Xin khổ đau đừng níu kéo

Sống và chết chỉ là tiến trình của sự sống

Thân này là nghiệp và vẫn còn mang thân này thì vẫn phải trả nghiệp. Các vị tu sĩ đã thành tựu A la hán vẫn phải trả nghiệp. Tôi được dạy rằng, Con học hạnh từ bi hay hạnh lắng nghe thì cũng có một thứ hạnh mà con cũng nên thực tập là hạnh báo oán, tức là kham nhẫn với tất cả các dòng nghiệp đã đang và sẽ trổ ra, khi gặp nghịch cảnh khổ nạn, hãy tự nghĩ đây là quả báo do nghiệp bất thiện trong quá khứ, cho nên kham nhẫn với nghiệp cũng là một hạnh.

Chúng ta thường muốn níu kéo sự sống và ai sống lâu thì được cho là có nhiều phước báu. Phật dạy, Dù có sống một trăm năm mà không thấy pháp diệt sinh, đâu bằng sống một ngày mà thấy pháp diệt sinh. Nếu chúng ta sống thật lâu, tiêu thụ rất nhiều nhưng con đường chánh pháp không thực tập thì việc sống lâu không mang lại nhiều lợi ích. Chết là một điều kiện nhắc nhở ta trân quý sự sống trong giây phút hiện tại. Nếu không ai chết cả thì địa cầu không đủ sức chứa và không đủ sức nuôi.

Kham nhẫn với sự sống và kham nhẫn với sự chết. Sự sống có những khổ đau và kham nhẫn với khổ đau để khổ đau bớt khổ. Biết rằng cái chết sẽ đến và cái chết dày đặc khắp nơi nên ta bình thản với cái chết để không còn sợ hãi gì nữa.

Sống và chết là tiến trình của sự sống. Trong sự sống có sự chết và trong sự chết có sự sống. Một bông hoa sinh ra rồi cũng úa tàn nhưng sự úa tàn này không phải là mất đi mà chỉ thay hình đổi dạng. Thân rác của hoa đi vào đất, tiếp tục nuôi dưỡng đất và nuôi lại thân cây hoa hoặc thân cây khác cho đến khi thân cây lại sinh ra một bông hoa mới. Sống và chết là những sự kiện liên tục diễn ra. Có thể nói là diễn ra đồng thời, không có gì gọi là vượt trội. Một đứa trẻ vừa sinh ra là đang chết dần.

Một ngày trôi qua là một ngày sắp chết đến gần. Ta nói niềm tin vào sự sống là lạc quan và niềm tin vào sự chết là bi quan, đây chỉ là những ý niệm. Sống và chết là một thì cái nào cũng có thể là lạc quan hay bi quan. Vấn đề là cách chúng ta nhìn nhận sống và chết như thế nào. Không có gì sống và cũng không có gì chết cả. Tất cả đều đang biến chuyển theo các điều kiện được cung cấp. Năm 2013 cháy rừng ở Indonesia và lan sang Singapore làm một quốc gia được xem là sạch sẽ trở nên ô nhiễm bởi khói. Thay vì người ta tìm cách làm giảm sự ô nhiễm hay giúp đỡ người dân chống lại sự ô nhiễm thì lại đổ thừa cho nhau.

Thật ra phải tìm hiểu xem sao khói không lan sang nước khác nhưng lại lan sang nước mình. Những hoạt động ở nước khác đều có thể ảnh hưởng đến nước mình và ngược lại, nên cái chết của một quốc gia có thể ảnh hưởng đến cái sống của quốc gia khác. Khi sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia gia tăng thì một nền kinh tế chủ chốt phát triển có thể kéo theo nhiều nền kinh tế khác phát triển, nhưng nếu một nền kinh tế chủ chốt khủng hoảng có thể kéo theo nhiều nền kinh tế khác khủng hoảng.

Trong sạch sẽ có ô nhiễm và trong ô nhiễm có sạch sẽ. Do có mặt các yếu tố ô nhiễm nên ta quyết dọn dẹp cho sạch sẽ. Muốn sạch sẽ thì chúng ta xứ lý ô nhiễm ở đâu? Một số quốc gia sợ gây ô nhiễm cho nước mình nên dời nhà máy sang nước khác. Nếu gây ô nhiễm ở nước khác thì ngay chính nước họ sẽ có những ô nhiễm khác nữa. Nếu giữ sạch sẽ ở nước khác thì tính sạch sẽ ở nước họ sẽ được bảo tồn.

