Nhìn về phía chùa Vàng, nắng chiều đỏ chu sa trên lớp vàng chói chang lấp lánh. Tu sĩ lần tràng hạt bồ-đề, mắt nhắm nghiền trông như một pho tượng. Tu sĩ từ từ mở mắt, như nhớ ra điều gì quan trọng, liền vội đi đun nước. Chiều nay có một buổi hẹn uống trà.
 
Khách là một người từ phương xa tới. Cách nghìn dặm, chênh lệch nửa múi giờ. Củi nổ lép bép. Lửa bùng lên như cười dưới chiếc ấm đồng hun. Tu sĩ mở nắp thấy nước đã sủi mắt cua, đoạn lấy cây gậy vông nâng ấm nước đặt xuống cái rế mây. Nước sôi sánh ra vài giọt vào chân làm tu sĩ giật mình. Con người tu sĩ sắp gặp là một gã đàn ông một thời sừng sỏ.

Người đàn ông ngồi xuống. Ông ta luống cuống một hồi mới an tọa. Thân hình quá đẫy đà làm ông ta gần ngã khi ngồi xếp bằng trên tọa cụ. Người đàn ông lấy tay chùi trán, đoạn xoay ly trà trong tay, một mắt nhìn tu sĩ, một mắt liếc trên mặt ly. Khách bảo:

– Trà nhà chùa xanh và thơm lắm. Sao thầy không dùng?

Tu sĩ hớp một miếng nước trắng pha đường, môi nở một nụ cười.

– Trà ô long Đài Loan ướp hoa giáng hương Miến Điện. Thứ này của thí chủ biếu, nay mang ra đãi khách.

Với thiền viện, người đàn ông là vị khách quý. Ông ta từ phương xa tới, tham gia một khóa tu ngắn hạn, khi chân tóc nửa muối nửa tiêu mọc nửa phân thì thôi. Ông là người hào hiệp hay cúng dường cho tu viện. Trụ trì nhà chùa rất quý. Nhưng do bất đồng ngôn ngữ nên việc giao tiếp bằng tiếng Anh cũng hạn chế. Sau nhà chùa phân công tu sĩ tiếp vị khách này vì cùng đồng hương.

Thật chả biết do nhân duyên hay nghiệp chướng, tu sĩ và vị khách từng là đồng nghiệp, cũng là đối thủ trên thương trường. Cơn bão tài chính đi qua càn quét thay đổi thân phận giàu nghèo. Biến những kẻ từ tay trắng thành có của ăn của để, biến những đại gia thành người vô sản. Những tay tài phiệt lão luyện trong và ngoài nước đã có kinh nghiệm, chúng làm xiếc trên giá chứng khoán, thao túng, làm giá. Chứng khoán có lúc như cục than hồng, ai cầm cuối cùng sẽ bỏng tay. Cả tu sĩ và vị khách đã cùng tham gia thị trường, có lúc đã có hàng triệu Mỹ kim trong tay. Nhưng ở đời tham thì thâm. Vị khách là một con cá mập, dùng nhiều thủ thuật đẩy giá chứng khoán. Tu sĩ xưa kia cũng là một tay thợ lái sành sõi, một tay nắm giữ một quỹ đầu tư với giá trị mấy trăm tỷ, trong đó có cả tiền bạc của gia đình và bạn bè. Họ tin tưởng vào tài năng của anh, người được đào tạo bài bản về chứng khoán ở xứ sương mù. Nhưng cuối cùng không biết ai che mắt hay do lòng tham, hay do cơn bão tài chính, anh đã đầu tư quá nhiều vào chứng khoán của công ty vị khách. Từng là blue chip trên thị trường, sau một tháng thành một mớ giấy lộn không đáng một xu.

