Giáo lý của Đức Thế Tôn là con đường đưa chúng ta từ phàm phu đến Thánh quả. Những người tầm thường, nếu tu tập theo giáo lý Phật, sẽ lột bỏ dần lớp vỏ phàm nhân và thay vào đó đời sống của bậc chân nhân.
Muốn được như vậy, tất yếu tự thân mỗi người phải nỗ lực thực hiện pháp Phật. Đức Phật cũng đã nhắc nhở rằng : “Các người phải tự cố gắng, Đức Như Lai chỉ là đạo sư dẫn đường”.
Các phương pháp mà chúng ta thực hành trong quá trình tu tập nhằm tự kiểm soát, tự giác ngộ, không cho phép thân khẩu ý làm ác, chỉ hành thiện để thanh lọc thân tâm. Tự mình chịu trách nhiệm trên lộ trình giải thoát, vì :
“Chính ta làm cho ta an lạc
Chính ta làm cho ta đau khổ”.
Sau khi đạt được an lạc cho tự thân, thì đem lợi ích đó phục vụ cho mọi người như Phật dạy “Hãy du hành vì hạnh phúc quần sanh, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”.
Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng nếu Bồ tát không thực hành đúng như đã nói thì họ còn cách xa quả vị Phật. Khế kinh cũng nói rằng : “Hiểu như con mắt, hành như hai chân”. Hiểu biết và thực hành hỗ tương chặt chẽ với nhau, người xưa gọi là tri hành hợp nhất. Hiểu mà không thực hiện thì hiểu biết đó cũng trở thành vô ích, ví như bằng cấp chứng minh cho sự hiểu biết mà đem về treo tường, không làm việc thì lâu ngày, hiểu biết ấy cũng mòn dần theo thời gian. Nhưng hành động mà thiếu hiểu biết thì dễ dàng thất bại, chuốc lấy đau khổ.
Đức Phật được tôn danh là bậc Minh Hạnh Túc, vì việc làm và hiểu biết của Ngài luôn song hành, hợp nhất đầy đủ. Thực hiện việc giáo hóa độ sinh, Đức Phật luôn thành tựu viên mãn vì trong mọi hoàn cảnh, Ngài đều sử dụng trí tuệ soi sáng cho việc làm.
Ngày nay, là đệ tử Phật, khi chưa có đủ trí sáng suốt hoàn toàn, chúng ta phải nương theo những gì Phật dạy để ứng dụng vào đời sống của chúng ta; vì rời bỏ pháp Phật là rớt vào ma sự. Xây dựng trên nền tảng ấy, chúng ta cần luôn an trụ tam giải thoát môn; nghĩa là có thể làm những việc khác nhau, nhưng không được đánh mất áo tu, đánh mất bản chất thầy tu. Dù đối trước mọi biến động của xã hội, tâm ta vẫn trụ giải thoát là Không môn, không để phiền não khuấy nhiễu.
Học hiểu giáo lý rành rẽ, nhưng không bị vướng mắc, chấp chặt với cái đã học. Học Phật pháp để giúp chúng ta sống trong Không môn, Thiền môn, sống với chơn tâm, không khởi tâm tham đắm, vọng động. Luôn trụ tâm, vì biết rõ rằng ở trong sinh tử, thì sẽ bị phiền não bao vây, bức ngặt, làm cho niềm tin chúng ta bị lung lay, làm cuộc sống chúng ta rắc rối, khổ đau.
Đi theo lộ trình Hoa Nghiêm, tâm an trụ trong Phật pháp, nhưng làm mọi việc trên bước đường hành đạo Bồ tát là tùy duyên :
Tùy thuận thế duyên vô quái ngại
Niết bàn sinh tử đẳng không hoa.
Mọi việc trước mắt hành giả chỉ là hoa đốm trong hư không, không có thật. Vì thế, hành giả tùy theo nhân duyên mà hành đạo, có những đáp án tương ưng phù hợp với từng hoàn cảnh khác nhau.
Theo Bồ tát đạo của Hoa Nghiêm, Bồ tát ở giai đoạn thập trụ thì nỗ lực Thiền định, giữ tâm đứng yên. Và từ tâm định tĩnh đó, quán sát bề trái của cuộc đời, quán sát tâm lượng chúng sinh và tùy theo đó mà hành động cho thích hợp.
Ở giai đoạn tu thập hạnh, phải nương Phật để làm; thực tế là nương vào uy tín của Thầy, làm đạo với danh nghĩa của Thầy, không phải với tư cách của riêng ta.
Từ giai đoạn đầu hành Bồ tát hạnh, phải làm theo Phật dạy để hoàn thiện thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Nhưng tiến đến giai đoạn tu thập hạnh, Bồ tát thể hiện việc làm thuộc dạng “hành thâm Bát Nhã ba la mật”. Nghĩa là Bồ tát sinh hoạt ở dạng tâm, nên việc làm của họ không thể nhận biết bằng tri thức của ngũ uẩn thân.
Người tu thập hạnh theo Hoa Nghiêm sử dụng pháp hành của tâm để tác động qua tâm người, chỉ ngồi yên mà Bồ tát truyền tâm đến mọi loài và tạo ra lực ảnh hưởng vô cùng. Chúng sinh tự động tìm đến tu học, kính ngưỡng.
