TÔN GIẢ A NA LUẬT
ANIRUDHA THIÊN NHÃN ÐỆ NHẤT

Sau khi thành đạo Ðức Phật xuống núi, đi giáo hóa khắp nơi, Ðức Phật cũng không quên trở về thành Ca Tỳ La Vệ thuyết pháp cho hàng vương tôn công tử, và đã khuyến hóa được nhiều thân thuộc xuất gia. Trong số 7 vương tử đi xuất gia có A Na Luật là bậc Thiên Nhãn Ðệ Nhất.

Tôn giả A Na Luật - Thiên nhãn đệ nhất

Dòng Họ A Na Luật

A Na Luật (Anirudha), là em ruột của Ma Ha Nam (Ma Ha Bạt Ðề), con thứ của Cam Lộ Phạn Vương dòng Sát Ðế Lợi. Ma Ha Nam đã được Phật Thích Ca đưa lên ngôi vua nước Ca Tỳ La Vệ, sau ngày vua Tịnh Phạn băng hà. Cam Lộ Vương là em thứ hai của Tịnh Phạn Vương, do đó A Na Luật là đường đệ của Phật Thích Ca. Lúc tuổi thơ, A Na Luật là một cậu bé được nhiều người thương mến. Ngài rất thông minh, hoạt bát, có tài âm nhạc hay ca hát, làm điệu bộ trước đám đông khiến ai cũng yêu quý. A Na Luật dược nuông chiều nuôi dưỡng trong hoàng cung, và bạn cùng chơi với Bạt Ðề và Kiếp Tân Na một cách ngây thơ, hồn nhiên. Khi đến tuổi trưởng thành A Na Luật có vóc dáng anh dũng, diện mạo khôi ngô tuấn tú, nên được nhiều thiếu nữ mơ tưởng đeo đuổi, nhưng với bản tính đoan chính, A Na Luật chẳng hề bị sắc dục làm xao động. Lúc Ðức Phật về Ca Tỳ La Vệ thuyết pháp, thấm nhuần mưa pháp xem nhẹ lạc thú trần gian, A Na Luật cùng với anh là Ma Ha Bạt Ðề và A Nan, Ðề Bà, Kiếp Tân Na, Bà Sa Nam Ðề và La Hầu La quyết tâm theo Phật xuất gia học đạo. Cả 7 vương tử kéo theo Ưu Ba Ly, một thợ cạo râu tóc thuộc giai cấp Thủ Ðà La đi theo. Ðược Phật chấp nhận, Ưu Ba Ly cạo bỏ râu tóc cho 7 vương tử. Khi về đến Tinh Xá, để thử xem các vương tử đã thật sự loại được tâm đắm say lạc thú hay chưa, Ðức Phật bảo cả 7 vị vào tịnh thất tĩnh tọa 1 tuần lễ rồi mới cho nhập giáo đoàn.

