Cũng lạ, sống ở Hà Nội cả chục năm trời rồi, mà chưa bao giờ hắn bắt gặp một giàn trầu không bò loang kín cả bức tường, xanh um và cứ vươn lên đầy nhựa sống, như những thanh âm hân hoan trong trẻo, mát lành nào đó giữa lòng phố phường bụi bặm, cô đơn.
Đó là giàn trầu không nơi quán trà nhỏ mang tên Nghiêm Hoa Trà, ở cuối ngách nhỏ trong ngõ 80 phố Chùa Láng. Lần đầu tiên ghé quán, hắn bị hớp hồn không chỉ bởi không gian thư pháp ấn tượng nơi đây, mà còn vì cái ban-công nhỏ tầng 2 dưới những vòm phi lao cổ thụ lòa xòa vài cụm hoa giấy màu tim tím bồng bềnh bò chen ngang. Đặc biệt là một giàn trầu bò loang trên bức tường phía ngoài của quán, bám chằng chịt nhưng vẫn rất… nề nếp, rất có hồn.
Hắn hay ghé quán vào buổi sáng – khi bình minh thanh sạch dưới những vòm lá xanh và ríu rít tiếng chim trên mấy cành phi lao cổ thụ, chọn góc ngồi cạnh giàn trầu. Gió sớm mai thổi qua, những cánh lá trái tim xôn xao, lay lay nhè nhẹ như ngân nga một bản tình ca, trong thinh lặng, giữa bình yên.
Có lần hắn chia sẻ về giàn trầu ấy với một chị bạn của mình. Chị nói trầu không có nhiều tác dụng cho sức khỏe, trị viêm họng, đau nhức, cảm cúm, mụn nhọt…, muốn nhờ hắn thi thoảng ghé quán ngỏ lời, xin hái giùm một ít về để dùng. Hắn ậm ừ, không nhận lời rõ ràng, cũng chẳng ra từ chối.
Hắn ngồi nhìn cái màu xanh um ấy bên mình, nhìn những cuống lá mập mạp, phiến lá to cứ mở rộng ra lấp lánh đón ánh mặt trời. Hắn không dám hái. Hắn sợ – sợ những lá trầu đau khi một trong số chúng bị đứt lìa, và giàn trầu sẽ héo hon ủ rũ, kém dần sắc xanh….
Hắn nhớ tới bà nội của mình, nhớ giàn trầu sau vườn của nội, nhớ ngày nội lặng lẽ ra đi, nằm lại giữa cánh đồng mùa đông một ngày mưa phùn lạnh buốt. Tự dưng nước mắt ứa ra. Ký ức tràn về.
Nội sinh được 7 người con trai, vất vả với mưa nắng chốn quê nghèo nuôi các con khôn lớn. Rồi mỗi người bay đi một phương. Kẻ Tuyên Quang, người Thái Nguyên lập nghiệp, người vào chiến trường miền Đông Nam Bộ và hy sinh. Cứ thế rơi rụng dần, cuối cùng chỉ còn lại 4 người con khi về già. Ông nội cũng lặng lẽ ra đi, để lại mình bà với mảnh vườn cô đơn. Chỉ còn giàn trầu xanh bên hiên làm bạn.
Nội thì hiền lành, thương con, với con nào cũng bao dung, cũng muốn hy sinh, vun vén khi mình có thể. Mà các con thì mỗi người một tính nết, chẳng thể hòa hợp cùng nhau.
Hắn nhớ ngày nhỏ, nội hay đi bộ vượt cả quãng đường gần 3km để qua thăm hai anh em hắn. Khi thì nội xách theo nải chuối, lúc vài cái bánh đa vừng, phong kẹo lạc – những thứ nội mua bằng tiền lặn lội mò cua bắt ốc ngoài sông, hay buôn qua bán lại vài nải chuối ở góc chợ quê, dành dụm mua cho anh em hắn.
Thương nội sống với chú Út khổ sở, không được chăm sóc cẩn thận, nhiều lần bố hắn thuyết phục, mời nội về ở cùng gia đình hắn, nhưng nội không nghe. Nội nói tao không muốn xa mảnh đất này, dù sướng dù khổ vẫn cứ muốn ở lại, không muốn xa cái mái tranh, cái ao đào, con ngõ nhỏ… đã đi cùng với nội gần hết cả một đời trong cực nhọc, đắng cay.
