chi nhánh tam-muội và năm thần-thông là nhiều các tướng? Lại năm nhánh chẳng nên làm chỗ nương, vì năm nhánh tam-muội là minh-tướng quán-tướng của bốn Thiền, mà làm sao nương đấy được quả A-La-Hán? Tại vì sao? Vì cần nương nhất Thiền mới được A-La-Hán quả. Lại cũng nên nương minh-tướng mà được quả A-La-Hán. Vậy chẳng nên phải lẽ.

Hỏi: Có người nói có sáu món vào Định: thuận vào, nghịch vào, thuận nghịch vào, thuận siêu, nghịch siêu, và nghịch thuận siêu. Việc ấy thế nào?

Đáp: Có ông Luận-sư nói: Hành-giả muốn được diệt tận định, nên thứ lớp vào ra các Thiền. Vậy nên chẳng nên hoặc nghịch, hoặc thuận, hoặc nghịch thuân, và vượt lên thảy. Sáu lỗi vào ra ấy được lợi ích chi? Hành-giả muốn được diệt tận định, quyết phải thứ lớp vào, cũng nên thứ lớp mà khởi. Lại nếu được bực thượng, tại sao lại vào bực hạ? Vì bực hạ chông gai, như người lớn chẳng còn ưa cách giỡn của trẻ nít. Lại như người vì nghề nghiệp đã khéo, chẳng còn ưa vụng nữa. Việc nầy cũng phải như vậy. Lại nếu nói siêu-vượt, việc nầy chẳng phải lẽ. Trong kinh chỉ nói thứ lớp vào các thiền-định. Hành-giả nếu năng vượt đến đệ-tam, tại sao chẳng năng vượt đến tứ ngũ? Nếu nói thế lực chỉ chừng ấy, như người trèo lên thang lên một bực chẳng lên được bực nữa, ví-dụ này cũng chẳng quyết định. Lại người sức mạnh năng bước lên bực tứ, lại cũng có thể vượt trên trăm bực. Vậy nên nên chẳng phải lẽ. Trong kinh tuy nói khi Đức Phật vào Nê-Hoàn thuận nghịch vượt lên vào các thiền-định. Kinh nầy cùng với chính nghĩa trái nhau, chẳng nên tin chịu. Tuy có lời ấy, nhưng nghĩa chẳng phải lẽ. Tại vì sao? Vì như nói hành giả đến diệt-tận-định, chỉ nên thuân vào mà chẳng cần sáu pháp. Hành-giả nếu đến thẳng Diệt định, vậy nên chẳng cần. Nếu muốn thí nghiệm tâm mình ở trong thiền-định coi có thể tự tại chẳng lui, nên mới thuận nghịch, ra vào, vượt lên, như người cỡi ngựa, nếu tại trận đối địch thời chẳng nên chạy vòng quanh; như muốn tập luyện trong lúc nhàn rỗi thời nên. Nếu nói bực dưới chông gai nên vào ấy. Chẳng vì bực dưới thắng hơn sau bèn vào, mà vì là chỗ hành-đạo của hành-giả vậy. Nếu nói như người chẳng ưa trẻ nít giỡn ấy. Hoặc vì nhân-duyên phải làm trẻ nít múa giỡn: như người đạo diễn gia phải múa nhảy trọn ngày, đâu phải lòng mình ưa vui mà vì dạy tập vậy. Như vậy Thánh nhân nghịch thuận ra vào vượt lên các thiền, là vì muốn thị hiện cho Trời, Người và các Thần, Tiên biết sức tự tại trong các thiền-định vậy. Lại khi Đức Phật vào Nê-Hoàn, vì muốn đem thâm diệu thiền-định để huân tu ngọc Xá Lợi, nên tự-tại vào ra nghịch thuận vượt lên. Lại người thấy Phật khi vào vô-dư Nê-Hoàn chán ngán tất cả pháp hữu vi, vậy nên Phật hiện pháp báu quí đáng yêu mến này. Ngươi nói kinh này trái với chính nghĩa ấy. Việc này chẳng phải lẽ. Ngươi nói tại sao chẳng năng vượt đến thứ bốn ấy. Trong Bồ-tát tạng nói tướng vượt lên; Từ sơ thiền khởi, vào diệt tận đinh; từ diệt tận định khởi cho đến vào trong tản tâm, vì tâm lực vĩ đại nên mới có thể như vậy.

PHẨM BẢY TAM-MUỘI THỨ 162 

Luận-giả nói có bảy chỗ nương: nương sơ-thiền được hết lậu cho đến nương vô-sở-hữu-xứ được hết lậu. Nương là nhân nhờ bảy chỗ này được Thánh-trí-huệ, như nhiếp-tâm được sinh thật-trí. Vì có người chỉ được thiền-định cho đó là đủ. Vậy nên Phật nói: “đấy chẳng phải đã đủ đâu cần nương Định nầy cầu thêm thắng pháp nữa”. Nghĩa là hết các lậu. Nên nói là nương.

