Con yêu dấu,

Năm nay mùa Xuân đến sớm, cây đào sau vườn mới hôm nào còn trơ trụi mà nay đã đâm chồi nẩy lộc, và chẳng bao lâu sẽ tràn ngập những hoa. Năm nay con đã đi xa, con đã cùng chồng khởi sự xây dựng một đời sống mới tại một tiểu bang mà giờ này có lẽ tuyết vẫn còn phủ đầy. Nhìn những nụ hoa đang hé nở, mẹ nghĩ đến con và muốn viết vài dòng cho con.

Đáng lý ra, mẹ định nói với con về vấn đề này trước khi con lập gia đình nhưng mẹ thấy con quá bận rộn cả trăm thứ việc, nào là lo cho đám cưới, rồi lại sửa soạn dọn đi xa cùng chồng, nên hôm nay mẹ mới có dịp tâm sự với con.

Thư mẹ gửi con gái khi lấy chồng

Con thương, mẹ biết con rất yêu chồng, con thán phục trí thông minh và dáng điệu hiên ngang quyến rũ của chồng nhưng ngoài những điều hoàn toàn đó, con cần phải tìm hiểu những sự bất toàn của chồng con nữa. Có như thế con mới có thể yêu chồng, giúp đỡ chồng thật sự và không thất vọng khi nhận thấy những khuyết điểm của chồng con.

Con hãy quý trọng công việc của chồng con. Khi kết hôn, đương nhiên đời con đã liên kết với công việc của người chồng rồi. Mẹ biết có lúc con có cảm tưởng rằng, chồng con mải mê với công việc đến nỗi quên cả con. Sự thật không phải thế đâu, mà vì hoàn tất một công việc đối với người đàn ông, cũng chẳng khác nào việc sinh sản đối với người đàn bà. Cả hai đều có những lý do quan trọng cần phải hoàn tất như nhau.

Con hãy tập tính kiên nhẫn chịu đựng, để thu xếp mọi việc một cách ôn hoà, vì nhiều người con gái nghĩ rằng họ được sinh ra để được nâng niu chìu chuộng và ngày đêm chỉ có bấy nhiêu thôi. Đành rằng người chồng phải chiều chuộng vợ, chăm nom săn sóc cho vợ, nhưng con hãy can đảm sẵn sàng chấp nhận những cơn nóng giận, những sự bực tức của chồng con, vì sự bực bội nào cũng cần có chỗ xả hơi cho thoải mái. Con hãy tự coi mình như một “cột thu lôi” sẵn sàng đón nhận mọi sự sấm sét của chồng, vì phần lớn đàn ông nào cũng thế, khi họ đã trút bỏ những khó khăn dằn vặt của công việc hằng ngày, thì họ đều tỏ ra độ lượng khoan dung.

Con hãy ghi nhớ điều này: Dù chồng con có thành công rực rỡ thế nào nhưng luôn luôn trong tiềm thức, vẫn còn những điểm hoài nghi, lo lắng, cần được một người tin cậy trấn an thì mới yên lòng, vì trong người đàn ông nào cũng có một “cái mầm” của đứa bé con, luôn luôn cần được “người mẹ” an ủi, trấn tĩnh. Đó là một sự thực hiển nhiên.

Con cần tỏ ra biết lắng nghe những lời thổ lộ của chồng, vì tất cả mọi người đàn ông đều cần có người để tâm sự những ước mong, kế hoạch, những xung đột trong nội tâm mà họ không thể giải quyết. Họ cần có đôi tai tin cậy của vợ để tâm sự, mà không sợ bị chế diễu, chê cười. Do đó, con hãy lắng nghe với một quan niệm cởi mở và trình bày ý kiến của mình một cách vui vẻ, thiện cảm. Nhưng cũng có lúc, con cần phải giữ yên lặng, tránh xung đột ý kiến, gây nên những cuộc cãi vã. Tất nhiên, chồng con cũng cần biết tự kiềm chế, nhưng con nên ý thức rằng bản tính của người đàn ông là chinh phục, và bản năng của người đàn bà là kiềm chế, để rồi chinh phục lại.

