Một trong những vấn đề khó khăn nhất nơi cuộc sống là tìm ra cách đối xử mà không bị tha nhân hiểu lầm là sai xử hay sai khiến

Hành vi đối xử của con người có thể bắt nguồn từ nội tâm chân chính, hoặc có thể cũng không. Tất cả còn tuỳ thuộc vào quan điểm, cách nhìn của người khác nghĩ về mình. Điều này vô cùng tế nhị, và hết sức khó khăn. Vì làm sao chúng ta biết được những suy nghĩ bên trong của người khác?

Bên trong tâm hồn mọi người, sự thay đổi đang liên tục tiếp diễn. Con người của ngày hôm nay, không phải là những gì của ngày hôm qua. Ngay chính bản thân của chúng ta cũng vậy!

Nhưng vẫn có những nguyên lý đạo đức, những tâm thái thiêng liêng, có công năng vượt thoát thời gian và không gian. Bằng tình thương yêu chân thật, chúng ta có thể đến với nhau một cách chân thành, hoàn toàn không tuỳ thuộc vào hình thái tôn giáo, hay môi trường xã hội.

Với hành vi đạo đức nhỏ nhắn, như chăm sóc một cây ăn trái, hay vuốt ve, chải lông, cho chó ăn, đều là những biểu hiện của sự quan tâm đến đối tượng một cách vô điều kiện.

Hay thi thoảng, khi đi ngang qua vệ đường, ngắm nhìn những hàng cây xanh tươi, với tâm hồn tràn đầy niềm hỷ lạc, biết ơn. Lúc đó lòng thầm nhủ: “Ôi cao quý thay, nhờ những hàng cây này, đã cho bóng mát tuyệt vời, đã che chắn nắng mưa cho muông thú, đã hoàn thành chức năng điều hoà thời tiết, lọc sạch bụi bậm, cung ứng không khí trong lành cho con người hít thở, cho muôn vật sinh sống.”

Khi săn sóc những cây trong vườn, chúng ta hết lòng vun phân, tưới nước, cắt tỉa với cảm giác thương yêu, trân trọng trọn vẹn và êm dịu!

Cảm giác về sự hoan hỷ chăm sóc là nguồn gốc của tình thương. Chăm sóc, nuôi dưỡng một vật gì càng nhiều, thì giác độ xúc cảm càng mạnh. Vì thế, hãy trải rộng tình thương, nuôi dưỡng lòng nhân hậu, tử tế và độ lượng trong tâm hồn. Mọi hành vi đối xử với tha nhân sẽ được tình thương dẫn dắt. Tuyệt nhiên, không nên lệ thuộc vào hoàn cảnh, môi trường, không nên thống thuộc vào con người hay đoàn thể xã hội!

Nuôi dưỡng được tình thương trong trái tim, là một trong những điều khó nhất của con người. Khi tình thương thật sự ngự trị trong con tim, dù người khác có tử tế hay thô lỗ với mình chăng nữa, cũng chẳng ăn thua gì. Cho dù tha nhân có bực tức, mắng chửi, nhục mạ thậm tệ đi nữa, cũng không hề hấn, cản trở lòng tốt sẵn có trong chính lương tâm mình!

Trong xã hội ồn ào, phức tạp này, khi đối diện với bất cứ tình huống nào, hãy nên cố gắng thể hiện lòng thân mật với mọi người trước. Hãy ngắm nhìn bằng ánh mắt thương yêu trìu mến. Hãy chào hỏi với thái độ niềm nở, vui tươi. Hãy mỉm cười với tâm thái bao dung độ lượng. Tất cả đều là bản chất căn bản của con người, là nhân tố dẫn đến thành công trong cuộc sống!

Điều này được thể hiện rõ ràng khi chúng ta còn trẻ tuổi. Điều này dễ dàng áp dụng khi trái tim con người còn nguyên sơ. Nhưng khi khôn lớn, tất cả những yêu thương này, có thể sẽ theo dòng xã hội tạm biến mất. Bởi nhiều lý do xã hội, tâm sinh lý và môi trường xung quanh. Vì vậy, hãy nuôi dưỡng tình thương trong trái tim, đem ra ứng xử trong cuộc sống càng sớm càng tốt.

Sống mà chẳng có tình thương trong lòng, thì cuộc sống sẽ trở nên vô vị, chán chường và trống rỗng!

