Tình nghĩa thầy trò là một trong những tình cảm thiêng liêng, cao đẹp mà hầu hết mọi người đều trân quý và bồi đắp. Người xưa đã từng dạy rằng: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.
Nghĩa là, người dạy cho ta một chữ cũng là thầy và thậm chí nữa chữ thôi cũng làm thầy ta. Lời dạy ấy thật chí lí và thâm sâu, giúp cho kẻ hậu học nhận thức rõ hơn về tình nghĩa thầy trò để thể hiện thái độ tri ân, cung kính và khiêm hạ đối với những người quan tâm chỉ dạy.
Trong kinh Trung A Hàm (phẩm Đại, kinh Thiện Sanh), đức Thế Tôn dạy rằng: “Học trò đối với thầy nên biết năm điều thờ kính, phụng dưỡng thầy. Năm điều đó là gì? Một là khéo cung kính vâng lời. Hai là khéo giúp đỡ, hầu hạ. Ba là hăng hái. Bốn là nghề nghiệp giỏi. Năm là hay thờ kính thầy. Đệ tử lấy năm điều ấy cung kính, phụng dưỡng sư trưởng. Và ngược lại, sư trưởng cũng dùng năm việc săn sóc đệ tử. Năm việc đó là gì? Một là dạy cho nên nghề. Hai là dạy dỗ nhanh chóng. Ba là dạy hết những điều mình biết. Bốn là đặt để ở những chỗ lành. Năm là gửi gắm bậc thiện tri thức. Sư trưởng lấy năm điều ấy mà săn sóc đệ tử”.
Đức Thế Tôn đã chỉ dạy năm phận sự căn bản của người học trò đối với thầy, biểu lộ rõ tinh thần tôn sư trọng đạo, phù hợp với truyền thống đạo đức “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của văn hóa Việt Nam. Là người học trò khi được tiếp xúc với thầy, việc trước tiên bạn cần phải học hỏi đạo lý để nhận thức đúng đắn hơn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Thứ đến, nên quan tâm sức khỏe, công việc và các nhu cầu sinh hoạt khác của thầy, nhằm trợ duyên thêm cho thầy có đủ điều kiện nghiên cứu chuyên sâu để giảng dạy tốt hơn. Tuy nhiên, với những công việc đó, đòi hỏi người học trò phải thực sự có thái độ chân thật, tâm tư nhẹ nhàng và an vui. Bởi, người học trò, đệ tử tôn kính thầy không chỉ dâng tặng lễ vật có tính hình thức bề ngoài, mà cần phải có tấm lòng trung thực và quý kính. Nếu đến với thầy chỉ là món quà nghi lễ cùng tâm ý hời hợt thì kể như bạn chưa thể hiện được nội dung “tôn sư trọng đạo”.
Thực tế cho thấy, trong thời đại ngày nay tình nghĩa thầy trò hầu như thiếu sự gắn bó. Giữa thầy cô giáo và học trò có một khoảng cách khá xa, không thân tình và gần gũi như ngày xưa. Có lẽ, vì xã hội ngày càng phát triển, các mối quan hệ trở nên đa dạng và nhu cầu trang bị cho cuộc sống lại cao hơn nên tình cảm thầy trò ít gắn bó, thân thiết hơn. Mối quan hệ giữa thầy trò, sư phụ và đệ tử trong các truyền thống tâm linh cũng vậy, khá rời rạc. Điều này dẫn đến hệ quả tất yếu là người học trò rất dễ bị yếu kém về phẩm chất đạo đức, khi không được gần gũi để học hỏi kinh nghiệm quý giá từ thầy. Cho nên, đến lúc lâm vào tình huống khó khăn, trắc trở thì người học trò trở nên rối ren và lúng túng. Vì những kiến thức vay mượn kia không đủ khả năng để hóa giải bản ngã tham sân si vốn dĩ ngủ ngầm trong chiều sâu tâm thức, nên bị sợi dây phiền não khổ đau bủa vây và trói buộc. Do đó, cơ hội thầy trò ngồi lại bên nhau để cùng chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn là điều vô cùng quý hóa, giúp cho tâm hồn ta trở nên sâu lắng, đời sống được nhẹ nhàng và thăng hoa.
Để phát huy những giá trị cao đẹp và trong sáng vốn có, người học trò cần phải chú tâm lắng nghe và tiếp nhận những điều thầy giảng dạy, trao truyền. Đây là vấn đề hết sức quan trọng mà người học cần lưu tâm ghi nhớ. Bởi khi bạn hiểu rõ được những lời dạy tâm huyết của thầy thì mỗi hành động, lời nói và suy nghĩ của bạn sẽ thể hiện đúng với đạo lý thầy- trò ở ngoài đời cũng như ở trong đạo. Mặt khác, bạn phải cần cù hăng say trong học tập, dù khó mấy cũng quyết tâm học cho đến khi hiểu biết trọn vẹn, thành thục. Một trong những phận sự căn bản của người học là học cho đến khi thành tài, hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Và quan trọng nhất là sự kính thờ thầy. Xưa, thầy được xếp trên cả cha mẹ, trật tự “quân, sư, phụ” đã khẳng định điều ấy. Thiếu kính trọng thầy, dù ở bất cứ hình thức hay phương diện nào thì người học trò ấy chưa vẹn toàn chức phận học trò của mình.