Kinh Hoa Nghiêm lấy tâm làm chính, phát huy pháp hành của tâm, tâm hành giả ngang qua tâm muôn vật và đạt đến kết quả là thông suốt được muôn vật, điều động được chúng thì đắc quả vị Phật.
Trên suốt quảng đường cầu đạo dài lâu, Thiện Tài đã trải qua biết bao khó khăn và đã xử lý biết bao tình huống; nhưng chí nguyện cầu Vô thượng Bồ đề của ông không hề lui sụt. Ông vừa tầm sư học đạo tiếp thu hiểu biết theo lý thuyết, vừa ứng dụng vào thực tế cuộc sống để có được hiểu biết chân thật, học đi đôi với hành. Vì vậy, Thiện Tài đã đạt được những kết quả rất diệu dụng vô cùng, đến chỗ “Hành vô hành” của Thiện Trụ Tỳ kheo chỉ dạy, không khởi thân động niệm mà mọi việc đều thành tựu như ý.
Thiện Trụ Tỳ kheo tuy ngồi một chỗ, nhưng sử dụng pháp hành của tâm một cách tuyệt vời, tạo ra lực ảnh hưởng lan tỏa, bao trùm muôn loài. Tất cả chúng sinh đều tiếp nhận được sự giáo hóa của Ngài và riêng Thiện Tài cũng nương theo tâm hành đó mà tăng trưởng đạo hạnh và Bồ đề tâm.
Hoặc một vị thiện tri thức khác nữa cũng có pháp hành rất đặc biệt mà Thiện Tài theo học. Đó là Cụ Túc Ưu bà di. Thiện Tài tham quan nhà của Cụ Túc thấy nhà hoàn toàn trống không, mà Ngài lại được tôn danh là Cụ Túc, nghĩa là đầy đủ.
Cụ Túc trang nghiêm oai đức quang minh, trừ Phật và đại Bồ tát, không ai có sánh bằng Ngài. Cụ Túc ngồi trên tòa báu, chỉ có một cái bát nhỏ để trước mặt. Nhưng xung quanh Ngài có 10.000 đồng nữ xinh đẹp, đoan trang như thiên nữ hầu cận.
Cụ Túc không có tài sản gì, chỉ có một cái bát nhỏ; nhưng Ngài có thể lấy từ trong bát ấy ban phát mọi thứ mà chúng sinh cần dùng. Những người tu hạnh Thanh văn trong vô lượng thế giới, nếu dùng thức ăn trong bát của Ngài thì đều chứng quả A la hán; người tu Duyên giác thì chứng Bích Chi Phật và người tu hạnh Bồ tát thì đạt quả Vô thượng Đẳng giác.
Sự hành đạo bất khả tư nghì của Cụ Túc chỉ có thể nhận biết được bằng bản tâm thanh tịnh. Ý này nhằm dạy chúng ta rằng muốn hiểu đúng đắn một người nào, cần quan sát cuộc sống của họ và những người liên hệ với họ. Vì tất cả phước báo đều hiện ra trên thân tướng và trong cuộc sống của con người.
Cụ Túc cho biết Ngài được giải thoát Bồ tát vô tận công đức tạng mới có thể bố thí cho chúng sinh một cách dễ dàng như vậy. Tất nhiên, Ngài đã phải trải qua quá trình tu hành miên mật. Ngài cho biết rằng đã trải qua 36 ức hằng hà sa Phật nỗ lực hoàn thiện ba nghiệp cho thanh tịnh.
Mỗi đời Ngài thành tựu một số việc tốt và tu như thế cho đến trong khắp Pháp giới, không có nơi nào mà Ngài không xả thân hành đạo. Vì nhân lành như vậy mới có được quả báo hiện đời là chỉ với một cái bát nhỏ mà đầy đủ của báu ban cho chúng sinh tất cả những gì họ mong muốn. Khi Cụ Túc khởi tâm nghĩ đến người nào, loài nào, thì họ liền hiện hữu để nhận của bố thí, thọ thực, v.v…
Cụ Túc đã thành tựu viên mãn tất cả hạnh Bồ tát và thành quả ấy được gom vào trong một cái bát nhỏ. Người có nhân duyên căn lành với Ngài, tìm đến tu học thì đều được an lạc, giải thoát, tri thức phát triển và họ thăng tiến trên đường Thánh đạo. Nhưng người đến với tham vọng thì chẳng thấy gì để mà tranh giành được, vì chỉ thấy một cái bát nhỏ trống không.
Trong phạm vi giới hạn của luận văn, chúng con chỉ nêu ra một vài thí dụ tiêu biểu về pháp hành của Bồ tát có kết quả kỳ vĩ; vì các Ngài đã hoàn tất lộ trình Bồ tát đạo và đi vào Pháp giới để cứu độ chúng sinh.
Ngoài ra, còn rất nhiều cách hành đạo Bồ tát của những vị thiện tri thức mà Thiện Tài theo học, hạnh nào của các Ngài cũng thể hiện sự bất khả tư nghì về tri thức, đức hạnh, năng lực siêu tuyệt, hoặc của báu kết tinh bằng công đức của Bồ tát, v.v…; tất cả pháp hành của Bồ tát trong việc giáo hóa độ sinh đều vượt ngoài suy nghĩ, hiểu biết theo căn trần thức của phàm phu.
Tác giả bài viết: Hồng Như