Khi lớn lên, chúng ta có thể sẽ lập gia đình. Gia đình hạnh phúc được dựa trên nền tảng hình ảnh vợ đẹp, con ngoan, nhà cửa tươm tất xinh xắn, xe hơi hào nhoáng lộng lẫy, và tất cả những thứ quí giá khác có mặt trong nhà. Nhưng, bao nhiêu đó chưa đủ để đánh giá một gia đình hạnh phúc thật sự.

Nếu mọi thành viên trong gia đình, không có tình thương vì nhau, cho nhau và với nhau, thì cuộc sống như đóa hoa không hương vị, như ban ngày thiếu ánh mặt trời, như ban đêm thiếu ánh sáng của trăng sao!

Đối với những người bình thường, tình thương luôn mang tính chiếm hữu. Nơi đâu có ganh tỵ, đố kỵ, nơi đó sẽ nuôi dưỡng mầm móng tàn ác, hận thù. Tình thương chỉ có thể hiện hữu và nở hoa khi không còn thù ghét, đố kỵ, tham lam. Khi không có tình thương, cuộc sống giống như đất đai cằn cỗi, khô cứng, thiếu chất nhựa sinh tồn. Những lúc có tình thương, cuộc sống như mặt đất đang nở hoa, có nước ngọt thấm mát, có mưa nắng ấm lòng, có trời xanh mây trắng, có gió mát trăng thanh, toả ra muôn ngàn vẻ đẹp!

Đến cuộc đời này, ngoài việc đắp xây sinh tồn, ta phải tận dụng thời gian ngắm nhìn tất cả hình ảnh nhiệm mầu, thánh thiện. Đặc biệt là khi tâm hồn còn tươi trẻ, khi thân thể còn trẻ trung, ta hãy vun đắp ban trao tình thương thánh thiện đến với mọi người. Vì thời gian tuôn chảy không ngừng, tuyệt đối đừng đợi đến tuổi già mới cảm nhận quan sát, sẽ quá muộn màng. Lúc đó, con người dễ trở thành tù nhân của xã hội và hoàn cảnh. Con người sẽ dễ bị lệ thuộc vào ý niệm vợ chồng, con cháu, nhà cao cửa rộng, địa vị công danh, hay bạc tiền bổng lộc!

Khi hành vi đối xử thiếu chất liệu của lễ độ, trân trọng yêu thương, thiếu cảm thông chân thật, thì cuộc sống sẽ không có ý nghĩa. Hành vi đối xử phải đủ đầy chất liệu của yêu thương và lòng tử tế. Biết quan tâm đến người khác, càng ít nghĩ về bản thân mình.

Không quan tâm đến chính mình, không lấy mình làm trục xoay vũ trụ, ngay lúc ấy, chúng ta thực sự là một con người của tự tại, giải thoát. Chúng ta có thể ngắm nhìn bầu trời xanh, dãy núi, ngọn đồi, dòng nước, chim muông, hoa lá bằng một tâm hồn tươi mát, bằng một tình thương yêu chân thật, bằng một trái tim bao dung tha thứ độ lượng. Nên hiểu rằng, sự hy sinh luôn đi đôi với tình thương. Chính vì vậy, nơi nào có tình thương, nơi đó có hy sinh và ngược lại!

Hy sinh cho tổ quốc quê hương, vì chúng ta yêu quê cha, đất tổ. Hy sinh chính bản thân mình, vì có tình yêu thương đối với cha mẹ, bà con làng xóm. Đây mới là tình yêu chân chính.

Thói thường, khi thương yêu một người nào đó, sự hiện hữu của trách nhiệm, bổn phận, hy sinh phải đi kèm. Cố gắng làm mọi thứ vì chúng ta thương yêu, quý kính người này thực sự. Nhưng con người không thể yêu thương trọn vẹn, nếu còn nghĩ đến tư hữu và tự kỷ. Bởi vì, một khi chỉ nghĩ về mình, thì mình là thứ nhất, người mình nghĩ về sẽ là thứ yếu. Để có được tình thương sinh khởi trong tâm thức người khác, chúng ta thường hay sử dụng đầu môi chót lưỡi. Thực chất, đây không phải tình thương trọn vẹn, mà là một sự mặc cả không hơn không kém.