Hỏi: Nương thiền-định nầy được hết các lậu là thế nào?

Đáp: Phật nói hành-giả tùy đem tướng nào, duyên nào rồi vào sơ-thiền. hành-giả ấy chẳng còn nghĩ nhớ tướng ấy, duyên ấy nữa; mà chỉ quán trong sơ-thiền, có bấy nhiêu các sắc, hoặc thọ, tưởng, hành, thức như bệnh, như cung, như tên, đau nhức, vô thường, khổ, không, vô-ngã. Khi quán như vậy, tâm sinh nhàm lìa được giải thoát các lậu. Cho đến vô-sở-hữu-xứ cũng như vậy. Chỉ trừ ba không-xứ vì không có sắc quán được. Hành-giả thấy cõi Dục ồn-ào rối loạn, sơ-thiền yên lặng vắng vẻ, nhiên hậu mới được. Vậy nên Phật nói: “Đừng nghĩ tướng vui tịch-diệt ở Sơ-thiền, mà chỉ quán ngũ-ấm và tám món tội lỗi của sơ-thiền mà thôi”. Các chỗ nương khác cũng vậy.

Hỏi: Cõi Dục tại sao chẳng nói nương?

Đáp: Trong kinh Tu-Thi-Ma nói: “Trừ bảy chỗ nương lại có được Thánh-Đạo-xứ”. Nên biết cõi Dục cũng có nương.

Hỏi: Có người nói nương một bên sơ-thiền chưa đến chỗ được quả A-La-Hán. Việc ấy thế nào?

Đáp: Chẳng phải vậy. Nếu chưa đến chỗ mà có nương, thời là có lỗi. Nếu chưa đến chỗ năng được, tại sao vì chẳng vào sơ-thiền? Vậy nên chẳng phải.

Hỏi: Phi-tưởng phi phi-tưởng-xứ, tại sao chẳng nói nương ư?

Đáp: Trong ấy chẳng rõ ràng vì Định nhiều Huệ ít, nên chẳng nói có nương. Bảy tưởng định là bảy chỗ nương vậy.

Hỏi: Phật, tại sao nói bảy chỗ nương, gọi bảy tưởng định?

Đáp: Ngoại-đạo vì không có chân-trí nên chỉ nương dựa nơi tưởng. Tất cả nương dựa đều bị tưởng làm nhơ nhớp chẳng phá được giải thoát, nên gọi tưởng-Định. Thánh-nhân năng phá hoại tưởng, chỉ nương Định nầy thẳng lấy hết lậu, nên gọi là nương. Như nói hành-giả quán các pháp nầy như tật bệnh, như mụt ung thẩy, Phi-tưởng phi phi-tưởng-xứ cũng vì tưởng chẳng rõ rệt, nên chẳng nói tưởng-định.

PHẨM TÁM GIẢI-THOÁT THỨ 163

Luận-giả nói: Trong kinh nói tám giải thoát: Trước tiên tưởng nội sắc, quán ngoại sắc. Kẻ hành-giả nhờ giải thoát nầy xé rách các sắc. Tại sao biết được? Vì trong đệ-nhị giải thoát nói: Nội không sắc tưởng, quán sắc bên ngoài, để phá sắc bên trong nên nói nội không sắc tưởng. Nên biết hành-giả với trong sơ giải thoát, phá lần sắc thân đến trong đệ-nhị giải thoát, đã phá được sắc trong, chỉ còn sắc ngoài. Trong đệ-tam giải thoát sắc ngoài cũng phá luôn, nên chẳng thấy sắc trong ngoài, ấy gọi là sắc không. Như trong kinh Ba-la-diên nói: “Phá rách sắc tướng, diệt dứt các dục, trong ngoài không thấy, Ta hỏi việc?” Trong bốn giải thoát nói tâm-thức trống không, như trong kinh lục-chủng nói: “Nếu Tỳ-kheo với trong năm món rất sinh nhàm lìa, chỉ còn có thức”. Nên biết trong bốn-giải thoát nầy phá rách các sắc, đến đệ-bát giải thoát mới diệt diệt tận hết cả. Tại vì sao? Vì nếu diệt sắc thời hữu vi đều diệt, gọi là quả A-La-Hán. Dùng thứ lớp như vậy mới được diệt hết. Đấy gọi là tám giải thoát. Có người nói sơ và nhị giải thoát là bất-tịnh, mà đệ-tam giải thoát mới là tịnh. Việc nầy chẳng phải lẽ. Tại vì sao? Vì là giải thoát nầy không lấy bất-tịnh-quán mà được giải thoát; tịnh quán cũng không giải thoát, chỉ lấy không quán mới năng được giải thoát. Lại ngoại đạo năng được tịnh và bất-tịnh quán, mà chẳng được gọi giải thoát.

