Vài tháng trước, trong một buổi chiều, lúc tôi đang nằm ngó rặng xoan trụi lá phía bên kia đường tàu và nghe những chú chim trên mái nhà lanh lảnh hót thì mẹ gọi điện. Mẹ nhờ tôi xuống chợ thị xã tìm mua vài chú chim nhỏ để phóng sinh “bù vào số chim mợ mua hôm qua, đã chết”.
Tôi xuống khu chợ Mè thị xã Phú Thọ, chạy xe dọc bờ sông thấy vài cửa hàng bán chim, không biển hiệu, chỉ thấy treo đầy lồng phía trước. Trời bất chợt đổ mưa lất phất, tôi sang đường tấp vào một cửa hàng bán chim. Vừa thấy người bước vào là chim chóc bay loạn xạ trong lồng, chúng đổ dồn những đôi mắt đen láy vào tôi. Chim chào mào mũ đỏ, chim vành khuyên có bộ lông màu vàng lục, chim cu gáy, chim rẻ quạt… Tôi chú ý đến mấy chiếc lồng cỡ to nhốt cả trăm con chim sâu xanh, chim sẻ đồng đầu xám. Đây chính là giống chim mẹ tôi cần để phóng sinh nhân 49 ngày mất của bà ngoại. Mấy chục chiếc lồng được treo dọc lối đi, ngay cả trên đỉnh đầu, mùi phân chim bốc lên hôi hám. Đang mải ngắm nhìn chim thì chủ nhà bước ra, vồn vã hỏi:
– Cháu mua chim gì? Chim nuôi hay là để phóng sinh?
– Cháu muốn mua vài chú chim phóng sinh, giá cả sao vậy bác?
– Chim sâu thì 30 nghìn một con. Chim sẻ 20 nghìn một con. Mùa này đánh bắt khó nên giá chim cao lắm. Thợ phải dậy từ bốn giờ sáng chăng lưới ngoài đồng mới bắt được chim sẻ. Đến khi nắng ấm, mùa côn trùng nở rộ, chim sẻ sẽ sinh sản. Lúc đó giá rẻ bèo, vài nghìn một con.
Thấy tôi chần chừ, chủ nhà chỉ một túi chim sẻ chết treo trên cột (chắc tầm vài chục con) giọng phân bua:
– Có phải mua chim về là sống hết đâu em. Từ sáng đến giờ chết cả đống đây này. Tí quăng cho mấy con mèo nhà hàng xóm.
Tôi mang những chú chim sẻ về nhà, nghe tiếng chúng ríu rít gọi nhau trong chiếc lồng chật hẹp. Lòng tự hỏi không biết chúng có chờ đến lúc được phóng sinh, hay sẽ chết khi giấc mơ quay lại với cánh đồng vẫn còn dang dở?
Câu chuyện “phóng sinh” vốn nhiều màu sắc và không còn mới nữa. Theo quan niệm của Phật giáo, phóng sinh là một hành động nhằm cứu các loài sinh vật khỏi bị giết hại hay giam nhốt và trao cho chúng cơ hội được tiếp tục sinh tồn. Nhưng trong thời đại của chúng ta, có cầu ắt sẽ có cung. Chim không tự nhiên mà bị nhốt trong lồng, cá không tự nhiên mà bơi trong chậu. Càng đông người có nhu cầu phóng sinh trong những dịp lễ Tết, ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy để cầu nguyện cho bản thân và gia quyến, thì sẽ càng có nhiều người kiếm sống bằng nghề bán chim cá phóng sinh. Mà muốn có bán thì phải bắt, phải nuôi. Nhiều cái bẫy được giăng ra để tóm gọn những cánh chim trời. Một đôi cánh tự do cuối cùng lại bị giam hãm bởi nhu cầu “phóng sinh” không đúng cách của con người. Nên chúng ta dễ dàng thấy cảnh ở chùa chiền, hay các ao hồ lớn, chim cá vừa thả ra đã có người bắt lại mang đi bán. Phóng sinh nên tùy duyên, gặp đâu cứu đó không cần phải chờ đến bất cứ dịp nào. Bởi phóng sinh vốn là thông điệp từ bi và tôn trọng tự nhiên, tôn trọng sự sống muôn loài.
Suốt nhiều ngày sau đó, trong tâm trí tôi là hình ảnh những chú chim sẻ nhỏ chết trong túi ni lông và ngắc ngoải trong chiếc lồng hôi hám. Hồi còn sống, mắt bà thường ánh lên niềm vui lúc nhìn đàn chim sẻ thoắt ẩn thoắt hiện trong những tán cây. Bà gọi chúng là những chú chim hiền lành và hữu ích. Nhờ có chúng mà vườn vặng, cánh đồng bớt đi sâu bọ. Theo các nhà khoa học, loài chim này không những bắt sâu bọ mà còn ăn từ 300 – 400 hạt cỏ dại mỗi ngày. Chúng chẳng làm tổn hại đến ai, chỉ góp cho cánh đồng thêm trĩu bông, mùa màng thêm tươi tốt. Vậy mà những chú chim sẻ nhỏ phải chết oan cho mục đích vụ lợi của con người.
Bây giờ đã là mùa xuân ấm áp, cánh đồng trơ trụi trước nhà cũng đã kịp xanh non màu lúa. Vậy là sắp đến mùa chim sẻ kéo về bậu đầy trên đường dây điện vắt qua cánh đồng. Và cũng là mùa bẫy chim trời kiếm thêm thu nhập của rất nhiều người. Rồi mái nhà tôi sẽ dần vắng đi những tiếng chim. Tôi không muốn khi các con mình lớn lên phải ngắm những chú chim nhốt trong lồng bán đầy khu chợ. Nên cần phải có ai đó cùng tôi cất một tiếng kêu cứu giúp loài chim sẻ?
Vũ Thị Huyền Trang