THÀNH THẬT LUẬN
Ngài HA-LÊ BẠT-MA tạo
Đời Diêu Tần Ngài TAM TẠNG CỰU MA LA THẬP dịch sang Hán Văn
Dịch giả: Tỳ-kheo Thích Trí Nghiêm
***
Quyển Thứ 3
PHẨM NHỊ-THẾ HỮU THỨ 21
Hỏi : Thật có quá khứ vị lai. Tại vì sao? Nếu pháp nầy có, trong ấy sinh tâm, như pháp hiện tại và pháp vô vi. Lại như Phật nói Sắc tướng, cũng nói sắc quá khứ và vị lai; và nói có bao nhiêu sắc: hoặc nội hoặc ngoại, hoặc thô hoặc tế, hoặc quá-khứ vị-lai và hiện-tại, gọi chung là sắc-ấm. Lại nói: sắc quá-khứ vị-lai hãy còn vô thường, huống chi hiện-tại. Vô thường là tướng hữu-vi. Vậy nên phải nói có. Lại như hiện thấy từ trí sinh trí, vì tu tập vậy. Như từ bé lúa sinh hạt lúa. Vậy nên phải có quá-khứ. Nếu không quá-khứ, thời quả vô nhân. Lại như trong kinh nói: “Nếu quá-khứ sự thật mà có ích thời Phật cũng vẫn nói”. Lại như nói quán quá-khứ vị-lai tất cả vô-ngã. Lại ý-thức duyên vị-lai là nương ý quá-khứ, nếu không có quá-khứ thời thức nương chỗ nào? Lại như biết nghiệp nhân quá-khứ mới có quả báo vị-lai, ấy là chính-kiến. Lại như Phật thập-lực biết các nghiệp-nhân quá-khứ vị-lai. Lại như Phật tự nói: “Nếu không có gây ra tội nghiệp quá-khứ, thì người nầy chẳng đọa các ác đạo”. Lại như kẻ học-nhân, nếu còn trong hữu lậu tâm, thời chẳng phải có tín thảy các vô lậu căn. Lại như các bực Thánh-nhân chẳng nên quyết định ghi trước việc vị-lai. Lại nếu không quá-khứ vị-lai thời người đời chẳng nên ghi nhớ năm món trần. Tại vì sao? Vì ý thức chẳng biết năm món trần hiện-tại vậy. Lại như nói mười tám ý hành đều duyên quá-khứ. Lại nếu không quá-khứ, vị-lai, thời A-La-Hán chẳng nên tự xưng: “Ta được thiền-định”. Vì ở trong định không nói năng vậy. Lại như trong tứ-niệm-xứ, chẳng nên quán nội tâm nội thọ được. Tại vì sao? Vì hiện-tại chẳng được quán quá-khứ vậy. Lại cũng chẳng nên tu tứ chính-cần. Tại vì sao? Vì trong đời vị-lai không có ác pháp vậy; còn ba món kia cũng vậy. Lại như không có quá-khứ vị-lai, thời cũng không có Phật. Lại cũng chẳng nên có kẻ tu giới đã lâu và người mới tu. Vậy nên chẳng phải lẽ.
PHẨM NHỊ-THẾ VÔ THỨ 22
Đáp: Không có quá-khứ vị-lai. Tuy ngươi nói “Trong pháp có thời tâm sinh” ấy. Trước tôi đã đáp rằng Không pháp, tâm cũng có thể sinh được. Lại như ngươi nói “Sắc tướng, sắc số, sắc khả tướng” ấy. Việc này chẳng phải lẽ. Quá-khứ vị-lai chẳng phải là sắc, vì không có não hoại vậy. Cũng không nên nói đó là tướng vô thường vậy; chỉ Phật tùy theo vọng tưởng phân biệt của chúng-sinh nên mới nói cái tên ấy thôi. Lại như ngươi nói “trí sinh trí” ấy. Nhân cùng quả làm nhân duyên lẫn nhau rồi diệt, như hạt giống và mộng làm nhân cho nhau rồi diệt. Nên Phật cũng nói: Việc này sinh nên việc kia sinh. Lại như ngươi nói: “Thật mà có ích thời Phật cũng nói” ấy. Phật nói việc nầy gốc ở khi hiện tại, chẳng phải Phật nói “cũng có”. Như nói quá khứ diệt hết thời biết không có. Lại như người nói “Quán vô ngã” ấy. Vì chúng-sinh đối với pháp quá-khứ vị-lai cháp hữu ngã, nên Phật mới nói như vậy. Lại như ngươi nói “Đấy là chính kiến” ấy. Là vì thân nầy khởi nghiệp, nghiệp nầy cùng quả làm nhân rồi diệt. Về sau lại tự chịu báo nên mới nói quả. Tóm lại, trong Phật-Pháp nói: Hoặc có, hoặc không đều là phương tiện, vì muốn chỉ rõ nghiệp tội phước nhân duyên vậy, chứ chẳng phải đệ-nhất nghĩa. Như vì nhân duyên nên nói có chúng-sinh, thì quá khứ vị lai cũng vậy. Như nói nương ý thức quá khứ ấy là nương phương tiện, chứ chẳng phải như người nương dựa nơi các vách trụ vậy; và cũng nói rõ là tâm sinh, chứ chẳng phải nương nơi thân mà sinh. Vì nhân tiền tâm nên hậu tâm mới được sinh. Nghiệp lực cũng vậy;. Phật biết nghiệp nầy tùy diệt mà năng cùng với quả làm nhân, chứ chẳng nói quyết định biết như biết chữ trên giấy. Tội nghiệp cũng vậy, do thân nầy gây nghiệp, nghiệp này tuy diệt hết mà quả báo chẳng mất. Lại như người nói “chẳng nên có các vô lậu căn” ấy. Nếu kẻ học nhân đã được vô-lậu-căn, được lúc hiện tại, tuy quá khứ diệt, vị lai chưa đến, vì đã thành tựu rồi nên chẳng được nói là không. Lại như người nói “Thánh nhân chẳng nên ghi trước việc vị lai” ấy. Là trí-lực Thánh nhân vậy, tuy pháp chưa có mà có thể huyền ký trước, như pháp quá khứ tuy đã diệt hết mà vì niệm lực nên có thể biết được. Lại như ngươi nói “chẳng nên nhớ năm món trần” ấy. Vì là kẻ phàm phu si mê vọng niệm nên trước lấy tướng quyết định, về sau tuy đã diệt hết, mà còn sinh lòng nghĩ nhớ, vì pháp nhờ lẽ như vậy, chớ chẳng phải như nhớ lông rùa sừng thỏ… Mười tám món ý hành cũng lại như vậy, lấy sắc hiện tại, quá khứ tuy diệt, vẫn tùy theo mà nghĩ nhớ. Lại như ngươi nói “chẳng nên tự xưng Ta được thiền định” ấy. Là Định được ở hiện tại, vì sức nghĩ nhớ nên tự nói “Ta được”. Lại như ngươi nói “chẳng nên được quán nội tâm nội thọ” ấy. Có hai món tâm: Một là niệm niệm sinh diệt; hai là thứ lớp nối nhau. Dùng tâm hiện tại, quán tâm nối nhau, chứ chẳng niệm hiện còn. Lại như ngươi nói “chẳng nên tu tập tứ chánh cần” ấy. Đề phòng nhân duyên ác pháp đời vị lai đồng thời cũng phát khởi nhân duyên thiện pháp đời vị lai. Lại như ngươi nói “Thời không có Phật” ấy. Đức Phật là tướng tịch diệt, tuy còn hiện ở đời mà chẳng thuộc vào có hay không huống là khi đã diệt độ ư? Chúng sinh qui mạng với Phật cũng như người đời thờ phụng cha mẹ vậy. Lại như ngươi nói “cũng chẳng nên có kẻ tu giới lâu mới” ấy. Chẳng vì thời gian mà giới có sai khác. Tại vì sao? Vì thời gian không thật, chỉ do các pháp hòa hiệp sinh diệt nên mới có thời gian. Vậy nên ngươi đã nói bao nhiêu nhân đều chẳng phải lẽ.
PHẨM NHẤT-THIẾT HỮU VÔ THỨ 23
Luận giả nói: Có người nói tất cả các pháp có; hoặc có người nói tất cả pháp không có, Hỏi: Do nhân-duyên gì nên nói có. Do nhân-duyên gì mà nói không?