Vị khách lấy tay bỏ miếng mứt gừng vào miệng nhai rồi chiêu thêm một ngụm trà. Tu sĩ vẫn ngồi lặng lẽ nhìn lũ quạ kêu toang toác trên ngọn những cây xoài phía vườn chùa. Đằng Tây ráng chiều mầu mỡ gà hừng lên rực rỡ như vàng nung chảy, chỉ trong chớp mắt biến mất để lại bầu trời một mầu tím hoa cà. Khách không nhận ra tu sĩ này chính là người quen, bởi trước đây anh nặng chín mươi ký. Sau mấy năm tu tập, ăn chay trường, thạo việc kinh kệ, quen việc khất thực, giờ trước mặt vị khách là một tu sĩ gầy guộc vận tam đoạn y màu vàng, nước da đỏ au như đồng hun, gương mặt góc cạnh, ánh mắt thoát tục. Khác hẳn một con cá mập tài chính mặc áo vest hiệu Paul Smith, sơ-mi đắt tiền gắn măng-sét kim cương.

Mấy lần khách hỏi về quê hương bản quán của tu sĩ, nhưng nhà sư chỉ cười không nói. Lần trước khách cúng dường rất hậu, vì ông muốn thỉnh một vật của tu sĩ. Khách đã tiết lộ rất thích vật đó. Ông cúng dường cho thiền viện một tạ gạo, năm cân trà ô long, nửa cân hồng sâm. Khách có một thỉnh nguyện là nhận chuỗi hạt đang đeo ở tay tu sĩ. Vòng tay có gì đáng giá, chỉ là một chuỗi xâu những thứ nhặt được một cách ngẫu nhiên. Một hạt bồ-đề, một viên sỏi, dăm viên đá màu, một vài miếng gốm. Nhưng nó rất có giá trị với tu sĩ. Đó là di vật của sư phụ anh để lại sau khi viên tịch. Vị khách đã thích nó, một mực đòi thỉnh, ông ta nói mong gặp phước báu của các bậc chân tu. Trong lòng tu sĩ có một chút ngần ngại, nhưng trụ trì nói, với người tu hành trên đời này có vàng ngọc nào quý bằng sự giác ngộ. Huống chi chỉ là một vật tầm thường. Nếu vì một kỷ niệm mà cố giữ là tham, là chấp. Tu sĩ nghe nói vậy liền trao chuỗi tràng hạt cho khách.

Vị khách mân mê chiếc tràng hạt trên cổ tay. Ông nói rằng mình gặp rất nhiều may mắn khi đeo chuỗi tràng hạt này.

Nhưng lần này vị khách cúng dường một số tiền rất lớn để tu sửa lại thiền viện. Ông ta chỉ có một thỉnh cầu, đó là được nhận một chuỗi hạt đá châu số. Đây là di vật còn lại cuối cùng của sư phụ tu sĩ. Chuỗi hạt được kết từ một trăm lẻ tám viên đá đủ mầu. Với số tiền khách bỏ ra, ông ta có thể mua được rất nhiều đá quý trên thị trường. Những lúc nhàn rỗi, đem di vật của sư phụ ra ngắm, tu sĩ thấy chuỗi dây có vài viên mã não, vài viên thạch anh, mấy viên ngọc thạch, toàn những thứ giá bán dưới mười đô ở chợ ngọc. Duy chỉ có một viên sapphire khá lớn. Nhưng cho dù viên sapphire có giá đến đâu cũng không quá một trăm Mỹ kim. Hay vị khách là một tay đầu tư sành sõi, biết giá trị đặc biệt của viên đá. Trụ trì đã nói với tu sĩ, thôi người ta thích gì cứ đưa, ngọc ngà với người này là báu vật nhưng đối với người kia chỉ là cục đá mà thôi. Nếu vì yêu quý vị Trưởng lão đã viên tịch, hãy cố gắng tu tập tinh tấn, để xứng đáng là đệ tử của người.