Cũng vậy một quốc gia phát triển bằng cách làm kiệt quệ quốc gia khác thì chẳng khác nào chính họ tự làm cho mình kiệt quệ, thậm chí tính kiệt quệ sẽ nhanh chóng và lan tràn ghê gớm. Sự sống kéo dài vì ta cung cấp cho sự sống nhiều phẩm chất của sự sống. Cái chết bất ngờ vì ta cung cấp cho sự sống quá nhiều điều kiện chấm dứt sự sống. Chết tức là sống. Tại sao chúng ta sợ hãi một thân hình già nua, đầy bệnh tật mà không chịu đón nhận một hình hài mới? Nhưng còn gá thân vào bụng mẹ thì còn chịu cảnh sinh tử. Muốn hết sinh tử thì đừng cung cấp các điều kiện cho sinh tử diễn ra nữa.

Kẹt vào sinh tử thì khổ đau vẫn còn và tiếp tục níu kéo chúng sinh. Còn làm chúng sinh là còn khổ đau. Không phải khổ đau quí mến chúng ta mà do chúng ta cứ làm cho khổ đau biểu hiện ra. Tâm cứ mong cầu đủ thứ nên không thấy đạo. Giải thoát là giải thoát khỏi những mong cầu, bao hàm cả hạnh phúc lẫn khổ đau. Tâm không mong cầu là tâm biết đạo.

Chuyện rất dễ nhưng không mấy ai làm được. Chúng ta mong cầu đủ thứ nên chúng ta không thể vô tâm. Làm Phật sự phải vô tâm, không nghĩ rằng mình đang làm Phật sự, như thế mới thật là công đức. Cái gì chúng ta làm cũng đều dụng tâm nên chưa vô tâm được. Làm việc gì cũng đều có mong cầu nên phiền não đi liền theo sau đó. Khổ đau núp trong những phiền não và khi chúng trổ ra, thân tâm chúng ta bị trì triết ghê gớm. Có những mong cầu đến rồi đi, có những phiền não đến rồi đi. Những cái chúng ta thấy một lần rồi không thấy nữa thì hiểu mọi thứ đều là hư vọng.

Các đối tượng của mong cầu đều hư vọng, và khi chúng lớn dần lên, hư vọng cũng to theo.  Việc tu tập cũng có nhiều mong cầu như thấy cái này cái kia, hay đạt cảnh giới này cảnh giới kia. Không đắc không chứng mới là chân giải thoát. Sự thật là người tu tìm về giải thoát hơn là đạt được sự giải thoát. Gần đây các chuyên gia cho rằng Cà Mau nằm ở phía nam của Việt Nam có khả năng sẽ biến mất  vì đang chìm dần xuống do nạn khai thác nước ngầm và phá rừng tràn lan.

Sự tác động của con người vào thiên nhiên khiến thiên nhiên bị biến đổi. Những nhu cầu về sử dụng nước ngầm để nuôi tôm và các giếng khoan nước ngầm vì thế được sử dụng. Khi các cảnh báo về ngập mặn được đưa ra, không biết người ta có dừng lại không hay tiếp tục khai thác. Một khi Cà Mau không còn, hay vừa mới thấy đây chẳng bao lâu không còn nữa mới thấy một vủng đất Cà Mau đã từng rộng lớn cũng là một điều hư vọng. Ngay cả địa cầu to lớn cũng rất mong manh, không thật sự bền chắc thì những cái gọi là sự nghiệp, danh vọng, tiền tài có xá gì.

Chúng ta chạy theo những hư vọng và sống chết vì chúng nên khổ đau cứ níu kéo. Chúng ta khổ, chúng ta đau vì chúng ta không buông được. Chỉ cần buông chúng ra thôi, chúng ta đã thấy khỏe và nhiều thì giờ thực tập hạnh phúc đích thực. Cái gì sinh ra cũng phải chết đi, đừng bao giờ tầm cầu sự mãi mãi. Sự nghiệp rỡ ràng cách mấy cũng phải gục ngã, tiền bạc nhiều cách mấy cũng vơi dần, tình yêu đẹp cách mấy cũng sẽ tàn phai. Nó như một chu kỳ, có cao có thấp, có thăng có trầm, có đẹp đẽ có tàn phai, có sinh có tử, có hạnh phúc có khổ đau.

