Mình ơi, tội con quá! Phải cứu lấy con bằng mọi giá. Không thể để con như thế này được. Con ơi, sao người nằm đây không phải là ba mà lại là con…
 
Anh Thuận vò đầu bứt tóc, đôi mắt thâm quầng ầng ậc nước. Ngồi bên giường bệnh của Hoàn, cô con gái đang phải băng bó toàn thân vì bị bỏng nặng, anh Thuận cảm thấy đau đớn vô cùng.  

Chị Thục, vợ anh, đứng bên cạnh, tấm thân gầy rạc vì cả tuần thức trắng đêm chăm con gái, đôi mắt chị đỏ hoe chẳng nói nên lời. Dường như chị chưa hết bàng hoàng, thảng thốt về chuyện xảy ra đối với con. Người đàn bà ấy lặng lẽ ngồi bên giường nhìn con, trái tim thắt lại đau nhói. Chị muốn được cầm lấy tay con, chạm vào người con, ôm lấy con,… nhưng bất cứ một cử động nhỏ thôi, chị cũng đều sợ con đau nên ý nghĩ ấy lại thôi. Chứng kiến toàn thân con bị băng bó, máu loang lổ thấm đầy băng, nhuộm cả tấm ga trắng trải giường bệnh, chị Thục càng suy sụp tinh thần. Phòng cấp cứu dành cho những người bị bỏng nặng, già có, trẻ có. Người thân của bệnh nhân ngồi im phăng phắc, ai nấy trên gương mặt lộ rõ niềm lo âu, sợ hãi. Họ hỏi thăm nhau bằng những thanh âm rất khẽ. Có khi đơn giản chỉ là cái gật đầu, lắc đầu, cầm tay nhau hay nhìn nhau đồng cảm.

– Mời người nhà của bệnh nhân Nguyễn Thị Hoàn lên gặp bác sĩ! Nữ y tá Lương khoác trên mình bộ đồng phục blouse trắng bước vào phòng, giọng cô vừa đủ cho những người thân của bệnh nhân đang ngồi im lặng trong phòng bệnh nghe thấy.

– Dạ. Có tôi. Anh Thuận nhìn y tá Lương rồi đứng dậy. Anh lặng quay nhìn con gái đang nằm trên giường, nhìn sang người vợ đang ngồi ngơ ngác sau đó chậm bước ra khỏi phòng. Vẻ sợ hãi hiện trong đôi mắt thẳm sâu của chị Thục khi nghĩ đến cuộc gặp gỡ của chồng với bác sĩ. Tất cả mọi người trong phòng bệnh đều đổ dồn về phía giường bệnh của Hoàn. Họ bắt đầu xì xầm:

– Con bé được chuyển vào đây đã được một tuần.

– Có vẻ như nó bị bỏng rất nặng. Trông toàn thân bị băng bó thế kia là biết rồi.

– Tội nghiệp. Con bé mới 18 tuổi, đang học năm cuối phổ thông. Nghe nói nó xinh xắn, học giỏi và ngoan ngoãn lắm…

Một, hai người thân của bệnh nhân ở các giường bên cạnh bước đến bên chị Thục. Người cầm tay, người động viên, chị Thục dẫu chưa một lần gặp họ nhưng cũng cảm thấy biết ơn vì được an ủi.

– Bác sĩ nói sao ạ? Con gái tôi…

– Anh bình tĩnh. Chúng tôi có thể hiểu được nỗi lòng của anh chị lúc này. Nhưng cũng không vì thế mà không thông báo cho anh chị biết điều hệ trọng này. Cô bé bị bỏng quá nặng. Giờ lại thêm chứng nhiễm trùng máu. Nếu không cấy ghép da kịp thời, có thể bệnh nhân sẽ rất nguy kịch.

– Bác sĩ cứ lấy da tôi để cấy ghép cho con bé. Da chân, da tay, da lưng, da bụng,… bác sĩ lấy hết, miễn sao con gái tôi có thể qua khỏi cơn nguy kịch. Bác sĩ nói tôi làm gì, tôi sẽ làm. Anh Thuận xúc động.

– Nhưng…

– Nhưng sao hả bác sĩ? Anh Thuận bỗng sững người.

– Hôm đưa con gái anh đến bệnh viện, anh có bị ngất xỉu. Chúng tôi khám lâm sàng và biết anh bị chứng huyết áp cao. Nếu lấy da của anh, chúng tôi e rằng anh sẽ không chịu được cơn đau đớn và sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe rất nhiều.

– Không… không sao bác sĩ. Tôi chịu được. Xin bác sĩ… hãy cứu con gái tôi! Anh Thuận quỳ sụp xuống đất, tay anh nắm chặt lấy bàn tay bác sĩ An khiến ông vô cùng xúc động.

Anh Thuận báo lại thông tin cho vợ. Chị Thục thảng thốt:

– Mình… mình bảo sao? Sáng mai các bác sĩ sẽ phẫu thuật lấy da của mình để cấy ghép da cho con? Không được đâu. Mình để tôi… Tôi khỏe mạnh hơn. Tôi ít đau bệnh hơn mình. Để tôi… Chị Thục nước mắt giàn giụa, đứng lên định bước về phòng bác sĩ thì chồng chị ngăn lại:

– Mình đừng đi! Tôi không sao đâu. Điều quan trọng bây giờ là tiền viện phí rồi tiền thuốc của con… Biết xoay xở thế nào? Đôi mắt sâu hoắm của anh Thuận lại chực trào hai hàng nước mắt nóng hổi.