Hỏi: Ngoại-đạo cũng năng phá-rách sắc tướng, việc ấy thế nào?

Đáp: Ngoại đạo lấy tín-giải mà quán phá hoại sắc tướng, chẳng phải không quán vậy. Tại vì sao? Như dùng tín-giải mà quán. Thấy thân đã chết đem bỏ trong mồ mã; trùng, thú ăn thảy.

Hỏi: Ngoại đạo lìa sắc được vô-sắc định, lẽ phải có vô-sắc định, lẽ phải có vô-sắc định, lẽ phải có vô-sắc giải thoát?

Đáp: Ngoại đạo tuy có vô-sắc-định, mà vì tham đắm nên chẳng gọi giải thoát. Thánh nhân nhờ vô-sắc-định năng quán bốn ấm bệnh thảy tám việc, nên gọi giải thoát.

Hỏi: Ông nói diệt định là A-La-Hán. Việc này chẳng phải lẽ. Tại vì sao? Vì học nhân cũng được gọi tám giải thoát. Ông nói diệt-định gọi là lậu tận, vậy thời học nhân lẽ phải được lậu-tận?

Đáp: Trong kinh nói Diệt-tướng-chung mà chẳng phân-biệt nói là tâm diệt hay là phiền-não diệt. Như trong kinh nói hai món diệt: một diệt; hai diệt; hai thứ lớp diệt. Hai món Nê-Hoàn: một hiện-tại Nê-Hoàn; hai rốt ráo Nê-Hoàn. Cũng nói hai món yên-ổn: một yên-ổn; hai đệ nhất yên-ổn. Kẻ được yên-ổn cũng hai dạng: một được yên ổn; hai được đệ-nhất yên-ổn. Vậy nên chứng được của học nhân chẳng phải là chân-thật-diệt. Lại trong kinh nói: “Nếu Tỳ-kheo năng vào diệt-định là xong tất cả việc”. Nếu diệt-định chẳng phải A-La-Hán quả thời chẳng nên nói xong tất cả việc.

Hỏi: Học-nhân thật chẳng được tám giải thoát sao?

Đáp: Trong kinh nói học-nhân được chín thứ-đệ-định. Chẳng nói được diệt-tận. Hành-giả hoặc được diệt-tận, mà chẳng năng vào các thiền-định, gọi Huệ giải thoát; hoặc năng vào các thiền-định mà chẳng được diệt-tận, gọi là thân chứng. Nếu cả hai đều được gọi là câu giải thoát. Tại vì sao? Vì các lậu là một phần chướng; pháp thiền-định là một phần đắc. Giải thoát hai phần trên gọi câu giải thoát.

Hỏi: Trong các thứ lớp diệt; trong các giải thoát diệt, có khác chi không?

Đáp: Danh đồng mà nghĩa khác. Trong thứ lớp diệt, gọi là tâm, tâm số diệt; trong giải thoát diệt, gọi các phiền-não diệt. Như trong kinh nói các hành thứ lớp diệt. Nghĩa là vào sơ-thiền diệt ngữ-ngôn; vào nhị-thiền diệt giác-quán; vào tam thiền diệt mừng; vào tứ-thiền diệt vui; vào không xứ diệt sắc-tướng; vào thức-xứ diệt không tướng; vào vô-sở-hữu-xứ diệt thức tướng; vào Phi-tưởng phi phi-tưởng-xứ diệt vô-sở-hữu-tướng; vào diệt-tận-định diệt các tưởng-thọ. Các diệt trong đây lại có thắng-diệt, chỗ gọi kẻ hà-giả đối với tâm tham sân si nhàm chán nên được giải thoát.

Hỏi: Làm sao biết trong thứ lớp tâm, tâm-sở diệt; trong giải thoát các phiền-não diệt.

Đáp: Tên diệt tuy đồng mà nghĩa phải có khác. Trong thứ lớp nói diệt tưởng thọ; trong giải thoát nói diệt vô-minh xúc thọ. Tại vì sao? Vì từ giả-danh sinh thọ, phá giả-danh thời diệt, Trong thứ lớp chẳng phải như vậy. Trong các kinh có sai khác như thế. Nếu nói thẳng hành giả được diệt-tận thời xong tất cả việc. Phải biết vì khi chứng Nê-Hoàn các phiền-não diệt, chẳng nói tâm, tâm-số diệt.

Hỏi: Nếu tám giải thoát là pháp diệt phiền-não thời tất cả A-La-Hán thảy đều phải được?

Đáp: Đều được.Nhưng chẳng năng “vào”. Nếu chứng được các thiền-định, thời năng vào.

Hỏi: Hành-giả nếu không thiền-định, làm sao năng được thân tâm trống không, và hết các phiền-não?