Vợ bỏ, người thân xa lánh, bạn bè không ai hỏi han. Trước đây, anh là kẻ thất bại, đã tự tử không chết. Anh sống cheo leo trên bờ vực của căn bệnh trầm cảm. Do cơ duyên anh tìm đến thiền viện, tưởng rằng sau một hai năm sẽ hoàn tục. Nhưng anh thấy có duyên với Phật pháp, thời gian trôi cũng đã bảy năm rồi. Các vị cao tăng khen anh ngày càng tinh tấn. Đêm qua anh mang chuỗi hạt ra soi dưới ánh đèn, đúng là viên sapphire hoàn hảo. Nếu gặp tay buôn ngọc có nghề, có thể đến mấy chục ngàn Mỹ kim. Vị tu sĩ cũng chỉ phỏng đoán thế. Nhưng nửa đêm anh sực tỉnh, hóa ra con ma vương nó đến quấy nhiễu mình. Nó làm anh tính toán về giá trị đồng tiền, hà hơi tam độc, làm động tâm người tu hành.

Vị khách ngồi nhấp nhỏm không yên. Tu sĩ như hiểu ý liền bảo chờ chút, rồi đi vào phòng riêng lấy ra một hộp bằng gỗ mun trao cho vị khách. Vị khách hai tay đỡ lấy, vội vàng mở hộp, lấy viên đá soi dưới ánh đèn vàng. Trên khóe môi vị khách hé nửa nụ cười. Tu sĩ sực nhớ ra, nụ cười hãnh tiến hay đắc thắng của ông ta trên tivi khi nói về tương lai đại công ty tám năm về trước.

Tu sĩ một mình ngồi trong bóng tối thiền định. Ngoài vườn chùa trăng non đã lên trên đỉnh ngọn dừa. Lũ dơi chao lượn trên nóc chùa. Tu sĩ định nói cho vị khách biết, chuỗi hạt chẳng có giá trị gì nhiều đâu. Viên sapphire không hoàn hảo. Ngọc có vết. Hay bởi lòng tham mà vị khách đã lóa mắt. Như lũ dơi kia chúng chỉ đi tìm trái chín, với chúng ngọc ngà có giá trị gì. Nhưng người ta hay nói ngọc vô giá. Với người phàm trần, thích châu báu có gì sai? Miễn là việc thích đó làm con người an lạc, không phạm vào dối trá, tà dâm hay trộm cắp.

Vị khách soi đi soi lại viên ngọc dưới đèn chuyên dụng. Hóa ra viên sapphire là thứ phế phẩm, chẳng đáng vài chục đô. Ông ta thấy kỳ, tại sao mấy lần trước, bằng con mắt nhà nghề ông thấy viên ngọc thật hoàn hảo. Phải chăng kinh nghiệm buôn đá quý bao nhiêu năm vẫn bị nhầm. Ông ta bực mình ném cả tràng hạt xuống đất. Những viên đá thi nhau nảy lên thành những âm thanh kỳ lạ một hồi rồi im bặt.

Ba tháng sau, tại một bảo tàng tư nhân, người ta rồng rắn mua vé năm trăm nghìn để được chiêm ngưỡng viên ngọc. Một đại gia bất động sản mới nổi đánh tiếng mua viên đá một triệu đô. Bởi khi soi dưới ánh đèn, bên trong viên đá có hình bản đồ tỉnh X, quê hương đại gia.

Khi nhìn thấy hình viên sapphire trên tạp chí Ngọc Học, thứ vị khách bán đi với giá bằng một cân thịt bò Úc, ông đã rụng rời chân tay. Tỉnh X cũng là quê hương ông, sao ông không nhận ra nhỉ. Thôi tự trách mình dốt môn địa lý.

Ông điên cuồng lấy kính lúp soi từng viên đá đang có, mong tìm ra một cái gì. Nhưng tịnh toàn thứ đá quý tốt. Chẳng viên nào có hình thù gì.

Vũ Văn Song Toàn