– Sổ đỏ nhà thì mình cắm rồi. Anh em họ hàng mình cũng đã vay mượn hết cả. Còn mấy sào bắp đang trổ cờ để tôi bán lại cho người làng may ra cũng phụ thêm được chút ít lo cho con. Chị Thục nói với chồng như phân trần, giải thích.

– Ừ… Cũng đành vậy. Xoay xở được đến đâu hay đến đó. Còn con là còn tất cả, mình ạ.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất miền Trung đầy nắng gió, vợ chồng anh Thuận thuộc hộ nghèo nhất nhì trong làng. Gia tài lớn nhất là ngôi nhà cấp 4 được xây dựng cách đây hơn chục năm giờ cũng đã ọp ẹp. Quý hơn là hai đứa con. Con gái đầu là Hoàn. Vì trường học cách nhà cả hơn chục cây số, đường sá lại khó khăn nên vợ chồng anh cho con ở trọ gần trường để tiện cho việc học. Hoàn ở trọ chung với hai bạn cùng lớp có cùng hoàn cảnh, nấu ăn chung với nhau từ năm lớp 10. Bình thường đi học về, cả ba lại xắn tay mỗi người một việc: cắm cơm, nhặt rau, nấu thức ăn. Chẳng ngờ hôm ấy, Hoàn và một người bạn nữa đang nấu thức ăn thì bếp ga mini tự nhiên phát nổ. Cả hai bị bỏng và được người trong xóm trọ đưa đến bệnh viện huyện. Tai nạn lại xảy ra đúng vào những ngày Hoàn đang ôn thi đại học. Vợ chồng anh Thuận nghe tin con, đau đớn đứt ruột liền bỏ công việc, hớt hải chở nhau xuống chỗ con. Nhưng vì vết bỏng của Hoàn quá nặng, anh Thuận nghe theo bác sĩ chuyển con vào bệnh viện thành phố để điều trị.

Nhà neo đơn, cả hai vợ chồng anh Thuận phải vào Sài Gòn để chăm sóc con gái. Một mình Hải, con trai út của anh chị ở lại quê, vừa đi học vừa trông nhà và tự lo cơm nước. Đã nghèo lại còn eo. Kể từ khi Hoàn được chuyển vào bệnh viện thành phố, số tiền cần để lo cho con lại càng tốn kém gấp bội. Dẫu thế, điều anh Thuận quan tâm nhất vẫn là tình trạng sức khỏe của con gái. Nhớ lại ước mơ muốn được trở thành cô giáo mà con từng nói trong những bữa cơm chiều cuối tuần ở nhà, anh lại bùi ngùi; vừa thương con, anh vừa tự trách mình.

Chị Thục nhẹ nhàng đỡ anh Thuận dịch từng bước khó nhọc đến bên giường bệnh của con gái. Hai đùi anh máu hãy còn ri rỉ thấm qua lớp băng trắng, răng anh cắn chặt cố nén cơn đau. Đôi mắt đầy hy vọng của anh vẫn hướng về Hoàn đang nằm trên giường. Cô bé sáng nay đã có thể mở mắt. Hoàn đã nghe được và trò chuyện với ba mẹ bằng ánh mắt. Vợ chồng anh Thuận vui mừng nói với con những điều tốt đẹp.

Bác sĩ An bước vào. Ông vui vẻ hướng về Hoàn rồi nhìn sang vợ chồng anh Thuận:

– Việc lấy da ở hai chân anh cấy ghép cho cháu Hoàn đã giúp cháu qua khỏi chứng nhiễm trùng máu. Chúng tôi sẽ phải làm thêm hai, ba lần phẫu thuật nữa để cải thiện da trên toàn bộ người cháu.

– Vợ chồng tôi mang ơn các bác sĩ rất nhiều. Chẳng biết lấy gì để mà đền đáp các bác sĩ. Chị Thục sụt sùi nói lời cảm ơn.

– Không. Chính tình yêu thương của anh chị đã đem tới điều kỳ diệu cho cô bé. Để cứu con gái, anh Thuận đã vượt qua cuộc tiểu phẫu lấy da đầy đau đớn. Anh Thuận mới chính là người được kính trọng, anh là người cha tuyệt vời và cũng là người thầy thuốc nhân từ nhất mà tôi từng thấy!… Khi nhìn sang Hoàn, bác sĩ An bỗng thấy đôi môi cô bé hé nở một nụ cười, hai hàng nước mắt cô bé rỉ ra thấm ướt chiếc gối màu trắng sữa đang nằm.

Gần một tháng Hoàn nằm điều trị trong bệnh viện thành phố. Mỗi ngày thấy con có những tiến triển tích cực, anh Thuận và chị Thục vui khôn xiết. Bệnh nhân nằm cùng phòng với Hoàn, có người đã xuất viện. Trước khi về, họ rủ nhau góp chút tiền coi như “lá lành đùm lá rách” để giúp con gái anh chị tiếp tục ở lại điều trị. Tấm lòng của họ, anh chị chẳng biết phải cảm ơn bằng cách nào.

Mấy bữa nay, Hoàn đã hồi phục thêm được mấy phần. Con bé đã có thể thều thào được dăm ba câu ngắn. Điều đầu tiên sau khi nói được là sự quan tâm của Hoàn với ba. Khẽ nghiêng mình, đôi mắt Hoàn rưng rưng nước hướng về phía anh Thuận đang ngồi bên:

– Con xin lỗi ba, vì con mà ba thêm khổ.

– Đừng nói vậy, con gái. Đó chỉ là một tai nạn thôi. Vì con, ba mẹ sẽ làm tất cả những gì có thể. 

An Viên