Đáp: Người này có Định mà chẳng năng chứng; lại có như điện tam-muội, nhờ tam-muội này được hết phiền-não. Như trong kinh nói: “Ta thấy Tỳ-kheo khi muốn lấy áo có phiền-não lấy rồi tức không phiền-não”. Như thế thảy. Tại vì sao? Vì tâm như điện, tam-muội như kim-cương. Chân trí năng phá phiền-não. Lại nghĩa trong đệ-tam-lực của Phật nói: Chỗ gọi các thiền, giải thoát, tam-muội, vào, cấu, tịnh sai khác như thật biết Thiền trong đây là tứ-thiền. Có người nói bốn Thiền, bốn vô-sắc-định đều gọi là thiền; giải thoát là tám giải thoát; tam-muội là trong một niệm tam-muội như điện. Vào là được sức tự-tại trong “thiền giải thoát tam-muội”. Như Ngài Xá-Lợi-Phất nói: Ta với trong bảy “Giác” năng ra và vào tự-tại. Nên biết Huệ-giải-thoát A-La-Hán sao có vị chẳng năng vào, vì có thâm tu tập mới năng tự tại vào.

Hỏi: A-La-Hán sao có vị chẳng thâm tu tập các thiền-định?

Đáp: Người nầy được Đạo, việc làm đã xong, vui tu xả-tâm, nên chẳng hay tập nữa. Nếu không xả-tâm, thời vào Định không khó. Như trong kinh nói: “Hành-giả khéo tu bốn pháp như-ý-túc, có thể thổi núi Tuyết khiến cho thành bột đất, huống chi thứ vô-minh chết ư?”. Nên biết trong tám giải thoát nói diệt hết lậu, chẳng cần vào Định mới diệt. Lại trong kinh nói: “Có minh-tính, có không tính, có vô-biên hư-không tính, có vô-biên-thức-tính, có vô-sở-hữu-tính, có Phi-tưởng phi phi-tưởng-tính, có diệt-tính”.Bởi tối nên có tính sáng; bởi chẳng trống không, nên có tính trống không; bởi sắc nên có tính vô-biên hư-không; bởi tính vô-biên hư-không, nên có tính vô-biên-thức; bởi vô-biên-thức nên có tính vô-sở-hữu; bởi vô-sở-hữu nên có tính Phi-tưởng phi phi-tưởng; bởi ngũ-ấm nên có tính Diệt. Nếu chẳng năng phá hoại tướng ngũ-ấm giả-danh, đấy gọi là tối. Nếu năng phá hoại ngũ-ấm giả-danh, thời gọi là tính sáng. Như Phật dạy một Tỳ-kheo: “Ngươi đối với không trong các hành, phải quán các hành trong trống-không, để tự điều uốn tâm mình, như người cầm đèn trong nhà trống-không, bao vật bị thấy đều không”. Hành-giả lấy sắc chứng sắc nầy diệt, gọi là không tính. Ngoại đạo nhờ vô-biên hư-không-xứ được lìa sắc, cho đến Phi-tưởng phi phi-tưởng-xứ mà lìa vô-sở-hữu-xứ. Bởi các ấm có diệt-tính ấy: Hành-giả có bao nghĩ lường, có bao tác khởi đều diệt là mầu nhiệm. Đấy gọi là bởi các ấm có diệt-tính.

Hỏi: Các tính nầy nương Định nào mà được?

Đáp: Trong kinh nói Minh-tính cho đến Phi-tưởng phi phi-tưởng-tính, đều do tự hành vào Định mà được. Nghĩa là hành duyên hữu-vi đạo nên được. Tại vì sao? Vì sơ-trí duyên sắc gọi là minh-tính; tính thứ hai cũng lấy sắc, lấy rồi chia chẻ khiến không. Như thế cho đến Phi-tưởng phi phi-tưởng-tính, diệt tính, vào diệt-tính, tất cả pháp hữu-vi đều không nên mới được. Trong đây nói Diệt gọi là lậu-tận Nê-Hoàn.

Hỏi: Các giải thoát nầy ở trong bực nào?

Đáp: Hành giả muốn phá hoại sắc: hoặc hương cõi Dục mà trụ Định, hoặc nương cõi sắc mà trụ định, thời năng được sắc không. Tất cả trong các bực năng được tâm không.

Hỏi: Giải thoát nầy có mấy hữu-lậu, mấy vô-lậu?

Đáp: Không-tính là tất cả vô-lậu.