Đáp: Kẻ nói có là căn-cứ Phật nói mười hai nhập gọi là nhất thiết, ấy là nhất thiết có; địa, hỏa, phong, không, thời, phương, Thần và ý thảy các đà la phiêu, tức chỉ tất cả vật, số thảy các cầu-na, tức nương dựa. Nêu cử các nghiệp dưới đây cho rõ: Các pháp tổng tướng biệt tướng hòa hiệp và ba cư đế, và tính sẵn có thảy, cùng những việc trong thế-gian như sừng thỏ, lông rùa, chân rắn, mùi thơm muối, và màu sắc gió thảy, ấy gọi là không có. Lại như trong kinh nói: “Hư không không dấu vết, ngoại đạo không Sa-môn, phàm phu ưa hý luận. Như-Lai thời không có”. Lại như tùy theo chỗ thọ pháp, cũng được gọi là có. Như đà-la-phiêu thảy mười sáu sự, ấy là phái Ưu-Lầu Khê cho là có. Hai mươi lăm đế là phái Tăng khê cho có. Mười sáu món nghĩa là phái Na-Da-Tu-Ma cho có. Lại nếu như có đạo lý năng thành xong sự việc, cũng được gọi là có, như mười hai nhập. Lại nữa, trong Phật-Pháp dùng phương tiện nên mới nói tất cả có, tất cả không, chớ chẳng phải đệ-nhất-nghĩa. Tại vì sao? Vì nếu quyết định có, tức đọa bên “thường”; nếu quyết định không, thời đọa bên “đoạn”. Rời được hai bên ấy, mới gọi là Thánh-trung-đạo.
PHẨM CÓ TRUNG-ẤM THỨ 24
Luận giả nói: Có người nói có thân trung-ấm, hoặc có người nói không có.
Hỏi: Do nguyên-nhân gì, nên nói có, do nhân-duyên gì mà nói không?
Đáp: Kẻ nói có là căn cứ Phật nói trong kinh A-Du-La-Na rằng: “Nếu khi cha mẹ giao hội, chúng trụ ở theo nơi nào đó liền đến nương vào trong ấy”. Vậy nên biết có trung-ấm. Lại như kinh Hòa-Ta nói: “Nếu chúng-sinh sau khi bỏ thân nầy rồi, mà chưa thọ tâm sinh thân sau, trong khoảng trung-gian, Ta nói ái là nhân-duyên”. Ấy gọi là trung-ấm. Lại như trong bảy thứ người thiện, có thân trung-hữu-diệt ấy. Lại như trong kinh nói: “Tạp khởi nghiệp, tạp thọ thân, và tạp sinh thế-gian”. Vậy nên biết có trung-ấm. Lại như trong kinh nói Tứ-hữu: bổn-hữu, tử-hữu, trung-hữu và sinh-hữu. Lại nói Thất-hữu: Ngũ-đạo-hữu, nghiệp-hữu, và trung-hữu. Lại nói vua Diêm-La quở-trách tội nhân trung-ấm mà biết túc-mạng chúng-sinh, nghĩa là chúng-sinh nầy sinh chỗ nầy; chúng-sinh kia sinh chỗ kia. Lại như trong kinh nói: “Dùng thiên-nhãn xem thấy các chúng-sinh khi chết khi sinh”. Lại nói chúng-sinh bị ấm trói buộc nên từ thế-gian nầy đến thế-gian kia. Lại như người đời cũng tin có trung-ấm; họ nói: Nếu người khi chết có thân tứ-đại vi-tế, ở từ ấm này mà đi. Lại nếu như có trung ấm thời mới có đời sau; Nếu không có trung-ấm, khi bỏ thân nầy rồi mà chưa thọ-sinh thân sau, thì khoảng thời-gian ấy lẽ là gián-đoạn.
Vì những lý do trên nên biết có trung-ấm.
PHẨM KHÔNG TRUNG ẤM THỨ 25
Có người nói không có trung-ấm. Tuy ngươi dẫn trong kinh A-du-la-đa-na nói có trung ấm, việc nầy chẳng phải lẽ. Tại vì sao? Vì nếu là Thánh nhân mà chẳng biết cái ấy là chi và từ đâu đi đến, thời không có trung ấm, nếu có tại sao lại chẳng biết? Lại như ngươi dẫn câu trong kinh Hòa-Ta nói việc này chẳng phải lẽ. Tại vì sao? Vì trong kinh nầy hỏi khác đáp khác: Hòa-Ta phạm chí nầy chấp thân khác thần khác nên mới đáp như vậy, là trung ấm trung hữu, ngũ-ấm. Lại như ngươi nói “Có trung hữu diệt” ấy. Là người nầy ở chặn giữa cõi Dục và cõi Sắc, thọ thân ở trong ấy diệt, cho nên gọi là trung hữu diệt vậy. Tại vì sao? Vì như trong kinh nói “ Nếu người chết, đi về chỗ nào, sinh về chỗ nào, ở vào chỗ nào”. Nghĩa nầy không khác. Lại như ngươi nói “Tạp thọ thân, tạp sinh thế gian” ấy. Nếu nói thọ thân, nói sinh thế gian, nghĩa nầy chẳng khác. Lại như ngươi nói “Tứ-hữu, thất-hữu” ấy. Kinh nầy không đúng, vì chẳng thuận với pháp tướng. Lại như ngươi nói “vua Diêm-La quở trách ấy”. Đấy là thân sinh hữu chớ chẳng phải trung hữu vậy. Lại như ngươi nói “Phật nhân trung ấm mà biết túc mạng” ấy. Việc nầy chẳng phải lẽ; sức Thánh-trí là như vậy, tuy chẳng tương tục mà cũng có thể nghĩ biết. Lại như ngươi nói “Dùng thiên nhãn xem thấy khi chết khi sinh ấy. Muốn sinh gọi là khi sinh, sắp chết gọi là khi chết, chớ chẳng phải trung-ấm” vậy. Lại như ngươi nói “chúng-sinh bị ấm buộc, từ đây đến kia. Muốn chỉ cho biết có đời sau nên mới nói như vậy, chớ chẳng phải nói rõ có trung-ấm”. Lại như ngươi nói “khi chết có tứ đại vi tế ấy. Chỗ thấy biết của người đời chẳng thể tin được, vì đây chẳng phải dụng làm nhân”. Lại như ngươi nói “nếu không có trung ấm thì thời gian giữa phải gián đoạn ấy. Vì nghiệp lực vậy, người nầy sinh đâu, người kia sinh kia, như quá khứ vị lai tuy chẳng nói nhau mà có thể nghĩ nhớ được”. Vậy nên không có trung ấm.
Lại nữa, trong túc-mạng trí nói: Biết người nầy chết ở đây sinh nơi kia, chớ chẳng nói trụ trong trung-ấm. Lại nữa, Phật nói ba món nghiệp: hiện-báo nghiệp, sinh-báo nghiệp, và hậu-báo nghiệp, chớ chẳng nói có trung-ấm báo nghiệp. Lại nữa, nếu trung-ấm có xúc tức gọi sinh-hữu. Nếu không thể xúc, vậy thời không có, nên thọ-tưởng thảy cũng không. Như vậy có chỗ nào ư? Lại nếu như chúng-sinh thọ hình trung ấm, tức gọi thọ sinh, như trong kinh nói: “Nếu người bỏ thân nầy thọ các thân khác, Ta nói là sinh, nếu chẳng thọ thân thì không có trung-ấm.” Lại nữa, nếu trung-ấm có thối, tức gọi là sinh. Tại vì sao? Vì cần trước sinh sau thối vậy. Nếu không thối, ấy gọi là thường. Và vì nghiệp lực nên mới sinh, thì dùng trung-ấm làm chi? Lại nếu như trung-ấm do nghiệp mà thành, tức là sinh-hữu; như nói nghiệp nhân-duyên, nếu chẳng do nghiệp thành, thời do đâu mà có? Cần phải đáp gấp.
Kẻ hỏi đáp: Tôi cho sinh-hữu có sai khác, gọi là trung-ấm. Vậy nên không có các lỗi như trên. Người nầy tuy trung ấm sinh, mà cùng với sinh-hữu khác. Năng khiến Thức đi đến trong Ca-la-lạ, (tức tinh cha huyết mẹ như giọt sữa đặc) đấy gọi là trung-ấm.
Luận chủ nạn rằng: Vì nghiệp lực năng khiến đến, chớ cần chi phải dùng phân biệt nói trung-ấm ư? Lại tâm không chỗ đến, vì nghiệp nhân duyên nên mới từ nơi đây diệt mà sinh nơi kia vậy thôi. Lại như hiện thấy tâm bất tương tục sinh, như người chân đạp phải gai mà trong đầu biết đau; Thức nơi chân không có nhân duyên gì đến trong đầu, chỉ vì các duyên xa gần hòa-hiệp sinh tâm. Vậy nên chẳng cần phân biệt chấp có trung-ấm.
