Em là một học sinh lớp 11 tính tình ương ngạnh ham vui, mải chơi hơn học, quen với cuộc sống sung túc an nhàn nơi đô thị, với chăn ấm vào mùa đông và điều hòa về mùa hạ. Kỳ nghỉ hè tới, đồng nghĩa với việc em đi chơi gần như thâu đêm triền miên ngày này qua ngày khác. Con người em dường như khiến trở nên phát phì và đầu óc trở lên trì trệ. Cuộc sống nhàm chán và ít nhiều phù phiếm nơi đô thị đã khiến em chán nản, và đó cũng là lúc em biết đến Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên.

Xét trên nhiều phương diện, đây không phải là ý định ban đầu của em bởi em tới thiền viện trong sự ràng buộc và ít nhiều áp lực từ phía gia đình. Đối lập với nụ cười tươi rói và luôn miệng: “Con lớn rồi! Mẹ cứ yên tâm” là nỗi nhớ nhà, bực dọc, tiêu cực trong suy nghĩ của một chú ngựa non háu đá bị tước mất tự do và ít nhiều có cảm giác tức tối. Em còn nhớ mình đã từng nghĩ “Cứ như là vào tù vậy”.

Những ngày đầu tiên trong Thiền Viện trôi qua thật chậm chạm! Lịch tu học dày đặc, cái nóng như thiêu đốt của ngày hè, lên Liêu phòng sau bữa ăn và việc đi ngủ mà không có sự có mặt của điều hà 24 độ C càng làm em căng thẳng. Không những thế những bữa ăn chay diễn ra trong nghi thức và – như các sư thầy nói – “Sự tĩnh lặng”, quả thật khác xa với những bữa ăn có tivi bên cạnh, và ta có thể thoải mái ngồi theo ý thích của mình.

Khó khăn không chỉ dừng lại ở đó, việc vệ sinh cá nhân và giặt giũ, rửa bát đũa trong sinh hoạt tập thể vất vả vô cùng. Một chàng công tử “rơm” đất Hà Thành thì có bao giờ phải chia sẻ phòng tắm với bất kỳ ai khác trong chính căn nhà của mình? Giờ đi ngủ của một cậu học sinh cấp III chơi nhiều hơn học như em luôn dao động từ 12h30 khuya trở đi nay thành 21h30 đi ngủ và 4h thức giấc để ngồi thiền thực sự là một cực hình.

Một nhà hiền triết đã từng nói “Cái gì nhiều quá cũng không tốt”. Quả đúng vậy, chất chứa sự bực dọc và khó chịu trong con người khiến chúng ta già cỗi và khô cằn đi. Tình cờ trong một giờ ngồi thiền vào buổi sáng khi trong đầu em đang ngập tràn những lời kêu ca về nỗi khó nhọc khi làm việc, em chợt nghĩ về mẹ. Mẹ chúng ta cũng làm việc nhà quần quật còn hơn thế mà mẹ nào có bao giờ than thở? Mẹ nào có bao giờ phàn nàn rằng “Sao con xin mẹ nhiều tiền đi chơi thế?” đâu? Và mẹ cũng đâu có bao giờ ầm ĩ lên rằng mình thật lười biếng quá đâu? Mẹ chỉ lẳng lặng, nhẹ nhàng không nói, nhắc nhở nhẹ nhàng hay giấu mình trong phòng khóc âm thầm suốt đêm mà chúng ta nào có bao giờ chịu hiểu? Sự sung sướng và đùm bọc trong vòng tay cha mẹ khiến ta lãng quên, không đặt câu hỏi rằng chúng ta đã làm được gì cho cha mẹ mình hơn những bản kiểm điểm, những buổi gặp riêng với giáo viên chủ nhiệm, sự đòi hỏi vô lý và trẻ con?

Cổ nhân nói rằng “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, vậy liệu điều đó có đúng không?Những giờ phút tĩnh tâm ngồi thiền đã khiến em nhận ra nhiều điều. Có lẽ cuộc sống vội vã nơi đô thị phồn hoa đã khiến những giá trị đạo đức bị lãng quên và những điều giản đơn bị bỏ mặc. Em dần ý thức được rằng mình cần phải cố gắng thật nhiều vì nếu chút khó khăn nhỏ nhoi này khiến mình gục ngã, thì một thằng con trai liệu có làm nên việc gì?

Trải nghiệm Khóa Tu Mùa Hè

“Chúng ta ai cũng cần phải thay đổi” Growth đã nói vậy. Và ai cũng cần phải thay đổi nếu muốn tồn tại. Em nên cố gắng hơn – theo lời nhận xét của các sư thầy, em dần tìm thấy niềm vui trong lao động chứ không phải sự tù túng gò bó như trước nữa. Việc dậy sớm ngồi thiền thật thanh thản và dễ chịu biết bao chứ không còn những cơn đau đầu do thức khuya chơi điện tử nữa. Và em cũng nhận ra mọi người ở đây thật tuyệt vời biết bao. Những bạn thiền sinh cùng và khác tổ, các anh tình nguyện viên và các sư thầy, tất cả như chìm trong không khí đầm ấm của những bài hát và sự háo hức tới đêm lửa trại. Và trên hết là sự thay đổi trong chính bản thân mỗi chúng ta….

Em viết bài cảm nhận này trong ngày thứ năm của khóa học, khi ngày chia tay đang sắp đến gần. Thời gian trôi nhanh làm sao và là thứ xa xỉ mỗi người đều không có. Nhưng có một điều duy nhất em thực sự chắc chắn: đó là các bạn thiền sinh sẽ mãi nhớ về nhau “tay sắp xa nhưng tim không xa” như bài hát của anh Minh Hiển đã dạy. Và còn đó những âm vang của tiếng chuông buổi đọc kinh sám hối và những lời giảng của các sư thầy và trên hết ta càng thêm quý trọng bố mẹ ta hơn, biết sống phải đạo hơn và thực sự khắc ghi trong lòng những lời của bài hồi hướng văng vẳng:

“Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sinh

Đều trọn thành Phật đạo”

(Thiền sinh nghịch ngợm của tổ 2)

Theo Phật Pháp Ứng Dụng