(PPUD) Dân gian thường nói: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, với người Phật tử thì có câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chay”, hay là “Lễ chùa quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”. Điều này cho thấy rằm tháng Giêng là một trong những ngày lễ quan trọng đối với người dân Việt Nam nói chung và trong Phật giáo nói riêng.

Những ngày này, nhiều chùa diễn ra các lễ hội từ đồng bằng Bắc bộ cho tới Miền Tây Nam bộ. Tháng Giêng – dường như được coi là tháng mà ai cũng nghĩ tới chuyện đi chùa đầu năm, là tháng để mọi người chăm sóc đời sống tâm linh mình mong khởi sự cho một năm làm việc mới.

Đứng về khía cạnh văn hóa, rằm rháng Giêng là một lễ lớn theo tín ngưỡng Việt Nam. Là một nước thuần nông, tháng Giêng là tháng bắt đầu của những người nông dân chuẩn bị xuống đồng. Trước khi hạ điền, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, để cầu cho mưa thuận gió hòa, mong một năm mùa màng bội thu.

Ý nghĩa của rằm tháng giêng

Trong 12 cái rằm, rằm tháng Giêng mang nhiều ý nghĩa với nhiều tên gọi khác nhau như: Tết Nguyên tiêu, Nguyên tịch, Nguyên dạ , Thượng nguyên v.v… Cách gọi này bắt nguồn từ sự giao lưu, tiếp nhận văn hóa Trung Hoa và có  sự kết hợp hài hòa với văn hóa bản địa.

Với người Hoa, rằm tháng Giêng còn gọi là tết Nguyên Tiêu với lễ hội cúng Hoa Đăng. Trong những ngày này mọi người làm bánh trôi. Theo lịch sử, bắt nguồn từ năm 180 trước Công nguyên, vua Hán Văn – nhà vua đời Tây Hán của Trung Quốc được lên ngôi đúng vào ngày rằng tháng Giêng. Để  chúc mừng, nhà vua Hán Văn quyết định lấy ngày rằm tháng Giêng là ngày hội Hoa Đăng. Hàng năm vào tối ngày rằm, nhà vua đều ra khỏi cung để  đi dạo cùng chung vui với người dân. Ngày hôm đó, nhà nào nhà nấy, trên khắp các ngả đường, thôn xóm đều treo đủ các loại đèn với muôn hình nghìn vẻ để mọi người thưởng thức.

Còn theo Nho học thì xưa ngày này là Tết Trạng Nguyên. Nhân dịp trăng sáng đầu năm, nhà vua cho mở đại tiệc tại vườn thượng uyển, triệu các vị trạng nguyên đến dự hội, ngắm cảnh, xem hoa, làm thơ xướng họa, ca ngợi các vẻ đẹp thiên nhiên và ân đức nhà vua đã đem lại thái bình thịnh trị. Từ đó về sau lễ hội  tết Nguyên Tiêu đã được lưu truyền rộng rãi trong dân.

Cũng trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa, Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam vào những thế kỷ đầu công nguyên và truyền thống văn hóa này được tiếp nhận vào nước ta. Ngày lễ rằm tháng Giêng hoà quyện vào văn hóa bản địa tạo thành một ngày lễ trong đại và đặc sắc. Theo truyền thống Phật giáo ngày lễ rằm tháng Giêng mang ý nghĩa rất lớn.

Ý nghĩa của rằm tháng giêng

Ngày lễ này tiếng Pali còn được gọi là Māgha Pūjā với hai sự kiện trọng đại gắng liền với cuộc đời và công cuộc hoằng dương chánh pháp của đức Phật:

Đây là ngày tụ hội của 1250 vị thánh tăng, trong số đó 1000 vị thuộc nhóm Jatila tức là nhóm đạo sĩ tóc bính và 250 vị kia thuộc nhóm Aggasavaka là đệ tử của ngài Xá -Lợi – Phất và ngài Mục – Kiền – Liên ại thành Vương Xá, mà không hề có sự triệu tập hay bất cứ dự tính nào trước.

Ngày này cũng chính là ngày đức Phật tròn đủ 80 tuổi và ngài hứa với ma Vương đúng 3 tháng nữa ngài sẽ nhập diệt, nhân dịp này ngài thuyết giảng bài kinh Ovādapātimokha với sự nhắn nhủ của Đấng Từ Phụ:

“Sabbapàpassa akaranam

kusalassa upasampadà,

sacittapariyodapanam,

etam buddhàna sàsanam”.

“Không làm mọi điều ác,

Thành tự các hạnh lành,

Tâm ý giữ trong sạch,

Chính lời chư Phật dạy”

Hán văn:

Chư ác mạc tác,

Chúng thiện phụng hành,

Tự tịnh kỳ ý,

Thị chư Phật giáo.

Lời giáo giới trên chỉ được truyền thống chư Phật tuyên bố khi hội đủ bốn điều kiện:

Đúng vào ngày rằm trăng tròn tháng Magha

Các vị tỳ khưu tự động đến bái kiến đức Phật

Các vị đều là thánh Alaha lục thông

Các vị đều xuất gia bằng cách Ehi bhikkhu

 Với những ý nghĩa trọng đại đó, các ngôi tự viện đồng loạt tổ chức lễ cúng rằm tháng Giêng nguyện cầu cho quốc thái dân an, xã hội an bình, nhà nhà an vui. Tại các chùa theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy thường kỷ niệm sự kiện trọng đại này bằng cách thọ hạnh đầu đà ngăn oai nghi nằm, thức trọn đêm; hoăc cúng đèn, hay cúng dường đặt bát đến chư Tăng cầu phúc đầu năm.

Đối với Phật giáo Đại Thừa, các chùa trong những ngày Rằm đều tổ chức những nghi thức cầu an cho đại chúng, có chùa còn làm lễ Quy y, tạo điều kiện để những người có duyên với Phật giáo được chính thức công nhận và học tập theo những điều Phật dạy. Có một số nơi biến ngày rằm tháng Giêng thành lễ mê tín, là ngày để cúng sao giải hạn đầu năm, để cầu duyên, cầu tài cầu lộc. Hoạt động này thuộc về tín ngưỡng văn hóa mang tính mê tín dị đoan, chẳng phải xuất phát từ đạo Phật.

Ý nghĩa của rằm tháng giêng

Có thể nói, đi chùa mùa Xuân, không khí Tết vẫn còn phảng phất đâu đây! Tin rằng, hiểu đúng ý nghĩa tốt đẹp ngày rằm tháng Giêng, mỗi người Phật tử sẽ khởi sự một năm an lạc bằng cách thực hiện những lời Phật dạy “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” để có 365 ngày vạn sự như ý!

Duyên Sen tổng lược

Theo Phật Pháp Ứng Dụng