Phật dạy, Hãy quán niệm về sự chết, hãy tự nhủ rằng, đời sống của ta thật mong manh, cái chết của ta là điều cố nhiên, ta chắc chắn sẽ chết và cái chết chấm dứt đời ta. Đời sống luôn thay đổi nhưng cái chết thì không bao giờ thay đổi. Không quán niệm về sự chết, ta sẽ sợ hãi khi giờ lâm chung đến, và chết đi trong kinh hoàng sợ hãi. Như một người đang đi trên đường gặp một con rắn, trong tay không có cây gậy nào, nên rất run rẩy. Nếu thường xuyên quán niệm về sự chết, giây phút cuối của cuộc đời sẽ không sợ hãi. Như một người gan dạ, thấy con rắn từ xa, có sẵn gậy trong tay mà hất nó đi. Vì thế hãy quán niệm về sự chết. (49)

Quán niệm về cái chết để không sợ hãi cái chết. Nó là minh chứng cho sự vô thường, cho sự không muôn năm. Người chết kiểu này, người chết kiểu khác nhưng ai cũng phải chết. Có người nằm ngủ một giấc rồi ra đi rất thanh thản, lại có người chết rất thê thảm. Nhưng cách chết không quan trọng, vấn đề là thái độ đón nhận cái chết như thế nào. Phật sau lần bị kiết lỵ nên sức khỏe suy giảm trầm trọng.

Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá. Thầy Mục Kiền Liên chết vì bị sát hại. Các vị này đón nhận cái chết rất bình thản. Chết thôi mà, có gì đâu, thân tứ đại kết hợp thì thân tứ đại tan rã. Chúng ta vay mượn tứ đại bao nhiêu năm, 60 năm hay 100 năm cũng vậy thôi. Đã vay của tứ đại thì phải trả lại cho tứ đại. Tứ đại cũng rất bao dung và kiên nhẫn. Bao dung là không trách móc sao ta hành hạ tứ đại nhiều quá và kiên nhẫn là không có đòi ta phải trả tứ đại. Mọi thứ đều do duyên sinh và cũng do duyên diệt.

Duyên sinh đầy đủ thì biểu hiện ra và duyên diệt đầy đủ thì không còn biểu hiện nữa. Ta đi trong dòng sinh tử là đi trong dòng của duyên sinh và duyên diệt. Một cơn giận cũng có sinh tử trong đó. Nên quản trị được cơn giận thì cơn giận được phòng hộ, không phát khởi và nếu như có phát khởi, ta nhận diện được cơn giận và ta không để cơn giận sai sử ta, đồng thời chuyển hóa được cơn giận thành hồ sen tươi mát. Lúc này ta nhận diện được cái chết của cơn giận.

Thường xuyên quán niệm về sự sống thì cũng thường xuyên quán niệm về sự chết. Sống chết tương tức với nhau và là hai mặt của một đời sống. Là hai mặt nhưng không tách rời nhau, nên nói sống một đời sống thì cũng nói chết một đời chết. Có một tổ chức tuyển dụng nhiều người từ nhiều quốc gia khác nhau và sau đó họ sẽ được huấn luyện để sống cho đến lúc chết trên sao Hỏa.

Dự án này như một quá trình nghiên cứu, có thể là người ta đang tìm kiếm một vùng đất mới có thể thay thế địa cầu một khi địa cầu không thể dung chứa chúng sinh được nữa. Muốn làm được điều đó thì người ta phải nghiên cứu ngay bây giờ. Phải có người hy sinh cho một dự án và mục tiêu dài hơi trong tương lai. Sống rồi chết trên sao hỏa nghe có vẻ thú vị, nhưng điều chúng ta ai cũng biết rõ là dù có đi khắp bốn phương trời cũng không sao tránh khỏi cái chết.

Chết là điều hiển nhiên và mầu nhiệm như sống vậy. Nhiều người bấn loạn tìm đến tự tử vì quá đau đớn hay bị bức bách chuyện gì đó. Chết trong sợ hãi rất nguy hiểm, ta sẽ tiếp nối trong sự sợ hãi bởi vì sợ hãi đó chưa được chuyển hóa. Sợ hãi tiếp tục níu kéo chúng ta trong kiếp sống tiếp theo và cứ thế, ta luân hồi sợ hãi. Sợ hãi này vừa xong thì sợ hãi khác lại tới, liên tục mãi không thôi. Sợ hãi là một tố chất của khổ đau.