Và không muốn xa cái giàn trầu không nghĩa tình bên chái bếp…
Nội nói với hắn: Có rất nhiều loại lá hình trái tim, nhưng dường như chỉ có trầu không là thứ lá có hình trái tim rõ ràng, cân đối, đẹp hơn cả. Trái tim con người thì hình bầu dục, nhưng khi vẽ, không ai vẽ hình bầu dục mà vẽ theo những đường cong lá trầu. Có lẽ bởi cùng với cau xanh và vôi trắng, trầu không là một thứ lá dân dã biểu tượng cho nghĩa tình, gắn bó với đời sống của người dân mình từ trong tiềm thức xa xưa cho đến tận bây giờ.
Những lần về thăm nội, hắn thích trốn ra cái võng sau vườn, nằm dưới những vòm nhãn lòa xòa, những thân cau cao vút để nội cầm quạt cắt bằng mo cau phe phẩy hát ru mấy câu bâng quơ. Mỗi lần như thế, thể nào nội cũng lại thủ thỉ, như nói với mình, như nói cùng giàn trầu, nói cùng với hắn về cái nghĩa, cái tình từ miếng trầu, quả cau.
Hóa ra chẳng có sự kết hợp nào tuyệt vời hơn sự trộn hòa ấy: Dây trầu mọc lên từ đất, quấn quýt thân cau để vươn lên, hướng tới bầu trời – ấy là một sự kết nối trung gian hòa hợp. Nếu đứng một mình, chúng chẳng mang ý nghĩa gì. Nhưng khi được quyện hòa, ấp ủ trong môi miệng của con người, sẽ mang đến một sự kỳ diệu. Miếng trầu làm người với người gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Tất cả sẽ trở nên đằm thắm, rực rỡ như màu son đỏ nồng nàn tình nghĩa, như cái duyên kết nối của con người với con người, và với cuộc đời.
Rồi nội kể về thời của nội, con gái hầu như tất cả đều biết têm trầu, ăn trầu. Chỉ cần qua cử chỉ têm và ăn trầu ấy là người đối diện có thể phán đoán tương đối về tính nết cũng như nếp sống của người đó. Trước đám cưới, cả nhà trai đi xem mặt nàng dâu tương lai sẽ đòi bằng được cô gái ra têm trầu. Miếng trầu mà têm vụng về – ấy là người không khéo tay; miếng trầu nhỏ miếng cau to – ấy là người không biết tính toán làm ăn; miếng trầu quệt nhiều vôi là người hoang phí, không biết lo xa… Ông nội hắn chọn nội cũng từ cách đó, vì miếng trầu của nội chỉn chu, gọn gàng. Và quả thực một đời, nội đã nhận về mọi khổ cực để vun vén, lo toan cho cả gia đình – tựa miếng trầu nội têm thời con gái.
Hắn nhớ và thích cách nghĩ của nội, khi chỉ cho hắn về những chiếc lá khác nhau trên một giàn trầu không. Nơi đó là sum vầy. Nơi đó là sự quấn quýt. Hệt như trong một gia đình vậy: Có những lá trầu xanh non be bé màu nõn chuối như những đứa trẻ, những lá trầu to bằng cả bàn tay xanh màu áo bộ đội sẽ giống như những chàng trai cô gái đang tuổi mười tám đôi mươi phơi phới. Những lá trầu bắt đầu sạm lại, mình lá dày hơn, sắc xanh thâm thẫm là những người trưởng thành, đã và đang đi qua mưa gió, vui buồn được mất đời người. Cuối cùng là những lá trầu vàng dần đi, như đời nội, như những vạt nắng xế chiều sắp sửa tan vào bóng đêm. Tất cả ngần ấy lứa tuổi, cuộc đời cùng chung một giàn, một thân, dưới nắng dưới mưa, dưới bão dưới giông chẳng bao giờ muốn chia lìa.