PHẨM TÁM THẮNG-XỨ THỨ 164 

Thắng-xứ thứ nhất: Tưởng nội sắc thấy ngoại sắc ít hoặc tốt hoặc xấu, đối với các sắc nầy thắng-tri thắng-kiến, nên gọi là thắng xứ. Thứ hai tưởng nội sắc thấy ngoại sắc nhiều. Thứ ba tưởng nội không có sắc, thấy ngoại sắc ít. Thứ tư tưởng nội không có sắc, thấy ngoại sắc nhiều. Thứ năm tưởng nội không có sắc, thấy ngoại sắc xanh, hình xanh, sáng xanh, như hoa-ưu-ma-già, như sắc chân-thanh nhuộm áo ba-la-nại. Thứ sáu thấy vàng. Thứ bảy thấy đỏ, thứ tám thấy trắng. Hành giả thấy như thể thấy các sắc nhiều vô-lượng. Tại vì sao? Vì chẳng những có xanh ấy thảy bốn sắc, mà vì lược nói nên mới có tám thắng-xứ. Hành-giả nếu năng dùng không-quán phá rách các căn, bấy giờ gọi là thắng xứ.

Hỏi: Ai năng được pháp này?

Đáp: Đệ-tử của Phật chứ chẳng phải ai khác.

Hỏi: Tám thắng-xứ nầy ở trong bực nào?

Đáp: Ở Dục, Sắc hai cõi.

Hỏi: Là hữu lậu hay vô lậu?

Đáp: Trước là hữu lậu, mà dùng không quán phá sắc thời thành vô lậu.

Hỏi: Tại sao pháp này độc danh thắng xứ?

Đáp: Đấy là chỗ tham đắm nhất của hành giả. Vậy nên Phật vì đệ-tử nói tên thắng xứ, nghĩa là chỉ cho cần phải thắng cảnh duyên nầy vậy.

PHẨM CHÍN THỨ LỚP SƠ-THIỀN THỨ 165 

Chính thứ lớp Định: Bốn thiền, bốn vô-sắc-Định và diệt-tận-Định. Sơ-thiền: Như trong kinh nói: “Hành-giả lìa các dục các ác pháp bất-thiện hữu-giác hữu-quán. Ly-sinh hỷ-lạc vào sơ-thiền”.

Hỏi: Nên chỉ nói tướng sơ-thiền, mắc chi mà nói lìa các dục ư?

Đáp: Có người báng rằng: thế-gian không có ai năng lìa dục, vi người đời đều ở trong ngũ-dục cả: không ai mắt chẳng thấy sắc, tai chẳng nghe tiếng, mũi chẳng ngửi thơm, lưỡi chẳng nếm vị và thân chẳng cọ xát. Nên mới nói lìa dục. Dục là dục-tâm chẳng phải là sắc thảy; như nói sắc thảy các vật chẳng gọi là dục. Tại sao biết được? Có kẻ tinh-tiến sắc thảy vẫn tồn tại, mà năng dứt dục. Lại trong kinh nói: “Sắc thảy là phần chẳng gọi là dục”. Tham tâm trong ấy mới gọi là dục. Nếu sinh tham tâm thời tìm cầu các dục. Vì nhân-duyên cầu dục, nên mới có tham giận, gậy roi, giết hại các ác pháp tiếp theo. Như trong kinh Đại-nhân nói nhân ái sinh cầu thảy. Nên biết lài tham dục gọi là lìa dục. Có người nói lìa sắc thảy năm món dục gọi là ly-dục, lìa pháp ác bất-thiện, gọi là lìa năm món che. Sơ-thiền gần với tâm tán loạn, nên gọi hữu-giác. Lại hành-giả nầy Định lực chưa thành, phát khởi tâm tán loạn, nên gọi hữu giác. Như trong kinh nói: “Ta tu hạnh hữu-giác hữu-quán”. Phải biết Phật nói tản tâm là giác. Giác nầy yếu lần nhiếp-tâm càng sâu, thời gọi là quán. Tùy Định thành-tựu, tâm chẳng tản nhiều, bấy giờ nói là quán. Quán nầy đeo theo hành-giả đến bực Thiền trung-gian. Nếu lìa giác-quán được mừng gọi là ly-sinh-hỷ. Hỷ nầy trước năng được lợi ích nơi thân, nên gọi là lạc. Lìa giác-quán nầy ưa ở trong một cảnh duyên, đấy gọi là Thiền. Thiền nầy bị giác-quán làm loạn nên được quả-báo thân có sai khác. Vì hạ, trung, thượng sai khác nên có; Phạm-chúng-thiên, Phạm-phu-thiên, Đại-phạm-thiên.

Hỏi: Nếu lìa giác-quán hỷ là sơ-thiền ấy, thời chẳng cần dùng năm nhánh làm sơ-thiền; như lìa giác-quán cùng đệ-nhị-thiền có sai khác chi? Lại trong kinh nói: “Sơ-thiền hữu-giác hữu-quán, khoái-lạc khác, hỷ cũng khác.” Nếu tức là lạc, thời trong bảy giác-ý chẳng nên riêng nói khoan-khoái giác-ý vậy?