PHẨM THỨ-ĐỆ THỨ 26
Luận giả nói: Có người nói tứ-đế thứ lớp thấy; lại có người nói nhất thời thấy.
Hỏi: Do nhân-duyên gì nên nói thứ lớp thấy? Lại do nhân duyên gì mà nói nhất thời thấy?
Đáp: Kẻ nói thứ lớp thấy, như trong kinh nói: “Nếu người thấy thế gian tập, liền diệt được chấp không. Thấy thế-gian Diệt, liền diệt được chấp có”. Phải biết Tập Diệt hai tướng khác nhau. Lại nếu như người nào năng biết được bao nhiêu tướng Tập đều là tướng Diệt, gọi là ly cấu đắc-pháp nhãn-tịnh. Lại nói, người trí huệ lanh lợi lần bỏ các điều ác, như thợ vàng năng dũa bỏ chất rét của vàng. Lại như trong kinh Lậu-tận nói: “Kẻ nào năng kiến thời được hết-lậu”. Hành giả chẳng hay tự biết chớ hằng ngày các lậu tiêu mòn, vì thường tu tập vậy nên được hết các lậu.
Lại nữa, Đức Phật nói: “Với trong các Đế, năng sinh nhãn trí minh huệ”. Trong khổ Đế cõi Dục có hai, hai cõi Sắc và Vô-sắc cũng có hai. Tập thảy cũng vậy. Lại trong kinh miệng Phật tự nói ra lần-lữa thấy đế, như người trèo thang thứ lớp mà lên. Vì các kinh nầy nên biết bốn Đế chẳng phải nhất-thời thấy được. Lại như các phiền não với trong bốn Đế, có bốn món tà-hành: là không-khổ, không-tập, không-diệt và không-đạo. Cho nên vô-lậu-trí cũng phải thứ lớp tu bốn món chính-hành. Lại nữa, hành giả cần định-tâm phân-biệt; đây là khổ, đây là nhân của khổ, đây là khổ-diệt, và đây là đạo-diệt-khổ. Nếu như trong một tâm thời làm sao quyết định phân biệt được như vậy.
Cho nên biết chẳng phải nhất thời thấy được vậy.
PHẨM NHẤT THỜI THỨ 27
Có người nói bốn Đế nhất-thời thấy chớ chẳng phải thứ lớp. Ngươi nói: Thấy thế-gian Tập liền diệt chấp không. Thấy thế-gian Diệt liền diệt chấp có ấy. Thời hoại tự pháp, vì nếu như thế cũng chẳng cần 16 món tâm; 12 hạnh để được Đạo. Lại như người nói: Biết bao nhiêu tướng Tập đều là tướng Diệt thời đắc pháp-nhãn ấy. Nếu vậy thời phải dùng hai tâm mới đắc-đạo: Một là Tập tâm; hai là Diệt tâm. Nhưng đâu cần chỉ 16 món tâm vậy. Lại như ngươi dẫn kinh lậu-tận nói: Kẻ nàng năng tri kiến thời được hết lậu vậy. Lại như ngươi dẫn kinh lậu-tận nói: Kẻ nào năng tri kiến thời được hết lậu ấy. Như vậy cần có tâm nhiều vô-lượng, chẳng những 16 tâm. Lại như ngươi nói: miệng Phật tự nói ra lần-lữa thấy Đế, như kẻ trèo thang ấy. Tôi chẳng học kinh nầy, dù có cũng nên bỏ, vì chẳng thuận với pháp tướng vậy. Lại như ngươi nói: Bốn món tà-hành ấy. Đối với năm ấm thảy cũng ưng tà-hành, tùy theo chỗ tà-hành, đều ưng sinh trí. Như vậy chẳng cần chỉ 16 món tâm mà đắc đạo. Lại như ngươi nói nên định phân biệt ấy. Đối với sắc thảy cũng cần phân-biệt. Vậy nên chẳng cần có 16 món tâm vậy. Lại nữa hành-giả chẳng được các Đế, chỉ có một Đế, nghĩa là thấy Khổ diệt gọi là sơ-đắc-Đạo, vì thấy pháp thảy các nhân-duyên vậy. Hành giả từ pháp Noãn thảy lần-lữa thấy Đế diệt Đế, rốt sau mới thấy diệt Đế. Vậy nên gọi là Đắc-Đạo.
PHẨM THỐI THỨ 28
Luận giả nói: Có người nói A-La-Hán thối, hoặc có người nói chẳng thối.
Hỏi: Do nhân-duyên gì nói thối, do nhân-duyên gì lại nói chẳng thối?
Đáp: Nói thối: Như trong kinh nói: “Khi giải thoát, A-La-Hán vì năm nhân duyên bị thối”. Ưa làm việc, ưa đọc tụng, ưa xử đoán, ưa đi xa, và bị bịnh luôn. Như trong kinh nói có hai hạng A-La-Hán là thối-tướng và bất thối-tướng. Lại trong kinh nói: “Nếu Tỳ-kheo nào thối môn giải thoát thời có lẽ”. Lại như trong kinh nói: “Quán thân như chiếc bình, phòng ý như đô-thành; đem huệ chiến với ma; giữ phần thằng không hoại”. Nếu không thối thời chẳng cần giữ thắng. Lại có hai món trí: Tận-trí và vô-sinh-trí. Nếu tận-trí chẳng sinh lại thời dụng vô-sinh-trí làm chi? Lại như Ưu-Đà-Da khó được diệt tận-định, tức là nhân thối. người nầy tuy thối mà cũng được sinh về cõi Sắc.
Vì các duyên cớ nầy, nên biết có thối.
PHẨM BẤT THỐI THỨ 29
Có người nói Thánh-đạo bất-thối, chỉ biết thiền-định.
Hỏi: Nếu như vậy thì không có hai hạng A-La-Hán, chỉ có thối-tướng, vì tất cả A-La-Hán với trong thiền-định đều có thối vậy?
Đáp: Thối sức tự-tại trong thiền-định, vì chẳng phải tất cả A-La-Hán đều được sức tư-tại.
Hỏi: Chẳng phải như Cù-Đề Tỳ-kheo sáu phen thối rồi bèn lấy dao tự sát. Nếu như thối thiền-định cần gì tự-sát? Vì trong Phật pháp quí hồ giải thoát, chớ chẳng quí thiền-định. Người ấy nương thiền-định nầy, sẽ được A-La-Hán đạo. Mà mất thiền-định nầy thời mất vô-lậu, chớ chẳng gây mới, đối với trong các Hữu, đều được nhàm lìa hẳn. Diệt sạch các kiết-sử không có sinh tướng lại. Ấy là các kẻ mạnh, in như đèn tắt lửa. Lại nói: Ví như đá núi, gió không thể động; kẻ mạnh như vậy, chê khen chẳng lay. Lại trong kinh nói: Ái sinh ái thảy; A-La-Hán nầy, nhổ hẳn gốc ái, do đâu sinh kiết? Lại nói: Chỗ gọi Thánh-nhân, rốt-ráo tận cùng ngằn mé, chỗ làm đã xong. Lại nói: Thánh-nhân tán diệt chẳng nhóm, phá rách chẳng dệt. Lại trong kinh nói: “Vô-minh là nhân-duyên khởi tham-sân-si”. A-La-Hán nầy, vô-minh diệt hẳn, làm sao sinh kiết. Lại trong kinh nói: Nếu các Học-nhân cầu Đạo Nê-Hoàn Ta bảo người nầy quyết chẳng buông-lung”. Nếu được hết lậu chẳng tái sinh nữa, vậy nên chẳng thối. Lại nói: Trí-giả khéo suy nghĩ, khéo lời nói, khéo thân nghiệp, chỗ làm không lỗi. Lại nói: Tỳ-kheo vui hạnh chẳng buông lung, vì thấy lỗi buông lung, vậy là chẳng thối, gần-gũi Nê-Hoàn. Lại trong kinh nói: “Nai nương Đồng-nội, chim nương hư-không, pháp về phân-biệt, chân-nhân về Diệt”. Lại nữa, ba nhân-duyên sinh khởi các kiết sử: Tham dục chẳng dứt, cảnh sở-dục hiện-tiền, trong lòng sinh nghĩ bậy. A-La-Hán nầy tham dục đã dứt, tuy đối sở-dục mà chẳng sinh nghĩ bậy, cho nên chẳng khởi kiết.