Con cần tỏ cho chồng con biết rằng, con cần chàng. Mẹ đã thấy có nhiều người đàn bà giận dữ: “Chồng tôi cứ chạy theo những người đàn bà khác, tôi sẽ cho hắn biết rằng tôi không cần hắn, tôi muốn ly dị”. Với những người đàn bà đó, mẹ đã khuyên: “Chị hãy tìm đến người chồng, bảo chàng ôm lấy mình rồi thổ lộ: “Em là vợ anh, hãy yêu em, giúp đỡ em vì em cần anh”.

Chỉ cần cho người đàn ông biết rằng, mình cần tình yêu của họ, thì tức khắc người đàn ông đó sẽ ban rải những tình yêu chân thành ngay. Điều này hết sức mầu nhiệm, vì con hỡi, bản tính của người đàn ông là cho ra, mà đàn bà là nhận vào. Do đó, tuyệt đối đừng bao giờ tỏ ra mình không cần họ, mà đạt những kết quả bất lợi.

Đừng tưởng rằng, kết hôn rồi ta phải từ bỏ tất cả chỉ biết đến gia đình thôi. Con cần biết sắp đặt thời giờ cho gia đình, và cho chính mình nữa. Nếu con thích thi văn, hội họa, âm nhạc hay thể thao, thì hãy tiếp tục trau dồi những thiên tư này, để điểm tô cho đời sống, nhưng con cần nhớ rõ, gia đình bao giờ cũng là ưu tiên trong mọi vấn đề. Khi con đã quyết định chia sẻ cuộc đời với một người, cả hai đã trở nên một đơn vị gia đình, và cái đơn vị này lúc nào cũng quan trọng hơn cả.

Con thương yêu, có nhiều việc nhỏ mà con cần lưu tâm, để đem lại hương vị cho gia đình nhưng cũng có những việc nhỏ, mà con không nên quan trọng hóa để tránh những phiền phức. Biết được việc nhỏ nào đáng ghi nhớ hay đáng bỏ qua, là một điều hết sức quan trọng. Làm được như vậy, thì chắc chắn chồng con sẽ yêu và kính nể con rất nhiều.

Còn đừng ngần ngại vì tỏ ra dễ dãi. Đó không phải là sự yếu đuối, trái lại, nó là dấu hiệu của sự trưởng thành, vì có trưởng thành mới nhận định được ở cái thế giới phức tạp này, có nhiều quan niệm khác với ý kiến của mình nhưng vẫn hữu lý. Con không nên băn khoăn vì ý kiến của mình khác với chồng, vì hôn nhân là một sự liên kết chứ không phải hòa hợp.

Con yêu quý, người đàn ông nào cũng có những cái lỗi lầm “không thể sửa”; do đó, con không nên đòi hỏi một sự tuyệt đối và cằn nhằn, vì ai chả có lỗi lầm. Hãy rút tỉa kinh nghiệm và quên nó đi; mặc dù mẹ biết rằng, trong thâm tâm của người đàn bà nào cũng không bao giờ quên, nhất là khi lỗi đó do người chồng gây nên.

Con hãy tập chia sẻ vui buồn với chồng, từ việc lớn đến việc nhỏ; dù chỉ một cuốn sách, một đoản văn, một bài thơ hay một câu chuyện khôi hài. Một sự bực mình khi biết khôi hài, cũng có thể trở thành một niềm vui nho nhỏ, con hãy ghi nhớ như vậy.

Con yêu, làm vợ là một sứ mạng cao quý, một nghệ thuật xây dựng trên một quy luận căn bản nhưng bảo đảm sẽ thành công “Hãy làm vui lòng người chồng”.

Chồng con thích sạch sẽ ư? Con cần ăn mặc tươm tất. Chồng con thích giao thiệp ư? Con hãy đón tiếp bạn bè của chồng con một cách niềm nở. Chồng con hay cau có ư? Hãy tạo không khí vui vẻ trong gia đình. Chồng con lúc nào cũng muốn con ở bên cạnh ư? Hãy cảm tạ Thượng đế, rằng chồng con không muốn một người đàn bà nào khác bên cạnh chàng.