Ðạo Nghiệp của A Na Luật

Cự tuyệt thiếu nữ cầu hôn

Sau khi xuất gia và đã thông hiểu đạo lý giải thoát, A Na Luật được Phật phân công du hóa phương xa. Một hôm trên đường đến núi Kiều Tát La thuyết pháp, giữa đường gặp trời mưa, đêm tối, nhưng không có một cảnh già lam nào dành cho các Tỳ kheo tạm trú, A Na Luật đành đến nhà thường dân gõ cửa xin tạm tá túc một đêm. Ra mở cửa, thấy A Na Luật có hình tướng khôi ngô tuấn tú, trẻ đẹp, thiếu nữ rất vui mừng niềm nở mời vào. Trong nhà không có ai cả chỉ một mình thiếu nữ giữ nhà. Tấn thối lưỡng nan, cửa ngoài đã đóng kỹ, thế chẳng đặng đừng A Na Luật đành ở lại. Nhưng để giữ phẩm hạnh A Na Luật không nằm nghỉ mà ngồi kiết già nhất tâm tĩnh tọa. Ðến nửa đêm, dưới ánh sáng mông lung của ngọn đèn, thiếu nữ đến gạ gẫm chuyện với lời lẽ cợt nhã. A Na Luật một mực nín lặng không dám hé môi, mở mắt. Thiếu nữ kể lễ có nhiều trưởng giả đến cầu hôn nhưng nàng từ chối. Theo thiếu nữ, chuyện duyên nợ ba sinh nay mới đến thời điểm, nàng hết lời ca ngợi A Na Luật, nào là diện mạo khôi ngô tuấn tú, nào là da dẻ hồng hào, thân hình cân đối… So với nàng thật là xứng đôi vừa lứa mong được kết tóc xe tơ. Thiếu nữ yêu cầu A Na Luật ở luôn tại nhà này, cha mẹ nàng sẽ mừng rỡ vô cùng, thiếu nữ càng van xin khẩn khoản, A Na Luật càng nhắm kỹ đôi mắt, cố giữ tâm bất động. Thấy A Na Luật một mực kiên trì không lay động, thiếu nữ choàng tay qua thân Ngài. Thấy tình thế nguy ngập đến nơi A Na Luật mở mắt nhìn thẳng vào thiếu nữ và nói lời phản đối dữ dội. Thiếu nữ vô cùng thẹn thùng, xấu hổ và thất vọng, nằm vật xuống đất khóc than, gần như một người mắc bệnh tâm thần. Biết thiếu nữ có thể đã rối loạn thần kinh, A Na Luật đổi giọng ngọt ngào khuyên bảo và giảng giải cho thiếu nữ biết tham ái là gốc của sanh tử, người tu hành cần đem lưỡi gươm trí tuệ chặt đứt ái dục, thoát khỏi vòng luẩn quẩn sinh tử luân hồi. Nghe Ngài giảng giải thiếu nữ từ từ tỉnh ngộ, và vô cùng cảm mến đạo hạnh của Ngài. Trước khi trời sáng A Na Luật sửa soạn hành trình, thiếu nữ quỳ lạy sám hối và xin được quy y làm đệ tử.

Chứng Thiên Nhãn

Nhờ nghiêm trì phạm hạnh không bị nữ sắc cám dỗ, A Na Luật rất được mọi giới kính ngưỡng, nhưng A Na Luật chưa loại trừ được ma mê ngủ. Mỗi khi vào giảng đường nghe Phật thuyết pháp dù đã hết sức cố gắng, A Na Luật vẫn thường ngủ gục. Vài ba lần A Na Luật đã bị Phật quở trách. Một hôm Phật gọi A Na Luật đến bảo rằng:

Này A Na Luật! Ông xuất gia học đạo vì sợ phép nước hay sợ trộm cướp.

Bạch Thế Tôn! Không phải như vậy.

Thế vì lý do gì mà ông xuất gia?

Bạch Thế Tôn vì con chán cảnh sinh, lão, bệnh, tử và muốn giác ngộ, giải thoát hết các khổ não.

Này A Na Luật! Ông là con người đoan chính, phạm hạnh không sa ngã bở nữ sắc, cho nên được giáo đoàn kính trọng. Tính háo sắc, người đời khó trừ được còn ông là người không mù quáng, thế tại sao tính ham ngủ ông lại không dẹp bỏ được? Trong lúc nghe pháp mà ngủ thì bao giờ mới chứng đạo giải thoát?

Nghe Phật quở, A Na Luật quỳ lạy sám hối và phát lời thề rằng:

Bạch Thế Tôn con xin sám hối tội hay ngủ gục trong lúc nghe phá, cúi xin Ðức Thế Tôn lượng thứ. Từ nay về sau con sẵn sàng chịu mọi cực hình miễn sao diệt trừ được tật xấu ngủ gục.

Từ đó Tôn giả quyết tâm không ngủ. Lúc nào cũng mở to đôi mắt nhìn vào khoảng không, từ đầu hôm đến sáng, từ sáng đến chiều không chớp mắt. Sức người có hạn, sau những giờ làm việc mệt nhọc, con người cần có giấc ngủ để lấy lại sức lực. Sự vận hành của thiên nhiên giữ cho con người đuợc thăng bằng. Mặt trời xuất hiện soi sáng mọi vật, giúp con người hoạt động. Mặt trời đi ngủ khiến không khí mát mẻ, bóng đêm tràn ngập, giúp con người ngủ nghĩ để tâm hồn bình thản, trái với thiên nhiên, con người mất hết sức lực. Mất ngủ là một bệnh, cơ thể dã dượi, hai mắt sưng húp. A Na Luật đã cải thiên nhiên, ngồi chong mắt hết ngày nọ đến ngày kia, khiến hai mắt sưng vù.