Lại nói Tỳ-kheo tà-quán các pháp, nên khởi tam lậu. A-La-Hán nầy không có tà-quán, nên chẳng khởi các lậu. Lại trong kinh nói: “Nếu dùng Thánh-huệ biết rồi thời không có thối”. Như quả Tu-Đà-Hoàn không có thối. Lại A-La-Hán khéo tướng biết ba món thọ: Sinh-tướng, diệt-tướng, vị quá-xuất-tướng, cho nên chẳng khởi kiết. Lại nói: Tỳ-kheo nếu giới, định, huệ ba việc thành-tựu, thời chẳng thối-chuyển. Lại A-La-Hán dứt kiết đã sinh, chưa sinh khiến chẳng sinh. Lại trong kinh nói: “Thiệt-hành Thánh-nhân, quyết không có thối”. A-La-Hán đã chứng tứ-đế, các lậu diệt hết rồi nên gọi là kẻ Thiệt-hành. Lại nói thất-giác gọi là pháp bất thối. A-La-Hán đầy đủ thất giác, cho nên chẳng thối. A-La-Hán chứng được bất-hoại giải thoát, cho nên chẳng thối. Lại A-La-Hán với trong Phật-Pháp, được lợi kiên-cố, chỗ gọi bất hoại giải thoát. Lại như người chặt tay, nghĩ hay chẳng nghĩ, thường gọi kẻ chặt tay, A-La-Hán cũng vậy, đã dứt kiết-sử, nghĩ hay chẳng nghĩ, thường gọi là dứt. Lại trong kinh nói: “Tín thảy các căn lợi, gọi là A-La-Hán”. Kẻ lợi căn quyết không có thối. Lại A-La-Hán năng ở trong pháp vô-thượng đoạn-ái, nên tâm khéo được giải thoát, rốt ráo diệt hết; ví như lửa cháy chỗ chưa cháy, cháy rồi chẳng trở lại cháy chỗ cũ. Tỳ-kheo cũng vậy, vì được thành-tựu 11 pháp nên quyết không có thối.
Hỏi: Có hai hạng A-La-Hán, ông đã dẫn kinh nói kẻ bất-thối.
Đáp: Đây là nói tổng tướng, các kẻ Học-nhân quyết chẳng buông lung. A-La-Hán chẳng cần nói riêng tướng bất thối. Lại như Phật nói kệ: Thắng nếu sinh lại, chẳng gọi là Thắng; thắng mà hay sinh, ấy gọi là chân-thắng. Lại A-La-Hán sinh đã hết nên chẳng còn thọ thân lại. Kinh của ngươi tuy nói A-La-Hán thối pháp ưng được lại. Nếu như vậy thì khả pháp cũng ưng chẳng thối. Nếu như Tỳ-kheo năng khiến các tướng chẳng sinh, gọi là A-La-Hán, cho nên không có thối.
PHẨM TÂM TÍNH THỨ 30
Luận giả nói: Có người nói tâm tính bổn tịnh, vì khách-trần, nên bất tịnh. Lại có người nói trái lại.
Hỏi: Do nhân duyên gì nói bổn tịnh, vì khách-trần, nên bất tịnh. Lại do nhân duyên gì mà nói trái lại?
Đáp: Kẻ nói trái lại cho rằng tâm tính chẳng phải bổn-tịnh vì khách trần nên bất-tịnh. Tại vì sao? Vì phiền não cùng tâm thường tương ưng mà sinh, chớ chẳng phải tướng khách-trần. Lại ba món tâm: Thiện, bất thiện, và vô-ký. Tâm-thiện và vô-ký là chẳng phải cấu, như bất thiện tâm vốn tự bất tịnh, chẳng bởi khách trần vậy. Lại nữa, tâm nầy niệm niệm sinh diệt chẳng đợi phiền não, nếu phiền não chung sinh thì chẳng gọi là Khách.
Hỏi: Tâm là chỉ biết sắc thảy, nhiên hậu lấy tướng; từ tướng sinh các phiền não, rồi cùng với tâm làm bẩn, nên nói bổn tịnh.
Đáp: Chẳng phải vậy, Khi tâm và tâm số này đã diệt chưa có tướng bẩn. Khi tâm-diệt rồi bẩn thấm vào chỗ nào?
Hỏi: Tôi chẳng cho tâm niệm niệm diệt nên nói như vậy, mà cho tâm nối nhau nên mới nói ô nhiễm?
Đáp: Tâm nối nhau nầy thế-Đế mới có, chớ chẳng phải chân thật nghĩa. Đấy chẳng nên nói. Lại thế-Đế cũng là nhiều lỗi: Tâm sinh đã diệt, chưa sinh thì chưa khởi, làm sao nối nhau. Vậy nên tâm tính chẳng phải bổn tịnh khách trần nên bất tịnh. Chỉ Phật vì chúng-sinh bảo tâm thường tại, cho nên nói bị khách trần làm ô nhiễm thời tâm bất tịnh. Lại Phật vì chúng-sanh biếng nhác, nên nghe tâm vốn bất tịnh, liền cho tính chẳng khá biến cải, thì chẳng phát tịnh tâm. Cho nên mới nói bổn-tịnh.
PHẨM TƯƠNG-ƯNG BẤT TƯƠNG-ƯNG THỨ 31
Luận giả nói: Có người nói tâm tương-ưng với các sử; lại có người nói tâm chẳng tương-ưng.
Hỏi: Do nhân-duyên gì nên nói tâm tương-ưng; lại do nhân-duyên gì mà nói chẳng tương-ưng?
Đáp: Kẻ nói tâm tương-ưng, trong sử phẩm sau sẽ nói. Lại tham dục thảy các nghiệp phiền não, nghiệp này các sử tương-ưng. Trong pháp của ngươi tuy nói tâm chẳng tương-ưng với sử, cùng với tâm tương-ưng làm nhân cho gút buộc. Việc nầy chẳng phải lẽ. Tại vì sao? Vì trong kinh nói do vô-minh, tà niệm, tà tư-duy thảy khởi tham thảy các gút, chứ không có kinh nào nói do sử sinh vậy. Trong pháp của ngươi tuy nói lâu tập luyện gút buộc thời gọi là sử-sinh. Việc này chẳng phải lẽ. Tại vì sao? Vì các nghiệp thân khẩu cũng có tướng lâu tập; đây chỉ nên có tợ sử-tâm bất tương-ưng hành, mà thật không có. Vì nếu như vậy thì các pháp đều từ nhân hiện tại mà sinh, không có nhân quá khứ. Vậy thời cũng chẳng cần từ nghiệp-sinh báo; cũng chẳng cần từ ý sinh ý-thức vậy. Lại nữa, các sử này vì niệm niệm diệt thời do nhân nào sinh?
Hỏi: Chung nhau làm nhân mà sinh?
Đáp: Ấy cũng chẳng phải lẽ, vì nhân quả không được nhất thời hiệp lại vậy. Việc này ra sau trong thí dụ đèn sẽ nói. Cho nên chẳng nên nói các sử chẳng phải tâm tương-ưng.
PHẨM QUÁ KHỨ NGHIỆP THỨ 32
Luận-giả nói: Đạo nhân Ca-Diếp-Bệ nói báo nghiệp đời quá-khứ chưa chịu thời có, các đời quá-khứ khác thời không có.
Đáp: Nghiệp nầy nếu mất là quá-khứ; quá-khứ nếu chẳng mất thời là thường. Mất là tên khác của quá-khứ. Mà vì mất rồi bị mất nữa, thời nghiệp nầy làm nhân cho quả-báo đã diệt, vì quả-báo ở sau khi sinh. Như trong kinh nói: “Vì việc nầy nên việc kia được sinh. Như khi sữa diệt làm nhân cho bơ. Thế thì cần gì phân biệt nghiệp quá-khứ ư? Mà nếu nói như vậy thời trong các nhân có lỗi, là vì sao không nhân mà Thức được sinh? Như thế thì không sữa làm sao có bơ? Nếu không có tứ-đại, thời thân khẩu các nghiệp nương đâu mà có? Nhưng lẽ như vậy, Tôi trước nói có quá-khứ có lỗi, kẻ kia nên đáp lại đi.
PHẨM BIỆN NHỊ BẢO THỨ 33
Luận-giả nói: Đạo nhân Ma-Hê-Xá-Bà nói Phật tại Tăng số.