Bên cạnh đó, Thế Tôn chỉ dạy thêm cho các vị làm thầy biết sử dụng năm phương cách căn bản để dạy dỗ đệ tử. Và vấn đề này rất thiết thực cho cuộc sống, nếu người thầy biết ứng dụng đúng mức sẽ chuyển hóa được những bế tắc và bất an cho tự thân cũng như cho kẻ khác. Thực tế cho thấy, vai trò và trách nhiệm của những thầy cô giáo ở ngoài đời đã khó, huống gì làm bậc thầy mô phạm ở trong đạo lại càng phải trang nghiêm và chuẩn mực nhiều hơn. Từ cách thức đi đứng, ăn nói và ứng xử phải luôn thể hiện phong thái nhẹ nhàng, uy nghi để làm nơi an bình, vững chắc cho người hậu học nương tựa. Chưa nói đến việc truyền trao tri thức, chỉ những biểu hiện trong cuộc sống của người thầy thông qua hành vi (thân giáo), lời nói (khẩu giáo) đã giúp ích rất nhiều cho hàng hậu học tinh tiến hơn trên bước đường học tập và trưởng dưỡng đạo đức. Vì thế, trọng trách của người thầy trong sự nghiệp giáo dục rất lớn lao, xứng đáng để cả thế gian này tôn quý.
Việc trao truyền tri thức và đạo lý cho thế hệ kế thừa là bổn phận của những người đi trước, cho nên bậc làm thầy phải biết hướng dẫn đệ tử có nghề nghiệp vững chắc, nhận ra được giá trị đích thực của cuộc sống để trở thành con người lương thiện hữu ích cho gia đình và xã hội. Vì vậy, mỗi hành động, lời nói và cách suy nghĩ của vị giáo sư đều là bài học thiết thực và quý giá, giúp người đệ tử dễ dàng tiếp nối được sự nghiệp trí tuệ mà các bậc tiền bối, Thánh nhân đã thành tựu. Quan trọng nhất, người thầy phải biết rõ căn tính và hoàn cảnh sống khác nhau của từng học trò để dạy dỗ. Cũng giống như các vị bác sĩ giỏi, khi hiểu rõ các triệu chứng của bệnh nhân thì tùy bệnh cho thuốc, nhằm chữa trị một cách hữu hiệu.
Thực ra, tâm nguyện các bậc làm thầy chân chính luôn luôn mong muốn dạy cho học trò của mình thành nghề, dạy dỗ nhanh chóng và không giấu nghề cố gắng truyền trao tất cả cho đệ tử. Cao cả hơn, bậc thầy luôn mong cho đệ tử nhận ra được nguyên lý vận hành tương giao tất yếu của thân tâm và thế giới, để từ đó người học trò có cái nhìn thâm sâu hơn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, nhằm chuyển hóa những phiền não khổ đau, tâm hồn trở nên sáng suốt và an bình trong từng giây từng phút. Tuy nhiên, hoài bão ấy vẫn còn tùy thuộc vào phước duyên của người học trò. Ví như khi cơn mưa đổ xuống mặt đất thì rất đồng đều, nhưng hấp thụ được bao nhiêu nước là tùy vào từng loại cây cối lớn nhỏ khác nhau. Do đó, tận tâm trao truyền tri thức và kinh nghiệm từ vị thầy là phần hết sức cần thiết, nhưng việc tiếp nhận của người học trò cũng không kém phần quan trọng. Và thực tế cho thấy rằng, không phải người học trò nào cũng ngoan hiền, dễ thương chăm chỉ học tập mà phần đông vẫn thích ham chơi và thờ ơ trong khi học hành, gây trở ngại khá lớn đến việc giảng dạy thành công của quý thầy cô.
Vị thầy có tâm và trách nhiệm thì sau khi dạy dỗ học trò thành tài, cần phải giới thiệu chỗ làm tốt. Một mặt để học trò có cơ hội cống hiến và phụng sự, mặt khác có thể kế tục sự nghiệp trồng người truyền trao tri thức cho đời sau. Nhất là, khi phát hiện được tài năng của học trò, vị thầy tốt cần gữi môn sinh của đến các bậc thiện tri thức, những trung tâm đào tạo chuyên sâu để tôi luyện và trở thành hiền tài, nguyên khí của quốc gia và cả nhân loại. Được như vậy, vị thầy mới làm tròn trách nhiệm của mình trong sự nghiệp trồng người.
Để tình nghĩa thầy- trò được gắn bó, thân thương và trong sáng, nhằm đem lại hoa trái tốt đẹp làm lợi ích cho cuộc đời, thì đòi hỏi tâm ý người dạy cũng như kẻ học phải thực sự hiện hữu trọn vẹn với nhau. Khi trở về an trú trong phút giây hiện tại, các vị thầy sẽ dễ dàng thấu hiểu được những trạng thái tâm lý của các học trò, để từ đó việc hướng dẫn cho lớp học trở nên sinh động, hữu ích và phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Bản thân người học trò cũng vậy, mỗi khi biết trở lại với chính mình, quan sát rõ ràng thân tâm và hoàn cảnh đương tại, thì sẽ học ra vô số bài học quý giá từ các vị thầy.
Viên Ngộ