Đáp: Ngươi nói sơ-thiền không năm nhánh. Việc nầy chẳng phải là. Vì chẳng nói năm nhánh là tính sơ-thiền. Sơ-thiền gần địa có giác quán nầy, nên gọi là nhánh.

Hỏi: Nếu gần địa có pháp số là nhánh ấy. Sơ-thiền cũng gần ngũ-dục, thời nên nói là nhánh?

Đáp: Ngũ-dục chẳng gọi là gần, vì hành-giả nầy tâm đã lìa vậy. Lại sơ-thiền như thứ lớp chẳng khởi dục-tâm. Lại ngũ-dục chẳng trụ làm nhánh sơ-thiền. Nhánh gọi là nhân. Nhân tức là phần, như thánh-đạo phần nhóm họp đủ thảy. Giác-quán cũng như vậy. Nhân sơ-thiền nếu hành-giả Định-tâm ở trong cảnh duyên bị lui, rồi lại lấy Định Tướng, nhiếp tâm nơi cảnh, nhớ nghĩ bản tướng, đấy gọi là giác-quán. Nên biết giác-quán là nhân sơ-thiền. Trong đệ-nhị-thiền Định-tâm đã thành, vậy nên chẳng lấy giác quán làm nhân; nhị-thiền cũng thứ-lớp mà chẳng sinh giác-quán. Nếu ngươi nói sơ-thiền chung với giác-quán, cũng chẳng phải lẽ. Vì từ sơ-thiền khởi, kế đó sinh giác-quán. Vì gần giác-quán nên gọi là chung, như cùng đệ-tứ chung đi, tuy chút xa nhau, nhưng cũng gọi là chung được. Lại trong bực nầy có sinh nhân-duyên, nên gọi có giác-quán, như người bịnh vì quỉ bắt, tuy khi chẳng phát cũng gọi là bịnh. Người nầy bị quỉ làm nhớp nếu có cơ hội là tái phát, nên gọi là bệnh. Lại lạc-thọ tức là hỷ, chỉ nói sai khác cũng từ khoái mà riêng nói vui. Như trong kinh nói: “được thân khoái thời thọ vui”.

Hỏi: Nếu như vậy, tại sao sơ thiền nói năm nhánh”

Đáp: Tùy lúc nói năm, như bảy giác ý đắc-thời-tiết, nên gọi mười bốn giác ý. Trong đây nói có khoái thân, khoái tâm mà thật thân không khoái, chỉ có tâm vui nên thân cũng thọ vui thôi. Hỷ cũng như vậy, ban đầu đến tại thân gọi là hỷ. Mới đầu được tướng hỷ-lạc, nên gọi là lạc. Về sau chỉ gọi hỷ, vì thời gian khác vậy. Lại không riêng có pháp khoái, chỉ khi sinh hỷ thân tâm không còn nặng nề cứng cỏi, mà được mềm mại điều hòa, nên gọi là khoái đấy thôi. Như bệnh tứ đại diệt bệnh tứ-đại không sinh, người ấy gọi là vui. Khoái cũng như thế. Lại trong pháp trừ diệt cũng gọi là khoái. Như trong kinh nói: “Các hành thứ lớp diệt”. Như vào sơ thiền ngôn ngữ diệt, cho đến vào tận diệt-Định các tưởng thọ diệt. Vậy nên không riêng có pháp khoái. Nếu nói sơ-thiền tương ưng với giác-quán cũng không phải lẽ. Tại vì sao? Trong kinh nói: “Hành-giả nếu vào sơ thiền thời diệt ngôn-ngữ”. Giác quán là nhân ngôn ngữ, làm sao có nhân ngôn ngữ mà ngôn ngữ diệt? Nếu bảo rằng giác quán vẫn còn, chỉ ngôn ngữ diệt ấy, như người ở cõi Dục khi tâm chẳng muốn nói năng, cũng gọi là diệt.

Hỏi: Nếu trong sơ-thiền không giác quán ấy, nên gọi là Thánh mặc nhiên. Mà Phật chỉ nói nhị thiền là Thánh-mặc-nhiên, chẳng nói sơ thiền. Nên biết sơ thiền, phải có giác quán?

Đáp: Vì gần giác quán nên chẳng nói mặc nhiên, chứ chẳng phải giác quán tương ưng nên chẳng nói vậy. Lại trong kinh nói sơ thiền còn có tiếng tăm như gai, nên chẳng nói mặc nhiên.

Hỏi: Trong sơ-thiền vì sao có tiếng tăm là gai?

Đáp: Sơ-thiền an trụ định tâm yếu như hoa trôi trên nước; đệ-nhị-thiền thảy an trụ định tâm mạnh như sơn sơn vào cây. Lại xúc thảy cũng gọi gai sơ-thiền, vì xúc năng khiến khởi động sơ-thiền vậy. Nhị thiền thảy chẳng như vậy. Tại vì sao? Vì trong sơ thiền các thức chẳng diệt, nhị-thiền thảy năm thức diệt hết.

