Một trong những công tác hàng đầu của tu sĩ Phật giáo là: Đem lời dạy của Phật và sự tu học của mình để truyền đạt cho mọi người cùng tham khảo học hiểu và tu học theo. Nhưng để đạt được mục tiêu giáo dục này, đòi hỏi người truyền bá phải biết vận dụng nhuần nhuyễn hợp lý, hợp tình, biết được căn cơ của mọi người. Thiếu đi yếu tố quyết định này, sự hoằng pháp có thể dẫn đến thất bại.
Tùy theo điều kiện nhân duyên, căn cơ trình độ của mỗi người mà chúng ta có thể giúp đỡ để họ chuyển hóa phiền não tham sân si, thành an vui hạnh phúc. Ðiều này không phải dễ, thường thì chúng ta hay áp đặt lên quan điểm và trình độ của kẻ khác, bằng sự hiểu biết của mình, mà quên đi mục đích chính là giúp người qua biển khổ sông mê, chứ không phải phổ biến quan niệm hay truyền đạt lối tu của mình.
Có đủ trí tuệ và khả năng để tùy duyên hoá độ chúng sinh là rất khó. Bồ Tát Quán Thế Âm có 32 tướng ứng hóa thân để độ chúng sinh bằng tứ nhiếp pháp: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự làm phương tiện hướng chúng sinh quay về đường thiện bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.
Tùy duyên mà vẫn giữ được mục đích và bản chất của nó ta thường gọi là tùy duyên mà không bị biến đổi. Có người nội lực còn yếu kém, nên tùy duyên quá đành phải chịu cho duyên trần kéo lôi làm đánh mất bản thân mình, mà dính mắc vào đời sống thế tục.
Ngay cả đến Đức Phật, khi thuyết pháp, Ngài cũng vận dụng phương tiện thiện xão để tuỳ duyên tuỳ căn cơ mọi người mà tìm cách độ họ. Các vị Thiền sư, đạo sư, cao tăng sau này cũng nhờ tùy duyên hóa độ mà làm rạng rỡ truyền thống tốt đẹp của Phật giáo. Do đó, tùy duyên hóa độ là cần thiết, là khó thực hiện, là nền tảng của sự hoằng pháp, giáo dục. Cho nên tuỳ duyên hoá độ là khó.
19- Thấy cảnh vô tâm là khó
Nội dung của điều khó này cũng tương tự với nội dung ở điều khó thứ 10. Nhưng vô tâm ở đây được đề cập với mức độ cao hơn, sâu hơn, khó thực hiện hơn, có nghĩa là hoàn toàn không dính mắc vào mọi sự vật, dù kiếm bén kề sát cổ ta vẫn không sợ hãi. Vô tâm là hoàn toàn an nhiên tự tại, giải thoát. Không động tâm là bước đầu để đạt đến vô tâm. Khi ta còn động tâm thì không thể nào thành tựu được vô tâm hoàn toàn trước cảnh trần.
Người tu đạo giác ngộ, giải thoát phải từng bước huấn luyện cho tâm mình không dao động trước mỗi hoàn cảnh. Mọi sự tiếp xúc ta phải tập làm chủ trực tiếp từ sáu căn là mắt tai mũi lưỡi thân ý.
Vua Trần Nhân Tông lên ngôi năm hai 20 tuổi, xuất gia năm 41 tuổi, thị tịch năm 51 tuổi. Ngài là vua lãnh đạo đất nước thừa hưởng cung vàng điện ngọc, thụ hưởng dục lạc thoải mái. Hai phen cầm quân đánh đuổi giặc xâm lăng, giữ yên nước nhà qua cơn loạn lạc.
Khi đi xuất gia Ngài tu khổ hạnh hiệu là Trúc Lâm Đầu Đà, tích cực truyền bá chánh pháp, phá bỏ tập tục mê tín khuyến khích mọi người giữ gìn năm giới, tu mười điều lành, Ngài hoằng hoá độ sinh không biết mệt mỏi, nhàm chán.
Điểm đặc biệt của Ngài là khi làm vua thì hy sinh quên mình giữ nước, chống giặc ngoại xâm hết mực thương yêu lo lắng cho dân chúng an cư lạc nghiệp. Khi xuất gia thì quyết chí tu hành cho sáng đạo. Đến khi hoằng pháp lợi sinh thì hướng dẫn cho mọi người bỏ ác làm lành và cùng nhau sống yêu thương bằng trái tim hiểu biết. Ngài là tấm gương sáng cho nhân loại để nhắc nhỡ cho chúng là không có gì không thể làm được, chỉ có ta có quyết chí vươn lên vượt qua lầm lỗi hay không mà thôi! Chính vì thái độ dứt khoát rõ ràng trong từng giai đoạn, nhờ vậy mà Ngài tự tại làm chủ bản thân sống đời an nhiên, giải thoát. Chúng ta hãy lắng nghe bài kệ của Ngài:
Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà báu sẵn thôi kiếm tìm
Đối cảnh không tâm, chớ hỏi thiền.
Sống giữa cuộc đời trần tục với muôn vàn cám dỗ nào lợi danh, sắc đẹp, tiền tài, ăn ngon, mặc đẹp, ngũ nhiều nhưng khi sáng đạo thì mọi thứ chỉ là ảo ảnh, không thật có. Duyên cảnh biến thiên tình đời đổi trắng thay đen, nhưng ta vẫn thấy an vui hạnh phúc, như khi đói đến thì ăn, khi mệt đến thì nghỉ ngơi không toan tính nghĩ suy mà tự làm khổ mình.
Người đời không biết cứ dong duỗi tìm cầu bên ngoài mà không biết ngay nơi thân này có tính biết sáng suốt, nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng không lầm lẫn tai mũi lưỡi thân ý cũng lại như thế. Cái khéo của chúng ta là khi đối duyên xúc cảnh tâm ta vẫn an nhiên bất động, vậy thì còn tìm hỏi thiền ở đâu nữa. Thật đơn giản nhẹ nhàng chớ tìm cầu đâu xa.
Ngài chỉ tu trong một thời gian ngắn chỉ khoảng mười năm thôi, cho nên mọi người đều tôn xưng Ngài là ông vua thiền sư Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Vua Trần Nhân Tông là người kế thừa con đường của Phật đã vạch sẵn, nên không phải mất công tìm kiếm đâu xa, do đó mà công phu đơn giản nhẹ nhàng, chỉ nhìn thấy từng tâm niệm sinh diệt mà không cần phải đối trị quán chiếu. Cho nên đối cảnh vô tâm là một việc khó làm vì nó là điểm đích sau cùng khi thành tựu đạo pháp.
Như thế, chúng ta cũng biết rằng từ không dính mắc, động tâm sẽ dẫn đến vô tâm. Vô tâm là không còn dính mắc ta người và hoàn cảnh, là thể nhập như như bất động, là tự tại, giải thoát và thường biết rõ ràng.