Theo tôi, hạnh phúc có nghĩa là ít đau khổ. Nếu không chuyển hóa được đau khổ thì không thể nào có hạnh phúc. Rất nhiều người đã đi tìm hạnh phúc từ bên ngoài, nhưng hạnh phúc thật sự chỉ có thể có được tự bên trong.
Theo tôi, hạnh phúc có nghĩa là ít đau khổ. Nếu không chuyển hóa được đau khổ thì không thể nào có hạnh phúc.
Rất nhiều người đã đi tìm hạnh phúc từ bên ngoài, nhưng hạnh phúc thật sự chỉ có thể có được tự bên trong. Theo lối sống bây giờ, người ta cho rằng hạnh phúc là có thật nhiều tiền bạc, nhiều quyền lực và có địa vị cao sang trong xã hội. Nhưng nếu nhìn cho kỹ thì sẽ thấy có rất nhiều người giàu sang hay nổi tiếng mà vẫn đau khổ, mà vẫn tự tử.
Vào thời Bụt, Bụt và Tăng đoàn của Ngài, mỗi vị chẳng có gì ngoài ba chiếc áo và một bình bát thế mà quý Ngài rất mực hạnh phúc bởi vì quý Ngài đã đạt được một điều vô cùng quý báu, đó là tự do.
Theo lời Bụt dạy, điều kiện căn bản của hạnh phúc là tự do. Tự do đây không phải là tự do trong lãnh vực chánh trị mà là tự do khi không còn bị sân hận, kiêu căng, ghen ghét, tuyệt vọng, và si mê ràng buộc. Những tâm hành sân hận, kiêu căng, ghen ghét, tuyệt vọng, và si mê đó Bụt gọi là những chất độc. Khi tâm còn bị những chất độc đó chế ngự thì không thể nào có được hạnh phúc.
Muốn thoát ra khỏi sân hận thì cần phải tu tập, dầu cho bạn là tín đồ Cơ Đốc giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Ấn độ giáo hay Do thái giáo. Chúng ta không thể cầu xin Bụt, Jesus, Thượng đế hay Mohammed lấy sân hận ra khỏi tâm thay cho ta được. Có những phương pháp cụ thể giúp diệt trừ tham, giận, si, mê. Nếu thực tập những phương pháp đó và chuyển hóa đau khổ của tự thân thì chúng ta sẽ có thể giúp những người khác chuyển hóa đau khổ của chính họ.
Chuyển Đổi Tình Trạng
Giả sử trong một gia đình mà hai cha con giận nhau. Giữa cha và con không còn có sự truyền thông. Cả hai cha con đều khổ và cùng mong thoát ra khỏi tình trạng bế tắc do giận hờn gây nên nhưng không biết phải làm thế nào.
Một pháp môn tốt là một pháp môn có thể đem áp dụng vào đời sống hằng ngày và giúp chuyển hóa khổ đau. Khi buồn giận ta đau khổ như bị thiêu đốt trong địa ngục. Những lúc đó ta phải tìm tới những người bạn có tu tập để xin giúp đỡ, để học hỏi cách thức đối trị buồn giận, ganh tị, tuyệt vọng trong ta, hầu mong có thể chuyển đổi tình trạng.
Lắng Nghe Với Tâm Từ Bi Làm Vơi Bớt Khổ Đau
Một người mà lời nói đầy sân hận, căm hờn là vì người ấy đang vô cùng đau khổ. Vì đau khổ mà người ấy nói ra những lời chua chát, cay đắng, trách móc khiến cho ta khó chịu và tìm cách xa lánh. Muốn thấu hiểu và chuyển hóa cơn giận thì phải học phép thực tập hạnh lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng ái ngữ. Có một vị Bồ Tát có khả năng lắng nghe với tâm từ bi rộng lớn, đó là Bồ Tát Quán Thế Âm. Chúng ta phải thực tập hạnh lắng nghe sâu như Ngài thì mới có thể hướng dẫn một cách cụ thể khi một người đầy sân hận tìm đến xin giúp đỡ để tái lập truyền thông.
Lắng nghe với tâm từ bi có thể làm người khác bớt khổ. Tuy nhiên, mặc dầu có nhiều thiện chí ta cũng khó lắng nghe một cách sâu sắc nếu ta không thực tập lắng nghe với tâm từ bi. Nếu ta có thể ngồi yên và lắng nghe người ấy với tâm từ bi chỉ trong một giờ thì ta có thể làm vơi bớt khổ đau của người ấy rất nhiều. Ta lắng nghe với một mục đích duy nhất là để cho người kia có cơ hội giãi bày tâm tư và nguôi bớt khổ đau.
Phải lắng nghe thật chăm chú. Phải lắng nghe với tai, với mắt, với cả thể xác lẫn tâm hồn. Nếu ta chỉ giả vờ lắng nghe, nếu ta không lắng nghe hết mình thì người kia sẽ nhận ra ngay và khó mà vơi bớt khổ đau. Phải luôn luôn giữ tâm từ bi trong khi lắng nghe. Muốn vậy trong khi lắng nghe ta phải theo dõi hơi thở chánh niệm và duy trì ý hướng muốn giúp người kia.
Lắng nghe với tâm từ bi là một phép thực tập rất sâu sắc. Ta lắng nghe mà không phán xét, không trách móc. Ta lắng nghe chỉ vì ta muốn giúp người kia vơi bớt khổ đau. Người kia có thể là cha, là mẹ, là con trai, con gái, là vợ hay chồng của ta. Thực tập lắng nghe sâu sắc chắc chắn có thể giúp người khác chuyển hóa sân hận và khổ đau của họ.
Trích “Giận”
Nguồn: langmai