PHẨM NHỊ-THIỀN THỨ 166 

Diệt các giác-quán, nội-tịnh nhất-tâm không giác không quán, Định sinh hỷ lạc, vào đệ-nhị-thiền.

Hỏi: Nếu đệ-nhị-thiền nói diệt giác-quán, thì biết sơ-thiền chắc có giác-quán, như trong nhị thiền có hỷ và tam thiền sẽ nói diệt hỷ?

Đáp: Như trong sơ-thiền không khổ căn, mà cũng nói khổ căn, lối diệt đệ-nhị-thiền nầy cũng như vậy.

Hỏi: Trong sơ-thiền tuy không khổ-căn mà có các thức. Các thức là chỗ khổ căn nương. Nên nói sơ-thiền khổ-căn chẳng-diệt?

Đáp: Trong sơ-thiền tuy có các thức, nhưng chẳng phải chỗ khổ-căn nương.

Hỏi: Tính năm thức là chỗ khổ-căn nương, vì tính đồng nên nói sơ-thiền có khổ?

Đáp: Nếu như vậy, ưu-căn từ tính ý-thức sinh, lẽ phải nói tất cả chỗ đều có?

Hỏi: Nay sao nói trong nhị-thiền khổ-căn diệt?

Đáp: Sơ-thiền gần tâm bất-định. Kẻ mà tâm bất-định hay sinh là các thức buộc ở cõi Dục; ở trong ấy sinh khổ-căn. Vậy nên chẳng nói sơ-thiền diệt khổ.

Hỏi: Nếu như vậy sơ-thiền cũng gần ưu căn. Ưu-căn nầy cũng nên nói như lối diệt đệ-nhị, đệ-tam-thiền?

Đáp: Nương Dục-ưu-căn. Do nương dục mà hỷ sinh. Được tịnh-hỷ thời bất-tịnh-hỷ diệt. Vậy nên trong sơ-thiền không có ưu-căn. Nương bất-định sinh khổ-căn. Sơ-thiền gần tản-tâm, nên gọi là diệt. Lại như tam-thiền không khổ, mà cũng nói dứt khổ-lạc mới vào tứ-thiền. Việc nầy cũng vậy. Lại hành-giả với trong sơ-thiền, Định chưa đầy đủ, thường bị giác-quán làm loạn, nên nói nhị-thiền diệt các giác-quán.

Nội tịnh: Là nhị-thiền nhiếp-tâm sâu-sắc, nên tán-loạn chẳng vào được. Vì trong không loạn-tâm gọi là nội tịnh. Thể nhị-thiền là nhất-tâm. kẻ không giác không quán nhất-tâm là tâm hành nhất-đạo cũng gọi là Thiền, tức là nội tịnh. Được thâm-Định nầy nên giác quán chẳng sinh, chẳng phải như sơ-thiền tâm-số ở giác-quán. Nếu nói không giác không quán, Định sinh hỷ-lạc: là sơ-thiền vì lìa, nên được hỷ. Trong đây Định thành-tựu nên được hỷ, nên gọi định sinh.

Hỏi: Hỷ trong sơ thiền và hỷ trong nhị-thiền có sai khác chi?

Đáp: Sơ-thiền vì diệt ưu nên được hỷ; nhị thiền vì diệt khổ nên hỷ. Lại hỷ trong sơ-thiền trái với hỷ-bất-tịnh mà được hỷ trong nhị-thiền trái với hỷ-tịnh mà được. Tuy đều bởi ái nhân-duyên nên được hỷ, mà hỷ sơ thiền yếu ớt.

Hỏi: Nghĩa như thế là hữu-lậu hay vô-lậu?

Đáp: Là hữu lậu, vì có ngã-tâm là có mừng.

Hỏi: Vô-lậu không mừng. Việc này chẳng phải lẽ. Trong thất-giác Phật nói Hỷ-giác-phần. Giác phần chỉ là vô-lậu. Nên biết có mừng vô-lậu. Lại trong kinh nói: “Kẻ tâm mừng, thân không được khoan khoái”. Thân khoái thời thọ vui. Nếu không mừng vô-lậu lẽ cũng không vui khoái vô-lậu. Lại Đức Phật thấy chúng Tăng thâm tu pháp lành thời sinh hoan hỷ. Nên biết rõ có mừng vô-lậu?