Nội nói: Những bão giông, khó khăn ấy cũng là duyên phận, và thực ra là một phép thử của cuộc sống, để những người yêu thương nhau phải đối diện, xích lại gần nhau hơn, lắng nghe và đồng lòng, cùng gắng vượt qua. Và nếu làm được như thế – giống như giàn trầu kia dù nắng mưa không chia lìa – thì khi vượt qua rồi, sẽ thấy gắn bó với nhau hơn, thương nhau nhiều hơn rất nhiều. Cuộc sống ý nghĩa là khi con người ta có nhau, được ở cùng nhau. Còn những lúc khó khăn, giông gió mà buông tay vội vàng, hoặc bỏ mặc, đẩy nhau ra xa, thì thật dễ, và ai cũng có thể làm được…
Cứ thế, hắn lớn lên cùng với những ý niệm, nhân sinh quan từ tình nghĩa của những lá trầu qua góc nhìn, qua chiêm nghiệm một đời của nội. Vì vậy, hắn tin, trong mỗi lá trầu kia cũng có một trái tim – một trái tim đẹp từ hình dáng bên ngoài đến những nỗi niềm sâu kín chứa đựng bên trong – theo tháng năm buồn vui của đời người.
Những ngày nội còn khỏe mạnh, hắn để ý thấy trên giàn trầu có đủ cả lá non, lá xanh và lá vàng. Khi nội yếu dần, lú lẫn, không tự chăm sóc bản thân được nữa, bố chở hắn xuống bồng nội lên trên nhà hắn để tiện chăm sóc. Đến khi nội đổ bệnh, giàn trầu tự dưng héo rũ, lá vàng phủ quá nửa.
Hắn nhìn giàn trầu ấy, hiểu và cảm được nỗi niềm nghĩa tình kia, biết cả trăm trái tim trong mỗi phiến lá đang nhớ hơi thở, nụ cười, nhớ những câu chuyện vui buồn móm mém của nội. Vì thế nên trống vắng. Vì thế mà kém dần sắc xanh.
Một buổi sớm nội rất tỉnh, dậy từ sớm, ngồi trầm ngâm bên khung cửa sổ nhà hắn, hướng mắt về phía vườn nhà, mắt nhoèn gỉ chớp chớp liên hồi. Nội nói nội nhớ quê, nhớ giàn trầu. Hắn bảo để con xuống cắt lấy một đoạn dây trầu về trồng bên cửa sổ giường nội, cho nội đỡ nhớ nhé. Nội lặng im, đưa tay lên dụi dụi mắt bảo hắn đừng cắt, giàn trầu sẽ rất đau. Con đưa nội về thăm giàn trầu đi.
Hắn hiểu cái nỗi nhớ trong lòng nội, hiểu cái nghĩa tình, sự thương nhớ nơi giàn trầu, nên thuyết phục bố cùng hắn đưa nội về thăm quê.
Hắn dìu nội dò dẫm chống gậy ra chái bếp. Giàn trầu đã vàng toàn bộ, phủ kín bức tường gạch thẫm rêu. Nội nhìn những lá trầu vàng, tự dưng bật khóc tu tu như trẻ nhỏ. Không có giọt nước mắt nào chảy ra. Nước mắt đã chảy, đã cạn cả một đời rồi. Chỉ có những ngọn gió mùa đông tạt qua, buốt nhói. Và đêm hôm ấy nội trút hơi thở cuối cùng.
Sáng hôm sau hắn đẫm nước mắt, bên quan tài nội, qua ô cửa sổ nhìn ra chái bếp. Giàn trầu đã rụng sạch lá, trơ thân mình gân guốc bám trên mảng tường rêu. Cả một khoảng mặt đất dưới gốc dây trầu vàng lên nhưng nhức trong gió lùa mùa đông.
Hắn đang ngồi ở ban-công quán trà, nhìn những thân dây còn leo lên cao, đang men theo những thanh chắn lan can ngoài ban-công, tạo thành một đường cong như đôi cánh tay của một ai đó vòng ôm lấy đất trời. Thực sự, hắn không nỡ đưa tay bứt những lá trầu nơi quán trà ấy. Bởi cuộc đời này, chẳng ai thấy vui sướng và lòng có thể bình yên khi nhìn một ai đó, một điều gì đó gắn bó với mình lặng lẽ ra đi.
Hắn cũng vậy. Những lá trầu xanh kia cũng vậy…
Với các loài cỏ cây khác không biết thế nào, chứ cái tình nghĩa của trầu không sâu sắc lắm. Tha thiết đến quặn lòng!
Và bởi trong mỗi lá trầu đều có một trái tim…
Lương Đình Khoa