Mọi người thường nói: “Tốt nghiệp nghĩa là thất nghiệp”, công ăn việc làm luôn là vấn đề nóng bỏng và khó khăn đối với những người mới bước chân vào xã hội.
Ở nhiều nước hiện nay, nguồn nhân lực cung vượt quá cầu nên tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp nhưng không kiếm được việc làm ngày càng cao. Trong trường hợp đó, các bậc phụ huynh thường trách cứ con cái: “Người ta làm việc sáng tối sao con cứ suốt ngày ru rú trong nhà vậy, lại còn không chịu khó đi tìm việc làm?” Những người thất nghiệp ở nhà thường bị mọi người lạnh nhạt, ra ngoài xã hội cũng bị người khác nhìn bằng ánh mắt thiếu thiện cảm. Thất nghiệp khiến người ta cảm thấy đau khổ vì tự ti, mặc cảm, cho rằng mình thiếu năng lực hoặc năng lực kém nên không có công ăn việc làm. Thực ra, không phải bản thân họ không muốn kiếm việc mà thực tế họ không tìm được công việc thích hợp với sở trường của mình. Nhất là những người có học, họ quen sống trong môi trường giảng đường, chưa có cơ hội tiếp xúc với môi trường sống thực tế nên khi ra xã hội, phải đối diện với vô vàn cạnh tranh khốc liệt và những mối quan hệ phức tạp, họ thường không đủ bản lĩnh để thích ứng, dẫn đến việc không ngừng thay đổi công việc hay thất nghiệp.
Có một sinh viên tốt nghiệp đại học đã ba năm nhưng vẫn chưa tìm được việc, bố mẹ cậu ấy đến hỏi tôi nên xử lí thế nào trong trường hợp này. Tôi nói: “Cậu ấy tuổi trẻ khỏe mạnh có thể học nghề mộc hoặc thợ hồ, cũng có thể tìm các công việc lao động bằng tay chân…” Bố mẹ cậu không phục, hỏi vặn lại “thế thì làm sao được, con trai tôi tốt nghiệp đại học, làm sao đi làm các công việc như thế được?” “Thế thì mọi người có quan niệm sai lệch về vấn đề này rồi, tôi có quen cậu con trai của một luật sư ở Mĩ, sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm, cậu ấy đã học nghề mộc. Cậu ấy đã không ngừng học hỏi, tìm hiểu nhờ thế tay nghề ngày càng nâng cao, cuối cùng trở thành thầy giáo trong trường mộc, chuyên đào tạo những học viên có tay nghề cao về ngành mộc, từ đó không những cậu đã có việc làm ổn định, được mọi người tôn trọng mà thu nhập cũng cao.”
Hầu hết mọi người đều nghĩ học sau đó làm đúng nghề, nhưng trong thực tế tôi thấy cũng có không ít người phải làm nghề tay trái. Có một sinh viên theo học ngành luật nhưng khi tốt nghiệp lại làm về bưu chính, tôi lấy làm ngạc nhiên hỏi “Tốt nghiệp đại học ngành luật đáng lí phải làm những công việc liên quan đến pháp luật chứ?” Cậu ấy nói: “Vì khó xin vào các cơ quan làm đúng như chuyên ngành đã học, hơn nữa do ngành bưu chính thiếu người nên tôi đã trúng tuyển, thế là vào làm việc cho ngành bưu chính”. Như thế không phải là việc tốt sao? Sau khi tốt nghiệp, chúng ta không nên kén chọn quá mức cần thiết, hễ cứ có việc làm hãy làm trước đã, sau đó mới quan tâm xem công việc nào thích hợp với mình.
Nhìn từ quan điểm Phật học, đây gọi là tùy thuận theo duyên, tất cả mọi việc đều do duyên hòa hợp, do duyên chín muồi mà có, một khi duyên đã hội đủ thì làm việc gì cũng thông thuận, nghĩ đến là làm được; nếu nhân duyên chưa hội đủ thì dù bạn có phải đánh đổi với bất kì giá nào cũng chỉ là công cốc! Cho nên, các bậc cha mẹ, thầy cô cần tập cho con em mình một tâm thái tìm việc đúng theo tinh thần nhân duyên, nhân quả nhằm giúp con em có quan điểm chính xác, lành mạnh dưới áp lực và môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Nguồn: Chùa Hoằng Pháp