Mẹ biết hoàn thành những điều này không phải dễ, vì con phải sử dụng tất cả mọi khả năng khéo léo, tế nhị, kiên nhẫn của một phụ nữ. Con phải sử dụng cả tâm lẫn trí mới mong thành công; nhưng con ơi, hạnh phúc gia đình là một bảo vật của đời sống, mà chỉ có những phụ nữ thông minh, cương quyết, hiểu biết và trưởng thành, mới xứng đáng được hưởng.

Con ơi, sự cố gắng làm vui lòng chồng chỉ là biểu lộ của tình yêu, và không khi nào con biểu lộ tình yêu mà không thu nhận những thành quả tốt đẹp.

Con hãy yêu tha thiết, con hãy yêu chân thành. Con đã cam kết như vậy trong khi kết hôn. Đừng cho rằng như vậy là thấp kém, là yếu đuối, là mất phẩm giá, hay đừng nghe mọi lời bình phẩm của những phụ nữ nào khác. Họ có thể có những quan niệm và ý nghĩ không giống mẹ, nhưng chắc chắn họ không thể yêu thương con hơn mẹ của con được.

Con hỡi, trên chiếc thuyền gia đình, nếu chồng con là động cơ, thì vợ là bánh lái, và chính cái bánh lái mới là cái vật định hướng cho con thuyền.

Mẹ chúc các con thật nhiều vui vẻ và hạnh phúc.

Nguồn: thayvabiet


Theo trong bộ kinh Anguttaranikāya đoạn Sattanipatra, đức Phật có dạy rằng có bảy hạng vợ, tức nhiên là cũng có bảy hạng chồng tương đối.

Bảy hạng vợ ấy là:

  1. Vadhakabhāriyā: vợ như là đao phủ thủ.
  2. Corībhāriyā: vợ như kẻ trộm.
  3. Ayyabhariyā: vợ như chủ nhân ác ôn.
  4. Mātābhariyā: vợ như mẹ.
  5. Bhaginibhāriyā:vợ như em gái.
  6. Sakhibhāriyā: vợ như bạn.
  7. Dāsībhāriyā: vợ như tôi đòi.

– Vợ như đao phủ thủ: đao phủ thủ là người giết tội nhân. Người vợ thuộc về hạng này là người đàn bà nhiều sân hận, mặc dù chồng có lo lắng nhường nhịn đến đâu, cũng không hề biết thương hại chồng, làm sao miễn cho vừa lòng mình thôi. Người vợ này thường mắng nhiếc chửi bới chồng lắm khi đánh đập chồng là khác.

Đồng thời cũng có hạng chồng như đao phủ thủ vậy.

– Vợ như kẻ trộm: người vợ này không trung thành với chồng, thường lo việc sang đoạt, lường gạt, cướp bóc của chồng, đem tiền mua vui riêng, như cờ bạc chẳng hạn, theo ý thích của mình. Đồng thời cũng có hạng chồng như kẻ cướp.

Thành thật mà nói, vợ hay chồng đều có quyền xài của có trong gia đình, nhưng khi đem ra xài cần phải có sự đồng thuận cả hai người. Còn khi nào một người trong hai người ấy lấy tiền xài lo riêng mình, là có tác ý lén lấy tiền ấy đem đi mua vui riêng, là không hợp pháp, sai với luật Phật.

Thật ra, sự trộm cắp giữa chồng và vợ khó mà bắt cho được, nên đây là hạng trộm cắp đáng ghê sợ nhất trong gia đình.

– Vợ như chủ nhân ác ôn: hạng vợ này bao giờ cũng dành quyền hành và giữ tiền bạc trong gia đình. Chồng chỉ là một hư vị thôi, như tôi tớ trong nhà. Hạng vợ này chỉ biết làm hại cho gia đình thôi, chớ không làm gì hơn. Đồng thời cũng có ông chồng như ông chủ ác ôn vậy.