Trong khổ đau chúng ta đầy dẫy sợ hãi và chính sợ hãi làm cho khổ đau thêm sâu dày. Không sợ hãi sinh tử thì dần dần sinh tử sẽ cạn đi đến khi không còn sinh tử nữa. Chúng ta khổ đau vì cứ thâu tóm hay đầu cơ sinh tử và bao nhiêu chuyện diễn ra vì những tấn tuồng của sinh tử, không lẽ chúng ta chưa mệt mỏi hay sao?

Cứ mỗi buổi sáng thức dậy, tôi biết mình vẫn còn sống và có thêm một ngày tinh khôi nữa. Tôi nhắc mình thực tập sự tinh khôi bằng một bài kệ, Thức dậy hơi thở tinh khôi – Nụ cười trên môi rạng rỡ – Từ bi cho hoa sen nở – Trong tim bát ngát tình thương. Hoặc tôi đọc bài kệ của Sư Ông, Thức dậy miệng mỉm cười – Hai mươi bốn giờ tinh khôi – Xin nguyện sống trọn vẹn – Mắt thương nhìn cuộc đời. Tôi nguyện thực tập tình thương trong ngày hôm đó.

Dù người ta có nói gì, làm gì hay ứng xử với mình thế nào không còn quan trọng nữa. Tôi thực tập im lặng khi cần thiết và sử dụng thời gian đó để quán chiếu nhìn lại bản thân mình. Hôm vừa rồi đứa học trò chở tôi đi Long An, hai bên không có nhiều đồng lúa vàng như trên đường đi Cần Thơ hay Long Xuyên, nhưng trên đầu từng làn mây trắng cứ lững lờ trôi.

Tôi sợ học trò mệt nên cứ hỏi thăm. Tôi thấy may mắn vì có vài đứa học trò bên cạnh. Nghe mấy đứa chia sẻ nên cũng vui. Tôi chưa phải là một người phụng sự nhưng cũng tập tành làm một người phụng sự. Mai này tôi sẽ trở về cát bụi, hình hài dù trẻ trung hay tươi đẹp cũng tan rã nên còn sống đây thì tôi vẫn cứ vui. Cuộc đời có thể có nhiều nhọc nhằn nhưng nếu chấm vào nhọc nhằn những nụ cười, những tình thương, những trìu mến thì nhọc nhằn đó cũng đỡ đi phần nào.

Xin người hãy cứ tiếp tục vui và tiếp tục yêu thương. Đừng để thì giờ làm tàn phai cuộc sống. Đừng để những mệt mỏi làm yêu thương vụt bay. Tôi thực tập chánh niệm trong công việc nên không còn để ý đến những nhọc nhằn hay mệt mỏi của thế gian. Hôm qua bạn gái của em tôi bị tai nạn xe, rất may là chỉ bị trầy trụa vài chỗ. Tôi chợt thấy đời sống này mong manh quá. Những người mình trân quý hôm nay ngày mai có thể xa lìa, ngay cả mạng sống của mình cũng khó mà gìn giữ cho vẹn toàn.

Khổ đau có thể rình rập khắp nơi nên nếu không khéo thì sẽ bị nó vồ lấy. Sinh tử là đây, là lúc này. Giờ phút này đã có sinh tử rồi nên sinh không phải là cái đã rồi và tử không phải là cái sẽ tới trong tương lai. Sinh tử diễn ra trong từng sát na, là một tiến trình của cuộc đời, Đã hợp thì phải tan – Hãy tập sống đàng hoàng – Yêu thương trong hiện tại – Xá gì chuyện hợp tan.

Sáng sớm nay thức dậy
Tôi thấy mình còn sống
Thấy lúa vàng ngập đồng
Thấy mây bay thong dong.

Chuyến đò sắp về bến
Cái chết cũng gần kề
Đường bình yên mở cửa
Hỏi người thức giấc chưa?

Mai con về cát bụi
Xin người hãy cứ vui
Một tình thương để lại
Khoảnh khắc trong hình hài.

Phật Pháp Ứng Dụng chân thành cảm tạ Thiền giả Minh Thạnh đã cho phép chúng tôi sử dụng bài viết để trích đăng trên Website. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.