Tình thương thật sự là một cảm giác, một hành động, trong đó chứa đựng tâm thái an nhiên hiền hoà.

Trong tình thương thật sự, tuyệt đối không có tham vọng, chiếm hữu. Bất cứ tình thương nào còn chứa chấp tâm lý đố kỵ, tranh chấp, giận hờn, chiếm hữu, thì đó không phải là tình thương thật sự!

Nơi nào không còn tham vọng, ganh tỵ, chiếm hữu, thì nơi đó sẽ xuất hiện phương châm xử thế tích cực. Tự bản thân con người đổi mới, hoàn cảnh đổi mới, lối đối xử đổi mới. Vì khi tình thương chân thật xuất hiện, thì sự vận hành của tâm thức hoàn toàn tươi mát. Thân tâm hạnh phúc ngập tràn!

Cuộc sống con người không phải chỉ có những điều cha mẹ, thầy cô giáo, bà con hàng xóm dạy bảo, mà còn do những ảnh hưởng của chính trị, tôn giáo, xã hội, kinh tế, khí hậu tạo thành. Tất cả những ảnh hưởng này luôn tác hưởng, đưa đẩy chúng ta hoà nhập vào cuộc sống.

Phải hết sức bình tĩnh, cố gắng gạn lọc những tư tưởng này. Thay vì trốn chạy, thoát khỏi, chúng ta nên trực diện hoan hỷ đón nhận.

Điều quan trọng nữa làm sao tránh khỏi lối sống máy móc như hiện nay. Cuộc sống máy móc là cuộc sống lập đi lập lại hoài. Lập đi lập lại mà không biết, không tiến bộ gì, thậm chí tâm hồn khó thở nặng nề.

Có thể, chúng ta phải làm công chức, phải thi đậu, phải học tập thật nhiều. Nhưng, hãy làm tất cả những điều này bằng niềm đam mê, chú tâm vô bờ bến. Dòng tâm thức nhu nhuyến này, thường xuất hiện khi còn dưới mái trường Tiểu học. Nhưng khi lớn lên, chính xã hội, con người và môi trường hoàn cảnh tác hợp, làm cho nó biến mất.

Chúng ta phải biết quan tâm giúp đỡ, rộng lượng với người khác. Phải biết dùng trí thông minh của mình để tư duy quán xét mọi động tịnh trong tâm thức. Từ đó, tâm hồn mới có thể trở nên hiền hoà, không làm tổn hại người khác, cho dù là một em bé hay một cụ già.

Phải trải tình thương thật đậm đà trong chính tâm hồn mình. Bằng không, cuộc sống sẽ trở nên trống rỗng vô vị. Chúng ta có thể có mọi thứ mình muốn, như nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con ngoan, địa vị cao sang, quyền thế tột cùng. Nhưng, cuộc sống sẽ giống như bãi tha ma, hay sa mạc trống trơn, nếu cõi lòng không có tình thương ngự trị!

Chúng ta có thể rất khôn ngoan, có khả năng tổ chức tốt, trở thành một luật sư giỏi, một kỹ sư lành nghề, một nhà quản lý xuất sắc. Nhưng, nếu không có tình thương thật sự, chúng ta chỉ được nửa phần giá trị của đời sống. Hãy tìm những hướng đi dẫn đến yêu thương con người, hãy bước những bước chân nhẹ nhàng, đượm ngát thương yêu thiên nhiên động vật. Chỉ có tâm yêu thương, ta mới có thể trở thành người an lạc hạnh phúc. Chỉ có tấm lòng độ lượng, ta mới có thể giúp tha nhân nhận chân nguồn chân phúc vô biên!

Lối sống dấn thân an tịnh có thể phần nào giúp cho con người phát triển tình yêu thương vô hạn, vô vụ lợi. Nhờ tâm hồn thật sự an bình, mới có thể đưa con người thoát khỏi những ngục tù định kiến. Chỉ có tâm hồn như thế, con người mới hiểu biết và cảm nhận đúng như thật. Nếu không có một tâm hồn như thế, cuộc sống giống như đoá hoa không hương vị, như dòng sông không có nước luân lưu, như vùng đất hoang phế, không có dưỡng chất cho cỏ cây nẩy mầm, muôn thú vui tươi sinh sống!!!

T.K.Thiện Hữu