Đầu tháng bảy, mưa rả rích suốt ngày. Tôi nhớ lại khi mình còn bé, có những ngày trời cũng mưa như vậy, cũng gió như vậy, tôi ngồi trước thềm nhà cùng anh trai trông ngóng bóng Mẹ về.

Mẹ tôi bán gánh bún mỗi ngày nuôi sáu anh chị em tôi trong độ tuổi lớn, tuổi ăn, tuổi học. Nằm trên chiếc chõng tre, nghe tiếng mưa rơi lộp độp đâu trên mấy phiến lá to, tôi thường tưởng tiếng bước chân mẹ về tới, nhưng mỗi lần chạy ra là không thấy Mẹ đâu, nên cứ mỗi ngày mưa, tôi lại ra trước thềm mà ngóng.

Trong màn mưa mịt mù, bóng Mẹ như đang nghiêng ngã theo gió, theo mưa. Những ngày mưa như thế, Mẹ thường về với bên vai nặng trĩu vì gánh bún còn hơn phân nửa. Chính những ngày ấy, anh chị em chúng tôi lại xúm xít bên Mẹ, ăn bún thay cơm và nghe những câu chuyện xưa Mẹ kể. Ba nằm trong phòng trong, rên hự hự bởi bao tử hoành hành. Ba đau bệnh không làm được gì, nhưng lại là chỗ dựa tinh thần vững chãi cho cả gia đình. Mẹ một mình tần tảo nắng mưa, ngày này qua ngày khác, chưa bao giờ nghe Mẹ thở một tiếng thở dài.

Chị Hai, anh Hai xin Mẹ nghỉ học để phụ giúp việc gia đình, Mẹ một mực từ chối. Mẹ đã buông lỡ ước mơ trở thành một cô giáo dạy văn nên mẹ không muốn các con của Mẹ cũng lỡ dở việc học hành mà gác lại tương lai muôn vẻ. Một mình Mẹ, âm thầm, vui vẻ chịu cực, chịu thương, chịu khổ, thấy các con ấm no ăn học là Mẹ ấm lòng.

Trải suốt một thời gian như thế, thật lâu, thật dài. Mẹ tôi, với sức mạnh của người mẹ thương con, không một lần người ngã bệnh, không một ngày trễ nải việc bán buôn. Hết bán bún, xoay qua bán chè, bán bánh thuẫn, buôn trà,… cái gì có thể làm Mẹ tôi đều làm cả.

Nhớ những năm tôi học lớp năm, lớp sáu, gia cảnh còn nhiều khó khăn. Chị hai theo học đại học y khoa, Mẹ chạy khắp nơi lo tiền học phí, nhất quyết không cho chị bỏ học. Anh hai lén Mẹ, làm tài xế xe tải, Mẹ buồn, Mẹ giận. Ngày gần Tết, nhiều người đến tìm Mẹ lắm, họ đến đòi nợ mà Mẹ tôi vay chưa kịp trả, ấy thế mà khi đến nhà tôi, ngồi nói chuyện với Mẹ một hồi lại thành ra chuyện xưa chuyện nay, chuyện cười, chuyện hóm hỉnh, rồi họ hỷ hả ra về. Tài nói chuyện, kể chuyện của Mẹ, tôi ngàn lần bái phục.

Những năm tôi lên trung học phổ thông, gia đình căn bản khá hơn, Mẹ không phải buôn bán tảo tần nữa mà chuyển sang bán sách vở, các anh chị đều tự lập và có công ăn việc làm ổn định, chị hai lập gia đình và hỗ trợ Mẹ rất nhiều. Tốt nghiệp phổ thông, tôi xin Mẹ xuất gia tu học, chị tôi và anh kế tôi cũng lần lượt xin xuất gia… Mẹ tôi cũng nhẹ lòng, rũ bỏ trần duyên vào chùa nương bóng từ quang của Phật.

Hôm nay, nghe tin mẹ vừa khám bệnh trở về, mang trong mình căn bệnh xơ gan quái ác. Bao nhiêu năm gian khổ, những tưởng tuổi về chiều nương tiếng kinh kệ, an lạc thân tâm thì bệnh tật hoành hành Mẹ. Căn bệnh tích tụ bao nhiêu năm qua, Mẹ vẫn chịu đựng được nó mà các con chẳng hề hay biết, cho đến hôm nay nỗi đau thân xác quật ngã Mẹ rồi.

Nhìn Mẹ ngồi trên chiếc ghế mây, thân hình tiều tụy nhưng nụ cười an lạc, đang khe khẽ hát những lời ca thuở nào Mẹ vẫn thích: “không có đâu em này, không có cái chết đầu tiên, và có đâu bao giờ, đâu có cái chết sau cùng… Mệt quá thân ta này, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi, mệt quá thân ta này, nằm xuống với đất muôn đời,…”.

Tuổi 68 chưa phải quá già nhưng trông mẹ tiều tụy thấy rõ. Nhìn dáng Mẹ hao gầy, lòng tôi đau quặn. Mẹ nói với tôi rằng: “Mẹ không cần các con chăm sóc Mẹ, ở đây đã có người lo rồi. Mong mỏi của Mẹ là con tu dưỡng học hành thật tốt, mai này trưởng thành cả đạo đức lẫn trí tuệ, lợi ích cho mọi người, lợi lạc cho Phật pháp, đừng sống vị kỉ, đừng chỉ biết đến Mẹ của con mà thôi. Đó là cách con báo hiếu Mẹ, hãy cho Mẹ được làm Mẹ của những đứa con có thể đảm đương Phật sự, góp phần làm đẹp tươi cuộc đời, vậy là đủ lắm”.

Tôi biết nói làm sao, những hy sinh mà Mẹ cả đời lam lũ, những lời dạy trân quý của Mẹ luôn khắc sâu trong tâm khảm này. Tôi cũng thì thầm vài lời ca xưa: “Mẹ là chất liệu thơm mát phi thường, Mẹ là suối mát reo vui, Mẹ là nắng ấm mùa xuân, tình Mẹ là biển, lòng mẹ bao la…”. Ngày tháng Bảy – mùa Vu lan, nhớ ân tình Mẹ, con xin nguyện một lòng cố gắng đáp ơn Mẹ hiền bằng cách dốc lòng tu tập, phục vụ quần sanh.
 


Bạch Tịnh