Tôi đọc được những dòng này của một thiếu nữ 15 tuổi trên một tờ báo dành cho tuổi mới lớn.
Em viết về mẹ của mình.
“15 tuổi, tôi không còn quá nhỏ để mẹ lúc nào cũng chú ý ‘chi li’ từng việc như:
‘Tôi ăn cơm chưa, tôi… tắm chưa và bạn của tôi là những đứa nào?…’.
15 tuổi, mẹ vẫn còn đưa đón tôi đi học…
Tôi xấu hổ với bạn bè, còn mẹ thì lo sợ xe cộ đông đúc… Bao nhiêu lần tôi muốn hét lên: ‘Mẹ đừng kỳ vọng gì vào con cả!’. Bao nhiêu lần tôi muốn buông xuôi… để mẹ biết rằng tôi đã lớn và có thể quyết định những thứ ngoài ‘vòng kim cô’ của mẹ. Nếu có một điều ước, tôi chỉ muốn mình được… ‘tự do’.”
Tôi đọc mà buồn quá! Mẹ mà không được kỳ vọng gì vào con cả thì kỳ vọng vào ai? Ai có thể đỡ đần cho mẹ lúc già nua tuổi tác? Ai có thể lo lắng cho mẹ lúc ốm đau bệnh họan? Ai có thể chia ngọt sẻ bùi với mẹ lúc canh vắng đêm dài, với bao nỗi lo toan, nhọc nhằn không nói nên lời?
Tôi hiểu trong một lúc quá đỗi bực mình nào đó, em đã thốt lên những lời đau xót này với mẹ. Tôi chắc rằng, một ngày kia, khi tuổi đời thêm chồng chất, đọc lại những dòng này em sẽ vô cùng hối hận. Tôi hiểu rằng rồi đây khi đến lượt mình bế trên tay một đứa con đỏ hỏn, rứt ra từ núm ruột của mình thì em sẽ thấm thía nghĩ về mẹ mình ngày xưa, lúc đó nhiều khi mẹ đã không còn nữa! Tôi chắc rằng người mẹ khi đọc những dòng này của em sẽ không hề khóc, sẽ chỉ trìu mến nhìn đứa con thân yêu từ núm ruột mình rứt rakia đang hờn dỗi và càng thương nó hơn. Khi nhìn con đã ngủ ngon lành sau cơn phiền muộn, mẹ sẽ kéo tấm chăn mỏng đắp thêm cho con, vuốt lại tóc con cho ngay ngắn, len lén hôn lên trán con thật nhẹ, rồi rón rén bước đi…
Nhớ lại những ngày xưa, mẹ có thể mỉm cười… Những lúc bú mớm con cũng đã từng cắn mẹ đau điếng! Những lúc bệnh hoạn con cũng làm mẹ thức thâu đêm. Con ho mà mẹ ran lồng ngực. Con ỉa chảy mà mẹ đau thắt ruột gan. Mẹ không ngại ngần hôi hám, vấy bẩn để chăm sóc con. Có lúc ngửi mùi phân của con, có lúc ngửi mùi nước tiểu của con để theo dõi bệnh trạng báo cho bác sĩ. Sữa mẹ là những tế bào thân xác mẹ vỡ ra mà thành. Mẹ xanh xao đi để con được hồng hào. Mẹ lùn thấp xuống để con được cao lớn lên. Mẹ loãng xương để con được cứng cáp. Mẹ nhăn nheo để con đầy đặn. Mẹ xấu xí từng ngày để con ngày càng rạng rỡ xinh tươi. Nhìn con lớn lên mẹ nhìn thấy mẹ ngày xưa. Con nói bi bô, con đi lững thữngtừng bước một… ngày nào! Mẹ hãnh diện nhìn con như dòng sông hãnh diện nhìn dòng nước chảy. Mẹ không kỳ vọng vào con thì kỳ vọng vào ai?
Rồi một ngày nào đó, chắc chắn con sẽ được “tự do”…, con sẽ thoát khỏi “vòng kim cô” của mẹ, không cần phải có một điều ước!
Sẽ không còn ai nữa chú ý “chi li” đến từng việc của con, ăn cơm chưa, tắm chưa, và bạn con là những đứa nào…
Cho nên, tôi nghĩ ngay bây giờ em đã có thể ôm lấy mẹ và nói với mẹ rằng: Mẹ ơi, mẹ cứ kỳ vọng vào con đi! Nhưng đừng tạo sức ép, đừng làm con quá đỗi lo âu. Con đã lớn rồi! Con sẽ không phụ lòng mẹ đâu! Mẹ cứ kỳ vọng vào con đi!
* * *
Khi một bà mẹ mang thai đứa con trong lòng, một tình thương vô bờ bến đã tràn vào tâm hồn bà, một tình thương vô điều kiện, sẵn sàng chấp nhận, hy sinh, để bảo vệ đứa con, sẵn sàng làm mọi thứ tốt lành cho đứa con. Không đợi khoa học chứng minh thai nhi vài ba tháng tuổi trong bụng mẹ đã có thể nghe, có thể hiểu, bà mẹ bằng trực giác đã biết ân cần với con, biết hát ru con, biết trò chuyện với con. Khi con máy đạp, dù bị khó chịu bà vẫn vui mừng không xiết, mầm sống đã cựa mình, đã quậy phá, và bà mỉm cười với nó, nhẹ nhàng với nó, hãnh diện vì nó. Ông bố cũng vậy, sẵn sàng bỏ rượu, bỏ thuốc lá… vì con theo lời khuyên của bác sĩ. Vợ chồng trở nên dịu dàng trong lời ăn tiếng nói để con không bị vấy bẩn tâm hồn ngay còn trong trứng nước. Đây là một thứ tình thương không bờ bến, hoàn toàn vô điều kiện. Có phải là “Từ” đó chăng?
Rồi khi con bi bô, chạy nhảy chơi đùa, u đầu sứt trán, tróc vảy trầy da, ông bố bà mẹ nào cũng đau cái đau của con, đau còn hơn con, muốn đau thay cho con mà không được! Dĩ nhiên không phải là lòng thương hại. Quan tâm, chăm sóc, làm giảm đau, và… không quên dạy dỗ con biết phòng tránh sau này. Có phải là “Bi” đó chăng?
Rồi con lớn lên, đi học, lớp này lớp khác, đạt thành tich này thành tích khác trong học tập, thể thao, văn nghệ, bố mẹ nào chẳng hân hoan sung sướng nhìn con, chia sẻ cùng con nỗi mừng vui, không hề có chút lòng ganh tị! Vui cái vui của con như của chính mình, còn hơn cả của chính mình. Có phải là “Hỷ” đó chăng?
Rồi khi con lớn khôn, ra trường, có sự nghiệp, có gia đình riêng, hạnh phúc riêng, người làm cha mẹ nào cũng cảm nhận được sự bình an, hạnh phúc, thấy mình đã làm hết những gì cần làm cho con, cũng ý thứcđược giới hạn của mình từ đây. Dĩ nhiên vẫn tiếp tục giúp đỡ với tấm lòng rộng mở. Có phải là “Xả” đó chăng?
Từ Bi Hỷ Xả chính là cách mà cha mẹ đã dành cho con cái suốt cả cuộc đời đó vậy.
(Đỗ Hồng Ngọc – Văn Hóa Phật Giáo 15.5.2017)