“Dù ai đi ngược bốn bề,
Chưa đến Ông Hổ chưa về An Giang”.

Ông Dễ còn kể thêm: Cái cù lao Mỹ Hòa Hưng này nghe nói đã có trên 300 năm và mang tên cù lao “Ông Hổ” bởi nhiều câu chuyện tâm linh huyền thoại nhưng sâu đậm chất nhân văn về lòng yêu thương loài vật; lòng thủy chung của thú dữ khi được cảm hóa; sự hung hãn của những dòng nước lũ mỗi năm tràn qua cù lao này.

Có hai truyền thuyết giải thích địa danh “Ông Hổ” nhưng hiện nay nhiều người dân cố cựu tại đây thống nhất cao với hai truyền thuyết. Câu chuyện thứ nhất là ngày xưa nơi đây là nơi hoang vu theo cách kể của người xưa “dưới sông cá lội, trên bờ cọp đua” hay “cọp ngồi bờ kinh xem… hát bội” .Tương truyền, một hôm có hai vợ chồng ông lão chèo xuồng đi lấy củi. Khi trở về thấy trên mảng lục bình trôi sông có một con hổ con vừa đói vừa rét, bèn đem về nhà nuôi dưỡng. Khi lớn lên, con hổ rất hiền lành, không phá phách ai. Khi hai ông bà qua đời, hổ cũng bỏ vào rừng. Hằng năm, tới ngày giỗ ông bà, hổ đều mang về một con heo rừng đặt bên mộ rồi đi. Dân làng vì thấy con vật sống có nghĩa nên đặt tên nơi đây là cù lao Ông Hổ và lập miếu thờ.

Về cù lao “Ông Hổ” nghe kể chuyện cọp thủy chung
Ngôi mộ của “Ông Hổ” hiện nay

Truyền thuyết thứ hai là vào thời khẩn hoang, những người đi mở đất từ phía Long Xuyên đã chặt cây rừng kết bè vượt sông Hậu sang khai phá, lập làng. Có một năm, nước sông Hậu dâng lên cuồn cuộn như nhấn chìm dải cù lao. Gia đình nọ trong lúc chống xuồng tránh lũ đã phát hiện một chú hổ con bị kiệt sức, sắp chết đuối. Họ vớt hổ con đưa về chăm sóc, cho ăn ở cùng với người. Đáp lại ơn cứu mạng, hổ thường vào rừng săn bắt muông thú về cho gia chủ. Gia đình ấy có một cô con gái bị mù. Hằng ngày, hổ cõng cô bé mù theo cha mẹ vào rừng làm rẫy. Người và hổ thân thiết như đôi bạn tri kỷ. Đến một ngày, cô gái mắc bệnh qua đời. Hổ buồn rầu và một thời gian sau cũng chết theo. Dân làng thấy hổ ăn ở có tình có nghĩa chẳng khác gì con người nên đã lập miếu thờ, gọi là miếu thờ ông Hổ, sau này trở thành chùa Bửu Long như hiện nay.

Không biết hư thực ra sao nhưng bà Nguyễn Thị Tám, ngụ gần Miếu “Ông Hổ” quả quyết: “Miếu này linh ứng lắm. Hồi đó cách mạng về đây “nằm vùng” hoài. Tụi địch dù biết rất rõ nhưng không dám càn quét vào đây vì sợ “Ông Hổ” vặn họng”.

Mộ của “Ông Hổ” đã được trùng tu rất nhiều lần và đã được cất mới vào năm 2007. Hàng năm, lễ giỗ Ông Hổ được tổ chức vào ngày 28/10 Âm lịch với sự tham gia rất đông của du khách xa gần. Nhiều người con cho biết: trước đây lễ giỗ tổ chức đến 2 hay 3 ngày với nhiều hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao để tỏ lòng với “Ông Hổ” và cũng là dịp cầu mong mùa màng bội thu, dân làng khỏe mạnh, không xảy ra dịch bệnh. Các hoạt động chính thường là: hát bội, đờn ca tài tử, biểu diễn cải lương, múa lân; các trò chơi dân gian như: đua ghe, bắt vịt, đẩy gậy, đập nồi…

Về cù lao Ông Hổ hôm nay, có rất nhiều du khách sau khi tham quan khu di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia Tôn Đức Thắng, họ đều dành thời gian đến mục sở thị miếu “Ông Hổ” để được nghe kể nhiều câu chuyện hư hư, thật thật về một linh thú nghĩa tình đã gắn chặt với vùng đất cù lao giữa sông Hậu mênh mang sông nước.

(Trần Trấn Giang)