Đáp: Nếu nói Phật tại trong tứ-chúng: Là hữu chúng, sinh-chúng, nhân-chúng và Thánh-nhân chúng, vậy thì chẳng lỗi. Nếu nói Phật tại trong Thanh-văn chúng, thế là có lỗi, vì do nghe pháp mà được giác ngộ gọi là Thanh-văn: và vì tướng Phật khác nên chẳng ở trong chúng nầy.
Hỏi: Phật đứng đầu Tăng, vì có người cúng thí Tăng.
Đáp: Thí nầy thuộc về bậc Tăng nào? Kinh nầy có chút lỗi. Vậy thì nên nói thí ấy thuộc về Phật Tăng.
Hỏi: Đức Phật bảo Cù-Đàm-Di rằng: “Đem áo nầy thí Tăng, tức cúng-dường Ta, mà cũng là cúng-dường Tăng”.
Đáp: Ý Phật nói đem ngữ ngôn vì cúng dường Ta, vật nầy cúng-dường Tăng. Như trong kinh nói: “Nếu người đi thăm kẻ bịnh, tức là thăm Ta”.
Hỏi: Có các người đã thành tựu Thánh-công-đức, như Xá-Lợi-Phất thảy đều ở trong Tăng số, Phật cũng như thế, vì đồng tướng vậy.
Đáp: Nếu đem đồng tướng thì những kẻ phàm-phu và phi-chúng-sanh số cũng vẫn có thể vào Tăng số được, mà đâu có được. Cho nên biết Phật chẳng thuộc vào trong Tăng. Và Phật chẳng vào Tăng-Yết-Ma tức xử đoán và cũng chẳng đồng các việc tăng-sự. Lại nữa, vì Tam-bảo riêng biệt, cho nên Phật chẳng ở trong Tăng.
PHẨM VÔ NGÃ THỨ 34
Luận giả nói: Đạo nhân Độc tử nói có ngã. Ngoài ra đều nói không có.
Hỏi: Thuyết nào là thật?
Đáp: Pháp vô-ngã thật. Tại vì sao?`Như trong kinh Phật bảo Tỳ-kheo rằng: “Chỉ vì danh tự, chỉ vì giả thi thiết, và chỉ vì hữu dụng, nên mới gọi là ngã mà thôi”. Bởi chỉ vì danh tự thảy, cho nên biết không có chân thật ngã. Lại như trong Kinh nói: “Nếu người nào không thấy khổ, thời người nầy thấy có ngã.” Nếu như thật thấy khổ thì chẳng còn thấy ngã. Nếu thật có ngã thì kẻ thấy khổ lẽ cũng thấy ngã. Lại nói: Thánh nhân chỉ vì tùy tục nên mới nói phô có ngã. Lại trong kinh Phật nói: “Ngã tức là động xứ” Nếu thật có thời chẳng gọi động xứ, như mắt có nên chẳng gọi động xứ. Lại như trong các kinh đều ngăn chấp ngã. Như Tánh Tỳ-kheo-ni bảo ma vương rằng: “Người gọi là chúng-sinh tức là tà-kiến”. Vì các nhóm hữu vi pháp đều là trống không không có chúng-sinh”. Lại nói: Các hành hòa hiệp nói nhau nên mới có tức là huyễn-hóa dối gạt phàm phu, đều là kẻ oán giặc, như tên đâm vào tim, không có chắc thật. Lại nói: Vô-ngã, vô-ngã sở, vô chúng-sinh, vô nhân, chỉ là trống không. Tướng ngũ-ấm sinh diệt bại hoại mới có nghiệp, có quả báo mà thôi, chớ kẻ tác giả bất-khả-đắc. Các duyên hòa hiệp nên mới có các pháp nối nhau. Vì các lý do nầy nên trong các kinh Phật đều ngăn chấp ngã. Cho nên không có ngã.
Lại như trong kinh giải nghĩa Thức: Sao gọi là Thức? Nghĩa là năng biết sắc cho đến biết pháp chớ chẳng nói biết ngã. Vậy nên không có ngã. Quần-Na Tỳ-kheo hỏi Phật rằng: Ai ăn, thức ăn chăng? Phật đáp: “Ta chẳng nói có kẻ ăn thức ăn”. Nếu có ngã nên nói ngã ăn thức ăn. Vì chẳng nói cho nên biết không có ngã. Lại như nói kinh Bình-Sa-Vương nghinh Phật nói: “Phật bảo các Tỳ-kheo rằng: Các ngươi xem những kẻ phàm-phu đuổi theo giả danh cho là có ngã. Trong ngũ ấm nầy thật không có ngã và ngã sở”. Lại nói vì ngũ ấm nên có các thứ tên: Là ngã, chúng-sinh, nhân, thiên thảy, như vậy vô lượng danh từ đều vì ngũ ấm mà có. Nếu có ngã thời lẽ nên nói nguyên nhân ngã. Lại như ông trưởng lão Phất-Ni-Ca bảo với ngoại đạo rằng: “Nếu người tà kiến không mà cho là có”. Phật muốn dứt tà mạn nầy chớ chẳng dứt chúng-sinh. Cho nên nói không ngã.
Lại như trong kinh Viêm-Ma-Già, ngà Xá-Lợi-Phất bảo với Viêm-Ma-Già rằng: “Ngươi thấy sắc-ấm là A-La-Hán chăng?
Đáp: Chẳng phải.
Hỏi: Thấy thọ, tưởng, hành, thức là A-La-Hán chăng?
Đáp: Cũng chẳng phải.
Hỏi: Thấy ngũ-ấm hòa-hợp là A-La-Hán chăng?
Đáp: Cũng chẳng phải.
Hỏi: Thấy lìa ngũ-ấm là A-La-Hán chăng?
Đáp: Cũng chẳng phải nữa.
Xá-Lợi-Phất nói: Nếu như vậy thì xét tìm chẳng khá được, thì có nên nói A-La-Hán sau khi chết không có chăng?
Đáp rằng: Thưa Ngài Xá-Lợi-Phất! Tôi trước đã có ác-tà-kiến nay được nghe nghĩa nầy, tà kiến kia liền diệt”. Nếu như có ngã thời chẳng gọi là ác-tà. Lại trong tứ-thủ nói: “Ngã-ngữ-thủ. Nếu thật có ngã, nên nói ngã-thủ, như dục-thủ thảy, chứ chẳng nên nói ngã ngữ thủ. Lại như trong kinh Tỳ-ni nói: “Với trong tam-sư, nếu có Sư nào bất-đắc hiện-ngã hậu-ngã, Ta nói Sư này là Phật đấy”. Vì Phật là bất-đắc nên biết không có ngã. Lại trong vô ngã cho ngã-tưởng là điên-đảo. Nếu trong ý ngươi cho ngã-tưởng trong ngã chẳng phải điên-đảo ấy là chẳng phải lẽ. Tại vì sao? Vì Phật nói: “Chúng-sinh thấy có bao nhiêu ngã, đều là thấy ngũ-ấm đấy”. Vậy nên không có ngã. Lại nói chúng-sinh nghĩ nhớ bao nhiêu túc-mạng cũng đều là nghĩ ngũ ấm đấy. Nếu như có ngã cũng nên nghĩ-ngã, vì chẳng nghĩ nên biết không ngã. Nếu trong ý ngươi bảo cũng có kinh nói nghĩ nhớ chúng-sinh, như với trong chúng-sinh nào đó. Ta gọi tên chúng-sinh đó. Việc này cũng chẳng phải lẽ. Vì đây là thế-đế phân biệt, nên nói là thật nghĩ ngũ-ấm, chớ chẳng phải nghĩ chúng-sinh. Tại vì sao? Vì ý thức nghĩ; ý-thức chỉ duyên nơi pháp. Vậy nên không có nghĩ nghĩ nhớ chúng-sinh. Lại như có người nói quyết định có ngã, thời với trong sáu món tà-kiến quyết đọa về một món. Nếu trong ý ngươi bảo không ngã cũng là một thứ tà-kiến ấy, là chẳng phải lẽ. Tại vì sao? Vì hai Đế vậy. Nếu đem thế-Đế nói không ngã; đem đệ-nhất-nghĩa-đế nói có ngã, vậy là có lỗi. Ta nay nói đệ-nhất-nghĩa-đế nên không lỗi, thế-đế nên có. Vậy nên không lỗi. Lại Phật nói nhổ gốc ngã-kiến, như trong lời hỏi của vua Si-vương. Phật đáp: “Này Si-vương! Nếu người đem một lòng quán các thế-gian là trống không, thời nhổ được gốc ngã-kiến, chẳn còn thấy vua chết nữa”. Lại như các thuyết nói nhân duyên có ngã buồn vui các việc đều do ngũ-ấm mà ra. Và vì phá các ngã-kiến nhân-duyên của ngoại đạo. Vậy nên không có ngã.
