Lúc đón mẹ lên phố, anh đã nghĩ mẹ sẽ vui nhiều, thảnh thơi nhiều. Anh nghĩ rồi mẹ sẽ rảnh tay rảnh chân thay vì đội mưa đội nắng chăm bẵm cho mấy luống rau ngoài vườn chẳng bao giờ ăn hết, thiếu điều gặp mấy người bán rong ngang qua đều ngoắt tay dúi cho mỗi người mỗi bịch đem về nấu cho sắp nhỏ.
Anh nghĩ rồi mẹ sẽ thôi nhớ lũ trẻ, bởi sống chung một ngôi nhà thì lo gì không nhìn thấy mặt nhau, anh viễn tưởng chắc hè này sẽ tránh nghe cơn làu bàu phát ra từ vành môi móm mém của mẹ vì không nhín ra chút thời gian ghé lại nhà cũ quê cũ, đỡ phải biết. Anh nghĩ rồi mẹ sẽ được đi đây đi đó khuây khỏa, thay vì gần cả đời người chôn chân nơi xó ruộng và chỉ mãi quẩn quanh ở đấy, buồn héo queo.
Nhưng nghĩ vậy chứ không phải vậy. Những ký ức quê xứ mẹ vẫn nhét đầy trong giỏ xách mang theo trên chuyến xe lên phố, ngạc nhiên là chẳng có miếng nào rớt rụng dưới vòng bánh xe quay. Bằng cách đó, mẹ giao tiếp bằng những câu chuyện không gắn liền phố xá, và đôi khi nó khiến người ta hụt hơi vì mải chạy theo những liên tưởng xa xôi chưa từng bắt gặp trong đời.
Phố cũng đối đãi mẹ bằng những hình ảnh trang hoàng của những con đường, tòa nhà, cảnh vật vừa đủ, nhưng không gây luyến lưu nhiều. Những thứ này không có trong tiềm thức của mẹ, bởi sự tiện lợi không thay thế cho những bóng cây, chân trời, nước lớn… Mẹ thấy mình tách biệt với những lạ xa.
Ở phố một thời gian, mẹ càng trở nên tiều tụy, như thể mẹ là một cái cây đã bén rễ suốt mấy mươi năm, nay bỗng dưng bị người ta bứng gốc di dời đi nơi khác. Mẹ cố len xuống những mạch nước ngầm nhưng chỉ va đụng toàn bê tông, đá sỏi. Xác xơ. Những sợi dây tình cảm ruột rà không cứu vãn được cơn buồn, mẹ thấy mình lạc quẻ trong một không gian chật hẹp của phố, lại càng tù túng vì chỉ mải ngồi thừ xem hết chương trình thời sự này đến chương trình giải trí khác, khi công việc, học hành, bận rộn kéo những con người trong ngôi nhà này vào trong guồng quay bất tận của nó và chỉ trở về sau buổi xế chiều.
Lúc đó anh mới ngấm ngầm nhận ra, mẹ thuộc về một không gian khác, không giống mình.
Mẹ trót yêu những thứ bình dị chân phương đã in sâu vào trong cội hồn, mà những thứ đó chỉ quê nhà mới có. Yêu gì không yêu lại đi yêu một không gian. Yêu một không gian thì làm sao mang theo được. Đó cũng là lúc anh thấy mình quay ngược thời gian và nhìn thấy mẹ nhanh nhảu ngắt từng đọt rau ngoài vườn đem vô bếp làm dậy hương nức mũi mỗi khi anh có dịp trở lại ngôi nhà tuổi thơ nương náu.
Và trong những ngày lang thang bờ bãi, anh may mắn nhìn thấy những chân trời gió lộng, những khúc sông rộng dài, bên này là mấy rặng dừa sai quả, bên kia tụi nhỏ đã thi nhau thả diều. Anh lục lọi một vài cơn nhớ mang theo bên người và bắt gặp hình ảnh của mình trong đó, lúc đôi chân chưa xa rời quê cũ đường cũ. Những thước phim trong trẻo như sông, phải ngó nghiêng úp mặt mới nhận ra một thời trẻ thơ lưu dấu.
Nên ngay thời khắc đó anh phát hiện ra một chân lý, rằng người ta sống trên cõi đời này không phụ thuộc vào vật chất xa hoa, giống như mẹ. Cũng như không thể cắt nghĩa được tại sao người ta chỉ muốn gắn bó cả đời người ở những nơi chốn quen thuộc đến nằm lòng, dù đôi khi nó làm người ta chán ngán. Bởi những đôi chân vòng tròn, dù có cố gắng tách rời bằng những tiện nghi đủ đầy cũng chẳng bao giờ dứt bỏ được quê hương xứ sở. Mẹ không có mưu cầu phải biết đó biết đây giống như anh từng hoài nghĩ, những thứ xa lạ đó không nằm trong vùng xốn xang của mẹ như mấy luống rau con cá hay sông sâu ghe chèo. Cho tới ngày mẹ quay về nhà cũ và vẫn giữ nếp sống như chưa từng rời đi, anh đã luôn tin như vậy.
Bởi vì yêu một không gian, người ta không cần bận lòng bất cứ nơi nào nữa.
Kai Hoàng