Từ trên pháp tòa, nhìn thấy A Na Luật đã sưng vù hai mắt, Phật rất lo lắng gọi đến và dạy rằng:

Này A Na Luật! Người tu hành hãy tránh hai thái cực: Bất cập hoặc thái quá đều chẳng đạt đạo. Dây đàn căng quá hoặc chùng quá khiến đàn không kêu, dây đàn vừa phải, tiếng đàn mới thánh thót. Sự tu hành phải đi theo con đường trung đạo. Ông không nên hành đạo theo con đường thề độc của ông, nguy hiểm lắm đạo chưa đạt mà mắt đã mù, sẽ chịu thiệt hại nhiều thứ.

Bạch Thế Tôn! Con không thể trái nguyện, xin Thế Tôn cho con được giữ tròn.

Này A Na Luật! Sống trong đời con mắt rất cần yếu, mắt bị mù sẽ không thấy biết gì hết. Con người sống được nhờ ăn, có ngủ nghĩ con mắt mới tinh sáng. Giấc ngủ là thức ăn của con mắt, ông không ngủ tức là bắt mắt nhịn đói, đói ngủ nó sẽ mù sức khỏe của ông cũng sẽ kiệt, sức kiệt thì làm thế nào tiến đến Niết Bàn, ông nên biết Niết Bàn cũng cần thức ăn.

Bạch Thế Tôn! Thế thức ăn của Niết Bàn là gì?

Thức ăn của Niết Bàn là không buông lung (bất phóng dật), người không buông lung mới đạt Niết Bàn.

Mặc dù Phật từ mẫn khuyên bảo, Tôn giả vẫn không nghe cứ tiếp tục cố mở mắt, một thời gian ngắn, đôi mắt bị mù. Một hôm Tôn giả mặc một tấm áo, biết có chỗ rách bèn ngồi vá áo, nhưng không biết mượn ai xâu chỉ vào kim, Phật đến trước A Na Luật và nói:

Ðể ta xâu giúp cho.

Tình thương của Phật thật bao la, A Na Luật rất cảm động. Xâu chỉ xong, Phật trao kim lại nhưng A Na Luật cũng chẳng thấy để may, tay cứ mân mê cái áo. Thấy thế Ðức Phật lại bảo:

Ðể ta giúp cho.

Suốt ngày Phật nắm tay A Na Luật hướng dẫn để mũi kim lên xuống đều đặn, mãi đến chiều ba y đã vá xong. Ðể giúp cho A Na Luật không cần mắt thịt vẫn thấy xuyên suốt ba ngàn thế giới, Phật dạy A Na Luật phương pháp nhập định, luyện phép thiên nhiên. Bản chất vốn hay cương quyết, lại tuyệt đối tin Phật, A Na Luật chứng được Thiên Nhãn Thông. Ðược giáo đoàn suy tôn là bậc Thiên Nhãn Ðệ Nhất trong hàng Thánh chúng.

Tám Ðiều Giác Ngộ Của Bậc Ðại Nhân

Sau khi chứng Thiên nhãn thông Tôn giả đến trước Phật tỏ lòng biết ơn rồi thưa rằng:

Bạch Thế Tôn! Bước đầu của người xuất gia là loại trừ tham sân, ngã mạn, tật đố, để bản thân có phẩm hạnh vô ngã, vị tha, và đem lại cho mọi người được nhiều phước lạc. Nhưng để tiến xa hơn đến chân trời giác ngộ, giải thoát và niết bàn, người xuất gia còn phải thực hành những gì xin Thế Tôn chỉ giáo.

Ðức Phật hoan hỷ dạy rằng:

Hay thay! Hay thay! Người xuất gia cần phải hạ hóa thượng cầu. Ngoài việc làm lợi ích cho con người, cho xã hội, để giải thoát hàng Tỳ kheo cần phải thực hành “Tám điều giác ngộ của bậc đại nhân”. Ðó là:

Thứ nhất: Giác ngộ thế gian vô thường, đất nước nguy khốn, bốn đại khổ không, năm ấm không ngã, thảy đều sinh diệt, hư dối không thật, tâm là gốc tội, thân thể biến hoại. Quán sát như vậy dần lìa sinh tử.