Đáp: Ngươi lấy thất giác làm chứng vui mừng vô-lậu. Việc nầy chẳng phải lẽ. Giác phần có hai thứ: hữu lậu và vô-lậu. Như trong kinh nói: “Khi hành-giả nghe Pháp năng dứt năm món che”. Tu thất giác phần, giác gọi là trí vô học như vì giác tu bất tịnh thảy pháp, đều gọi là giác phần. Ngươi nói lẽ cũng chẳng nên có khoái vô-lậu ấy. Trước sinh mừng rồi sau mưói được vô-lậu, nghĩa là như thật tri-kiến. Lại chẳng phải tất cả khoái đều nhân mừng sinh, như tam-thiền trở lên không mừng cũng không khoái. Lại chúng tôi chẳng nói lìa trí riêng có thọ-pháp. Vô-lậu-trí nầy mới đến tại tâm nói tên là vui. Vậy nên có vui vô-lậu. Chỉ chẳng bởi mừng mà sinh. Lại trong kinh nói: “Trừ bỏ thân tâm thô nặng gọi là khoái”. Khi được vô-lậu thân tâm điều hòa vậy nên có khoái vô-lậu. Lại Phật thường hành xả-tâm. Vậy nên nói Phật có mừng. Việc này cần nói rõ. Lại nếu người không ngã và ngã sở thời không mừng. Nếu A-La-Hán có mừng, lẽ cũng có buồn, mà thật không buồn, nên biết không mừng.

Hỏi: Như sơ-thiền nhị-thiền có mừng không buồn, La-hán cũng như vậy, có mừng không buồn, có lỗi chi sao?

Đáp: Trong các thiền-định có buồn, như trong cằn nghĩa nói: Buồn mừng cho đến cõi hữu đảnh; khổ vui tùy thân, cho đến tứ thiền. Lại trong thú-tam-thiền nói: lìa mừng tu xả. Nên biết không có mừng vô-lậu. Nếu có, tại sao nói lìa? Lìa tâm vô-lậu chẳng nên có mừng. Vì mừng đều nương giả-danh tưởng phân-biệt mà có.

Hỏi: Nếu vậy thời sơ-thiền nhị-thiền không có vô-lậu thọ? Trong kinh nói: “Sơ-thiền nhị-thiền chỉ có mừng, chưa có tâm vui”. Mừng nầy cũng chẳng do nơi nào mà có?

Đáp: Mừng nầy và lìa mừng nầy chẳng nói vô-lậu-thiền. Mà lại có kinh nói vô-lậu-thiền. Chỗ gọi hành-giả do tướng nào, duyên nào, vào sơ-thiền rồi chẳng nghĩ tướng ấy, duyên ấy chỉ quán trong sơ-thiền có bao nhiêu sắc, thọ, tưởng, hành và thức, như bệnh như ung, cho đến vô-ngã.

Hỏi: Như bệnh như ung, như tên đau nhức. Bốn điều nầy là thế-gian hành, chẳng phải vô-lậu. Vậy nên ông đem kinh ấy làm chứng, không thể thành-lập được vô-lậu vậy?

Đáp: Bốn hành nầy đều là tên khác của khổ, nên gọi vô-lậu.

Hỏi: Học-nhân cũng không có mừng vô-lậu sao?

Đáp: Nếu tâm tại Đạo, bấy giờ không mừng, mà tại Tục thời có. Bực vô-học thường không có.

Hỏi: Trong kinh nói nhờ tâm vui mừng năng được bốn Đế. Tại sao nói không mừng vô-lậu?

Đáp: Tâm vô-ngã tức là vui. Hành-giả tâm được vô-ngã phá hoại điên đảo, vì biết chân thật nên được khoái lạc chứ không riêng có mừng. Lại kinh nầy nói rõ chẳng dùng mừng mà năng được thật-trí, nên mới nói như vậy.

Thành Thật luận hết quyển 15

    Xem thêm:

  • Thành Thật Luận – Quyển 20 - Luận Tạng
  • Thành Thật Luận – Quyển 19 - Luận Tạng
  • Thành Thật Luận – Quyển 18 - Luận Tạng
  • Thành Thật Luận – Quyển 17 - Luận Tạng
  • Thành Thật Luận – Quyển 16 - Luận Tạng
  • Thành Thật Luận – Quyển 14 - Luận Tạng
  • Thành Thật Luận – Quyển 13 - Luận Tạng
  • Thành Thật Luận – Quyển 12 - Luận Tạng
  • Thành Thật Luận – Quyển 11 - Luận Tạng
  • Thành Thật Luận – Quyển 10 - Luận Tạng
  • Thành Thật Luận – Quyển 9 - Luận Tạng
  • Thành Thật Luận – Quyển 8 - Luận Tạng
  • Thành Thật Luận – Quyển 7 - Luận Tạng
  • Thành Thật Luận – Quyển 6 - Luận Tạng
  • Thành Thật Luận – Quyển 5 - Luận Tạng
  • Thành Thật Luận – Quyển 4 - Luận Tạng
  • Thành Thật Luận – Quyển 3 - Luận Tạng
  • Thành Thật Luận – Quyển 2 - Luận Tạng
  • Thành Thật Luận – Quyển 1 - Luận Tạng
  • Thành Thật Luận (Trọn bộ 20 quyển) - Luận Tạng