– Vợ như mẹ: không ai thương con và lo cho con bằng mẹ. Bà mẹ đối với con có tứ vô lượng tâm, như vị Phạm thiên. Người vợ thương chồng, lo cho chồng không nề cực nhọc tấm thân, miễn là chồng vui là đủ rồi. Người vợ có tâm như thế gọi là người vợ thương chồng như mẹ thương con. Thật là hiền thê nội trợ. Quả báo này thật không nhỏ. Chết rồi được sanh vào cõi trời.

Đồng thời cũng có người chồng thương vợ, lo cho vợ, như người cha lo cho con vậy.

Gia đình nào được cảnh này chắc chắn gia đình ấy đầy hạnh phúc và vợ chồng không hề xa nhau vì một lẽ gì. Đây là pháp rất cao quý, chúng ta nên hành theo.

– Vợ như em gái: hạng vợ này kính mến chồng như anh trai, vì như người em gái thường lo cho anh thật chu đáo. Đồng thời cũng có người chồng lo cho vợ như người anh lo cho em gái mình.

– Vợ như bạn: người vợ lo chăm nom săn sóc chồng như người bạn lành săn sóc cho bạn mình, xem chồng như là mình vậy. Đồng thời cũng có người chồng lo cho vợ như lo cho bản thân mình.

– Vợ như kẻ tôi đòi: người vợ nhịn ăn mặc, hy sinh mọi điều cho chồng và lo phụng sự chồng như là người làm công lo cho ông chủ, không bao giờ để sơ thất, mọi việc gì mà chồng đã giao cho. Phạn ngữ dùng tiếng “tôi đòi” để chỉ hạng vợ hết lòng chăm nom mọi việc cho nhà chồng. Ta nên hiểu đó là người quản gia trung tín nhất.

Đồng thời cũng có người chồng lo cho vợ như người quản gia lo cho chủ vậy.

Sự thật nếu gia đình nào có được bốn hạng vợ và bốn hạng chồng sau cùng, đã kể như trên, thì gia đình ấy được an vui. Đức Phật thường dạy đời là khổ, người ở trong đời là người đang trầm luân trong bể khổ. Nhưng Ngài biết chúng sanh mặc dù biết khổ nhưng không dứt bỏ được, nên trong tám muôn bốn ngàn pháp môn của Ngài dạy, có pháp xuất thế gian và pháp còn trong thế gian, những người hành theo pháp sau này sẽ được bớt khổ đi một phần nào, cũng như hành theo 38 pháp Hạnh phúc của Phật dạy.

Sự yêu thương giữa nam và nữ về tình dục thì không có gì gọi là cao quý. Vì loài thú cũng biết như ta vậy. Nhưng người đời cao quý hơn loài vật, là vì người ta thương yêu nhau bằng một tình thương trong sạch, hai bên biết lo tiếp độ cho nhau trong khi hoạn nạn, hoặc sống chết có nhau và ngoài ra còn giúp nhau đi theo đường giải thoát của các bậc thánh nhân.

……….

Những pháp trên là theo đời, còn với lẽ đạo tùy trường hợp người chồng hay vợ phải đối xử theo ba pháp là:

1. Tiếp độ hạng thấp, là dắt dẫn người bạn trăm năm của mình cho biết bố thí, trì giới, nghe pháp, làm lành.

2. Tiếp độ bậc trung, là dắt dẫn tụng kinh niệm Phật, tham thiền.

3. Tiếp độ bậc cao thượng, là dắt dẫn cho học minh sát tuệ và luôn luôn nhắc nhở sự hành đạo.

Tiếp độ chồng con được hạnh phúc là:

1. Làm cho tình thương ấy càng ngày càng đầm ấm bền vững.

2. Làm cho tâm đầu ý hiệp.

3. Là một điều đại thiện.

4. Là nhân làm cho tiền của dồi dào. Chư thiên trong gia đình hộ trì và phước đức càng ngày càng cao.

5. Được xem là người hành đúng theo chân lý.

6. Được gọi là người không dễ duôi

7. Làm khuôn vàng thước ngọc cho con cháu sau này, hay là làm gương mẫu cho người bên mình.

8. Chư thiên và Phạm thiên thường ca tụng và hộ trì cho gia đình hành theo hạnh này.

Trích từ: Giảng giải 38 pháp Hạnh Phúc
Pháp sư Maha Thongkham