Thứ hai: Giác ngộ tham dục gốc khổ dẫn vào sanh tử, thiểu dục vô vi thân tâm tự tại.

Thứ ba: Giác ngộ lòng tham không đáy, càng có càng cầu, càng thêm tội ác. Bồ tát ngược lại, ít muốn biết đủ, vui đạo quên nghèo, bồi đắp trí tuệ.

Thứ tư: Giác ngộ, lười biếng trụy lạc điều đáng tủi hổ, luôn luôn tinh tấn phá trừ phiền não, hàng phục tứ ma chống khỏi địa ngục giam hãm.

Thứ năm: Giác ngộ, ngu si là đầu mối của sanh tử, Bồ tát chăm lo học rộng nghe nhiều, tăng trưởng trí huệ sớm đuợc biện tài, giáo hóa chúng sinh là niềm vui lớn.

Thứ sáu:Giác ngộ, nghèo khổ sinh hận tạo thêm duyên dữ, Bồ tát không oán không ghét người ác, oán thân bình đẳng.

Thứ bảy: Giác ngộ, dục là nguồn họa, còn ở thế gian, tâm không đắm dục, tâm chí hướng về chí hạnh xuất gia giữ hạnh thanh bạch, cầu hạnh thanh tịnh thương khắp mọi loài.

Thứ tám: Giác ngộ, lửa sinh lửa tử, ngày đêm thiêu đốt, biển khổ không bờ, phát tâm độ sinh, thay hết chúng sinh, chịu vô lượng khổ khiến đều an vui.

Này A Na Luật! Chư Phật thường khai thị tám điều trên đây. Muốn được giác ngộ cần vận dụng tâm từ bi rộng lớn làm nền tảng cho vấn đề tu phướcvà huệ. Người đuợc như thế tất sẽ thành đạt cứu cánh Niết Bàn, thường lạc ngã tịnh.

Nhận Thức và Kết Luận

Trong nhân loại, giữa nam và nữ, nam mang tính lý trí và năng động, còn nữ thiên về tình cảm nên nặng tính thụ động và đặc biệt là tôn giáo tính. Bởi thế trong các cuộc lễ tôn giáo phái nữ chiếm nhiều hơn, ngưòi đi tu cũng chiếm đa số. Còn nếu xét về giai cấp thì từ xưa đến nay chỉ có Phật Thích Ca là vị xuất thân từ dòng dõi vua chúa, trong số đệ tử của Phật đa phần là giai cấp thấp hoặc từ đạo sĩ Bà La Môn chuyển hướng. Còn giai cấp Sát Ðế Lợi ngoài Ðức Phật chỉ có 8 vương tôn công tử,trong đó có A Na Luật người dám bỏ lạc thú trần gian để theo Phật xuất gia. Việt Nam có vua Trần Nhân Tông. A Na Luật là con người đoan chính lại rất ý chí, nên đã không bị nữ sắc lung lạc, lại giữ ý chí đến như cực đoan, trong vấn đề ma ngủ đến mù cả hai mắt. Lại cũng nhờ quyết chí A Na Luật đã chứng thánh, đạt được thiên nhãn thông. Ðược thế nhưng không dừng lại ở đó, Tôn giả lại thỉnh vấn Phật phương pháp giác ngộ và giải thoát cao hơn. Do đó Ðức Phật đã vì A Na Luật mà nói kinh Tám Ðiều Giác Ngộ của Bậc Ðại Nhân. Với kinh nàykhông chỉ là phương pháp giúp sự tu hành cho A Na Luật xưa kia mà ngày nay chúng ta cũng cần học để tiến tu. Sinh vào thời điểm mạt pháp, đạo nghiệp chúng ta rất yếu, trong lòng còn nhiềư tham ái, tật đố, ngu si, lười biếng, ích kỷ… Chúng ta nên noi gương Tôn giả A Na Luật, tâm niệm tư tưởng 8 điều giác ngộ, giữ tâm đoan chính, lập chí vững chắc để đừng bị tình đời lôi cuốn, hầu nâng cao phẩm hạnh đạo đức giúp ích cho đạo, lợi lạc cho đời và làm tư lương cho con đường tiến lên chân trời giác ngộ và giải thoát./.