PHẨM HỮU-NGÃ VÔ-NGÃ THỨ 35
Hỏi: Ông nói Vô-ngã, việc nầy chẳng phải lẽ. Tại vì sao? Vì trong bốn món.
Đáp: Món thứ bốn là bỏ đáp: Nghĩa là người sau khi chết, hoặc có hoặc không, cũng có cũng không, chẳng phải có chẳng phải không. Nếu thật không ngã thời chẳng nên có lối bỏ đáp nầy. Lại như người nào nói không có chúng-sinh thọ thân sau ấy tức là tà-kiến. Lại trong mười hai bộ kinh, có kinh bổn-sinh Phật tự nói lời: Vua Đại-Hỷ-Kiến kia tức là thân ta thuở xưa vậy. Có cái việc bổn sinh như vậy. Ngũ-ấm nay chẳng phải ngũ-ấm xưa. Vậy nên có ngã từ xưa đến nay. Lại Phật nói nay mừng sau mừng làm lành hai đời mừng. Nếu chỉ có ngũ-ấm, thì chẳng nên nói hai đời mừng. Lại trong kinh nói: “Tâm dơ nên chúng-sinh dơ; tâm sạch nên chúng-sinh sạch”. Lại như một người sinh thế-gian, nhiều người bị suy não; lại một người sinh thế-gian, nhiều người được lợi ích. Lại như gây nghiệp nhân lành hay chẳng lành đều nương nơi chúng-sinh chứ chẳng nương phi chúng-sinh-số. Lại nhiều chỗ trong kinh Phật tự nói: Ta nói có chúng-sinh năng thọ thân sau, và năng tự lợi mà chẳng lợi tha-thảy. Vì các lẽ ấy nên biết có ngã, ông trước tuy nói chỉ vì danh tự thảy. Việc này chẳng phải lẽ. Tại vì sao? Là Phật chỉ vì ngoại-đạo nói lìa ngũ ấm riêng chấp có ngã tướng thường chẳng hoại. Muốn dứt tà-kiến nầy nên mới nói không ngã. Nay chúng tôi nói ngũ-ấm hòa-hiệp, gọi đó là ngã nên không bị lỗi. Lại tuy nói: Ngã chỉ vì danh tự thảy, nên suy nghĩ kỹ lời nói nầy: Nếu chúng-sinh chỉ có danh tự ấy, thì như giết trâu đất chẳng bị tội sát nếu giết trâu thiệt cũng chẳng nên có tội. Lại như trẻ con đem vật danh tự cúng thí, đều có quả báo, người lớn đem thí cũng nên được báo mà thật chẳng có được. Lại chỉ danh tự nên không mà nói có ấy, Thánh-nhân nên có vọng ngữ sao? Vì thật ngữ mới gọi là Thánh-nhân chứ! Nên biết có ngã. Lại như Thánh-nhân thấy thật ngã mà tùy tục nên nói có ngã ấy thời là thấy điên đảo, vì nói khác vậy. Lại như vì tùy-tục không mà nói có, thời chẳng nên lại nói thật nghĩa trong kinh là 12 nhân duyên, ba món giải thoát, và các pháp vô ngã thảy. Nếu người bảo có đời sau tùy mà nói có, trái lại người bảo không, cũng tùy mà nói không; và bảo muôn vật trong thế gian đều từ Tự-Tại-Thiên mà sinh. Các món kinh thơ tà-kiến như vậy, cũng đều nên tùy mà nói theo? Các việc ấy đều chẳng nên. Vậy nên ông đã dẫn kinh đều bị tổng phá hết. Vậy nên chẳng phải không có ngã.
Đáp: Ngươi trước nói vì bỏ đáp nên biết có ngã ấy. Việc nầy chẳng phải lẽ. Tại vì sao? Vì đây là pháp bất-khả-thuyết. Qua trong món diệt-đế sau sẽ phân-biệt nói nhiều. Cho nên không có thật ngã. Và bất-khả-thuyết ấy, chỉ vì giả danh mà nói, chứ chẳng phải thật có vậy. Lại ngã trong pháp của ngươi lấy sáu Thức mà biết, như trong kinh của ngươi nói: Nhờ nhãn thấy sắc cho nên ngã hoại. Vậy thì cái bị biết của nhãn-thức là chẳng nên nói phi-sắc phi phi-sắc, thanh thảy cũng vậy. Lại nữa, nếu ngã là cảnh bị biết của sáu thức thời cũng với kinh trái nhau. Vì trong kinh nói: Năm tình-thức không thể thay đổi nhau mà lấy năm trần, vì chỗ chủ khác vậy. Nếu lấy được sáu thức mà biết ngã, thời sáu căn thay nhau dùng. Lại lời ngươi đã nói trước sau vẫn trái nhau: Bị biết của nhãn-thức chẳng gọi là sắc. Lại ngươi nói: “Vô-ngã là tà-kiến” ấy. Trong kinh Phật tự bảo các Tỳ-kheo rằng: “Tuy không có ngã, nhưng vì các hành nối nhau, mới nói có sinh tử. Ta dùng thiên-nhãn thấy các chúng-sanh khi sinh khi chết”. Cũng chẳng nói là ngã. Lại trong pháp của ngươi có lỗi: trong pháp ngươi nói: Ngã Bất-sinh. nếu bất-sinh thời không cha mẹ; không cha mẹ thời không có nghịch tội, cũng không có các tội tội nghiệp khác nữa. Vậy nên pháp ngươi tức là tà-kiến. Lại ngươi nói có bổn-sinh ấy. Bởi ngũ-ấm nên gọi là Hỷ-Kiến-vương, tức ngũ ấm kia nối nhau, nên gọi là Phật. Cho nên nói Ta là vua kia. Trong pháp ngươi Ngã là một, vậy chẳng nên phân-biệt. Lại ngươi nói làm lành hai đời mừng ấy. Trong kinh Phật tự ngăn việc nầy, nói Ta chẳng nói có kẻ bỏ ngũ-ấm nầy thọ ấm kia, chỉ vì ngũ-ấm nối nhau chẳng khác, nên mới nói hai đời mừng. Lại ngươi nói tâm dơ nên chúng-sinh dơ ấy. Do đó nên biết không có thật ngã. Nếu có thật ngã nên cùng với tâm khác, chẳng nên nói tâm dơ nên chúng-sinh dơ. Tại vì sao? Vì không thể kia dơ mà đay chịu vậy; chỉ vì giả danh nhân-duyên mới có dơ nên nói giả danh dơ. Vậy nên giả danh là ngã, chẳng phải chận thật vậy. Lại như pháp ngươi nói Ngã chẳng phải ngũ-ấm. Vậy thì chẳng sinh chẳng diệt, không có tội phước gì cả, có những lỗi như vậy. Chúng tội nói ngũ-ấm hòa hiệp giả danh là ngã. Nhân ngã nầy vậy nên có sinh có diệt, và có cả tội phước nữa, chẳng phải là không có giả danh, nhưng chẳng phải thật vậy.
Lại như trước ngươi nói “Ý muốn phá ngoại-đạo nên Phật nói không ngã” ấy. Đó là ngươi tự vọng tưởng phân-biệt như thế, chớ y Phật chẳng phải vậy. Lại các thuyết nói có ngã đều là lầm lỗi, như ngươi nói ngoại-đạo rời ngũ-ẩm rồi riêng chấp có ngã, ngươi cũng như vậy. Tại vì sao? Vì ngũ-ấm vô-thường mà ngã chẳng-khá nói hoặc thường hay vô-thường, tức là rời ấm. Lại nữa ấm có ba phần: Giới-định-tuệ; thiện, bất thiện, vô-ký; buộc dục-giới, sắc-giới, vô-sắc-giới. Phân biệt như thế, ngã chẳng-khá được vậy, nên khác với ngũ-ấm. Lại ngã là người, mà ngũ-ấm chẳng phải người, thời là khác vậy. Lại ấm là năm, mà ngã là một, vậy nên ngã chẳng phải ấm vậy. Nếu mà có ngã, vì các duyên do nầy thì khác với ngũ-ấm. Lại thế-gian không có một pháp nào mà chẳng-khá-nói một chẳng khá-nói khác, vậy nên không có pháp chẳng-khá-nói.
Hỏi: Như đốt và khá đốt, tức vật có thể đốt, chẳng được nói một, chẳn được nói khác. Ngã cũng như vậy?
Đáp: Đấy cũng là đồng nghi. Cái nào là đốt, cái nào khá đốt? Nên thứ lửa là đốt thứ khác là khá đốt, thời đốt khác với khá đốt. Nếu thứ lửa tức khá đốt, làm sao nói chẳng một? Nếu thứ khá đốt tức là thứ lửa; nếu rời thứ lửa, cũng đều chẳng đốt, nên mới gọi là đồng nghi. Nếu trong đốt, có khá đốt, như trong ngã có sắc, tức đọa thân kiến. Lại phải nhiều ngã, như lửa củi khác, lửa phân trâu khác; ngã cũng như thế, ngã nhân ấm khác, ngã thiên ấm khác, tức là nhiều ngã. Lại như đốt khá tốt ở trong ba đời; ngã và ngũ ấm cũng phải như vậy, ở trong ba đời, như đốt và khá đốt. Vì là hữu-vi nên ngã và ngũ ấm cũng phải là hữu-vi. Lại tuy ngươi nói: Đốt và khá đốt chẳng một chẳng khác.. Nhưng mắt thấy tướng khác ngã và ngũ ấm cũng phải có khác. Lại ngũ ấm mất, mà ngã chẳng mất, vì chết nơi đây, sinh đến nơi kia, có hai đời mừng vậy. Nếu tùy theo ngũ-ấm có mất có sinh, thời đồng như ngũ ấm chẳng được gọi hai đời mừng. Ngươi dùng vọng tưởng phân biệt có ngã, được những lợi gì? Lại như các món trần không có một trần bị biết của cả sáu thức. Ngã mà ngươi đã nói có thể sáu thức đều bị biết thời chẳng phải là sáu trần.
Lại chẳng nhiếp thuộc 12 nhập, thời chẳng phải các nhập. Chẳng nhiếp tứ-đế. Vậy nên, nếu nói có ngã tức là vọng ngữ. Lại trong pháp ngươi nói pháp khá biết là năm pháp tạng quá khứ, vị lai, hiện tại, vô-vi và pháp bất-khả-thuyết. Ngã ở vào trong pháp thứ năm, thời khác với bốn pháp kia. Ngươi muốn cho khác với bốn pháp trước mà chẳng phải thứ năm là không thể được. Như nói ngã là bị các lỗi nầy thì cần gì vọng tưởng phân biệt ngã làm chi ư? Vậy nên trước ngươi nói có câu: “Ngoại đạo rời ngũ ấm rồi riêng chấp có ngã, chúng tôi chẳng phải vậy.” Việc nầy chẳng phải lẽ. Lại trước ngươi nói ngã chỉ giả danh nên nghĩ kỹ ấy. Việc nầy chẳng phải lẽ. Lại trước ngươi nói ngã chỉ giả danh nên nghĩ kỹ ấy. Việc nầy chẳng phải lẽ. Tại vì sao? Vì là trong Phật-Pháp nói việc thế đế chẳng cần nghĩ kỹ. Lại ngươi nói vọng ngữ thấy điên đảo, cũng lại như vậy. Lại như ngươi nói: “Chẳng nên nói thật nghĩa trong kinh” ấy. Việc nầy nên nói, vì khiến cho biết đệ nhất nghĩa vậy. Lại ngươi nói, nói chỗ thế gian, đều nên tùy ấy. Nếu nói từ Tự-Tại-thiên sinh muôn vật thảy là chẳng nên thọ; nếu có lợi ích, chẳng trái với thật nghĩa thế là nên thọ. Vậy không lỗi. Như trong thế đế năng sinh công đức, năng có lợi ích, như vậy nên thọ. Ra sau sẽ nói rộng. Lại ngươi nói giết trâu đất thảy, không tội sát ấy. Giờ đây mới đáp: Nếu đối với các loài có tình thức, các ấm nối nhau thời có nghiệp và nghiệp báo; với trong trâu đất thảy không có việc như thế. Vậy nên phải biết ngũ ấm hòa hiệp giả danh là ngã, chớ chẳng phải thật có vậy.
PHẨM SẮC-TƯỚNG TRONG SẮC LUẬN NHÓM KHỔ -ĐẾ THỨ 36
Hỏi: Trước ông nói sẽ nói luận thành-thật. Nay phải nói những gì là thật?
Đáp: Tứ-đế là thật. Là khổ, khổ nhân, khổ diệt, khổ diệt đạo. Năm thọ ấm là khổ. Các nghiệp và phiền não là khổ nhân. Hết khổ là khổ diệt. Tám Thánh đạo là đạo diệt khổ. Vì muốn thành lập pháp ấy nên mới tạo luận nầy. Đức Phật cũng tự lập thành pháp nầy, vì muốn độ chúng-sinh nên đã nói tản mát ở nhiều chỗ. Lại Phật lược nói pháp-tạng có tám mươi bốn ngàn, trong ấy có bốn y, tám nhân, nghĩa nầy hoặc bỏ mà chẳng nói, hoặc có nói cũng chỉ lược thôi. Tôi nay muốn soạn tập có thứ lớp khiến nghĩa rõ ràng nên mới nói.
Hỏi: Ông nói năm thọ ấm là khổ đế; những gì là năm?
Đáp: Sắc, thức, tưởng, thọ và hành là năm ấm. Sắc ấm là tứ đại, và tư-đại sở nhân thành pháp, cũng nhân tứ-đại sở thành, chung gọi là sắc. Tứ-đại: Địa, Thủy, Hỏa, Phong; do sắc, hương, vị và xúc nên thành tứ đại. Do tứ-đại nầy thành nhãn thảy năm căn. Các món này chạm nhau nên mới có tiếng. Địa là sắc thảy nhóm họp cứng nhiều, nên gọi là Địa. Như vậy ướt nhiều gọi Thủy; nóng nhiều gọi là Hỏa; nhẹ động nhiều gọi Phong. Nhãn căn là chỉ duyên sắc và làm chỗ nương cho nhãn-thức, và khi đồng tánh chẳng nương, đều gọi nhãn-căn. Bốn căn kia cũng như vậy. Sắc là chỉ làm chỗ bị duyên cho nhãn thức, và khi đồng tánh chẳng duyên, gọi là Sắc, Hương, Vị, Xúc cũng vậy. Các món này chạm nhau nên có tiếng.
PHẨM SẮC DANH THỨ 37
Hỏi: Trong kinh nói các sắc bị có đều là tứ đại, và sở nhân thành tứ đại. Vì sao nói các bị có “đều là” ư?
Đáp: Nói bị có đều là, là quyết định nói sắc tướng, chớ không nói gì khác. Vì những kẻ ngoại đạo nói có Ngũ-đại. Vì muốn bỏ thuyết này, nên nói tứ-đại. Sở nhân thành tứ-đại: là tứ-đại giả danh nên mới có. Khắp đến nên gọi là Đại. Pháp không sắc không hình; vì không hình, nên không phương; vì không phương nên chẳng gọi là Đại. Lại vì thô hiện lên nên gọi là Đại tâm, tâm số pháp chẳng hiện, nên chẳng gọi là Đại.
Hỏi: Vì sao gọi Địa thảy pháp là sắc, mà chẳng gọi thanh thảy?
Đáp: Pháp có đối gọi là sắc, thanh thảy đều có đối nên cũng gọi là sắc, chớ chẳng phải như tâm pháp thảy. Có hình nên gọi là sắc; thanh thảy đều có hình nên cũng gọi là sắc. Ngăn ngại nơi chỗ, nên gọi là hình.
Hỏi: Sắc thảy chẳng phải đều có hình, thanh thảy mới không hình.
Đáp: Thanh thảy tất cả có hình; vì có hình, vì có đối, có ngăn ngại, nên bị vách ngăn thì chẳng nghe.
Hỏi: Nếu thanh thảy có ngăn ngại, thời lẽ chẳng dung thọ các vật, như vách ngăn nên không dung được gì.
Đáp: Vì thanh nhỏ nhiệm nên có thể dung thọ được, như hương vị thảy nhỏ nhiệm nên chung nương một hình, mà chẳng phòng ngại nhau. Vậy nên thanh thảy, vì có ngại có đối, nên đều gọi là sắc. Lại vì tướng nó khá não hoại, nên gọi là sắc. Bao nhiêu sự cắt đứt tàn hại thảy, đều nương nơi sắc; vì trái với sắc nầy, nên mới gọi là vô sắc định. Lại chỉ rõ nghiệp lành dữ đời sống trước, nên gọi là sắc. Lại cũng chỉ rõ tâm và tâm số pháp, nên gọi là sắc. Lại vì xưng danh, nên mới gọi là sắc.
PHẨM TỨ-ĐẠI GIẢ-DANH THỨ 38
Hỏi: Tứ-đại là giả-danh, nghĩa nầy chưa thành lập được vì có người tứ-đại là thật có?
Đáp:Tứ-đại giả-danh nên mới có. Tại vì sao? Phật vì ngoại đạo nên nói tứ-đại. Có các ngoại-đạo nói sắc thảy tức là đại, như phái Tăng-khê thảy. Hoặc nói rời sắc thảy là đại, như phí Vệ-thế-sư thảy. Cho nên kinh nầy quyết định nói nhân sắc thảy mới thành địa thảy các đại. Cho nên biết các đại là giả danh có. Lại như kinh nói địa-chủng là cứng và nương cứng. Vậy nên biết chẳng những cho cứng là địa. Lại người đời cũng đều tin các đại là giả danh có. Tại vì sao? Vì người đời nói thấy đất, ngửi đất, đụng đất và mùi đất. Lại trong kinh nói: “Địa khá thấy và có đụng chạm”. Lại vào địa thảy, tất cả trong vào, người ấy thấy sắc đất mà chẳng thấy cứng thảy. Lại người chỉ ra sắc đất, hương đất, vị đất, xúc đất; trong pháp thật có, không thể chỉ ra gì khác. Lại nghĩa tên đại là khắp cùng vậy, tướng nầy nói trong giả-danh, mà chẳng những trong tướng cứng. Lại nói đất ở trên nước là giả danh đất ở, chẳng những cứng ở. Lại nói chốn đại-địa bị đốt cháy tận diệt mà không có khói than là đốt giả danh địa, chẳng những đốt cứng. Lại vì sắc thảy nên tin có địa thảy, chẳng những cứng thảy. Lại trong thí dụ giếng nói nước cũng thấy cũng xúc, như ướt là nước thì chẳng có hai thứ được. Tại vì sao? Vì Phật nói năm tình-thức không thể thay nhau lấy trần cảnh. Cho nên Phật nói nước có tám công-đức; nhẹ-nhàng, mát-mẻ, mềm-mại, ngon-ngọt, trong-sạch, chẳng hôi, mỗi khi uống vào điều-hòa khoan-khoái, và uống rồi không bịnh hoạn. Trong đây như nhẹ-mát-mềm đều thộc về xúc-nhập, ngọn thuộc về vị-nhập, trong sạch thuộc về sắc-nhập, chẳng hôi là hương-nhập, đều-khoan và không bịnh là thế-lực của nước. Tám món hòa-hiệp nầy gọi chung là nước. Cho nên biết các Đại là giả-danh có. Lại pháp nhân-sở-thành đều là giả-danh không thật có vậy. Như trong kệ nói: Bánh thảy hòa-hiệp, nên gọi là xe; Năm-ấm hòa-hiệp, nên gọi là người. Lại như A-Nan nói: Các pháp nhiều duyên thành, Ngã không quyết định chỗ. Lại như người nói: Cứng thảy là Đại. người ấy cho cứng thảy làm chỗ bị nương cho sắc thảy. Vậy thì có nương, có chủ chẳng phải là thật-pháp. Cho nên biết tứ-đại đều là giả-danh. Lại trong các pháp có mềm-mịn trơn láng thảy, đều là nhiếp-thuộc về xúc-nhập; cứng thảy bốn pháp có nghĩa gì đâu mà được độc-đắc là Đại? Lại nữa, một món mà có bốn chấp, đều có sai lầm. Vậy nên biết tứ-đại là giả-danh. Lại thật pháp hữu-tướng, giả danh hữu-tướng, và giả-danh sở-năng. Ra sau sẽ nói rộng. Vậy nên tứ-đại chẳng phải thật có vậy.
PHẨM TỨ-ĐẠI THẬT-HỮU THỨ 39
Hỏi: Tứ-đại là thật có. Tại vì sao? Vì trong A-Tì-Đàm nói: “Tướng cứng là địa-chủng, tướng ướt là thủy-chủng, tướng nóng là hỏa-chủng, tướng động là phong-chủng”. Vậy nên tứ-đại là thật có. Lại sắc thảy tạo sắc, do tứ đại sinh, giả danh có thời không thể sinh pháp được. Lại vì cứng thảy chỉ có tứ-đại, chỗ gọi cứng, nương cứng là Địa. Vậy nên cứng thảy là thật đại. Lại như trong kinh Phật nói hai món: Cứng nương cứng, ướt nương ướt thảy. Vậy nên biết cứng là thật pháp, nương cứng là giả-danh. Các Đại khác cũng vậy. Vậy nên cứng thảy là thật đại. Pháp nương cứng vì tùy tục nên gọi là Đại thôi. Vậy nên mới có hai thứ Đại vừa thật vừa cũng giả-danh. Lại như trong A-Tì-Đàm nói: “Hình xứ là Địa, tướng cứng là Địa-chủng”. Các đại khác cũng như vậy. Lại trong kinh Phật nói: “Trong nhãn hình có bao nhiêu cứng là Địa; ướt và nương ướt là Thủy; nóng và nương nóng là Hỏa.” Hình thịt là Địa. Trong hình thịt nầy Phật nói có tứ-đại, thời phải biết cứng thảy là thật Đại, mà hình là giả-danh Đại. Lại Phật chẳng nói trong Phong có nương, nên mới biết Phong là thật đại. Lại như ngươi nói tứ-đại là giả-danh, thì rời tướng Đại, nếu nương cứng gọi là Địa-chủng ấy thời Thủy nương vật cứng, thủy tức là Địa? viên đất bùn nương ướt, đất bùn tức là Thủy? Như người bị bịnh nóng, cả thân đều nóng, thân tức là Hỏa? Việc nầy chẳng phải lẽ. Vậy nên chẳng được nói nương cứng là Địa-chủng, mà chỉ cứng mới là Địa-chủng. Các Đại khác cũng như vậy.
Lại nữa, tứ-đại chúng sinh, cho nên chẳng rời nhau. Như trong kinh nói: “Bao nhiêu sắc bị có, đều do tứ-đại tạo thành”. Nếu người nói tứ-đại là thật, thời chẳng rời nhau. Mà nếu tứ đại giả danh thời phải rời nhau. Tại vì sao? Vì các món sắc thảy nương cứng, rời các món ướt thảy, như vậy thời trong nhãn hình không có tư-đại thời cũng với knh trái nhau. Ông muốn chẳng trái với kinh thời nên công nhận tứ-đại là thật. Trước ông nói: “Vì ngoại-đạo nên nói tứ-đại” ấy. Việc nầy chẳng phải lẽ. Tại vì sao. Vì các bọn ngoại đạo nói tứ-đại cùng với sắc thảy hoặc một hoặc khác. Chúng tôi nói thuộc vào xúc nhập một phần ít là tứ-đại. Vậy nên không bị lỗi. Lại chúng tôi nói hiện thấy cứng thảy là tứ-đại, chớ chẳng phải như người phái Vệ-thế-sư nói tứ-đại cũng có mà chẳng phải hiện thấy. Lại ông nói cứng và nương cứng ấy. Nghĩa nương có hai thứ, như trong kinh nói: Sắc nương sắc. Lại nói tâm nương đại-pháp. Trong nghĩa nầy nói cứng tức là nương cứng, mà không nói pháp nào khác. Nếu như vậy đâu có lỗi chi ư? Lại ông nói người đời đều tin, cho đến nước có tám thứ công-đức. Đó chỉ là tùy tục mà nói vậy thôi, chớ chẳng phải là thật đại. Lại ông nói pháp nhân-sở-thành, đều là giả danh. Việc nầy chẳng phải lẽ. Tại vì sao? Vì trong kinh nói: “Nếu sáu nhập, hoặc nhân sáu xúc-nhập sở-thành-pháp”. Lại Tỳ-kheo hỏi Phật: Những gì là mắt? Phật đáp: Nhân tứ-đại tạo thành sắc thanh tịch, đấy gọi là mắt. Như vậy thành mười hai món nhập. Lại ông nói có chủ có nương. Chúng tôi chẳng nói như thế, mà chỉ nói: Pháp trụ ở trong pháp thối. Lại ông nói: “Cứng thảy có nghĩa gì mà được độc đắc gọi là Đại” ấy. Cứng thảy có nghĩa là chỗ gọi tướng cứng năng gìn giữ; tướng nước năng thấm ướt; tướng lửa năng làm nóng; còn gió năng thành-tựu. Vậy nên tứ-đại là thật.
Thành thật luận hết quyển 3.